Những 'ông lớn' nào gửi ngân hàng ngàn tỷ?
Cập nhật lúc 09:15
Trong
khi nhiều doanh nghiệp than khổ vì phải chạy vạy lo lãi vay ngân hàng thì
không ít “ông lớn” lại rủng rỉnh tiền mặt cả ngàn thậm chí hàng chục ngàn tỷ
đồng gửi ngân hàng. Các doanh nghiệp đó là ai, vì sao dư dả vậy?
Trong
khi nhiều DN còng lưng trả nợ thì có DN gửi ngân hàng cả ngàn tỷ. Ảnh: Như Ý.
Chân dung nhà
giàu
Báo cáo tài chính quý 3/2016 vừa được công bố, Tổng Công ty khí Việt
Nam (mã chứng khoán: GAS) có luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt doanh thu hơn 43.546
tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 4.161 tỷ đồng. Báo cáo cho thấy: GAS đang có
gần 2.318 tỷ đồng gửi ngân hàng không kỳ hạn, hơn 14.734 tỷ đồng gửi với kỳ
hạn không quá 3 tháng và gần 5.323 tỷ đồng tiền gửi với kỳ hạn từ 3 đến 12
tháng.
Tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (mã: VNM), lũy kế 9 tháng của VNM đạt
tổng doanh thu 29.869 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 9.033 tỷ đồng. Tại báo cáo tài
chính hợp nhất 6 tháng trước đó, Vinamilk có lượng tiền gửi ngắn hạn tại ngân
hàng đạt hơn 7.876 tỷ đồng, thu về hơn 206 tỷ đồng lãi. Tiền gửi ngân hàng
của Vinamilk có xu hướng tăng.
Điểm danh giới nhà giàu không thể không nhắc tới Tổng công ty Bia -
Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã khiến thiên hạ phải…lác mắt khi găm
giữ lượng tiền mặt khủng lên tới gần 8.200 tỷ đồng gửi ngân hàng (tính đến
hết tháng 6/2016). Nếu so với tổng tài sản 18.130 tỷ đồng, lượng tiền mặt
Sabeco nắm giữ đã vượt 45%. Không kém về độ dư dật, “ông em” của Sabeco là
Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng khiến giới kinh
doanh “thèm” khi nắm giữ hơn 3.200 tỷ đồng tiền mặt, trong đó, tiền gửi ngân
hàng kỳ hạn và không kỳ hạn gần 2.300 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Cty CP Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG), trong quý
III/2016, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 8.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế
đạt 1.600 tỷ đồng. Tại quý I/2016, tiền gửi ngân hàng của tập đoàn là 717 tỷ
đồng cao hơn mức 375 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu đo về
độ rủng rỉnh thì vị trí quán quân hiện vẫn thuộc về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
(PetroVietnam) với gần 102.000 tỷ đồng gửi ngân hàng theo báo cáo tài chính
hợp nhất năm 2015 vừa công bố.
Kế tiếp, phải tính đến các doanh nghiệp khác như: Tập đoàn Bưu chính
Viễn thông Việt Nam (VNPT) với việc nắm giữ hơn 5.344 tỷ đồng (tính đến hết
tháng 6/2016). Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với
lượng tiền mặt gửi ngân hàng ổn định trên mức 25.000 tỷ đồng (tính đến hết
tháng 6/2016). Tương tự, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) với khoảng 16.000 tỷ đồng
tiền mặt và tiền gửi tại các ngân hàng.
Nhiều tiền mặt
nói lên điều gì?
Trong danh sách nhà giàu kể trên, đa số đều là doanh nghiệp nhà nước
cổ phần hóa hoặc hoạt động trong lĩnh vực đặc thù. Thi thoảng, khối doanh
nghiệp tư nhân mới thấy rủng rỉnh tiền đem cất nhà băng. Vì sao vậy?
Một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho biết: Việc các doanh nghiệp nắm
giữ lượng lớn tiền mặt thể hiện chiến lược đầu tư của từng công ty. Theo đó,
khi người đứng đầu công ty nhận thấy thị trường bất ổn, đem tiền đi đầu tư
không thể mang lại lợi nhuận, thậm chí nguy cơ thua lỗ, rủi ro cao nên gửi
ngân hàng tạm thời. Đến khi thị trường bất động sản sôi động, kênh đầu
tư vàng, đôla, chứng khoán… có tín hiệu tốt, doanh nghiệp có thể đem nguồn
tiền đầu tư.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc các doanh nghiệp nắm
giữ một lượng lớn tiền mặt sẽ giúp họ dễ dàng hơn trong các quyết định, chớp
thời cơ, giành lợi thế trên thị trường. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý phải
xem xét trong số tiền mặt gửi nhà băng đó, nếu phần nhiều tài khoản vãng lai
(không kỳ hạn có thể rút bất cứ lúc nào) thì không nói lên điều gì, còn nếu
kỳ hạn 6 tháng trở lên, rõ ràng có sự dư thừa lớn tiền mặt. “Nếu một doanh
nghiệp giữ khoản tiền mặt trong chi tiêu thanh toán bằng mức 5% trên tổng tài
sản, là bình thường. Nhưng nếu găm giữ tới vài chục phần trăm, trong một số
trường hợp cần soi xét kỹ, bởi khi đó giống như họ đang tranh thủ kinh doanh
tiền và như thế vẫn cần cảnh báo”, ông Hiếu nói.
Thành viên hội đồng quản trị một ngân hàng cổ phần lớn cho rằng, giới
doanh nhân Việt đang chia làm 2 dạng: Thứ nhất là phải sử dụng vòng quay của
đồng tiền theo triết lý “tiền phải đẻ ra tiền” và tăng thật nhanh tổng tài
sản của mình; Thứ hai, đã ở thời tích lũy và thận trọng hạn chế vay mượn ngân
hàng.
“Trong số những ông chủ doanh nhân Việt mà tôi biết, hiện chỉ có
vài cái tên thực sự rủng rỉnh tiền mặt, còn đâu kha khá ông lớn đang nợ như
chúa Chổm”, vị này nói.
Thực
tế, những “nhà giàu” trên vẫn mất tiền trăm, ngàn tỷ với một số khoản đầu tư
thua lỗ. Tại báo cáo tài chính quý 2/2016, Sabeco có hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư
vào công ty con, công ty liên kết và phải trích lập khoảng 490 tỷ đồng dự
phòng.
Hai khoản đầu tư gây thua
lỗ cho Bia Sài Gòn là đầu tư 216 tỷ đồng vào Ngân hàng Phương Đông (OCB) -
hiện đã thua lỗ và trích lập dự phòng khoảng 158 tỷ đồng. Khoản đầu tư 136 tỷ
đồng vào Ngân hàng Đông Á (DongABank) khiến công ty đang phải hạch toán lỗ và
trích lập dự phòng tới 111 tỷ đồng.
(Theo Tiền phong) Khánh Huyền
|
Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét