Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

Ai, quyền uy nào mà bà Quỳnh Anh có thể dựa vào?

Cập nhật lúc 08:33    

 

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên trưởng bộ phận thường trực Ban chỉ đạo Trung ương 6 (lần 2), trao đổi với Tuổi Trẻ về lùm xùm quanh chuyện bổ nhiệm, quy hoạch “thần tốc” ở Thanh Hóa.
* Thưa ông, sau thông báo kết luận của UBND tỉnh Thanh Hóa, báo chí đang quan tâm việc xem xét trách nhiệm của ông Ngô Văn Tuấn (nguyên giám đốc Sở Xây dựng, hiện là Phó chủ tịch UBND tỉnh) và ông Đào Vũ Việt (giám đốc Sở Xây dựng đương nhiệm) trong việc bổ nhiệm, quy hoạch “thần tốc” bà Trần Vũ Quỳnh Anh, cũng như để mất hồ sơ gốc của công chức này khi lưu tại Sở, ông thấy sao?
Ai, quyền uy nào mà bà Quỳnh Anh có thể dựa vào?
Ông Vũ Quốc Hùng - Ảnh: N.V.Hải
- Ông Vũ Quốc Hùng: Trong việc này có mấy vấn đề. Thứ nhất, sự việc không mong muốn nhưng nó đã xảy ra, cơ quan chức năng nên làm đến cùng để rút ra được bài học cho công tác tổ chức cán bộ. Báo chí những ngày qua đã nêu nhiều. Tôi cho rằng cần phải làm rõ đến cùng và công khai như một bài học cho tất cả mọi người.
Thứ hai, để làm rõ theo tôi không khó gì cả. Tất cả đã có các quy định rồi: quy định của Đảng, quy định của Nhà nước. Về quy định của Đảng, tỉnh ủy viên là diện Tỉnh ủy quản lý (cả ông Tuấn và ông Việt hiện là tỉnh ủy viên - PV). Ban thường vụ Tỉnh ủy phải có ý kiến và Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy phải khẩn trương vào cuộc.
Trước tiên, hai đồng chí có trách nhiệm liên quan trong đó phải thực hiện giải trình những vấn đề mà báo chí và dư luận đang đặt ra. Việc này thiết nghĩ đã quá quen thuộc trong đời sống và trong công tác tổ chức sinh hoạt Đảng. Hãy giải trình đi.
Ở địa phương thì Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy và Sở Nội vụ cùng vào cuộc. Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ vào giám sát việc này, đồng thời để cho chặt chẽ, tôi nghĩ Bộ Nội vụ, rồi cả Thanh tra Chính phủ cũng nên vào cuộc.
Trách nhiệm đặt trên vai Ban thường vụ Tỉnh ủy, phải chỉ đạo làm rõ theo tinh thần Hội nghị cán bộ kiểm tra toàn quốc vừa rồi. Trên cơ sở xem xét, nếu đến mức thấy cần Tỉnh ủy phải xem xét thì báo cáo Tỉnh ủy, nhất là nếu xem xét hình thức kỷ luật thì phải qua Tỉnh ủy.
Trước đây, khi xử lý những vụ lùm xùm liên quan đến công tác cán bộ, ngoài cơ quan quản lý hành chính nhà nước, Ủy ban Kiểm tra chúng tôi đều có những mối quan hệ với các ban, bộ, ngành để cùng vào cuộc. Theo tôi Ủy ban Kiểm tra trung ương cần giám sát, theo dõi và công khai, minh bạch việc này, làm rõ lý do vì sao đề bạt thần tốc như thế.
Mặt khác, vì sao giờ cơ quan chức năng vào kiểm tra lại báo cáo “mất” hồ sơ cán bộ (theo giải trình của Sở Xây dựng là đã trả lại cho bà Quỳnh Anh khi bà này xin thôi việc - PV)? Tại sao Sở Xây dựng Thanh Hóa có một “cán bộ nguồn” như vậy mà hồ sơ lại không quản lý được? Phải làm rõ nguyên nhân sâu xa của việc này là gì?
Ai, quyền uy nào mà người này có thể dựa vào như thế? Lúc này không phải chỉ nghe và chạy theo tin đồn mà chính thức tổ chức phải vào cuộc làm rõ.
Tôi nhấn mạnh lại là việc này không khó gì cả. Nhân dân, cán bộ đảng viên người ta biết cả.
* Có một vấn đề mà tỉnh Thanh Hóa còn “để ngỏ” là việc xác minh tài sản của bà Quỳnh Anh với lý do bà này đã thôi việc, không còn là công chức. Nhưng trước đó, đã có những trường hợp nghỉ rồi vẫn bị xử lý, như trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, ông Trần Văn Truyền. Vậy theo ông điều đó có đúng không?
- Ông Vũ Quốc Hùng: Đúng như vậy. Khi có dấu hiệu tài sản “khủng”, trước tiên những người từng quản lý cán bộ này phải báo cáo. Sau đó, cơ quan chức năng phải vào cuộc, tiếp xúc người này để xác minh làm rõ. Không có công dân nào nằm ngoài pháp luật.
Dưới góc độ một công dân, khi có dư luận ông này, bà kia giàu lên nhanh như thế, cơ quan chức năng phải vào làm rõ. Ai quản lý công dân đó? Người này sinh sống ở địa bàn phường này thì ông chủ tịch phường, ông công an, ông tổ trưởng dân phố… có biết không. Người này giờ không ở đó thì ở đâu, các mối quan hệ như thế nào?
Không thể nói đơn giản là không biết, như vậy là không làm tròn chức trách. Xin nhấn mạnh là không ai có thể đứng ngoài hoặc đứng trên luật pháp cả.
Tôi chưa đặt vấn đề truy cứu gì cả, chỉ cần làm rõ ai quản lý cô này, cô này đăng ký hộ khẩu thường trú ở đâu, có mấy căn nhà, có phải có khối tài sản “khủng” như dư luận đề cập hay không? Phải dựa vào tai mắt của nhân dân.
Ngược lại, nếu xác định đó là thông tin thất thiệt, những báo nào trót đăng sai thì phải xin lỗi người ta và cải chính thông tin.     
Vấn đề ở đây không phải là chuyện bé xé ra to, mà ý nghĩa của nó là bài học về quản lý. Phải phân tích, lý giải được nguyên nhân vì sao như thế? Vì sao một cán bộ bình thường lại được hưởng những đặc ân như thế.
Và cuối cùng là ai phải chịu trách nhiệm những việc này? Hai đồng chí mà báo chí nêu phải chịu trách nhiệm chính cũng là một đầu mối, nhưng đằng sau đó còn có ai có quyền lực dính vào việc này? 
Ngày 29-3, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Công văn số 476-CV/TU giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tập thể và cá nhân các lãnh đạo và cán bộ Sở Xây dựng theo kết luận của Thanh tra tỉnh, trên cơ sở đó kiến nghị hình thức kỷ luật nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.
(Theo Tuổi trẻ) N.V.HẢI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét