Ăn cháo bị tính một triệu,
dọa kêu chức năng, xuống 200 ngàn
Cập nhật lúc 16:40
Chị Lê Thị Lan Hương (Q.Bình Thạnh) ăn đêm tại một quán ở chợ Đà
Lạt bị tính giá 1 triệu đồng cho ba tô cháo và một đĩa lòng gà.
“Chặt chém” mùa du
lịch là vấn nạn mãi không dứt, nhiều người dân cho biết họ đành
“ngậm đắng nuốt cay” móc tiền ra trả cho những khoản tiền vô lý dù lòng đầy
bức xúc...
“Đi du lịch mùa lễ
hội, ai cũng xác định phải bỏ thêm khoản không nhỏ để trả cho phần bị đội
giá. Nhưng khi đã bị “chặt chém”, tôi không bao giờ quay lại nơi đó nữa” -
anh Phùng Quang Hảo (Q.1, TP.HCM), một nạn nhân bị “chặt chém” mùa du lịch,
nói.
Cuộc khảo sát với 70 người dân và du khách ở TP.HCM đã từng
bị “chặt chém” khi đi du lịch vào mùa lễ hội do Tuổi Trẻ thực
hiện đã cho thấy hơn 90% nói rằng họ đành “ngậm đắng nuốt cay” móc tiền ra
trả cho những khoản tiền quá vô lý dù lòng đầy bức xúc.
1 triệu đồng cho 3 tô cháo và 1 đĩa lòng gà
Hè vừa rồi, chị Lê
Thị Lan Hương (Q.Bình Thạnh) ăn đêm tại một quán ở chợ Đà Lạt bị tính giá 1
triệu đồng cho ba tô cháo và một đĩa lòng gà. Chị dọa kêu cơ quan chức năng
can thiệp thì chủ quán mới nói đúng giá là... 200.000 đồng!
Đà Lạt cũng bị một du
khách khác than phiền: thông thường giá phòng ở đây chỉ tầm 300.000 đồng,
nhưng cái giá để “thưởng hoa đúng dịp” lại bị “hét” đến 1,5 triệu đồng/phòng.
Chị Đào Tường Vy
(Q.Bình Thạnh) thì “dính đòn” khi đi du lịch cuối năm ở Phú Quốc. “Trước đó,
tôi đã đặt phòng trực tuyến nhưng đến nơi thì hết phòng do khách quá đông.
Lúc đó chỉ còn một phòng không quạt, không máy nước nóng mà giá thì đắt gấp
đôi so với phòng đã đặt từ trước”.
Theo kết quả khảo
sát, dịch vụ mà du khách bị “chặt chém” nhiều nhất trong mùa lễ hội là chi
phí ăn uống ở nhà hàng, quán ăn (90% ý kiến), kế đó là tiền phòng khách sạn
(67,1%), mua hàng hóa hoặc đồ lưu niệm (54,3%)...
Mức độ “chặt chém”,
theo 94,3% người trả lời khảo sát, là thường bị tính giá “gấp đôi đến gấp ba”
so với mức giá vào những ngày bình thường.
Chiêu thức “chặt
chém” thì từ ngấm ngầm đến công khai hét giá. Ngay cả khi có niêm yết bảng
giá, nhiều nơi vẫn tính giá cao hơn hoặc đưa ra nhiều mức phụ thu cũng với lý
do “đang ngày cao điểm lễ hội”.
Bên cạnh đó, chiêu
thức thường được nhiều nơi áp dụng là đồng loạt treo bảng hết phòng, hết
hàng, hết chỗ để ép giá du khách. Có những trường hợp du khách gần như bị
“trấn lột”.
Chị Lê Ngọc Anh (sinh
viên) kể giữa tháng 7 vừa rồi có lần chị thấy một người bán dừa cho khách
chụp ảnh với đôi quang gánh, sau đó đòi khách phải trả 220.000 đồng. Khi
khách chỉ đưa 200.000 đồng, người bán hàng giật ví trên tay khách rút thêm
20.000 đồng nữa mới chịu đi.
Chuẩn bị kỹ khi đi du lịch
Mặc dù ai cũng cảm
thấy ấm ức khi bị “chặt chém” nhưng hầu hết người trả lời khảo sát (91,4%)
cho biết họ đành chấp nhận trả tiền chứ không biết làm sao.
Chị Nguyễn Lê Trúc Vi
(Q.Thủ Đức) kể rằng hè vừa rồi chị chụp ảnh cho nhóm bạn ở Đà Lạt. Sau khi
chụp xong, một thanh niên lạ mặt tới đòi thu 80.000 đồng với lý do là bức ảnh
dính một chú ngựa của họ.
“Do nhóm toàn con gái
và ở nơi lạ nên chúng tôi đành trả tiền vì không muốn mất thời gian hoặc gặp
rắc rối” - chị Vi cho biết.
Có nhiều người đã
mang sự ấm ức bị “chặt chém” của mình đăng tải lên mạng xã hội hoặc cung cấp
thông tin cho báo chí như một cách cảnh báo cho những người khác tránh bị như
mình. 28,6% người trả lời khảo sát lựa chọn cách làm này.
Chọn cách làm này
nhưng anh John Thuận (sinh sống ở Úc) lại kể: “Hồi tháng 9, biết tôi là Việt
kiều, chủ một khách sạn ở Nha Trang tính tiền phòng của tôi đắt gấp 3 lần so
với gia đình ở phòng bên cạnh. Sau này tôi có viết một bài phản ánh trên
Facebook cá nhân thì bị người của khách sạn này nhắn tin đe dọa”.
Cũng có những người
quyết định tranh luận tới cùng về mức giá với nơi cung cấp dịch vụ “chặt
chém” nhưng con số này không nhiều, chỉ 10% số người trả lời khảo sát. Đặc
biệt, không có ai trong số những người trả lời khảo sát chọn cách liên lạc
nhờ cơ quan chức năng giúp đỡ.
Giải thích lý do
không nhờ cơ quan chức năng can thiệp, anh Hà Quang Mạnh (Q.10) nói: “Chúng
tôi chỉ mong chuyến đi suôn sẻ, vui vẻ trong quỹ thời gian hạn hẹp.
Đặc biệt khi đi đền,
chùa cúng bái đầu năm, cuối năm, hầu như ai cũng có tâm lý ngại mặc cả hoặc
không muốn cãi vã. Nếu nhờ tới cơ quan chức năng lại mất thời gian, thủ tục
phức tạp”.
Có lẽ vì không thể
phản ứng được với những dịch vụ “chặt chém” nên khi bàn vào giải pháp cho vấn
nạn này, 87,1% người trả lời khảo sát chọn cách “tự bảo vệ mình” khi đi du
lịch mùa lễ hội bằng việc chuẩn bị kỹ trước khi đi: đặt trước các dịch vụ
(nhà hàng, khách sạn, ăn uống...), mang theo đồ ăn nhẹ...
Nhiều người còn nhờ
người quen ở địa phương mình đi du lịch làm hướng dẫn để tránh bị “chặt
chém”. Tuy nhiên, nếu nhiều khách du lịch đều mang thức ăn, sợ hãi khi phải mua
sắm, sử dụng dịch vụ tại điểm du lịch... thì ngành du lịch có lẽ sẽ thất thu
nhiều nguồn lợi.
Cho nên, giải pháp mà
nhiều du khách mong đợi vẫn là việc cơ quan chức năng tăng cường việc kiểm
soát để ngăn chặn tình trạng “chặt chém” du khách, xử lý nghiêm (phạt nặng,
thu hồi giấy phép hoạt động) với những nơi nhiều lần vi phạm.
(Theo Tuổi trẻ) NHÓM KHẢO SÁT
|
Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét