Cấm đoán 5 ca khúc xưa tùy
tiện và vô lý
Cập nhật lúc 16:43
Nhiều ý kiến
cho rằng cơ quan quản lý phải dựa trên hệ thống các tiêu chí để đánh giá ca
khúc cho công bằng, thay vì cấm đoán tùy tiện và vô lý.
Trước việc cơ quan chức năng cấm lưu
hành một số ca khúc cũ vì cho rằng lời bài hát không đúng với bản gốc, các
nhà phê bình âm nhạc, các nhạc sĩ cho rằng cần bàn bạc kỹ lưỡng trước khi có
quyết định cấm đoán.
Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý
phải định ra hệ thống tiêu chí cụ thể và phải ứng xử khoa học, hợp lý với các
ca khúc.
* Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long: Cởi mở hơn với
các ca khúc đã rất phổ biến
Từng trực tiếp hoạt động liên quan đến
lĩnh vực cấp phép băng đĩa, tôi khẳng định vấn đề cấp phép phổ biến ca khúc
trước năm 1975 trong khoảng trên 5 năm gần đây đã cởi mở hơn trước. Qua
theo dõi tôi biết không phải một mình Cục Nghệ thuật biểu diễn đơn phương ra
quyết định, nó xuất phát từ đề nghị của cơ sở.
Tôi tin nhiều người sẽ tự đặt câu hỏi
tại sao ca khúc đã được phép phổ biến, giờ lại không? Và sự giải thích
về lý có thể đúng khi áp dụng các quy định đã ban hành, nhưng về tình thì
chưa. Vì chưa có câu trả lời thỏa đáng nên mọi người sẽ tiếp tục tự suy
đoán và hướng nó tới những lý do khác nhau.
Nhiều người cho rằng vấn đề chính ở đây
như một nhà quản lý đã nói với Tuổi Trẻ: “Chiến trường anh bước đi là chiến
trường nào?”
Trong sự việc 5 ca khúc, run rủi thế
nào, mặc dù các tác phẩm đều trước năm 1975, nhưng sau khi thống nhất, nhiều
tác giả vẫn tiếp tục ở lại gắn bó xây dựng quê hương. Có tác giả, như nhạc sĩ
Diên An, còn tiếp tục cống hiến và được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ
ưu tú.
Hay như tác giả Châu Kỳ, đã có ý định
sửa những từ được cho là nhạy cảm (trong bài chỉ có 2 chỗ 4 từ tự sửa). Điều
đó cho thấy các nhạc sĩ đã rất thiện chí. Những ca khúc sáng tác ở miền
Nam trước năm 1975 có giá trị và đóng góp riêng cần được ghi nhận và có quyền
lan tỏa trong lòng công chúng.
Đảng và Nhà nước đã có chủ trương hòa
hợp dân tộc, điều này hết sức quan trọng, đúng vận nước, hợp lòng dân.
Ở khía cạnh xét duyệt, trong giới văn
nghệ vẫn nói vui các từ cấm kỵ kiểu bài hát tả về tâm trạng yêu đương, nói mùa
thu buồn, hay bài hát dịch thơ nước ngoài có tên nói đến từ mùa thu chết lại
là những điều dễ gặp khó khi xin cấp phép.
Tư duy kiểm duyệt kiểu ấu trĩ ấy trong
giai đoạn hiện nay không còn phù hợp.
Cần cởi mở để những ca khúc đã rất phổ
biến, nếu không ảnh hưởng tới an ninh, chính trị, tới đời sống tinh thần của
đất nước và nhân dân, có cơ hội được ghi nhận bằng cách hợp pháp hóa trên văn
bản cho phép phổ biến.
* Nhà thơ Văn Công Hùng: Sao
lại cấm đoán vô lý như vậy?
Tôi thấy việc Cục Nghệ thuật biểu diễn
thông báo cấm 5 ca khúc trước năm 1975 đã từng được cấp phép phổ biến là việc
làm không thuyết phục! Cơ quan quản lý văn hóa có thể cấm các ca khúc
này về nội dung không phù hợp hoặc về lý do gì đó, nhưng cần phải có lý.
Còn lý do mà Cục Nghệ thuật biểu diễn
đưa ra để cấm 5 bài hát kia, do lời ca khúc không đúng với bản gốc là hết sức
vô lý.
Bởi
ngay sau đó, vợ nhạc sĩ Châu Kỳ và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN
đã lên tiếng khẳng định bản nhạc Con đường xưa em đi đang lưu giữ tại đây là bản nhạc của
nhạc sĩ Châu Kỳ cung cấp khi còn sống.
Hơn nữa, nếu các ca khúc đó thực sự
không đúng với bản gốc thì cũng không cần phải đưa ra lệnh cấm. Thay vào
đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ cần đưa ra bản gốc và đề nghị mọi người sử
dụng bản gốc đó là được. Chứ sao lại cấm đoán vô lý như vậy?
*
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc: Đừng “tìm lông, bới vết”
Đứng từ góc độ nghệ thuật, tôi nghĩ
rằng với những bài hát không làm tổn hại đến phương diện nào đó của đất nước
thì nên được phổ biến để khán thính giả được nghe và cảm nhận. Những bài
hát sáng tác trước năm 1975 đa số là nhạc tình cảm đôi lứa. Trong đó có rất
nhiều bài hát mang ý nghĩa làm đẹp cho cuộc đời.
Vì vậy, nếu trong trường hợp có ca khúc
nào đó bị cơ quan quản lý nhà nước cấm thì phải nói rõ ràng lý do vì sao cấm
để công luận và những người yêu nhạc được biết. Nếu bài hát đó đi ngược lại
đường lối của Đảng và Nhà nước thì chúng tôi đồng ý cấm.
Nhưng nếu bài hát đó không dính dáng
đến những chuyện đó, cơ quan quản lý muốn cấm thì phải giải thích và phân
tích rõ xem trong ca khúc đó có câu nào, từ nào vướng mắc về tư tưởng, chính
trị đáng để bị cấm hay không.
Làm như vậy mới không gây bức xúc trong
dư luận và các nhạc sĩ cũng được yên lòng. Còn nếu đã có chủ ý “tìm
lông, bới vết” thì thế nào cũng ra thêm những “cái lý” để cấm đoán.
* Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nên chấm dứt quan
hệ “xin - cho”
Tôi muốn nói nhiều hơn ở phương thức
cấp phép phổ biến các ca khúc của chúng ta hiện nay. Đúng là chúng ta có
một di sản rất nhiều bài hát được sáng tác trong thời gian lịch sử của chế độ
VN cộng hòa, có thể chuyển tải những nội dung không còn thích hợp nữa.
Nhưng cách làm của chúng ta hiện nay là
cơ quan quản lý cho phép bài nào thì mới được hát bài đó. Tình cảnh các
chương trình biểu diễn nghệ thuật phải đi xin phép từng bài hát đã phản ánh
mối quan hệ “xin - cho” ăn sâu vào chúng ta. Đằng sau sự “xin - cho” ấy sẽ dễ
nảy sinh tiêu cực.
Chúng ta có rất nhiều cơ quan nghiên
cứu, quản lý âm nhạc, vậy tại sao không tổ chức kiểm tra lại tất cả những di
sản ấy, để Nhà nước đưa ra danh sách những bài nào cấm, còn lại tất cả những
bài hát nào không bị cấm thì người dân được hát?
Còn cách làm hiện nay phải xin phép
từng bài mới được hát là đi ngược lại nguyên lý dân chủ. Trong quá trình
xây dựng pháp luật ở Quốc hội, đã có rất nhiều ý kiến nói về câu chuyện tương
tự như thế này, đó là cái gì Nhà nước cấm thì nói rõ còn cái gì Nhà nước
không cấm thì người dân được làm.
Tất nhiên, việc cấm phải trên cơ sở
khoa học để tìm được sự nhất trí cao với người dân. Còn vẫn với cách làm
cấp phép và cấm đoán tùy tiện như với 5 bài hát trước năm 1975 vừa rồi sẽ làm
nảy sinh thêm những bức xúc của xã hội.
Chính sách của Đảng và Nhà nước về hòa
hợp, hòa giải dân tộc cũng là một góc nhìn để chúng ta có cách ứng xử nhân
văn với các di sản văn hóa, nghệ thuật trước năm 1975. Nhất là với âm
nhạc là di sản có sức sống lâu bền trong lòng người dân thì càng cần phải có
thái độ ứng xử khoa học, dân chủ.
Ngành văn hóa phải có trách nhiệm kiểm
kê lại các di sản đó và đưa ra hệ thống tiêu chí đánh giá công khai xem có
nên cấm hay không. Đã đến lúc các cơ quan quản lý văn hóa phải tìm cách
giải quyết dứt điểm sự nhập nhằng trong quy định “xin - cho” phổ biến bài
hát. Người dân có quyền hưởng thụ tất cả những gì pháp luật không cấm.
Hơn hết, Nhà nước phải có chính sách
lâu dài, với các hệ thống tiêu chí cụ thể cho kho di sản văn học nghệ thuật
miền Nam trước năm 1975. Không thể mãi để tình trạng chỉ một cơ quan nào
đó đứng ra quyết định cấm hay không cấm bất kỳ tác phẩm nào đó.
Việc cấm đoán tùy tiện bao lâu nay đã
làm người dân bức xúc và làm những người sở hữu di sản này bị tổn thương.
* Nhạc sĩ Phó Đức Phương (giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác
giả âm nhạc VN):
Nên
công khai tác phẩm nào bị cấm
Trên tinh thần đất nước ngày càng đổi
mới, hòa hợp và hòa giải dân tộc, về cơ bản Nhà nước không phân biệt đối xử
với những tác giả, tác phẩm trước năm 1975. Tất nhiên với những bài hát
có nội dung chống đối Nhà nước thì không thể cho lưu hành.
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc
VN luôn yêu quý và trân trọng tất cả các nhạc sĩ. Vậy nên chúng tôi luôn
mong muốn những tác phẩm có hiệu ứng tốt cho xã hội thì sẽ được phổ biến.
Trước đây, đã có những ý kiến đề nghị
Cục Nghệ thuật biểu diễn công khai bằng văn bản những tác phẩm nào bị cấm,
không được hát để mọi người được biết rõ ràng. Nếu làm được như vậy thì
mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều và bản thân các tác giả cũng không phải lo
lắng xem tác phẩm của mình có được cấp phép hay không...
(Theo Tuổi trẻ) VŨ VIẾT TUÂN ghi
|
Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét