Các công trình thủy điện ở Tây Nguyên không tính hết tác động môi
trường
Cập
nhật lúc 08:31
Cùng với việc
thiếu tính toán khi xây dựng các nhà máy thủy điện, nạn phá rừng tàn khốc ở
Tây Nguyên cũng khiến nguồn nước suy giảm trầm trọng.
Việc đầu tư xây dựng các công trình thủy
điện ở Tây Nguyên không tính hết tác động môi trường. Các công trình thủy lợi
không phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của vùng, công tác quản lý khai thác
còn nhiều bất cập. Tình trạng phá rừng, khai thác nước ngầm vô tội vạ, khiến
trữ lượng nước ngày càng suy giảm.
Sự can
thiệp thô bạo của con người đã tác động trực tiếp đến nguồn nước ở Tây Nguyên
trong những năm qua, trước hết là việc xây dựng hàng loạt nhà máy thủy điện
trên hầu hết các dòng sông lớn. Điển hình là dự án thủy điện An Khê – Ka Nak
ở tỉnh Gia Lai đã chặn ngang dòng chảy sông Ba từ thượng nguồn, rồi chuyển
nước về sông Kôn, tỉnh Bình Định; sông Ba trở thành con “sông chết”.
Mỗi năm, hơn 300 tỷ mét khối nước sông Ba
đã bị chuyển về Bình Định, khiến hàng chục nghìn hec-ta đất sản xuất ở 6
huyện, thị xã của tỉnh Gia Lai bị khô hạn. Khoảng 400.000 dân sinh sống dọc
lưu vực sông Ba phải gánh chịu sự ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Suốt cả nhiệm
kỳ làm Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai, ông Phạm Đình Thu luôn luôn bị áp lực bởi
công trình thủy điện này.
Ông Thu cho biết: “Thủy điện An Khê –
Kanak là vấn đề lâu dài, căng thẳng, không biết đến lúc nào kết thúc.
Bây giờ nó ảnh hưởng đến lưu vực là gần 400.000 dân ở hạ lưu chứ không phải
chỉ có An Khê. Việc dịch chuyển nguồn nước gây tác hại cực kỳ to lớn”.
Tương tự như vậy, hệ thống sông Sê-rê-pôk
(hợp lưu của sông Krông Nô và Krông Ana) chảy qua 2 tỉnh Đắc Nông và Đắc Lắc
cũng bị “chặt” ra nhiều khúc để xây dựng thủy điện, ảnh hưởng rất lớn đến
nguồn nước thủy lợi. Từ khi nhà máy thủy điện Buôn Tuar Srah chặn dòng Krông
Nô, nguồn nước sản xuất của 8 xã, thuộc tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông bị ảnh hưởng.
Dưới hạ
nguồn, nhà máy thủy điện Sê-rê-pôk 4A chặn dòng tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc
Lắc, chuyển nước sang khu vực khác để phát điện, khiến hàng chục km sông
Sê-rê-pôk trơ đáy. Việc làm này đã gây hạn hán ở vùng hạ du, ảnh hưởng hệ
sinh thái Vườn quốc gia Yook Đôn, đồng thời biến khu du lịch sinh thái Buôn
Đôn vốn rất hấp dẫn, thành một địa chỉ heo hút.
Tại Kon Tum, thủy điện Thượng Kon Tum đang
được xây dựng, chuyển nước từ sông Đăk Snghé, tỉnh Kon Tum sang sông Trà
Khúc, tỉnh Quảng Ngãi, chắc chắn sẽ gây thảm cảnh tồi tệ không kém so với
những gì đang diễn ra ở hạ lưu thuỷ điện An Khê-Kanak, tỉnh Gia Lai, khu du
lịch Buôn Đôn tỉnh Đắc Lắc hay như ở thác Pongour – Lâm Đồng, thác nước thơ
mộng và hùng vĩ bậc nhất Tây Nguyên.
Bà Trương Thị Đáng quản lý Khu du lịch sinh
thái Thác Pongour cho hay, khi xây dựng đập thủy điện Đại Ninh thì hầu như
nguồn nước dòng sông Đa Nhim về hạ nguồn của thác Pongour không còn, không đủ
nước để cung cấp cho cây trồng và thác nước cũng cạn kiệt luôn.
Mặc dù thủy điện Đại Ninh đã cam kết xả về
dòng sông Đa Nhim, nhưng thực tế họ không thực hiện theo yêu cầu đó, bà Đáng
bức xúc.
Tây
Nguyên đang phải trả giá quá đắt và chưa biết khi nào thôi trả giá. Cùng với
việc thiếu tính toán khi xây dựng các nhà máy thủy điện, nạn phá rừng tàn
khốc ở Tây Nguyên cũng là tác nhân khiến nguồn nước bị suy giảm trầm trọng.
Theo Tổng cục lâm nghiệp, 7 năm qua, Tây
Nguyên mất gần 360 nghìn ha rừng. Một số liệu thống kê khác cho thấy, 30 năm
qua, 1/3 diện tích rừng ở Tây Nguyên bị tàn phá, với diện tích hơn 1,5 triệu
ha, khiến độ che phủ suy giảm nhanh chóng, mất đi khả năng giữ nước.
Ông Trương Vân – Giám đốc Công ty TNHH MTV
Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai cho rằng, phá rừng là một tác động rất
lớn, xóa đi những thảm thực vật. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi rừng nghèo cũng
ảnh hưởng rất lớn.
“Trước đây người dân trồng lúa cạn ở đầu
nguồn, bây giờ chuyển qua trồng cà phê, hồ tiêu. Như vậy là cùng một thời
điểm, vừa tưới cho lúa nhưng thượng nguồn người ta sử dụng bơm lấy nước để
tưới cho cà phê, hồ tiêu nên lượng nước rất thiếu,” ông Vân cho hay.
Trong khi thuỷ điện đổ nước đi nơi khác,
rồi mất rừng-mất khả năng giữ nước, thì việc chống hạn ở Tây Nguyên dồn vào
các công trình thuỷ lợi. Tây Nguyên hiện có 2.260 công trình thủy lợi, với
1.150 hồ chứa, gần 950 đập dâng, hàng trăm trạm bơm và gần 5.000 km kênh
mương. Thế nhưng, hàng trăm công trình thủy lợi xuống cấp, bị bồi lắng,
phần còn lại thì quản lý vận hành yếu kém. Mùa lũ xả sai quy trình gây ngập
úng. Mùa hạn thì dùng lãng phí vào đầu vụ để cuối vụ cạn khô.
Ông Mai Trọng Dũng – Phó giám đốc Sở nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc nêu thực tế: “Các công trình
trước đây giao cho địa phương quản lý thì giao cho huyện, huyện giao cho xã,
xã lại giao cho một người cán bộ giao thông - thủy lợi; và công trình đó lại
giao về cho thôn, buôn, thì ông trưởng thôn, buôn quản lý, để nhiều công
trình xuống cấp, đặc biệt một số công trình để dân lấn chiếm. Các công ty cà
phê thì việc đâu tư nâng cấp gần như không còn, nên cũng ảnh hưởng đến năng
lực tưới của công trình”.
Tình
trạng khai thác nước ngầm vô tội vạ cũng khiến cho Tây Nguyên ngày càng khô
khát. Kết quả nghiên cứu của Chương trình cảnh quan bền vững, thuộc tổ chức
IDH của Hà Lan cho thấy, khoảng 5 năm trở lại đây, mực nước ngầm ở Tây Nguyên
mỗi năm tụt xuống từ 3 đến 5m, trữ lượng nước đã giảm từ 30 đến 35%.
Qua thực tế
hoạt động khai thác nước ngầm của đơn vị, ông Trần Văn Thiện, Giám
đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đắc Lắc cho biết: “Mùa khai
thác trùng với mùa tưới cà phê, hồ tiêu; nông nghiệp bây giờ tưới tiêu quá
lớn. 10 năm trước thì giếng có độ sâu so với mặt đất là từ 80 đến 90 mét,
nhưng hiện giờ xuống đến 110, 111 mét, xuống hẳn đi từ 10 đến 15 mét”.
Một bất cập
khác là phần lớn các công trình thủy lợi ở Tây Nguyên chỉ ưu tiên cây lúa,
hiệu quả kinh tế thấp; trong khi nhiều cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế
cao như cà phê, hồ tiêu và các loại cây ăn quả thì ít được chú trọng. Toàn
vùng hiện có khoảng 600.000 ha cà phê, 60.000 ha hồ tiêu, phần lớn do nông
dân tự tìm lấy nguồn nước tưới bằng việc đào giếng, khoan giếng; chỉ khoảng
30% diện tích cà phê của các doanh nghiệp Nhà nước được đầu tư công trình
thủy lợi, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.
Nhiều công
trình được Nhà nước đầu tư không đồng bộ; chưa có hệ thống kênh mương, nên
còn khoảng 150 nghìn hec-ta cây trồng nằm trong khả năng cấp nước nhưng chưa
được tưới.
Thực tiễn đang
đặt ra cho Tây Nguyên yêu cầu thay đổi căn bản về mô hình đầu tư, quản lý
công trình thủy lợi, áp dụng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để khai thác
nguồn nước đúng trọng tâm, trọng điểm nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Nhóm PV/VOV – Tây Nguyên
|
Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét