Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Cần “vành đai bảo vệ” cho nhà báo chống tham nhũng

Cập nhật lúc 16:00  
              
Chống tiêu cực, tham nhũng là lĩnh vực nhiều rủi ro, cạm bẫy mà không phải người làm báo nào cũng đủ dũng cảm dấn thân trên mặt trận này.

Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo 
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo

Sáng 28/4, Hội Nhà báo Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và báo Nhân dân tổ chức Hội thảo Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hội thảo có sự tham gia của nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Tại hội thảo, vấn đề được nhiều đại biểu gợi ra là, những người đang làm báo, hay những phóng viên trẻ, các bạn sinh viên chuẩn bị ra trường nghĩ gì về mặt trận chống tham nhũng? Chẳng có gì ngạc nhiên khi câu trả lời được đưa ra là hầu hết trong số họ đều e ngại, không muốn dấn thân vào mặt trận này. Vì sao vậy?
Giải đáp câu hỏi này, nhà báo Phùng Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong đưa ra 4 nguyên nhân tạo ra các rào cản, trong đó có nguyên nhân vì lĩnh vực này này quá vất vả, khó khăn, đặc biệt phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm. Đương nhiên, một nửa sự thật không phải là sự thật. Nhưng với những bài báo chống tham nhũng, tiêu cực thì chỉ cần 1%, chỉ cần một chi tiết không đúng, hoặc không có chứng cứ cũng đủ mang lại rủi ro rất lớn rồi.
Từ kinh nghiệm thực tế khi bảo vệ quyền lợi cho các nhà báo vướng vào vòng tố tụng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, Luật sư, TS. Phan Trung Hoài cho rằng, trong cuộc đấu tranh này, nhà báo luôn đứng trước thách thức rất lớn, vì người tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn.
Theo TS. Hoài, trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, có 3 điều cấm trong luật mà nhà báo dễ mắc phải: Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư và quy kết tội danh khi chưa có bản án. Vì vậy, các cơ quan báo chí cần trang bị cho các phóng viên bên cạnh kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp phải có kiến thức về pháp luật.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững – Trưởng khoa báo chí, Học viện báo chí tuyên truyền đặt ra câu hỏi: Báo chí có chống được tham nhũng không? Dựa vào ai để chống tham nhũng? Ngoài vấn đề thể chế, theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững, chống tham nhũng cần phải dựa vào dân, bởi "dân luôn luôn đúng”, dư luận xã hội luôn đúng, vì đó là dư luận của nhân dân.
 Cần “vành đai bảo vệ” cho nhà báo chống tham nhũng ảnh 1
Nhà báo Phùng Sưởng phát biểu tại buổi hội thảo sáng 28/4


Nhà báo Phùng Sưởng cho rằng, đã coi nhà báo là chiến sĩ trong mặt trận chống tham nhũng thì phải đảm bảo niềm tin trong mặt trận đó. Phải đảm bảo an toàn, tự mình phải bảo vệ được chính mình, bởi mấu chốt nhất vẫn là yếu tố con người.
Ông đề nghị, chống tham nhũng tiêu cực, cần phải có ba vành đai bảo vệ nhà báo là, hành lang pháp lý, cơ quan báo chí, cơ quan chủ quan và bản thân nhà báo phải bảo vệ mình. Muốn vậy, cần phải đào tạo đội ngũ báo chí thành những chiến sĩ có đầy đủ kỹ năng, nghiệm vụ và hiểu biết về luật pháp.
Trước ý kiến phản ánh việc tiếp cận các kết luận thanh tra rất khó khăn, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, vừa qua MTTQ đã làm việc với Bộ GTVT và Thanh tra Chính phủ, qua đó đã kiến nghị phải làm tốt hơn vấn đề thông tin, vì đây là nguồn tin cho báo chí. Tới đây, mặt trận sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương, và sẽ kiến nghị công bố kết quả thanh tra, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tiếp cận nguồn thông tin.
Ghi nhận các ý kiến phản ánh, ông Nhân cho biết, tới đây sẽ tiến hành giám sát cả việc thực hiện quy chế phát ngôn, giám sát việc mở cửa, minh bạch thông tin, nhất là trong các vấn đề quyết định thanh tra, đấu thầu…
 (Theo Tiền phong) Luân Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét