Không
xin thì không cho - đơn giản vậy sao?
Cập nhật lúc 17:05
Với một kho
tàng ca khúc đồ sộ của âm nhạc Việt Nam và thế giới, số bài được hát chắc
chắn nhiều hơn bài bị cấm. Thay vì công bố những bài bị cấm, Bộ VH-TT&DL
và Cục Nghệ thuật biểu diễn đã làm ngược lại.
Câu chuyện 5 bài hát trước năm 1975 bị
Cục Nghệ thuật biểu diễn tạm dừng lưu hành vẫn chưa nguôi dư luận thì lại
thêm một cảnh ngộ mới khiến ai cũng bất ngờ: bài hát Nối vòng tay lớn của
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không có trong danh mục được phổ biến, muốn biểu diễn
phải xin phép.
Bài Nối vòng tay lớn của
Trịnh Công Sơn, chính ông hát từ 1975, nay muốn hát phải xin…
Và ban giám hiệu Trường đại học Y dược
Huế - nơi tổ chức chương trình “Nối vòng tay lớn” vào đêm 21-4 tới - phải ra
tận Hà Nội nộp đơn xin phép cùng với một bản nhạc ký âm, một đĩa xướng âm
theo đúng thủ tục.
Một bài hát đã trở nên phổ biến từ hơn
40 năm qua “từ Bắc vô Nam” và cả nhiều nơi trên thế giới, hát vang trên sóng
phát thanh và truyền hình quốc gia, trở thành bài hát truyền thống của các
sinh hoạt cộng đồng, vậy mà bây giờ phải đi “xin phép biểu diễn” như một bài
hát mới!?
Chiều
11-4, trả lời báo Tuổi Trẻ về bài hát Nối vòng tay lớn, ông Nguyễn Đăng Chương, cục trưởng
Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), cho hay từ xưa đến nay chưa có đơn vị nào
đứng ra xin cấp phép phổ biến bài hát này, nên “theo quy định pháp luật” là
không thể cấp phép.
Bây giờ, Trường đại học Y dược Huế đã
gửi hồ sơ ra Cục NTBD xin phép thì sẽ “hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ cho đúng
quy định pháp luật” để cấp phép. “Chỉ đơn giản vậy thôi chứ không có vấn đề
gì cả” - ông Chương nói.
Nhưng
diễn biến của dư luận có đơn giản vậy không, khi câu chuyện “đi xin” hát Nối vòng tay lớn mà
báo chí đưa ra đã gây sự bức xúc, thậm chí phẫn nộ của công chúng? Hãy đọc
những lời bình luận của giới chuyên môn và công chúng trên các trang báo sẽ
rõ.
Điều
nực cười là từ bao nhiêu năm qua, cả đất nước đã say sưa hát Nối vòng tay lớn mà
không biết rằng mình đã vi phạm vì chưa xin phép.
Vi
phạm nặng nhất có lẽ là cơ quan quản lý văn hóa các tỉnh thành, mà mới đây
nhất là Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM đã cấp phép cho chương trình nhạc Trịnh
Công Sơn tại Đường sách TP.HCM hôm 1-4 được hát Nối vòng tay lớn cùng nhiều ca khúc của Trịnh chưa có
trong danh mục được phép lưu hành.
Khi đưa bài hát này vào sách giáo khoa
Âm nhạc lớp 9, không rõ Bộ GD-ĐT đã xin phép chưa?
Trên
báo Tuổi Trẻ ngày
10-4, nhà sử học Dương Trung Quốc đã gọi cách cơ quan quản lý cho phép bài
nào mới được hát bài đó và tình cảnh các chương trình biểu diễn nghệ thuật
phải đi xin phép từng bài hát là cách quản lý “xin - cho”, đã ăn sâu từ cơ
chế quản lý lạc hậu mà Nhà nước đã quyết liệt xóa bỏ.
Cái gì pháp luật không cấm thì người
dân có quyền làm, có quyền hưởng thụ. Đơn giản vậy, nhưng người dân phải đến
tận Cục NTBD mới biết được bài nào được hát, bài nào không. Di sản âm nhạc
Việt Nam có đến hàng vạn bài hát, người dân phải đi lại thế nào để biết bài
nào được phép biểu diễn đây?
Ngay trong danh mục bài hát được lưu
hành đang niêm yết trên cổng thông tin của Bộ Văn hóa - thể thao & du
lịch và trang thông tin điện tử của Cục NTBD cũng không đầy đủ và thiếu chính
xác.
Với một kho tàng ca khúc đồ sộ của âm
nhạc Việt Nam và thế giới, số bài được hát chắc chắn nhiều hơn bài bị cấm.
Thay vì công bố những bài bị cấm, bộ đã làm ngược lại.
Vậy
thì cách làm của Cục NTBD có đơn giản hay không? Câu trả lời có vẻ cũng không
đơn giản!
(Theo
Tuổi trẻ) MINH TỰ
|
Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét