Có cơ sở đào tạo ra "tiến sĩ giấy", gây bức xúc xã hội
Cập nhật lúc 09:10
Nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ chạy theo số
lượng mà bỏ qua chất lượng, kết quả cho ra lò những “tiến sĩ giấy”, gây bức
xúc trong xã hội.
Thực tế này vừa được đưa ra mổ xẻ tại hội
thảo “nâng cao chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh – kinh nghiệm thực
tế Việt Nam và Vương Quốc Anh” tổ chức tại TP.Đà Nẵng với sự tham
gia của Đại diện Bộ GD&ĐT.
Hàng loạt bất cập
Theo Bộ GD&ĐT, cả
nước đang triển khai 971 nghành tiến sĩ tại 158 cơ sở đào tạo. Trong đó, có
114 trường Đại học, 42 Viện nghiên cứu, một công ty Cổ phần thuộc Bộ Công
thương và một trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học quốc gia Hà Nội với quy mô
năm học 2015-2015 là hơn 13.500 nghiên cứu sinh.
Một đại diện Bộ GD&ĐT đánh giá, hiện một số cơ sở đào
tạo đang chạy theo số lượng, tỷ lệ nghiên cứu sinh/người hướng dẫn
cao, chưa kiểm soát được số lượng nghiên cứu sinh thực tế mỗi người hướng dẫn
là bao nhiêu.
Ngoài ra, việc tổ chức
đào tạo các học phần bổ sung và các học phần của chương trình tiến sĩ chủ yếu
triển khai vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc vào các buổi tối trong tuần.
Việc bố trí lịch học như
vậy thể hiện sự “không chính quy” của quy trình đào tạo.
TS. Đào Hiền Chi, Thư ký
vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cũng dẫn ra hàng loạt bất cập
trong đào tạo tiến sĩ. Cụ thể, nhiều cơ sở lơ là việc tổ chức seminar định kỳ
cho nghiên cứu sinh để báo cáo kết quả nghiên cứu theo tiến độ.
“Việc quản lý nghiên cứu
sinh còn lỏng lẻo, hội đồng chuyên môn các cấp vẫn có hiện tượng nể nang, dễ
dãi về học thuật.
Minh bạch thông tin kém,
để xảy ra hiện tượng đạo văn, dẫn đến chất lượng của người tốt nghiệp không
tương xứng với học vị được cấp, gây nghi ngờ trong xã hội về công tác đào tạo
tiến sĩ” bà Chi thông tin.
Các chuyên gia cũng chỉ
ra một thực tế là kinh phí đào tạo cho một nghiên cứu sinh ở Việt Nam rất
thấp vào khoảng 700 USD/năm (tương đương 15 triệu đồng). Trong khi chi phí
này ở nước ngoài lên đến 15.000 USD/năm (gần 350 triệu đồng).
“Nhận thức xã hội về việc
học tiến sĩ vì nhu cầu ngoài hàn lâm cao. Học vị tiến sĩ được coi là tiêu
chuẩn để cất nhắc và bổ nhiệm các chức vụ quản lý của công chức ở nhiều cơ
quan” bà Chi nói tiếp.
Tại các cơ sở đạo tạo
tiến sĩ, tình trạng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm lạc hậu, thư viện nghèo
nàn, không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu và thực hiện luận án theo hình
thức chính quy của nghiên cứu sinh.
TS. Giang Thị Kim Liên,
Phó ban Đào tạo (Trường Đại học Đà Nẵng) còn nêu thực tế là hiện nay việc
phản biện độc lập thường khiến nghiên cứu sinh mất nhiều thời gian.
Nguyên nhân do theo quy
định thì luận án chuyển đến cho giáo sư đọc trong 45 ngày, nhưng nhiều giáo
sư quá bận nên kéo dài, gây mất thời gian.
Nâng chất lượng văn bằng Tiến sĩ
Trong thời gian qua, Bộ
GD&ĐT đã liên tục rà soát các điều kiện bảo đảm chất lượng.
Qua đó, năm 2011, đã dừng
tuyển sinh đối với 101 chuyên ngành của 35 cơ sở đào tạo tiến sĩ.
Đưa ra cảnh báo đối với
38 chuyên ngành của 18 cơ sở đào tạo khác do thiếu giảng viên cơ hữu.
Trong năm 2012, chính
thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ đối với 57 chuyên ngành thuộc 27 cơ
sở đào tạo sau khi các cơ sở này không khắc phục được tình trạng thiếu giảng
viên.
“Từ năm 2012, Bộ cũng siết chặt hơn việc thẩm định hồ sơ,
luận án thông qua việc sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo đưa
yêu cầu thẩm định luận án” bà Chi cho hay.
Tại hội thảo, nhiều ý
kiến đều thống nhất phải có sự đổi mới trong đào tạo tiến sĩ. Đưa văn bằng
tiến sĩ đào tạo ở Việt Nam phải tương đương chất lượng với văn bằng tại các
nước khác.
Không thể lấy lý do vì
trình độ phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam thấp mà chấp nhận văn bằng có
giá trị thấp. Phía đại diện Bộ GD&ĐT cũng khẳng định sẽ đề xuất tăng chi
phí đào tạo tiến sĩ tương đương với một số nước trong khu vực.
“Việc mở ngành đào tạo
tiến sĩ, tổ chức đào tạo và cấp bằng theo hướng áp dụng các chuẩn khu vực và
quốc tế đối với các điều kiện đảm bảo chất lượng, giảm thủ tục hành chính,
tăng hàm lượng khoa học như tăng số lượng công bố quốc tế của thầy hướng dẫn
và nghiên cứu sinh” bà Chi cho biết.
Bắt buộc kiểm định khu
vực và quốc tế đối với các chương trình đào tạo tiến sĩ. Đồng thời, hoàn
thiện cơ chế để tạo điều kiện và khuyến khích các cơ sở đào tạo mời các nhà
khoa học nước ngoài tham gia đào tạo tiến sĩ trong nước – bà Chi nói thêm.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp
tục rà soát, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng tại các cơ sở đào tạo
tiến sĩ.
Tổng kiểm tra và kiên
quyết đình chỉ đào tạo các ngành hoặc những cơ sở đào tạo đã được cấp phép
đào tạo tiến sĩ nhưng không đảm bảo các điều kiện về con người và cơ sở vật
chất.
Về phía các trường,
PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng: “Các trường
cần thực hiện liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ. Kết hợp với các cơ sở sử
dụng lao động, viện nghiên cứu trong xây dựng và phát triển chương trình đào
tạo, nghiên cứu khoa học, bảo đảm cho công tác đào tạo tiến sĩ. Có như vậy
mới có thể nâng cao chất lượng”.
Theo TS. Fiona Lacey,
Hiệu phó phụ trách Hợp tác Quốc tế (Trường Đại học Asston), chương trình đào
tạo tiến sĩ ở Anh Quốc luôn đảm bảo cho người học.
“Chúng tôi không bắt buộc
Nghiên cứu sinh phải có bài báo được công bố nhưng các trường Đại học Anh
quốc đặc biệt chú trọng và đánh giá cao khả năng nghiên cứu của nghiên cứu sinh.
Việc đánh giá chất lượng của nghiên cứu sinh cũng thể hiện chất lượng đào tạo
của nhà trường” - TS. Fiona Lacey cho hay.
(Theo
Giáo dục VN) An Nguyên
|
Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét