Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

NGÀNH ĐIỆN MUỐN GIỮ CƠ CHẾ XIN CHO VÀ CÓ QUỸ "BÌNH ỔN GIÁ" NHƯ XĂNG DẦU!
 Cập nhật lúc 09:23  

 
Công nhân ngành điện lắp đặt đường dây hạ thế tới các hộ dùng điện. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Theo dự thảomới nhất vừa được Bộ Công Thương lấy ý kiến các bên liên quan về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, sẽ cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền điều chỉnh giá điện thay vì mức 7% hiện nay xuống biên độ thấp hơn, từ 3-5%. Dự thảo cũng bổ sung Quỹ bình ổn giá điện để điều hành mặt hàng này tương tự như xăng dầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế bình luận, đây là tư duy quay về “xin-cho”, phi thị trường, trong khi Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang có nhiều ý kiến đề nghị bỏ.
Giá điện không thể như giá xăng
Theo quy định tại dự thảo này, giá điện sẽ được xem xét, điều chỉnh khi có các biến động về thông số đầu vào của tất cả các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh điện gồm: Phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Giá bán điện bình quân sẽ được điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định và được điều chỉnh tăng ở mức 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng.
Trường hợp các thông số đầu vào biến động làm giảm giá bán điện bình quân, sau khi trích Quỹ bình ổn giá, EVN phải giảm giá ngày tương ứng. Nếu các biến động đầu vào tăng trong phạm vi từ 3 - 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được điều chỉnh tăng tương ứng, đồng thời báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra. Nếu tăng trên 5% hoặc ngoài phạm vi khung giá quy định, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính mới quyết định tăng giá.
 
Dù được điều hành với cơ chế nào, giá điện cũng tác động trực tiếp tới người dùng. Ảnh: P.V
Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, ông cảm thấy khó hiểu khi Bộ Công Thương đưa ra cơ chế điều hành giá điện tương tự giá xăng dầu. Trên thực tế, điện là mặt hàng không đồng nhất như xăng dầu, có nhiều loại giá năng lượng (với thuỷ điện, nhiệt điện than, khí, dầu). Bên cạnh đó, tư duy của người làm chính sách dường như nặng về “xin - cho”, trong khi chúng ta đang hướng tới việc điều hành giá điện theo cơ chế thị trường. Trong khi đó, giá điện lâu nay chỉ tăng, chứ chưa thấy giảm. Vì vậy, không cần thiết phải duy trì Quỹ bình ổn giá, mà đúng hơn là nên duy trì Quỹ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, Nhà nước phải đứng làm bà đỡ, vì điện là mặt hàng thiết yếu đến đời sống, không thể đẩy gánh nặng cho DN.
EVN chưa đề xuất tăng giá điện
Trong ngày 17.1, trao đổi với báo chí về dự thảo quyết định cơ chế điều chỉnh giá bán điện do Bộ Công Thương trình, Phó TGĐ EVN Đinh Quang Tri khẳng định, dù năm 2016 được dự báo có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của El Nino gây thiếu nước ở hầu hết các hồ chứa thủy điện, lượng nước thiếu hụt đo được vào khoảng 6,5 tỉ mét khối nước. Theo đó, khả năng khai thác thuỷ điện dự kiến thấp hơn trung bình nhiều năm, đồng thời EVN phải tính toán đến phương án điện chạy dầu bởi trong năm tới, dự kiến nhu cầu điện tăng cao trở lại. Tuy nhiên, ông Tri khẳng định, hiện nay, EVN không có bất cứ đề xuất nào về việc xin điều chỉnh giá điện trong năm 2016.
“Chúng tôi cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên bằng mọi biện pháp khắc phục khó khăn. Hiện các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế cũng đang gặp khó khăn, nếu EVN xin điều chỉnh giá điện thì lại càng khó khăn hơn nữa” - ông Tri nói. Về dự thảo cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện vừa được Bộ Công Thương lấy ý kiến nhân dân, ông Đinh Quang Tri cho biết: EVN sẽ nghiên cứu và có ý kiến chính thức bằng văn bản đối với từng vấn đề trong dự thảo nhằm đảm bảo phù hợp với quá trình sản xuất - kinh doanh điện của EVN.
(Theo Lao động) Hồng Quân
Điện từ nguồn thủy điện thì giá rẻ. Điện từ nguồn xăng, dầu, ga, than thì đầu vào giảm liên tục. Tuy nhiên EVN không những chẳng muốn giảm mà còn đang muốn tăng giá. Có lẽ thời cơ chưa thuận nên họ đành chịu giữ nguyên giá điện.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét