Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Nợ công đe dọa thành tích tăng trưởng

Cập nhật lúc 11:31

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, mặc dù Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nổi bật nhưng tỷ lệ nợ công/GDP vẫn có xu hướng tăng liên tục với tốc độ khá nhanh. Nếu Việt Nam chậm thực hiện chương trình thắt chặt tài khóa thì mức độ bền vững nợ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tăng trưởng nổi bật
Trong báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế VN tháng 12/2015, WB cho rằng kinh tế VN ứng phó khá tốt trước những biến động bất lợi của môi trường kinh tế bên ngoài nhờ tăng cầu nội địa và ngành công nghiệp chế tạo xuất khẩu tốt. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 tiếp tục tăng, đạt mức 6,5%, so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính sách tiền tệ đã hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát thấp. Tỉ lệ lạm phát trung bình 10 tháng đầu năm 2015 là 0,7% trong khi mức cùng kì năm ngoái là 4,6%. Về ngoại thương, xuất khẩu vẫn đáng khích lệ và đạt mức tăng 9,2% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái.
Triển vọng trung hạn của nền kinh tế VN được đánh giá là tích cực. Theo đó tăng trưởng GDP dự tính cả năm 2015 là 6,5% và năm 2016 là 6,6%. CPI trung bình 2015 ở mức 1,5% và 2016 là 3%. Cán cân vãng lai năm 2015 tương đương 0,1% GDP, còn 2016 là -0,2%.
nợ công, diễn đàn doanh nghiệp, VBF, WB, hội-nhập, TPP, Việt-Nam, nợ-công, môi-trường-kinh-doanh, năng-lực-cạnh-tranh 
Nợ công của VN liên tục tăng trong những năm gần đây.
Nhìn chung, theo WB, kinh tế VN phục hồi tốt, viễn cảnh dài hạn khả quan.
“Cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu được duy trì, cùng với lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trung hạn của VN”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định.
Về xuất khẩu, ông Sebastian Eckkardt, chuyên gia Kinh tế cao cấp WB tại VN, cho rằng, VN thực sự nổi bật và xuất sắc so với bất cứ nước nào trên thế giới. Tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu là 2,8%, trong khi VN là 9%.
Mặc dù vậy, WB cho rằng, kinh tế VN vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro bất lợi trong quá trình tái cơ cấu vốn quá chậm chạp. Xử lý nợ xấu trong lĩnh vực NH vẫn còn nhiều thách thức. Việc trì hoãn thực hiện thắt chặt tài khóa có thể sẽ tác động tiêu cực đến mức bền vững của nợ công.
Dựa theo cách tính của Bộ Tài chính, WB cho rằng, tổng dư nợ công và nợ được bảo lãnh của Việt Nam sẽ tăng mạnh lên mức 63,2% trong năm 2016, so với mức 59,6% tính tới cuối 2014 và mức dự kiến 61,3% cuối 2015.
Theo WB, áp lực tăng chi bắt nguồn từ chi thường xuyên, kể cả áp lực tăng lương, sẽ gây khó khăn cho việc cắt giảm thâm hụt ngân sách. Các rủi ro tài khóa còn trở nên trầm trọng hơn bởi trách nhiệm trả nợ liên đới  đến các món nợ của DN và ngân hàng thương mại nhà nước.
TPP: Cơ hội tái cấu trúc mạnh mẽ
Nhìn về tổng thể, theo ông Sebastian Eckkardt, trong năm 2015, VN là một nước xuất sắc nhưng đối mặt nhiều vấn đề nội tại, như xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu nhờ khối FDI, với mức tăng trưởng 30% trong 9 tháng. Nhập khẩu của VN tăng nhanh hơn xuất khẩu, ở mức 14% khiến cán cân thâm hụt tăng lên.
Cùng với tăng trưởng tín dụng, các rủi ro trong ngành NH, kể cả tăng trưởng nóng, cũng sẽ tăng lên nếu không được quản lý cẩn trọng và có thể gây ra một đợt mất ổn định mới và tác động tiêu cực lên tăng trưởng.
 nợ công, diễn đàn doanh nghiệp, VBF, WB, hội-nhập, TPP, Việt-Nam, nợ-công, môi-trường-kinh-doanh, năng-lực-cạnh-tranh
Môi trường bên ngoài nói chung là thuận lợi đối với VN, nhưng những rủi ro mới nảy sinh đòi hỏi phải tiếp tục quản lý vĩ mô tốt nhằm bảo vệ nền kinh tế an toàn trước các cú sốc có thể xảy ra.
Theo bà Kwakwa, đây là thời điểm thích hợp để VN củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thêm khoảng đệm chính sách. Sự nỗ lực mạnh mẽ sẽ góp phần kiềm chế sự mất cân đối tài khóa và giải quyết những vấn đề bất cập còn tồn tại của khu vực NH.
Về vấn đề hội nhập, theo WB, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho VN. “TPP sẽ không chỉ cải thiện tiếp cận thị trường, mà còn là một nhân tố quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của các cải cách cơ cấu tại VN”, ông  Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng WB, chia sẻ.
Các kết quả mô phỏng cho thấy trong vòng 20 năm tới TPP sẽ đóng góp thêm 8% GDP của VN, 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% năng lực sản xuất. Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện hiệp định DN VN sẽ gặp nhiều thách thức.
Theo đại diện WB, một trong những trở ngại lớn khi tham gia TPP là quy tắc về xuất xứ. Cấu trúc xuất khẩu của VN dựa trên nhập khẩu rất nhiều. Nếu VN không mở chuỗi cung ứng trong nước đủ rộng thì sẽ không được hưởng thuế xuất ưu đãi. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để VN tái cấu trúc nền kinh tế trong nước, mở rộng và kết nối. Tất nhiên, để làm việc đó không phải dễ bởi nâng cấp được DN vừa và nhỏ là một công việc rất khó khăn.
Cải cách DNNN cũng là thách thức. TPP quy định một sự bình đằng giữa DNNN với DNNN, DNNN với tư nhân và với DN TPP khác. Bên cạnh đó, hội nhập làm suy giảm nguồn thu đối với giao dịch đối ngoại, xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng. Do vậy, VN cần có chiến lược bổ sung, bù đắp.
Về vấn đề về lao động và môi trường, trong TPP có Mỹ, Nhật, Canada đang áp dụng các tiêu chuẩn rất cao, VN đang phát triển thì khoảng cách rất lớn. DN nào đạt được chuẩn sẽ hưởng lợi. Đây là cách thức tốt nhất cho việc phát triển bền vững trong tương lai.
(Theo Vef.vn) M. Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét