Kinh tế Việt Nam 2015: Khởi sắc trong khó khăn
Cập nhật lúc 07:38
Mặc dù trong
điều kiện kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn nhưng kinh tế Việt Nam đã có
những bước phục hồi tương đối ấn tượng.
Trong bối cảnh kinh tế Thế giới đang trên đà phục hồi, với
nhiều màu sắc và tốc độ khác nhau. Các tổ chức tài chính quốc tế cũng liên
tục đưa các các điều chỉnh “giảm” đối với tốc độ tăng trưởng của kinh tế Thế
giới và hầu hết các nước. Nền kinh tế của Hoa Kỳ và Tây Âu khôi phục không
vững chắc, trong đó Hoa Kỳ đang tăng trưởng chậm lại.
Kinh tế Trung Quốc cũng đang bước vào thời kỳ điều chỉnh
mang tính chiến lược một cách quyết đoán (giảm tốc độ tăng trưởng về quanh 7%
từ mức trên 10%, nhưng tăng cường nhu cầu trong nước, đẩy mạnh đổi mới KHCN,
điều chỉnh tỷ giá linh hoạt hơn trong xu hướng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ).
Trong những tháng cuối năm 2015, Thế giới đang chứng kiến các sự kiện mất ổn
định mới, làm tăng lên nỗi lo ngại ảnh hưởng xấu đến bức tranh chung của kinh
tế thế giới trong trung hạn.
Phục hồi ấn
tượng
Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong số ít quốc
gia có tốc độ phục hồi ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng GDP – một chỉ số tổng hợp
phản ánh nhiều khía cạnh của nền kinh tế chắc chắn sẽ vượt mục tiêu đề ra từ
đầu năm (mục tiêu là 6,2% và tăng trưởng dự kiến đạt 6,5%) và sẽ cao hơn năm
trước.
Như vậy, trong 4 năm liên tiếp (2012-2015), tốc độ tăng
trưởng năm sau cao hơn năm trước (năm 2012 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt
5,25%, năm 2013: 5,42%, năm 2014: 5,98% và năm 2015: 6,5%). Điều này phản ánh
xu hướng phục hồi vững chắc của nền kinh tế sau những năm nền kinh tế gặp
nhiều khó khăn trong hệ thống ngân hàng, khu vực doanh nghiệp, thị trường bất
động sản và hoạt động đầu tư.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI – chỉ số phản ánh phần nào ổn
định kinh tế vĩ mô - cũng đang ở mức rất thấp. Chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng
đầu năm 2015 tăng 0,64% so với cùng kỳ năm 2014 và lạm phát cơ bản – sau khi
loại bỏ giá năng lượng và giá lương thực, thực phẩm nhằm phản ánh chính xác
hơn hiệu quả của chính sách tiền tệ - 11 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ
năm 2014 là 2,08%. Tỷ lệ lạm phát cả năm 2015 sẽ thấp hơn so với mục tiêu đề
ra.
Góp phần vào tỷ lệ lạm phát thấp là do giá dầu thế giới
giảm mạnh và giữ nguyên ở mức thấp, giá lương thực, thực phẩm cũng thấp và ổn
định. Đây là những cú sốc tích cực lên tổng cung và nó giúp làm tăng sản
lượng và giảm tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế.
Bên cạnh 2 chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng phản ánh bức
tranh tổng thể của nền kinh tế là tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát, nền
kinh tế cũng đạt được những bước tiến tích cực về xử lý nợ xấu trong hệ thống
ngân hàng, đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% trong năm 2015 (tính đến tháng 9/2015,
tỷ lệ nợ xấu đạt 2,9%) và khu vực doanh nghiệp đã có phần ổn định hơn thời
gian trước đây. Dấu hiệu tích cực trong nền kinh tế năm 2015 được phản ánh rõ
ràng nhất qua việc hoàn thành 13/14 chỉ tiêu kế hoạch.
Hơn nữa, vào đầu 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết
19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp
tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
hai năm 2015-2016 với mục tiêu “tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá
chiến lược gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng
cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh”. Điều này cho
thấy nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng
ổn định, bền vững và hiệu quả.
Cũng trong đợt khảo sát Doanh nghiệp lớn trong BXH VNR500
2015 tháng 11 vừa qua của Vietnam Report, hầu hết phần lớn các Doanh nghiệp
đều nhận thấy những khía cạnh liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh ở
Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2015 đang được duy trì ở mức tốt, trong đó
đặc biệt phải kể đến yếu tố Tiếp cận thông tin, văn bản luật pháp, kế hoạch
của Nhà nước liên quan đến công việc kinh doanh; Quản lý kinh tế vĩ mô (kiềm
chế lạm phát, điều hành tỷ giá, v.v.); và Môi trường pháp lý với tỷ lệ đồng
tình rất cao, lần lượt là 86,80%; 83,60%; và 95,90%. Trong khi đó, yếu tố cơ
sở hạ tầng của nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém với 42,30% số Doanh
nghiệp có quan điểm như vậy.
Các yếu tố liên quan đến thị trường lao động như nguồn
cung ứng lao động có tay nghề, quy định về lương, v.v. cũng là một trong
những khía cạnh cần được các nhà hoạch định chính sách quan tâm xem xét khi
có tới 39,60% Doanh nghiệp phản hồi cho rằng vấn đề này trong nền kinh tế
Việt Nam còn kém.
Khởi sắc trong
khó khăn
Bên cạnh những nhân tố khởi sắc, kinh tế đất nước cũng bộc
lộ rõ những yếu kém và mất cân đối mới khi nền kinh tế đang cơ cấu lại, những
vấn đề tồn đọng có thể gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô. Cán cân thương mại
sau 3 năm (2012-2014) thặng dư nhẹ thì sang năm 2015 có chiều hướng thâm hụt
trở lại như thời kỳ trước đây (11 tháng đầu năm 2015, nhập siêu của nền kinh
tế ước đạt 3,8 tỷ USD).
Lần đầu tiên cán cân thu chi ngân sách đã bị mất cân đối
với quy mô lớn nhưng khó huy động nguồn bù đắp, khi nợ công đã vượt 60% GDP,
nhất là ngân sách trung ương, đe dọa việc thực hiện nhiều chính sách KTXH
quan trọng, trong đó có tăng lương. Thêm vào đó, hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nội địa đang phụ thuộc quá nhiều vào vốn
vay từ các ngân hàng là một trong những thách thức của Việt Nam.
Thêm vào đó, khi tỷ lệ tích lũy nội bộ nền kinh tế đạt
trên 30-31% GDP và nguồn vốn bên ngoài đổ vào Việt Nam cũng gần 10% GDP,
nhưng tỷ lệ đầu tư chỉ 30-31% GDP. Tiến độ cải cách DNNN cũng đang gặp những
khó khăn lớn không chỉ về kỹ thuật cổ phần hóa mà vướng mắc ở tư duy phát
triển và vai trò của khu vực công. Từ những phân tích trên có thể đi tới một
nhận định tổng quát là kinh tế 2015 chuyển biến khá, nhưng chất lượng thấp và
nhiều rủi ro.
(Theo VietNamNet)
GS-TSKH Nguyễn Quang Thái
Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt
Nam
|
Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét