Gánh nặng trả nợ, cảnh báo nợ lương
Cập nhật lúc 07:40
Kỷ luật ngân sách đang lộ rõ nhiều vấn đề ở năm cuối cùng
của giai đoạn phát triển kinh tế 5 năm 2011-2015. Mục tiêu giảm bội chi, giảm nợ công, giảm vay đảo nợ... đều chưa như
mục tiêu mong muốn, trong khi thu ngân sách lại tăng chậm.
Thu eo hẹp, lo
nợ lương
"Không để xảy ra tình trạng
chậm lương, nợ lương cán
bộ công chức, viên chức" là thông tin khá đặc biệt được Bộ Tài chính
phát đi hồi giữa tháng 12 này.
Đặc biệt là bởi, xưa nay nợ lương thường được nhắc đến như
một tình trạng khó khăn điển hình ở khu vực DN mỗi khi nền kinh tế suy giảm.
Còn trường hợp Nhà nước nợ lương thì hơi hiếm, hoặc ít được biết đến. Hiện
tượng này mới chỉ được "lộ" ra gần đây khi một số địa phương vỡ
ngân sách, nợ nần.
Yêu cầu trên của Bộ Tài chính cho thấy hai điểm, ngân sách
đang khó khăn và chi thường xuyên đang có nhiều vấn đề.
Quan sát thực trạng ngân sách 5 năm vừa qua, có thể thấy,
một nghịch lý luôn tồn tại là nguồn thu tăng chậm nhưng nhu cầu chi tiêu
thường xuyên, chi trả nợ lại tăng nhanh không ngừng.
Năm 2015, giá dầu thô sụt giảm khiến nguồn thu từ dầu thô
giảm hụt mất 32.000 tỷ đồng, giảm từ 93.000 tỷ xuống còn 61.000 tỷ đồng.
Năm 2016, dự kiến ngân sách thu
từ dầu thô sẽ phải lùi tiếp với dự toán chỉ 54.500 tỷ đồng, giảm mất 6.500 tỷ
so với thực tế năm nay, giảm 10,7% so với dự toán năm 2015. Nguồn thu này đã
chỉ còn đóng góp 1,4% GDP và 6,6% tổng thu cân đối ngân sách thay vì mức 5,2%
GDP và 18,4% tổng thu cân đối ngân sách ở 5 năm trước.
Đây là kịch bản trên cơ sở dầu thô bình quân 60 USD/thùng.
Những ngày cuối năm, giá dầu đã xuống đáy 34-36 USD/thùng và có những dự báo
xuống 20-25 USD/thùng.
Cùng đó, nguồn thu từ xuất nhập khẩu ngày càng giảm bởi
việc cắt giảm thuế quan theo các cam kết FTAs. Tính đến nay, nguồn thu này đã
chỉ còn chiếm 3,9% GDP và đóng góp 18,9% trong tổng thu ngân sách, thay vì
mức chiếm 5,95 GDP và đóng góp 20,7% tổng thu ngân sách.
Nguồn thu nội địa được kỳ vọng sẽ tăng lên tới 80% vào năm
2020, song thời gian qua, việc giảm thuế suất ở nhiều sắc thuế để tháo gỡ khó
khăn cho DN cũng ảnh hưởng không nhỏ. Thuế thu nhập doanh nghiệp đã có 2 lần
giảm, từ mức 28% xuống còn 22%. Thuế thu nhập cá nhân đã tăng mức khởi điểm
nộp thuế và tăng mức giảm trừ gia ảnh. Chưa kể việc giảm, miễn thuế VAT ở mặt
hàng nông sản...
Để có một nguồn thu bền vững thì thu từ thuế thu nhập
doanh nghiệp - một thước đo phản ánh sức khoẻ của DN, sẽ có đóng góp chủ đạo.
Tuy nhiên, nhưng điều này vẫn không đạt được. Như Bộ Tài chính đã công bố,
mới chỉ 39-40% DN nộp thuế thu nhập, nghĩa là có tới 60% DN hiện đang không
có lãi.
Và thậm chí, với những DN có lãi, số nợ thuế lại quá lớn
khiến ngành thuế chầy chật đòi nợ để bù các khoản hụt thu trên. Trong 76.500
tỷ đồng tiền nợ thuế thì số nợ khó đòi, có thể bị mất trắng lên tới hơn
32.000 tỷ đồng.
Chi tăng không
ngừng: Xoay xở trả nợ
Trong bối cảnh nguồn thu ngày càng chật vật, chi tiêu ngân
sách ngày càng phình to.
Năm 2015, tổng chi ngân sách so với GDP đã giảm từ 30% ở
năm 2010 xuống còn 26%. Nhưng về quy mô, chi ngân sách Nhà nước đã tăng trên
70% so với cách đây 5 năm.
Trong đó, đáng lo ngại nhất là câu chuyện chi thường xuyên
và chi trả nợ tăng chóng mặt và luôn ở mức cao.
Giai đoạn 2011-2015, chi thường xuyên chiếm bình quân 65%
tổng chi ngân sách, tăng hơn 10% so với mức tỷ trọng chỉ 54-55% ở giai đoạn 5
năm trước. Riêng năm 2013, chi thường xuyên là 69%, năm 2014 tăng kỷ lục là
70% tổng chi ngân sách.
Theo lý giải từ phía Bộ Tài chính, nguyên nhân lớn nhất ở
áp lực chi này là việc tăng chi tiền lương và an sinh xã hội. 5 năm qua,
Chính phủ đã có 3 lần tăng lương cơ sở và tăng phụ cấp công vụ lên 25%, 1 lần
tăng 8% cho lương hưu, trợ cấp... Chi an sinh xã hội mỗi năm tăng thêm 18%,
cao hơn cả tốc độ tăng thu hay tăng chi ngân sách.
Và điều dễ hiểu, khi thu thì hạn hẹp nhưng chi lại có nhu
cầu quá lớn nên ngân sách quốc gia 5 năm vừa qua đã phải trông chờ nhiều vào
việc đi vay. Tất yếu, điều này kéo theo nợ công gia tăng cao.
Mặc dù nợ công của Việt Nam vẫn trong giới hạn an toàn
nhưng liên tục được cảnh báo vì có chiều hướng tăng. Năm 2015, nợ công khoảng
61,3% GDP, tăng thêm 7% so với năm 2011. Trước nữa, năm 2010, nợ công tăng
thêm 15% GDP so với năm 2006.
Một bất lợi lớn cho Việt Nam khi trở thành nước có thu
nhập trung bình là lãi suất vay bên ngoài đã không còn nhiều ưu đãi, nhu cầu
vay lại đổ đồn vào nguồn trong nước. Trong khi đó, giai đoạn năm 2011-2012,
lạm phát cao, lãi suất cao đã khiến Chính phủ phải huy động các khoản vay
ngắn hạn làm tăng nhanh áp lực chi trả nợ công.
Mới đây, Chính phủ đã quyết định phát hành 3 tỷ USD trái
phiếu quốc tế, nhưng phần lớn ở đó là phục vụ mục đích đảo nợ trong nước.
Việc đi vay đô-la để trả nợ cho các khoản vay tiền đồng, về lý thuyết, sẽ gặp
rủi ro lớn. Trong khi đó, "thông lệ" các nước là chỉ có vay trong
nước để đảo nợ trong nước.
Chưa kể, riêng khoản vay đảo nợ cũng
ngày càng gia tăng hàng năm. Năm 2013, ngân sách vay đảo nợ là hơn 46.900 tỷ
đồng, năm 2014 vay 77.000 tỷ đồng và năm 2015 là vay 125.000 tỷ đồng, tăng thêm
62%.
Lý do là bởi, ngân sách eo hẹp, sau khi ưu tiên chi trả nợ
nước ngoài, trả đủ các gốc lẫn lãi thì túi tiền quốc gia này đã không còn đủ
sức để chi trả nợ trong nước đầy đủ. Ngân sách chỉ có thể tự trả nợ trong
nước, cả lãi và gốc một tỷ lệ thấp nhất định.
Có thể nói, nhìn lại bối cảnh trên, mục tiêu chung giảm
bội chi ngân sách đã không thể đạt được như mục tiêu đề ra. Bội chi ngân sách
theo yêu cầu cần giảm xuống 4,5% GDP thì rốt cục kết quả năm nay dự kiến là
5%, thậm chí có năm cao đột biến lên tới 6,6% như năm 2013.
Trong công văn gửi tới các địa phương về thực hiện ngân
sách năm 2015 vừa qua, Bộ Tài chính đã nhấn mạnh việc phải tiết kiệm triệt để
các khoản chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, hội thảo, khánh
tiết, mua sắm ô tô công... Yêu cầu này đã trở thành thường niên, nhưng rồi
kết quả thực tế có được như lời kêu gọi?
(Theo Vef.vn) Phạm
Huyền
|
Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét