Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi kể chuyện này, bình luận là các bạn

  Cập nhật lúc 14:35


Đã đến lúc cần phát động một phong trào quần chúng rộng lớn để mong sao tấn công vào căn bệnh đang có chiều hướng di căn và rất khó cứu chữa này.

LTS: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ một câu chuyện liên quan đến vấn nạn hối lộ, tham nhũng khiến ông ngạc nhiên đến sửng sốt.

Câu chuyện được đăng tải trên báo Văn nghệ số 10 (2977) ra ngày 11/3/2017 gợi nên nhiều suy nghĩ trong lòng người đọc.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ai cũng biết chuyện hối lộ, chuyện tham nhũng đã lan rộng đến mức người ta gọi vui là “Văn hóa phong bì”.

Đã đến lúc cần phát động một phong trào quần chúng rộng lớn để mong sao tấn công vào căn bệnh đang có chiều hướng di căn và rất khó cứu chữa này.

Hiện tượng này thì nhìn đâu cũng thấy, nhưng tôi ngạc nhiên đến mức độ sửng sốt khi đọc bài “Bệnh tự miễn” của tác giả Phan Bình Minh, đăng trên báo Văn nghệ số 10 (2977) ra ngày 11/3/2017.
 
Bệnh tham nhũng đang có chiều hướng di căn. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)
Vì báo này ít phổ biến nên tôi xin kể lại tóm tắt như sau:

Một viên chức vào loại nhỏ bé trong bộ máy viên chức còn đang quá cồng kềnh của chúng ta - Ông ấy có tên là Nắng, nhân viên nhà tang lễ của một bệnh viện.

Chỉ làm cái việc ít ai mong muốn là “trực tiếp việc mổ xẻ, vệ sinh, khâm liệm xác người chết” nhưng để vào được biên chế “Nắng cũng phải chạy chọt, cầu cạnh nhờ người, rồi cả chuyện lươn lẹo sửa ngày sinh tháng đẻ tụt xuống cho chuẩn tuổi”.

Được rồi vẫn chưa yên vì bị một người thứ hai vừa bị loại phát đơn kiện. Lại phải “gài, lo lót từ ông gác cổng nhà tang lễ đến lão trưởng phòng hành chính bệnh viện”.

Chuyện chạy chọt này cũng “mất cả đống tiền”. Mẹ Nắng đã than trước bàn thờ chồng:
Con nó lấy trộm sổ hồng, bán già nửa miếng vườn hương hỏa để lo việc mất rồi, ông ơi. Chỗ cái giếng mấy đời ăn nước ấy. Hồi ông còn, thằng Nắng hiền tựa đất. Giờ ma mãnh như quỷ”.

Sau vụ kiện, “lá đơn kiện lút vào đống hồ sơ Dừng xử lý, rồi tấp sang sấp giấy tờ Loại, bỏ mặc nước mưa nhuộm vàng khạch trên nóc tủ ông Trưởng phòng tổ chức Bệnh viện”.

Bây giờ là đến lúc Nắng ra tay để không chỉ thu hồi tiền bạc mà còn phất lên đến mức chóng mặt.
Ai chi hậu Nắng duyệt giờ đúng yêu cầu tang chủ. Ai chi hẹp, người chết cứ chờ đấy trong nhà lạnh. Rồi kéo theo hàng loạt thủ tục ma chay, khâm liệm.
Nắng kinh doanh đủ món từ quần âu, áo vest, giầy, thắt lưng, cà vạt… Từ đồ thật đến đồ hàng mã, trăm món, dương sao âm vậy.
Bàn chải đánh răng, gương lược, phấn son, nước hoa, kính lão, quần áo, guốc, giầy, cả máy cạo râu chạy điện… đến bộ chắn, đá khô, vàng miếng, tiền lẻ… lớn nữa là quan tài, xe tang, chuyện giờ viếng, giờ hoả táng, mua ô để cốt… 
Cầu Nắng thì thuận lợi. Không cầu không mua hàng độc quyền, giá cao ngất ngưởng, Nắng cho cả họ nhà người chết "tịch lâm sàng". 

Nắng tựa ma đói lần mò kiếm ăn từ chiếc oản cúng đến vạt băng tang… ăn bớt cả vải xô, mũ lùn, son môi quệt cho người chết đáng ba ngàn cũng khai gian sáu ngàn…
Có mổ xác người móc máy nội tạng lòng phèo theo quy định hay không cũng là ở Nắng…
Tưởng lặt vặt như vậy thì ăn thua gì? Vậy mà Nắng đã nhét “cứng ngắc ruột chiếc két sắt giấu dưới hộc bàn thờ đá trong phòng quản xác chết”. 
Đã xấu người, xấu nết như vậy còn ly dị vợ để cưới cô sơn nữ xinh đẹp, trẻ hơn gần hai chục tuổi, người mà Nắng gặp được trong dịp “đi hạ phóng ở nhà tang lễ vùng cao mới mở, vận động bà con miền núi làm tang ma văn hoá” (!). 

Tiền tham nhũng nhiều đến mức về quê đập căn nhà mái bằng cũ kỹ để động thổ xây “cái dinh cơ to, cao ba tầng, theo lối biệt thự thụt thò, đẹp long lanh, thi công hơn năm trời mới khánh thành”.

Lại còn ông anh chuyên làm hàng gỗ xuất khẩu nay chuyển sang “đóng quan tài bao tiêu nhu cầu tang lễ chỗ Nắng làm”.

Câu chuyện được kể còn dài và với cái kết là Nắng mắc căn bệnh tự miễn mà “cái phần tốt, phần lành lặn của người ta cứ bị cái xấu, cái mầm bệnh ăn dần, cho đến khi cả cơ thể bị sập, bị huỷ hoại”.

Đành rằng tác giả hiểu chưa đúng khoa học về bệnh tự miễn, về kháng thể, và đâu phải nhân viên nhà xác ở bệnh viện nào cũng xấu xa như vậy, nhưng tác giả đã để ông bác sĩ Tín nói ra một chân lý:

Nó giống như cái cách người ta tự nhiên nhiễm thói hư tật xấu ở đời vậy. Lúc đầu nhỏ, nhẹ, ít người mắc. Sau cái xấu cứ ngoạm dần vào cộng đồng. 

Phần tốt, phần khoẻ mạnh của xã hội cứ yếu thế, đến lúc nào đó, cái xấu, cái phần bệnh tật nó thắng thế, nó huỷ hoại hết thứ tốt đẹp lành mạnh. Thế là sạch, thế là tạnh!...

Thế giới không có phác đồ thì ta có phác đồ. Phác đồ để chữa căn bệnh tự huỷ hoại là phải làm sao cho kháng thể sinh ra trong mỗi con người luôn đủ mạnh, để chống lại được sự tấn công của cái xấu, của những mầm bệnh rình rập ngoài kia hoặc đang lấp ló đâu đó ở ngay trong chính bản thân mình
”.
Có lẽ tôi khỏi cần phải bình luận gì thêm nữa!
(Theo Giáo dục VN) Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét