Thông điệp
ngầm của ông Trump sau cuộc tấn công Syria
Cập nhật lúc 15:14
Giới quan sát cho rằng, cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào căn cứ
Shayrat không chỉ nhằm vào Syria mà còn là thông điệp ngầm gửi đến Trung
Quốc, Nga và Triều Tiên để thể hiện sức mạnh quân sự của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình tại "Nhà Trắng mùa đông" thời điểm tiến hành vụ tấn công
Syria. (Ảnh: Reuters)
Thông điệp của
Tổng thống Trump
Giới quan sát
cho rằng, cuộc tấn công chỉ mang tính biểu tượng, chiến thuật nhằm gửi thông
điệp không chỉ đến Syria hay Nga mà còn cả Trung Quốc.
Charles
Duelfer, nguyên phó chủ tịch cơ quan giám sát vũ khí của Liên Hợp Quốc và
hiện là chuyên gia của Viện nghiên cứu Manhattan, cho rằng cuộc tấn công là
thông điệp ngầm gửi đến nhiều bên khác nhau.
Chuyên gia này
cho rằng, cuộc tấn công rõ ràng không phải nhằm lật đổ chính quyền của Tổng
thống Syria Assad hay ít nhất chưa phải lúc này. Thay vào đó nó gửi gắm thông
điệp nhiều hơn đến Trung Quốc, Triều Tiên và Nga.
Với Trung Quốc
và Triều Tiên, cuộc tấn công là thông điệp rằng chính quyền của ông Trump sẽ
"nói là làm", sẽ không để Bình Nhưỡng đe dọa đến an ninh của Mỹ.
Ông David
Dollar, chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings nhận định: “Họ (Mỹ) không do dự
tiến hành vụ tấn công khi ông Trump dùng tiệc cùng ông Tập. Rõ ràng cuộc tấn
công là một cách để Mỹ gửi thông điệp đến ông Tập Cận Bình. Nó có thể khiến
Trung Quốc tính đến việc Mỹ có thể làm gì tương tự với Triều Tiên".
Vụ tấn công xảy
ra ngay trước cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung. Một trong những
chủ đề được bàn đến là đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tổng
thống Trump trước đó từng cảnh báo, Mỹ sẵn sàng tự mình đối phó với Bình
Nhưỡng mà không cần đến Trung Quốc.
Zhang Baohui,
giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Lingnan (Hong Kong) nói: “Theo tôi,
cuộc tấn công có thể ảnh hưởng đến vị thế đàm phán của Trung Quốc về vấn đề
Triều Tiên. Nhiều khả năng cuộc tấn công có thể buộc Trung Quốc hợp tác hơn
nữa với Mỹ bởi Trung Quốc không muốn xung đột ở bán đảo Triều Tiên. Theo
chuyên gia này, Bắc Kinh có thể sẽ siết các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng.
Alan Dupont,
chuyên gia phân tích quân sự của Australia, cho rằng: “Ông Tập có thể sẽ phải
đánh giá lại tác động của chính quyền Trump đối với các lợi ích của Trung
Quốc ở Đông Á, đặc biệt là trong vấn đề Triều Tiên và Biển Đông”.
Tương tự, ông
Sir Gerald Howarth, cựu Bộ trưởng quốc phòng Anh, cho rằng cuộc tấn công mang
thông điệp tới Nga rằng, Mỹ có hành động bất cứ lúc nào vào có thể thách thức
lợi ích của Nga ở Trung Đông.
Trung Quốc lên
tiếng
Phát ngôn viên Bộ Ngoại
giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. (Ảnh: Reuters)
Tại cuộc họp
báo hôm qua, không lâu sau khi tàu chiến Mỹ nã 59 tên lửa hành trình vào căn
cứ Shayrat của Syria, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh
cho biết sự quan ngại của Trung Quốc về tình hình tại Syria.
“Chúng tôi quan
ngại về tình hình hiện tại ở Syria và kêu gọi giải quyết bằng các biện pháp
chính trị. Chúng tôi hy vọng các bên sẽ bình tĩnh, kiềm chế để ngăn nguy cơ
leo thang căng thẳng”, bà Oánh nói.
Đây là bình
luận đầu tiên của Bắc Kinh sau vụ hai tàu chiến Mỹ ở Địa Trung Hải sáng sớm
qua 7/4 bất ngờ nã 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân
Syria. Đợt tấn công diễn ra giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiếp đón
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago.
Hồi tháng 2,
Trung Quốc và Nga đã phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
do Mỹ và một số nước phương Tây dự thảo nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt đối
với Syria do cáo buộc sử dụng vũ khí hoá học.
Rạng sáng
7/4, hai tàu chiến Mỹ ở Địa Trung Hải đã phóng tổng cộng 59 tên lửa hành
trình Tomahawk nhằm vào căn cứ không quân Shayrat của Syria. Đây là căn cứ mà
Nga từng sử dụng để xuất kích các máy bay tham gia chiến dịch chống khủng bố
ở Syria.
Vụ tấn công
diễn ra đúng thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến công
du đầu tiên tới Mỹ và hội đàm với Tổng thống Donald Trump.
(Theo
Dân trí) Minh Phương
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét