Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng
5% là không thể chấp nhận
Cập nhật lúc 10:08
Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội
đồng Tiền lương quốc gia Mai Đức Chính sáng 28-7 khẳng định việc mức tăng
lương tối thiểu vùng năm 2018 chỉ là 5% như VCCI đưa ra là không thể chấp
nhận bởi nếu tăng 5% thì coi như không tăng, mà mới chỉ bù trượt giá.
Như thường lệ, phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn
ra sáng nay 28-7 tại khách sạn Công đoàn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là cuộc họp
kín, báo chí không được tham dự-Ảnh: Văn Duẩn
Vào lúc 8 giờ 30 sáng nay 28-7, tại khách
sạn Công đoàn, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp
phiên thứ 2 để bàn, thương lượng về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.
Cũng như thường lệ, đây là cuộc họp kín và
báo chí không được tham dự.
Hội đồng Tiền lương quốc gia do Thứ trưởng
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm Chủ tịch; 3 Phó chủ tịch Hội đồng gồm:
một Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; một Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt
Nam; và các uỷ viên của hội đồng là đại diện của nhiều cơ quan, ban ngành
khác..
Trao đổi với Báo Người Lao Động trước
khi phiên họp diễn ra sáng nay 28-7, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng
LĐLĐ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho rằng theo lộ
trình tiền lương tối thiểu đáp ứng như cầu sống tối thiểu của người lao động,
thì mức tăng lương năm 2018 phải là 13,3% theo như đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt
Nam. Còn nếu kéo dãn thời gian đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao
động thì ít nhất năm 2018 phải tăng lương ở mức 10%.
Phó chủ tịch Mai Đức Chính: mức tăng 5% như phía VCCI đưa ra là không
thể chấp nhận được- Ảnh: Văn Duẩn
"Quan trọng là Hội đồng tiền lương
quốc gia phải xác định được thời hạn kết thúc tiền lương tối thiểu đáp ứng
nhu cầu sống tối thiểu vào thời điểm năm nào thì mới rõ. Chứ nếu không thì
con số đề xuất mức tăng lương vẫn sẽ vênh nhau giữa tổ chức đại diện cho
doanh nghiệp và tổ chức đại diện cho người lao động"- ông Chính nói.
Ông Mai Đức Chính cũng cho biết trong đàm
phán, thương lượng, chắc chắn phải có bên lên, bên xuống, không thể cứ giữ
khư khư quan điểm cứng nhắc của mình. "Nhưng chúng tôi khẳng định, mức
tăng 5% như phía VCCI đưa ra là không thể chấp nhận được. Bởi thực ra, nếu
tăng ở mức 5% thì coi như không tăng, mà mới chỉ bù trượt giá. Như vậy không
thể chấp nhận được"- ông Chính bày tỏ.
Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho
biết trong khi các chỉ số kinh tế-xã hội của 6 tháng đầu năm 2017 đều có kết
quả tốt hơn năm 2016. "Vậy thì không có lí gì chỉ tăng lương tối thiểu ở
mức 5%"- ông Chính khẳng định và cho rằng nếu không đạt được kỳ vọng ở
mức tăng hợp lý, chắc chắn tổ chức đại diện cho người lao động sẽ xin dừng
cuộc thương lượng ở phiên thứ 2.
Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công
nhân công đoàn, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho biết tổ chức
Công đoàn kỳ vọng mức tăng lương tối thiểu năm 2018 phải là 10%. "Nếu
kết quả thương lượng không đạt được mức tăng 10%, chúng tôi sẽ phải hội ý,
thậm chí xin dừng phiên thương lượng"- ông Thọ bày tỏ.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI,
khẳng định mức đề xuất sẽ không cao hơn 5 %.
Ông Hoàng Quang Phòng: Mức đề xuất tăng sẽ không quá 5%
Được biết trước đó, VCCI đã đưa ra 2 quan
điểm: Không tăng lương tối thiểu hoặc nếu tăng sẽ ở mức dưới 5 %.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao
động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho rằng
rất khó để đoán định được kết quả của phiên đàm phán, thương lượng ở phiên
thứ 2.
Theo ông Diệp, việc thương lượng, đàm phán
về tiền lương, các chủ thể trong hội đồng phải có thiện chí. Thứ nhất, với cơ
quan đại diện cho nhà nước, luôn mong muốn người lao động nào cũng có việc
làm, ai cũng có thu nhập; đối với tổ chức đại diện cho người lao động, bao
giờ cũng mong muốn cải thiện tiền lương, phúc lợi cho người lao động, do đó
mong muốn có mức tăng cao nhất.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: rất khó để đoán định được kết quả của phiên
đàm phán, thương lượng ở phiên thứ 2-Ảnh: Văn Duẩn
"Nhưng mức mong muốn đó có thực hiện
được hay không, phụ thuộc vào khả năng chi trả của doanh nghiệp"- ông
Diệp nói.
Đối với phía đại diện cho doanh nghiệp, ông
Diệp cho rằng bao giờ cũng mong muốn giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp,
tăng lợi nhuận, tích luỹ để có thể mở rộng sản xuất. "Chính vì sự khác
biệt về quan điểm giữa đại diện người lao động và đại diện doanh nghiệp, do
đó các phương án tăng lương đưa ra khác nhau là chuyện bình thường"- ông
Diệp bày tỏ.
Theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia,
nếu phiên thương lượng hôm nay vẫn còn sự khác biệt và các bên thấy cần phải
có thêm một phiên thương lượng nữa. "Có thể sẽ có thêm một phiên thương
lượng thứ 3, cũng là phiên thương lượng cuối cùng, trước khi Hội đồng đưa ra
quyết định mức tăng lương năm 2018 để trình Thủ tướng xem xét, quyết
định"- ông Diệp nói.
Trước đó, tại phiên họp đầu tiên bàn về mức
tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 27-6
tại TP Hải Phòng, các bên đã đưa ra phương án chênh lệch khá vênh nhau. Trong
khi Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức tăng 13,3% (tương ứng với tăng 370.000 -
450.000 đồng) thì VCCI lại đưa ra quan điểm hoặc không tăng hoặc chỉ tăng mức
dưới 5%. Còn bộ phận kỹ thuật của Hội đồng đưa ra các mức tăng: 5%, 6%, 6,8%.
(Theo Người Lao Động) Văn Duẩn
|
Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét