Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng:
'Vứt mấy biển báo không phù
hợp mà cũng không xong'
Cập nhật
lúc
07:30
Nhiều
bảng chỉ dẫn rối rắm, chữ nhỏ, rất khó cho tài xế khi đang lưu thông Ảnh:
Diệp Đức Minh
Người đứng đầu Bộ GTVT cho biết có biển ở
Hà Nội cho cả đi thẳng rẽ phải, nhưng phía trên đó vài chục mét lại cấm rẽ,
rất nhiều cái bất hợp lý.
Tại hội nghị tổng kết năm 2015 của Tổng cục Đường bộ sáng 14.1,
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết ông nhận được rất nhiều tin nhắn của
người dân phản ánh những bất cập của hệ thống biển báo giao thông; đồng thời
yêu cầu phải nhanh chóng xóa bỏ những bất cập này.
“Nhổ mấy cái biển mà nói mãi không làm”
Báo cáo tại hội nghị, Tổng cục đường bộ (TCĐB) cho biết trong
năm 2015 đã rà soát, điều chỉnh 385 cụm biển báo hạn chế tốc độ, khu dân cư
không phù hợp, dỡ bỏ hết các biển tốc độ dưới 40 km/giờ bất hợp lý, dỡ bỏ 614
biển báo thông tin tốc độ bất cập, cản trở tầm nhìn, loại bỏ 652 biển báo
không phù hợp, đã lỗi thời, không cần thiết, điều chỉnh kích thước biển, màn
phản quang 1.520 biển, bổ sung 279 cụm biển thông tin tốc độ với xe khách
giường nằm 2 tầng trên các đoạn đèo dốc...
“Tôi thường xuyên chuyển tin nhắn cho ông Huyện (ông Nguyễn Văn
Huyện - Tổng cục trưởng TCĐB) về các biển báo, sơn kẻ vạch, biển tốc độ không
phù hợp gây bức xúc cho người dân, dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Hầm Thanh
Xuân, hầm Trung Hòa (Hà Nội) khi thông hầm phải điều chỉnh lại đèn tín hiệu,
nhưng không điều chỉnh dẫn đến ùn tắc ngược. Đây là Hà Nội nhưng đừng nói chỉ
là việc của Hà Nội, vai trò quản lý nhà nước ở đâu? Đi đường thấy bất hợp lý,
người ta nhắn tin phải sửa chữa, lúc nào cũng nghĩ không phải việc của tôi.
Phải tìm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xử lý”, ông Thăng nói. Người đứng đầu
Bộ GTVT cũng cho biết ông đọc báo thấy có biển ở Hà Nội cho cả đi thẳng rẽ
phải, nhưng phía trên đó vài chục mét lại cấm rẽ, rất nhiều cái bất hợp lý.
“Có mỗi việc nhổ vứt mấy cái biển không phù hợp tôi nói mãi mà
không làm được. Cho xe tải lên, đưa mấy bà thu mua sắt vụn bảo cho nhổ lên.
Để làm gì gây bức xúc, thiệt hại”, ông Thăng gay gắt: “Tôi nói các anh bao
nhiêu lần, thà không có còn hơn, có để cho người ta thêm bức xúc. Công trường
5 km/giờ, biển báo nhánh rẽ phải đi tốc độ 40 km/giờ, biển báo chỗ trạm thu
phí bỏ đi, chỉ cần có biển đường đông đi chậm, người ta sẽ biết”.
Đáp lại, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết các biển báo
40 km/giờ đã gỡ một số tuyến, nhưng một số vẫn còn. Tại Hà Nội,
ngay sau nhận tin nhắn của bộ trưởng đã cho xóa bỏ sơn kẻ không hợp lý, TCĐB
đã làm việc với Giám đốc Sở GTVT xóa các biển tốc độ, nhưng vẫn còn 2 biển...
“Không có chỗ dựa, sao xe quá tải dám lộng hành” ?
Ông Võ Văn Văn, Phó giám đốc Sở GTVT Gia Lai, chia sẻ: “Nói ra
thì thấy động chạm, nhưng không nói không được, về vấn đề xe quá tải, tôi
thấy rất bức xúc”. Theo ông Văn, Sở đã ký cam kết với các doanh nghiệp bốc
xếp hàng hóa, nhưng khi kiểm tra nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ. Ở tỉnh Gia Lai
vào tháng 11 - 12, xe vận chuyển mì, mía rất lớn, mỗi ngày 2 nhà máy nhập
1.400 xe nguyên liệu, đi các tỉnh khác khoảng 1.400 xe. “Tôi vào gặp giám đốc
nhắc nhở thì bảo chưa biết ký cam kết là gì. Nguồn nguyên liệu rộng, thanh
tra kiểm soát 24/24 giờ nhưng chỉ có 2 tổ 7 người, không thể kiểm soát nổi.
Cách đây 3 ngày, tôi vào nhà máy làm việc nhưng lãnh đạo nhà máy không cho
vào”, ông Văn nói. Lãnh đạo Sở GTVT Gia Lai đề nghị kiểm tra, đơn vị nào chưa
thực hiện nghiêm túc phải có biện pháp xử lý, vì “một xe vào nhà máy, khi
thanh tra xử lý, lái xe buông thõng câu: Tôi đi qua 4, 5 trạm chả ai bắt hạ
tải sao đến đây lại bắt. Rất khó cho lực lượng thanh tra”.
Theo Bộ trưởng Thăng, giữa TCĐB, các cục, địa phương vẫn chưa có
sự phối hợp tốt “nên xe quá tải cứ chạy lông nhông hết chỗ này đến chỗ khác
mà không bị xử lý, ông nọ đùn ông kia”. Ông Thăng nói: “Vừa rồi TCĐB làm rất
quyết liệt kiểm soát tải trọng nhưng vẫn còn chưa triệt để, hiệu quả, dù theo
báo cáo đã nỗ lực giảm 91% xe quá tải. Có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó
còn những người có chỗ dựa, nếu không sao dám lộng hành đi khắp nơi như vậy.
Làm tốt thì giữ được đường, cầu, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển”. Lãnh
đạo Bộ GTVT yêu cầu năm 2016 mục tiêu phải giải quyết triệt để xe quá tải và
“Chỗ nào còn xe quá tải để đường xấu, cầu hỏng mà không báo cáo, phải qua báo
chí là không được, tôi đề nghị chỉ xử lý cán bộ, chi cục trưởng”.
“Ông làm dây mà đi như người dân xem có sợ không”
Ông Thăng cũng phê bình sự “thiếu nhạy cảm” của lãnh đạo TCĐB,
khi phóng sự đăng người dân ở Quảng Trị phải đi dây qua sông mà mấy ngày sau
TCĐB không ai biết, yêu cầu ông Huyện đi kiểm tra thì chụp một cái ảnh chả
liên quan. “Tôi yêu cầu báo cáo xử lý vụ xe quá tải đi qua 5 tỉnh đến Hà Tĩnh
mới phát hiện, nhưng chả thấy báo cáo gì. TCĐB được bộ trưởng yêu cầu nhưng
chả bao giờ báo cáo gì, như vụ cầu treo dân sinh tôi yêu cầu báo cáo trước
ngày 10.1 nhưng đến ngày đó hỏi lại thì bảo em đang chuẩn bị vì thứ bảy, chủ
nhật em nghỉ”, ông Thăng phê bình. Nghe ông Huyện nhận lỗi với vụ cầu treo,
ông Thăng hỏi thêm: “Ông đã đi thử trên cầu chưa, ông làm dây mà đi như người
dân xem có sợ không”.
“Làm lãnh đạo mà cũng 8 giờ vàng ngọc, sáng cắp ô đi chiều cắp ô
về thì làm lãnh đạo làm gì. Làm lãnh đạo phải chấp nhận hy sinh, thứ bảy, chủ
nhật lại đi chơi, đi du lịch thì làm sao công trình nhanh, đường tốt được.
Lãnh đạo phải chịu khó dậy sớm, bản tin giao thông phát 6 giờ 45 mà vẫn còn
đang ngủ. Nhiều lãnh đạo sở tầm 7 - 7 giờ 30 tôi gọi chả ai nghe máy, vẫn đang
ngủ, thế thì làm lãnh đạo làm gì”, ông Thăng nói và cho rằng làm lãnh đạo
phải biết chia sẻ với dân, chứ đừng “nói vì người dân mà để người ta kêu ca
đủ thứ”. Ông cũng yêu cầu năm 2016, TCĐB phải tiếp tục kiểm soát tải trọng
với “quyết tâm và trong sáng”, phối hợp với cơ quan công an, đồng thời phải
loại bỏ hoàn toàn các biển báo không phù hợp.
(Theo Thanh
niên) Mai Hà
|
Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét