Hotgirl
xứ Thanh nghỉ việc như một cuộc tháo chạy!
Cập nhật lúc 09:49
(Tin tức thời sự) - “Chuyện nghỉ việc
của bà Trần Vũ Quỳnh Anh tôi có cảm giác như một cuộc tháo chạy. Đó là một
hiện tượng không bình thường”.
Nghỉ việc như
một cuộc tháo chạy?
Kết luận thanh kiểm tra của UBND tỉnh Thanh Hóa mới công bố đã
chỉ ra nhiều sai sót trong việc bổ nhiệm “thần tốc” bà Trần Vũ Quỳnh Anh (SN
1986), nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây
dựng Thanh Hóa).
Đưa ra quan điểm của mình, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ
nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định vụ việc có nhiều điểm bất thường cần phải
làm rõ đằng sau kết luận thanh kiểm tra.
Theo ông Thuận, dư luận thời gian qua đặt nghi vấn về việc bà
Quỳnh Anh có mối quan hệ với lãnh đạo cao cấp của tỉnh Thanh Hóa. Hơn nữa, cơ
quan thanh tra quá trình bổ nhiệm lần này lại là của địa phương.
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, từ việc Sở Xây
dựng Thanh Hóa bổ nhiệm bà Quỳnh Anh vào các vị trí phó, trưởng phòng, đưa
vào quy hoạch Phó Giám đốc Sở hay đồng ý cho bà này nghỉ việc diễn ra hết sức
chóng vánh.
“Việc bà này nghỉ việc tôi có cảm giác như là cuộc tháo chạy. Đó
là một hiện tượng không bình thường, đòi hỏi các cơ quan khác phải vào cuộc
làm rõ”, ông Thuận bình luận.
Về khối tài sản lớn bà Quỳnh Anh sở hữu được báo chí đặt ra, ông
Thuận đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa và Trung ương coi đó như
cơ sở để điều tra, làm rõ nguồn gốc tài sản.
“Nếu đúng là sai phạm thì thời hiệu để truy tố trách nhiệm có thể
kéo dài tới 10-15 năm. Theo Luật mới, với tội danh tham nhũng không có thời
hiệu nữa. Trong kết luận, thanh tra nói không thể làm được vì sao bà Quỳnh
Anh đã nghỉ việc. Chúng ta có thể chuyển lên cơ quan chức năng khác để điều
tra. Nếu không có vấn đề gì thì hoàn toàn có thể thanh minh và lấy lại danh
dự cho bà Quỳnh Anh. Tôi nghĩ có gì đâu mà phải sợ. Chúng ta phải làm
tới cùng, làm tới nơi tới chốn. Nếu làm nửa vời thì không nên”, ông Thuận
nhấn mạnh.
Có dấu hiệu bất thường
Cùng đưa ra ý kiến, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách
Viện Xã hội học và Khoa học quản lý đề cập đến chuyện Giám đốc Sở Xây
dựng Thanh Hóa đồng ý cho bà Quỳnh Anh nghỉ việc tuy nhiên vị lãnh đạo không
báo cáo Sở Nội vụ cũng như không thông báo công khai cho cán bộ, công chức
trong cơ quan.
Theo ông Tri, hành động trên thể hiện sự bưng bít thông tin, chưa
công khai dân chủ trong hoạt động của cơ quan và vi phạm các quy
định trong Luật tổ chức cán bộ.
"Vấn đề bổ nhiệm, cho thôi việc hết sức quan trọng trong các
cơ quan nhà nước. Tuy nhiên Thanh Hóa đã không làm đúng quy trình và là
trường hợp hiếm gặp từ trước đến nay. Những giải thích của Sở Xây dựng Thanh
Hóa rất mâu thuẫn và cần phải được làm rõ", ông Tri nhấn mạnh.
Trong trường hợp cán bộ đã bị thôi việc thì Sở Xây dựng Thanh Hóa
phải gửi đi các nơi để điều chỉnh các chế độ chính sách như: bảo
hiểm, lương, thưởng. Về nguyên tắc với những người đã nghỉ việc, chế độ
trên sẽ bị cắt. Đối với bà Quỳnh Anh dù nghỉ việc nhưng không được thông báo
công khai, PGS.TS cho rằng nhiều khả năng vẫn được nhận các chế độ đối với
cán bộ công chức nhà nước.
"Việc này các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc điều
tra, làm rõ xem thực hư vấn đề ra sao. Nếu bà Quỳnh Anh đã nghỉ việc mà vẫn
được nhận lương thì phải truy thu lại. Và với lãnh đạo Sở Xây dựng Thanh Hóa
sẽ căn cứ vào mức độ sai phạm để đưa ra các hình thức xử lý phù hợp",
ông Tri chia sẻ.
Nhìn nhận dưới góc độ quản lý nhà
nước, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cho rằng trong trường hợp lãnh đạo địa phương bổ
nhiệm sai, chúng ta sẽ căn cứ vào Luật tổ chức cán bộ để đưa ra các hình
thức kỷ luật.
Thông thường, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thu hồi và hủy các
quyết định bổ nhiệm. Sau đó sẽ tiến hành xử lý nội bộ tại cơ quan.
“Chỉ những vấn đề về tham nhũng, tham ô mới chuyển sang các cơ
quan để điều tra làm rõ. Còn về mặt hành chính khi sai phạm thì người bổ
nhiệm sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt nội bộ. Cán bộ sẽ chịu mức kỷ luật
khiển trách hoặc cảnh cáo. Nếu đã chuyển công tác thì thôi, rất khó xử lý”,
ông Tri nhấn mạnh.
Một vấn đề khác được vị chuyên gia đề cập đến, đó là phần
lớn các sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ rơi vào thời điểm cuối nhiệm kỳ hoặc
lúc cán bộ chuẩn bị điều chuyển công tác. Theo ông Tri, đối với các quốc gia
khác có ban hành Luật hồi tố, việc truy trách nhiệm cá nhân, tập thể sau khi
rời nhiệm sở rất dễ dàng, trong khi Luật tổ chức cán bộ, công chức của Việt
Nam chưa rõ ràng, còn nhiều hạn chế.
“Trước thực tế trên, Trung ương phải đề xuất, thiết lập một cơ
chế quản lý, đánh giá cán bộ để xử lý khi để xảy ra sai phạm. Hiện nay chúng
ta còn nể nang nhau, chỉ khi đụng đến quyền lợi của mình mới quan tâm”, ông
Tri nêu ý kiến.
Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục
Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ thừa nhận khi bà Quỳnh Anh không còn là
cán bộ công chức thì không có cơ sở để kiểm tra, xác minh tài sản. Tuy nhiên
các cơ quan chức năng phải kiểm tra lại hồ sơ lưu trước kia tại Sở Xây dựng
xem việc trước đây bà Quỳnh Anh có tiến hành kê khai tài sản không và việc
này có được thực hiện nghiêm túc hay không.
“Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước
trước khi kê khai là phải lưu giữ lại. Quy trình pháp luật đã quy định cả
rồi”, ông Đạt nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch tỉnh im lặng
Chiều 31/3, trao đổi với Đất Việt, ông
Đào Vũ Việt, Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa thừa nhận những kết luận sai phạm
do UBND tỉnh chỉ ra.
“Chúng tôi đang thực hiện và sẽ làm
nghiêm theo kết luận của thanh tra. Khi nào có kết luận tỉnh sẽ thông báo”,
ông Việt khẳng định.
Trước câu hỏi trách nhiệm của Sở Xây
dựng và Chánh văn phòng Sở này khi giao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ gốc cho bà
Quỳnh Anh lúc nhận quyết định thôi việc, ông Việt từ chối trả lời.
“Khi nào có kết quả chúng tôi sẽ thông
báo”, ông Việt nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của Đất Việt, năm 2014,
khi bà Quỳnh Anh được bổ nhiệm “thần tốc”, được cử đi học cao cấp lý luận
chính trị, thậm chí được quy hoạch làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng là lúc ông
Ngô Văn Tuấn đang giữ chức Giám đốc Sở này.
Từ tháng 11/2015, ông Tuấn được bổ
nhiệm giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
(Theo Đất Việt)
Nguyễn Hoàn
Một việc rất đơn giản có thể trả lại sự trong sáng (nếu có) của cả bà Trần Vũ Quỳnh Anh và một lãnh đạo tỉnh thanh Hóa, đó là xét nghiệm gen đứa con riêng của bà này mà dư luận đồn đoán là con của lãnh đạo. Tiếc rằng việc đơn giản ấy Thanh Hóa đã không làm!
Thương Giang
|
Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét