Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Lòng tham và sự sợ hãi

 Cập nhật lúc 07:54   

Tham lam là thói xấu của con người tồn tại từ thời này qua thời khác. Ngay từ thuở ăn hang ở lỗ, lòng tham đã bắt đầu từ việc tranh giành nhau lãnh địa săn bắt, hái lượm và xảy ra xô xát, chiến tranh.

Đến thời văn minh hiện đại, người tham lam đã thể hiện bản ngã của mình từ tuổi ấu thơ bằng việc tranh lấy phần hơn từ miếng bánh, củ khoai, cái kẹo.
Vì nó là thói xấu nên ai cũng cũng lên án và khinh ghét. Và những kẻ tham lam không tránh khỏi tâm lý sợ hãi khi ăn cả phần người khác, dễ bị trừng phạt. Càng vơ vét tiền bạc và tài sản với giá trị lớn thì kẻ tham lam càng có tâm trạng lo sợ.
long tham va su so hai
Những kẻ chết vì lòng tham vô độ không hiếm, bất kể ở thời đại nào.
Lúc còn nhỏ, kẻ tham lam tranh nhau với anh em ruột thịt, bạn bè từ đồng quà, tấm bánh thì lớn lên, dù có làm cán bộ, công chức cũng vẫn chứng nào tật nấy. Họ luôn luôn tìm ra âm mưu thủ đoạn để tranh giành với đồng nghiệp từ bậc lương đến chức vụ.
Và chính họ là những thủ phạm gây ra mất đoàn kết nội bộ cơ quan. Tài hèn, sức mọn nhưng kẻ tham lam không bao giờ hài lòng với vị trí và quyền lợi mà mình đang có. Họ sẽ tìm mọi mánh khóe và tận dụng mọi cơ hội để leo cao, luồn sâu, chiếm lấy địa vị có nhiều bổng lộc hơn. Ước mơ giàu sang bất chính luôn thường trực trong đầu những kẻ bất tài nhưng “tham như mõ”.
Thói tham lam cũng đồng hành với đạo đức giả mà giả dối trong xã hội ta hiện nay có nguy cơ lan rộng, trở thành phương tiện của kẻ yếu thế và thủ đoạn của kẻ có quyền. Người ta giả dối mà không cảm thấy xấu hổ, không cảm thấy cắn rứt lương tâm, mất ý thức về sự giả dối, không xem giả dối là một tính xấu, là mầm mống của những thói hư tật xấu khác và coi như chuyện bình thường.
Thực tế cho thấy, giả dối phát xuất từ sự tham lam và sợ hãi của con người. Vì tham danh vọng, tham chức, tham quyền, tham địa vị, tham của cải vật chất, tham sống… nên người ta đã giả dối. Vì sợ chết, sợ mất địa vị, sợ mất của cải vật chất… nên người ta đã giả dối. Tham lam, sợ hãi, giả dối gắn bó hữu cơ, tạo thành lối sống của không ít người.
Có quan chức đương nhiệm sở hữu hàng chục căn hộ và lô đất, gửi tiết kiệm hàng chục tỉ đồng nhưng vẫn vơ vét và chạy chọt để tăng thêm số tài sản lớn. Đó là do lòng tham. Có quan chức cấp cao về hưu, lại tham gia làm cho doanh nghiệp hoạt động bất minh, mờ ám để kiếm bộn tiền so với thời đương chức để rồi vi phạm pháp luật. Đó là do lòng tham.
Nhiều cán bộ cấp xã, huyện, quận bán đất, cấp đất vô tội vạ cho cá nhân, doanh nghiệp để kiếm lời, bất chấp cả quy hoạch và kiến trúc dài hạn ở địa phương, đã phải đứng trước vành móng ngựa. Bò, dê, gà giống cấp cho dân nghèo thì các quan lùa hết về nhà mình hoặc đánh tráo. Đó là xuất phát từ lòng tham.
Những tổ chức, cá nhân sản xuất thuốc chữa bệnh giả, chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; các thức ăn, đồ uống giả; các loại hàng tiêu dùng nhái nhãn mác… là do lòng tham.
Bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân học giả, bằng thật nhờ mua bán chạy chọt để làm “lá bùa” tiến thân cũng từ lòng tham. Nhờ bằng cấp mà thăng quan, tiến chức; rồi nhờ quyền chức mà có cơ hội vơ vét bởi lòng tham.
Thật đáng buồn khi xã hội có quá nhiều cái giả!
Người Việt ta có câu “dĩ hòa vi quý”, tức là không muốn mất lòng nhau nên không dám nói ra sự thật, vì “sự thật mất lòng”, không muốn bị mang tiếng là kẻ “chọc gậy bánh xe”, khó tính, hay phê bình người khác. Chính tâm lý này đã tạo ra sự an phận thủ thường, tính chất nhu nhược, sợ hãi. Thành ra, “người ngay” lại có lúc sợ kẻ gian.
Và cũng vì thế mà “thẳng thắn thật thà thường thua thiệt”, buông xuôi cho tính giả dối. Thế là đám người giả dối và tham lam cứ mặc sức phô trương, khoác lác, lừa bịp thiên hạ.
Cùng tham gia giao thông trên đường, mặc dù hai làn đi ngược chiều đã đông nghịt nhưng kẻ tham vẫn cố vượt lên trước để gây ách tắc và tai nạn.
Ngồi ăn cùng mâm, kẻ tham cố chọn miếng to hơn, ngon hơn gắp trước và ăn lấy nhiều hơn.
Ở cùng một ngõ, tất cả các nhà đều xây thẳng tắp thì kẻ tham lại xây nhô ra lối đi vài chục phân. Nếu có bị kiện cáo thì nhà chức trách phạt cho tồn tại.
Khi phải xếp hàng mua bán, kẻ tham vô tư chen ngang.
Quan chức gần đến hạn nghỉ hưu thì khai man lý lịch để được tại vị thêm vài năm nữa vì đang còn nhiều bổng lộc. Có vị xin được kéo dài thời gian công tác vì tự thấy mình “đang ở độ chín”, cống hiến được nhiều hơn người trẻ. Thậm chí có người nhận quyết định nghỉ hưu rồi vẫn không chịu trao lại chìa khóa phòng cho người kế nhiệm, chẳng khác nào “đười ươi giữ ống”.
Lại có một nguyên nhân nguy hiểm là những người có chức, có quyền bao che, dung túng, thậm chí tiếp tay cho những kẻ giả dối và tham lam. Lâu nay, nạn sản xuất và buôn bán phân bón giả đã trở thành vấn đề nhức nhối. Nhưng tại sao không xử lý được? Bởi có những biểu hiện khuất tất ngay từ các cơ quan chức năng.
Nước ta là một nước nông nghiệp, nông dân đúc kết “nhất nước, nhì phân”. Thế mà mỗi năm cả nước bị thiệt hại tới 2 tỉ USD vì phân bón giả, có hàng nghìn vụ kinh doanh phân bón giả với hơn 1.000 tấn phân bón giả bị thu giữ. Số liệu từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, đã có hơn 4.000 vụ vi phạm pháp luật về phân bón nhưng mới chỉ có 10 vụ được khởi tố. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đã cảnh báo và lo ngại về việc “nương nhẹ, bao che, không xử lý nghiêm nạn làm phân bón giả - loại tội phạm có lẽ nguy hiểm chỉ sau tội phạm ma túy”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu cũng từng thừa nhận, “phân bón giả hoành hành có nguyên nhân do cán bộ bị mua chuộc”. Chính Phó thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phải thốt lên: “Sự việc đã rõ như ban ngày, sao chưa xử lý đến nơi đến chốn?”. Cái giả dối lộng hành bởi lỗ hổng pháp luật và bởi “lỗ hổng” ngay trong đội ngũ quản lý, thực thi pháp luật.
Những kẻ tham vặt thì chỉ gây khó chịu cho những người xung quanh. Với những “cái mặt không chơi được” ấy, người ta cứ tránh xa là ổn. Song với những kẻ tham lam vô độ, bòn rút một lượng tài sản khổng lồ của tập thể và cá nhân thì chẳng những bị pháp luật trừng trị mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín của đảng, chính quyền và xói mòn lòng tin trong nhân dân. Tầm ảnh hưởng xã hội còn vượt ra ngoài biên giới quốc gia, có trường hợp còn lôi kéo cả người nước ngoài vào cuộc.
Có người cho rằng nguyên nhân của các tệ nạn trong xã hội là do mặt trái của kinh tế thị trường, do quá trình toàn cầu hóa quá nhanh. Thế thì nhìn ra thế giới, nhiều nước có nền kinh tế thị trường, chịu sự tác động của toàn cầu hóa sớm hơn chúng ta như Singapore, Thailand, Malaysia… sao họ không mắc phải tệ nạn như xã hội như chúng ta?
Như trên đã nói, chính những cán bộ có chức, có quyền nhưng tham lam đã móc nối với kẻ gian làm những điều giả dối để cùng ăn chia. Vì thế, quan tham hay dân tham thì đều phải xử lý bình đẳng trước pháp luật. Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để trừng trị tận gốc kẻ tham lam.
Chúng có sợ hãi nhưng bản ngã tham lam vẫn không cưỡng lại được. Đồng thời họ còn sẵn sàng “dĩ hòa vi quý” thì làm sao ngăn chặn được những kẻ tham! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét