"Bá Kiến phiên bản mới và những Chí phèo
đương đại"
Cập nhật lúc 14:11
Với người dân
của một quốc gia nông nghiệp có truyền thống hàng ngàn năm, đất đai không
những là miếng cơm manh áo mà còn là di chỉ thiêng liêng của tổ tiên.
Chắc rằng, một trong
những lý do khiến truyện ngắn “Chí Phèo” sống mãi trong lòng công chúng là
bởi tính thời sự của nó.
Ngót 2/3 thế kỷ trôi qua
nhưng những tình tiết tranh đấu giữa Bá Kiến – hình ảnh đại diện cho chính
sách và Chí Phèo – đại diện cho thân phận con sâu cái kiến vẫn con nóng hổi
trong bối cảnh xã hội mà nhiều người lầm tưởng rằng những Chí Phèo, Lão Hạc,
Chị Dậu, ông giáo Thứ… chỉ là chuyện của thời thực dân phong kiến!
Thực tế có đúng như vậy?
Chính thời cuộc mà trực
tiếp là chính sách thực dân phong kiến đã bần cùng hóa một con người hiền
lành trở thành cặn bã xã hội, những “bà hai”, “bà ba”, “bà tư”… (vợ Bá Kiến)
là hình ảnh tượng trưng không thể điển hình hơn của những phe nhóm lũng đoạn
quyền lực bóp méo chính sách, góp phần không nhỏ vào “công cuộc” vùi dập
những con người như anh Chí.
Cần thấy rằng, lịch sử ra
đời, tồn tại và phát triển hàng ngàn năm của phạm trù Nhà nước chưa bao giờ
có kiểu thiết chế Nhà nước lấy tôn chỉ “bần cùng hóa dân chúng” làm trọng.
Tuy nhiên Nhà nước nào
cũng phải đối mặt với tình trạng “lệch chính sách”, mức độ của vấn đề này phụ
thuộc vào đạo đức, trình độ, lương tâm của những người cầm cân nảy mực.
Bởi chẳng có ông quan tài
năng, đức độ nào đi làm cái việc tịch thu tài sản của dân, bức hại đến nhân
dân, phương hại đến những người trực tiếp đóng góp tiền bạc công sức để nuôi
sống gia đình, ban phát đặc quyền đặc lợi cho mình.
Phải chăng những “bà
Hai”, “bà Ba”, “bà Tư” và những ông Bá Kiến phiên bản mới đã thao túng chính
sách, lũng đoạn quyền lực, chà đạp công lý khiến không ít trường hợp phải bứt
còng, phá lệ để rồi vướng vòng lao lý!?
Mấy ngày qua, xuất hiện
thêm vụ việc liên quan đến… súng; anh Đặng Văn Hiến ở Đắc Nông dùng súng hoa
cải xả vào đoàn cưỡng chế đất đai khiến 3 người chết và nhiều người bị thương.
Lý do khiến anh Hiến nổ
súng là công ty Trách nhiệm Hữu hạn Long Sơn tổ chức san ủi, giải tỏa vườn
cây nơi gia đình anh canh tác mà theo Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh
Đắc Nông, khu vực đất xảy ra tranh chấp chưa thể khẳng định là thuộc sở hữu
của công ty này, đồng thời Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có văn bản yêu cầu các
doanh nghiệp có hoạt động tranh chấp đất với người dân giữ nguyên hiện trường.
Giết người là trọng tội
phải bị nghiêm trị nhưng ai đã cho phép công ty này phá hoại tài sản của
người dân khi đúng sai chưa ngã ngũ?
Ai ngang nhiên bẻ cong
chỉ đạo của chính quyền để hậu họa là 3 mạng người và có thể là thêm một án
tử?
Kẻ nào chống lưng cho
công ty Long Sơn coi thường văn bản chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh?
Người viết chưa bao giờ
có ý bênh vực cho trọng tội của tác nhân cầm súng giải quyết mâu thuẫn nhưng
chắc chắn anh Hiến có quá ít chọn lựa trong trường hợp này, nếu không bảo vệ
được đất đai, hoa màu thì gia đình, vợ, con anh ta sớm muộn cũng rơi vào phá
sản rồi bần cùng chẳng khác nào anh Chí của Nam Cao.
Mặt khác với thân phận
“châu chấu” lấy đâu ra lý lẽ và tiềm lực để “đá voi”?
Giá như công ty Long Sơn
tôn trọng thực hiện văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh, anh Hiến mang một thân
phận khác và chính sách, luật pháp được thực hiện một cách công minh chính
trực thì có lẽ sự thể đã không quá bi đát như vậy!
Đây không đơn giản chỉ là
vụ án hình sự và mấy mạng người oan uổng, mà cả một vấn đề nan giải về cái
gọi là độ “lệch” của chính sách luật pháp đối với thực tiễn khách quan; đã
chứng minh cho nguyên lý bất di bất dịch một khi xung đột lợi ích thì bạo lực
đương nhiên xuất hiện.
Theo ông Phạm Sĩ Liêm (Phó Chủ tịch Tổng
hội Xây dựng Việt Nam), hiện có đến 80% khiếu kiện liên quan đến đất đai,
trong đó chủ yếu là khiếu kiện bồi thường khi bị thu hồi đất. [1]
Câu chuyện đất đai ở Việt
Nam luôn nóng bỏng và phức tạp, thỉnh thoảng lại bùng phát dữ dội như kiểu
“tức nước vỡ bờ”.
Trong trường hợp này, hậu
quả độ “lệch” của chính sách, luật pháp đã làm rối loạn lợi ích trong xã hội,
anh Hiến có thể sẽ nhận bản án nặng nhưng vợ con anh, gia đình anh và những
thế hệ tiếp theo sẽ sống sao với búa rìu dư luận?
Sự mập mờ về chủ sở hữu
của phần đất tranh chấp có trách nhiệm không nhỏ của chính quyền địa phương,
hiệu quả hiệu lực ở đâu khi công ty Long Sơn ngang nhiên qua mặt chính quyền,
hay là có sự thông đồng cấu kết nào ở đây để cướp đất người dân?
Còn nhớ năm 2012, cả nước xôn xao vụ tranh
chấp đất đai của ông Đoàn Văn Vươn và
Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng. Vụ việc này về bản chất là hoàn toàn khác
với vụ công ty Long Sơn nêu trên, nhưng lúc đó đây được coi là đỉnh điểm về
xung đột đất đai, khi có 4 công an, 2 quân dân bị thương, 6 người bị bắt và
khởi tố còn một số cán bộ địa phương bị cách chức.
Căn cứ vào kết luận của
nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì vụ tranh chấp trên đã lộ rõ những bất
cập về quy định của luật đất đai, việc thực thi pháp luật ở các địa phương và
sự thiếu hiểu biết của người dân.
Năm 2014 ở Cà Mau, xảy ra vụ việc chính
quyền địa phương thu hồi đất để làm dự án công trình công cộng sau đó chia lô
rao bán! [2]
Ai đã ban phát cho những
“công bộc” này cái quyền to hơn ông trời là thu hồi đất xong đem bán, có khác
gì buôn bán trên mồ hôi nước mắt của nhân dân, đáng nói hơn giá bán chênh
lệch với giá đền bù tới 10 lần!
Những khoản chênh lệch
khổng lồ này vào tay ai?
Người dân sẽ mưu sinh bằng
gì nếu đất đai bị đem bán?
Có chính sách nào kỳ quái
như vậy không?
Thực sự, càng hỏi càng
“khó” trả lời.
Chỉ biết rằng sự méo mó
về chính sách đã biến những người dân hiền lành vô tội trở thành những Chí
Phèo đáng thương hơn đáng trách.
Bất kể đó là ai cũng
không nên và không có quyền bắt người dân phải hy sinh lợi ích của chính mình
để phục vụ những điều phi lý, dân chủ thực sự phải là chính sách phục vụ
người dân chứ không có chuyện người dân phục vụ chính sách, chính sách không
bắt nguồn từ mong muốn của người dân chỉ có thể là chính sách sai lầm.
Việc tranh chấp đất đai
giữa chính quyền và người dân xảy ra với tính chất ngày một nghiêm trọng cho
thấy rằng lợi ích, phương kế sinh nhai của người dân đang bị ảnh hưởng nghiêm
trọng.
Với người dân của một
quốc gia nông nghiệp có truyền thống hàng ngàn năm, đất đai không những là
miếng cơm manh áo mà còn là di chỉ thiêng liêng của tổ tiên.
Lịch sử Việt Nam đã chứng
kiến bài học xương máu từ cuộc cách mạng ruộng đất, vậy nên, việc tranh chấp
đất đai, xa hơn là tranh chấp lãnh thổ không thể xem là chuyện bình thường.
Tài liệu tham khảo:
[1]
http://plo.vn/thoi-su/khi-thu-hoi-dat-dung-doi-nguoi-dan-phai-hy-sinh-467199.html
[2]
http://nongnghiep.vn/thu-hoi-dat-cua-dan-dem-ban-dau-gia--post125897.html
(Theo
Giáo dục VN) Trương
Khắc Trà
|
Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét