Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Đừng để cơ cấu cản người tài

Cập nhật lúc 07:14

Từ xưa đến nay, ở nước ta đã thành lệ, mỗi một kỳ đại hội, bất kể là đại hội gì, chính trị hay đoàn thể xã hội hay hội nghề nghiệp, khi lựa chọn nhân sự chúng ta hay nói nhiều đến chuyện cơ cấu - chọn đại biểu vào các chức vụ chủ chốt.

Nào là phải có đủ các lứa tuổi đảm bảo tính kế thừa; phải có đại diện vùng, miền, ngành, nghề; rồi phải có đại diện bộ tứ - Đảng, đoàn, công đoàn, phụ nữ.
Các tiêu chí này gần như là luật bất thành văn.
Còn tiêu chí là phải chọn người tài, thật tài thì xem ra lại chỉ là lý thuyết nhiều hơn là thực hiện. Mặc dù trong tiêu chí đề ra cũng có đề cập đến phải chọn người tài đức, trung thành với sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Rồi phải là người có uy tín, có trình độ chuyên môn, nhưng tất cả những thứ đó vẫn không thắng được quan điểm: “Phải theo cơ cấu”.
Thế nên đã có không ít người được cơ cấu vào các chức vụ lãnh đạo và ngoài phẩm chất đạo đức ra họ chẳng có tài cán gì cả. Và thế là sinh ra những cán bộ, nói gì cũng chỉ biết theo chỉ thị, nghị quyết, cũng phán xét một cách chung chung. Chả thế mà người ta đã có câu: “Mười năm phấn đấu, không bằng cơ cấu một ngày”.
 dung de co cau can nguoi tai
Chính cái cách lựa chọn cán bộ vào các bộ máy lãnh đạo của chúng ta đã phần nào triệt tiêu người tài. Bởi có giỏi mấy thì giỏi, mà không nằm diện được cơ cấu thì cũng… “hãy đợi đấy”.
Rồi lại còn một vấn đề nữa mà không thể không nói đến, đó là có cảm tưởng rằng, cán bộ của chúng ta “đa-zi-năng”, nghĩa là khi đã được sắp xếp vào bộ máy lãnh đạo của tổ chức chính trị, xã hội nào đó, thì có thể làm việc gì cũng được. Mặc dù ngành, nghề ấy thường phải đòi hỏi những người có kiến thức chuyên sâu, thậm chí phải có một bề dày kinh nghiệm. Không hiếm những hội nghị mà chúng ta thấy lãnh đạo cấp trên đến “phát biểu chỉ đạo”, nhưng thực chất là đọc lại một bài mà do chính đơn vị đó chuẩn bị sẵn.
Mà những bài đó, có khi lại do chính các chuyên viên cấp thấp soạn thảo… Cho nên cái gì cũng chung chung, nói dăm ba câu sáo rỗng và chủ yếu là “đánh giá cao kết quả đạt được”. Còn như đến để nghe, để nhận xét, từ đó chỉ ra cho đơn vị phải làm như thế nào, bắt đầu từ đâu… thì họ chịu, bởi lẽ, họ có biết gì về ngành nghề ấy đâu.
Sở dĩ có tình trạng này, bởi bấy lâu nay chúng ta đã quá coi trọng việc tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách, từ đó, vai trò của cá nhân đã bị xem nhẹ. Việc gì cũng có tập thể lãnh đạo, còn cá nhân chỉ việc thực hiện cho đúng chủ trương của tập thể đấy thôi. Có thể ở đơn vị này, đơn vị khác, ngành này, ngành khác, vai trò của tập thể quan trọng, nhưng một điều chắc chắn không ai dám phủ nhận về vai trò của cá nhân trong việc lãnh đạo, tổ chức, chỉ huy, dù đó là cơ quan công quyền hay đơn vị lực lượng vũ trang.
Trong khi chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì vai trò cá nhân có tính quyết định trong việc thành bại của một địa phương hoặc của một đơn vị kinh tế. Đã có rất nhiều tấm gương tày liếp mà do chính người đứng đầu đã làm ăn không ra gì, dẫn đến sự sụp đổ của cả một doanh nghiệp.
Mặc dù ở những đơn vị này có tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, nghĩa là bộ máy chính trị xã hội có đầy đủ. Nhưng những tổ chức này thực chất cũng chỉ là “hữu danh vô thực”, không ai dám hé răng phản đối, thậm chí bày tỏ ý kiến trái chiều trước các quyết định của người đứng đầu. Nhưng khi báo cáo tổng kết thì hầu như không mấy tổ chức Đảng lại dám công khai nhìn nhận về tình trạng mất dân chủ, độc đoán, chuyên quyền ở đơn vị.
Còn có một thực tế nữa là có những cán bộ, khi được lựa chọn để giao trọng trách, họ là người tốt, sống trong sạch, giản dị… Nhưng từ khi có chức quyền, họ đã thay đổi chóng mặt. Những thói hư, tật xấu trước không có, thì nay bỗng dưng như “mọc ở đâu ra”, mà căn bệnh hay mắc nhất là “mục hạ vô nhân” - coi mình là cái “rốn của vũ trụ”; mình là nhất và ai không chịu theo thì sẽ bị gạt ra ngoài cuộc chơi. Rồi khi sinh chuyện, thì người ta đổ tại  “hoàn cảnh khách quan”…
Tỷ dụ như có người trước không uống rượu, không hút thuốc… nhưng khi có chức, họ lại “thích” rượu Tây, thích thuốc thơm… và họ nại lý do rằng “phải tiếp khách nhiều, không xài không được”.
 Còn với những cá nhân lãnh đạo, khi họ quyết đáp đúng, thì được coi là “dám làm, dám chịu”; là “quyết đoán”; là “sắc sảo, thông minh”… Nhưng khi thất bại, thì là “gia trưởng, độc đoán”; là “liều lĩnh”; là “vi phạm nguyên tắc dân chủ” .
Chúng ta thấy, nhiều người không được đào tạo về ngành nghề đó nhưng họ lại là người thông minh, sắc sảo, biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến của mọi người thì họ làm được những việc mà bản thân những người học ngành, nghề đó chưa chắc đã làm được.
Nhưng những cán bộ có tài như vậy không hiếm. Vấn đề là tổ chức có tạo điều kiện cho họ cơ hội để thể hiện hay không mà thôi. Xưa có câu “cờ đến tay ai, người ấy phất”, càng ngẫm càng thấy đúng. Chính  tư duy cơ cấu đã phần nào làm cho “nản lòng” những người tài.
Ấy là chưa kể, chủ nghĩa lý lịch thành phần ở chỗ này, chỗ khác vẫn còn rất nặng nề. Và khiến những người có tài, có tâm muốn xây dựng đất nước cũng không có đất mà phát triển.
Cũng có hai vấn đề cần tách bạch, đó là người có kỹ năng quản trị khác với người có kỹ năng chuyên môn. Có những người làm chuyên môn rất giỏi, nhưng cho họ quản lý chỉ một tổ, một dúm người chưa chắc đã làm được. Nhưng ngược lại, có những người chưa hiểu và được đào tạo về ngành nghề đó, nhưng khi giao việc cho họ lại đâu ra đấy.
Trong bối cảnh đất nước chúng ta đang đi sâu vào hội nhập quốc tế, chúng ta rất cần những nhà quản lý tài giỏi. Và với tư duy như hiện nay, cái gì cũng phải tính đến cơ cấu thì quả thật người tài khó mà có cơ hội thi thố tài năng.
Đó là chưa kể đến chuyện “bằng gì cũng không bằng… bằng lòng”. Vì vậy, để được cất nhắc, việc ai cũng phải nghĩ là cố gắng làm vừa lòng cấp trên. Thế là nảy sinh ra thói nịnh trên, nạt dưới, rồi “làm láo, báo cáo hay”; đó là chưa kể tới việc “đối với cấp trên phải chu đáo”.
Nước ta từ xưa đến nay, làm cái gì cũng phải nghĩ đến chuyện vùng miền, bởi cũng xuất phát từ bản tính cục bộ địa phương rất ghê gớm của người Việt Nam ta. Chính vì thế, mới có chuyện người tỉnh nào làm quan tỉnh đó. Bây giờ, khó có thể mà điều người tỉnh khác về để làm lãnh đạo cao nhất của một tỉnh, mà họ không có quê hương, bản quán gì ở đấy. Văn hóa làng xóm, họ mạc rồi đồng môn, đồng tuế, đồng liêu, tất cả cấu kết với nhau khiến những người dù tài giỏi mấy cũng phải bó tay.
Vừa qua, dư luận đã “nổi sóng” bởi có địa phương, bộ máy chính quyền do những người cùng làng, cùng xã nắm giữ. Và khi bị chất vấn thì nơi nào cũng nói là “đúng quy trình”.
Cho nên, muốn để người tài có đất dụng võ, để “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, thì rõ ràng chúng ta phải thay đổi tư duy trong cách tuyển chọn cán bộ. 
Như Thổ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét