Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Chùa mới xây ngày càng giống cung điện

 Cập nhật lúc 08:13
                 
Rất nhiều bạn đọc gửi ý kiến về hiện trạng “xây công trình tôn giáo, tín ngưỡng hoành tráng nhưng chưa đẹp” được nêu ra từ cuộc hội thảo do Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) tổ chức tại Hà Nội ngày 25-12.
 Chùa Bái Đính (Ninh Bình) - Ảnh tư liệu.
Chùa Bái Đính (Ninh Bình) - Ảnh tư liệu.
Bạn đọc Văn Hoàng đưa ra ý kiến của mình: “Kiến trúc chùa ngày nay thiên về thực dụng công năng, chẳng có lạ lùng gì cả, vì kết cấu chùa hầu hết bằng bêtông. Gỗ đâu mà xây, gỗ đâu mà điêu khắc hoa văn hoạ tiết. Không thể đòi hỏi mỗi ngôi chùa phải là một công trình văn hoá để đời, không thể và cũng không nên xây chùa ngày nay theo y kiểu chùa của 300 năm ngày trước”.
Cả nước có 24 triệu tín đồ của các tôn giáo khác nhau, với hơn 26.000 cơ sở thờ tự gồm chùa, đền thờ, nhà thờ và các nơi thờ tự khác. (Theo Viện Kiến trúc quốc gia).
Nhưng nhiều bạn đọc khác thì băn khoăn về các công trình tôn giáo, tín ngưỡng xây dựng hoành tráng song chưa đẹp. 
Bạn Mai Tho so sánh dí dỏm “Chùa mới bây giờ nhìn như cung điện” không biết để làm gì trong thời buổi nước nhà tiết kiệm, hạn chế xây dựng lãng phí, "chạy đua" về sự hoành tráng.
Một bạn đọc sống ở Mỹ cảm thán: “Hóa ra không phải chỉ có ở nước ngoài (Mỹ) nơi tôi đang ở. Nhìn ngôi chùa Việt Nam mà cứ tưởng dinh thự ngày xưa hay là đền thần của người nước ngoài. “Bệnh hoành tráng” lây lan quá”.
Bạn đọc Nguyễn Văn Lưu bình luận: “Không hiểu người ta thi nhau xây dựng các công trình giả cổ với sự hoành tráng kỷ lục ngày một nhiều để làm gì? Những ngôi đình, chùa, miếu mọc lên, che khuất những những di tích cũ, làm khách du lịch không khỏi chạnh lòng.
Phải chăng ý nghĩa giá trị văn hoá lịch sử thời nay là nằm ở độ mới, hoành tráng và lập nhiều kỷ lục như to nhất, dài nhất, nhiều nhất chứ không phải là cổ nhất? Người ta sẵn sàng đập bỏ những giá trị nghệ thuật cổ xưa để xây dựng một cái mới giả cổ to hơn, hoành tráng hơn nhưng người ta không hề biết giá trị của những cái giá cổ ấy chỉ là số 0”.
Bạn đọc Mỹ Hiệp chia sẻ và kể một ví dụ theo quan điểm cá nhân: “Những gì mới đương nhiên là đẹp hơn, hiện đại hơn nhiều so với cũ, nhưng dù như thế nào đi nữa, tôi thấy tiếc những công trình xưa cũ. Chùa Linh Sơn Tự (xã Mỹ Hiệp, Cao Lãnh, đồng Tháp) tôi chưa rõ có từ thời nào nhưng nhìn nét kiến trúc có thể khẳng định đó là một ngôi chùa xưa.
Sau năm 2000, người ta đã phá bỏ hoàn toàn ngôi chùa để xây dựng lại một ngôi chùa mới khang trang, hiện đại, mang phong cách nước ngoài... Bỏ cũ để xây mới cho người dân có nơi thờ tự, tín ngưỡng thật đáng mừng, nhưng tôi rất tiếc ngôi chùa xưa cổ, một di sản mà cho dù có nhiều tiền, của bao nhiêu cũng không thể tìm lại được”.
Bạn đọc tên Sang hoài niệm: “Những ngôi chùa có thể được xem là di tích như Việt Nam Quốc Tự, chùa Vĩnh Nghiêm hay chùa Giác Lâm... đều là những công trình mang tên tuổi, gắn liền với địa danh nơi mà nó được tạo ra và kiến trúc có một không hai chứ không phải cứ xây chùa bừa bãi, thiếu sáng tạo như hiện nay”.
Bạn đọc Nguyễn Tiến Hoàng chia sẻ: “Tôi nghĩ đẹp, xấu, giá trị thế nào có lẽ hậu thế sẽ có câu trả lời chính xác hơn, hiện tại điều quan trọng là đừng có tình trạng mới xài... đã hư là được rồi”.
Bạn đọc Nhật Linh bày tỏ: “Nếu đẹp ở độ to lớn, hoành tráng, mới thì không thể đúng với một ngôi chùa. Vẻ đẹp vô giá ở một ngôi chùa nằm ở giá trị nghệ thuật cổ xưa còn tồn tại trải qua hằng trăm năm lịch sử chứ không phải ở độ to lớn, mới mẻ và hoành tráng”.
Bạn đọc Minh Trung cho biết mình "thở dài nhớ đến hai câu thơ": 
Mái chùa che chở hồn dân tộc / Nếp sống muôn đời của tổ tông.
"Công tác rà soát thực trạng, nghiên cứu tổng thể cũng như những định hướng cho người dân, người làm nghề và các nhà quản lý chưa có là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lai căng, khập khễnh trong hình thức kiến trúc, trong bố cục của các công trình tôn giáo, tín ngưỡng xây dựng mới” - ý kiến Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Đỗ Thanh Tùng (Tuổi Trẻ ngày 26-12).
(Theo Tuổi trẻ) THU NGUYỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét