Chuyến tàu vét và Đại học Bốn Khờ
Cập nhật lúc 19:55
Trong
ánh sáng mờ ảo, nhá nhem lúc hoàng hôn (nhiệm kỳ) buông xuống, người ta đôi
khi thấy choáng bởi những “lời nói chân thật” vào phút 89 rưỡi.
Viết đôi dòng gọi là nhặt nhạnh cuối
năm vì mấy vấn đề nêu trong bài viết chắng có gì ăn nhập với nhau, được góp
nhặt một cách hơi tùy hứng, với lại cách viết cũng lung tung, chẳng phải
“chính luận” mà cũng không phải “hài luận” hay “bi luận”.
Chỉ là món lẩu thập cẩm gửi đến quý bạn ngày cuối năm bên chén rượu nồng cho quên đi mưa dầm gió bấc. “Hoàng hôn nhiệm kỳ” (Hohonhiki) là cách nói văn vẻ của một vị có trách nhiệm tại Quốc hội, còn dân gian gọi những trận đánh chớp nhoáng của “một bộ phận không nhỏ cán bộ” vào phút 89 là “chuyến tàu vét” hay “chuyến tát vét”.
Vấn đề có phải mục đích của các chuyến
tát vét ấy đều giống nhau, nghĩa là đều thuộc lĩnh vực “cơm áo gạo tiền”?
Trong ánh sáng mờ ảo, nhá nhem lúc hoàng hôn (nhiệm kỳ) buông xuống, người ta đôi khi thấy choáng bởi những “lời nói chân thật” vào phút 89 rưỡi, trước lúc ai đó gấp ô thở dài “chào các quan em, làm ơn cho anh xin cuốc xe chở đồ về nhà nghiên cứu”! Câu nói dân gian: “Con chim sắp chết thì tiếng kêu thương, con người sắp chết thì lời nói thật” vận vào khía cạnh sức khỏe các cụ “hưu non” e không hợp vì bộ phận không nhỏ “các cụ” U60-U65 còn sung sức lắm, còn lâu mới “ngồi nóc tủ ngắm gà khỏa thân” thế nên những lời “nói thật” của “các cụ” ấy chỉ hợp với “sức khỏe nhiệm kỳ” chứ không phải “sức khỏe” ở sân gôn hay các khu “dì dọt” (Resort). Có người trong lúc xếp ô vào cặp cố tìm thêm ít “lưng vốn” phòng khi trái nắng trở trời khỏi phải hai sương một nắng đến “thối cả móng tay”!
Lẽ ra môn võ Vocobo phải
được viết tiếp cho đủ 36 chiêu, tuy nhiên tiết lộ bí mật môn phái là điều
“kiêng” nên đành dừng.
Chính vì thế các chiêu khác bổ trợ cho
chiêu Hohonhiki như Bonhicabo (bổ nhiệm cán bộ), Luchucabo (luân chuyển cán
bộ), Tuducochu (tuyển dụng công chức), Xaduqutu (xây dựng quảng trường)… dù
có nhiều tư liệu để viết song đành xin lỗi bạn đọc.
Có người vào lúc gà lên chuồng - ấy là cách nói dân dã của từ “hoàng hôn”, không màng đến ba cái thứ “ngoại thân” như tài khoản cá nhân hay ba vòng, bốn bánh…, họ cần một cái gì đó giống như tấm áo cà sa, hy vọng người đời thấy cà sa là thấy “phật”. Nếu không kiếm được cà sa thì áo tàng hình khiến họ trở nên trong veo như nước hồ thu cũng tốt. Thế nên chuyện phun châu nhả ngọc cứ “ầm ầm như thác đổ”, người nghe được sướng lỗ tai mà người nói thì được thêm áo mới. Mà chuyện này có vẻ giống như câu ca dao ngày xưa mỗi khi đón năm mới “Già được bát canh; Trẻ được manh áo mới”. Kỳ lạ là người Việt dùng một từ rất không “thơm” là “đáy lòng” nhằm diễn đạt tình cảm. Để không bị coi là thiếu lịch sự, để tránh “đáy lòng” thì những lời nói của các “quan cụ” Hohonhiki ấy phải gọi là từ “đầu lòng” mới đúng. Còn “đầu lòng” là đâu thì có người bảo là “chót lưỡi” không biết có đúng không? Quan trọng là người đời sẽ phải nhắc đến dài dài những “lời đầu lòng” của họ về thực trạng đất nước, về trách nhiệm công dân mà hồi “gà gáy” họ chưa có điều kiện bày tỏ. Vét chuyến cuối cùng như thế mới là vét, đâu có lại chịu vất vả đến “thối cả móng tay”, còn kẻ tham ăn tục uống đến “sún cả răng” thì không nên bàn luận. Ngoài thế hệ “con cháu các cụ” được nói tắt là thế hệ “bốn cờ” (4C), gần đây xuất hiện một thế hệ 4C khác mà một bài báo trên Dân trí gọi là “các cụ cao cấp” (ở đại học “Kinh Kông”). Tuy cũng là “bốn cờ” nhưng là phiên bản hai, vì thế có người gộp lại thành “tám cờ”. Nếu mà truy đến tận “tổ chấy” thì không phải “tám cờ” mà vẫn chỉ là “bốn cờ” bởi bài báo đã chỉ rõ thành phần các cụ cao cấp: “...nhà trường còn “sở hữu” nhiều vị nguyên chức sắc khác với học hàm, học vị cao chót vót và chức tước thì cấp nguyên vụ trưởng là chuyện nhỏ”.
Các “cụ cao cấp” cỡ 60-65, hàm cấp
“nguyên vụ trưởng” so về tuổi tác, chức tước với “cụ cao cấp nhất” ở cơ quan
ấy cũng vẫn thuộc hàng con cháu, nghĩa là vẫn “con cháu các cụ” mà
thôi.
Nếu không phải “bốn cờ” phiên bản hai, nếu còn trẻ trung mà tài năng kinh bang tế thế, trong túi rủng rỉnh mấy cái bằng sắm được bên Tây, bên Mỹ liệu có bao nhiêu người chen nhau nộp đơn xin thi tuyển “Kông chức” ở học viện “Kinh Kông” của “các cụ cao cấp”? Người ta không lạ gì kiểu cho thuê “mặt – bằng” thời “hậu Hohonhiki”, mỗi tuần một ngày mời “cụ” đến “nhà em” pha trà uống nước, hết tháng mời cụ kiểm tra thẻ ATM.
Còn “mặt – bằng” của cụ, em chỉ cần
trình ra khi có “thanh tía, thanh bầm”, nếu không thì em để gầm tủ!
Nói đến vần “ờ” trong “bốn cờ” tiện thể xin nói thêm vần “ờ” trong “bốn khờ”. Truyện “Cây tre trăm đốt” ai cũng biết, còn chuyện “mấy khờ” tuy không phải là cổ tích, tuy nhiều người biết nhưng nói mãi đâm chán, đâm ra “Makeno”. Thế nên đành viết ra để nhờ “lão Gúc gờ (google)” giữ hộ, may ra sau này có ai tình cờ tìm thấy, đọc lên để biết rằng truyện cổ tích thời nào cũng có. Báo Nld.com.vn ngày 21/7/2015 có bài “Nhiều lãnh đạo... rút kinh nghiệm sâu sắc”. Bài báo nêu chuyện ở một thành phố mà không chỉ người dân, bạn bè quốc tế cũng dùng câu “thành phố cây xanh” để “tặng yêu” cho thành phố này. Sau vụ ấy, thành phố kỷ luật một loạt cán bộ, nghe nói tập thể “đã kiểm điểm, tự phê bình và rút kinh nghiệm sâu sắc”, vị Chủ tịch thì “nhận trách nhiệm”, Phó Chủ tịch thì phải “nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc”, còn ông Giám đốc sở thì “nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc”. Mấy cái hình thức kỷ luật này nghe rất chi là quen, quen đến nỗi nhớ một cách “sâu sắc” nhưng lại không nhớ là được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nào? Nói về kỷ luật cán bộ thì có vô số ý kiến, song có một ý kiến khá lạ của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc): “Dường như tất cả các đoàn thể luôn bao che cho nhau, không ai khai ra ai, bởi nếu khai ra thì không làm ăn được gì, họ dựa vào nhau, cùng nhau chia sẻ lợi ích, theo cơ chế dĩ hòa vi quý”. Nói ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Bảo khá lạ vì ông ấy sử dụng cụm từ “các đoàn thể” chứ không phải tập đoàn, tổng công ty hay địa phương, cũng có thể là ông Bảo lỡ lời? Dân gian, để tránh dài dòng đã dùng từ “khắc kiểm” thay cho “nghiêm khắc kiểm điểm” và “khắc rút” thay cho “nghiêm khắc rút kinh nghiệm”. Có lẽ hai từ “khắc kiểm, khắc rút” là xuất phát từ “khắc nhập, khắc xuất” trong truyện Cây tre trăm đốt.
Kể ra thì dân,
tuy luôn bị gán cho chữ “gian” nhưng mà thật sự là dân rất hóm, bởi lẽ “khắc
nhập, khắc xuất” lại là sự trợ giúp hết ý cho “khắc kiểm, khắc rút”.
Bốn cái “khắc” ấy gọi chung là “bốn
khắc” hay “bốn khờ”, chữ “khờ” là cách phát âm vần “kh” theo cách của con nít
học mẫu giáo.
Có thể bạn đọc chê cụm từ “bốn khờ” nghe nhà quê quá, sao không dùng “tứ khờ”? Thật ra người viết cũng muốn “phát minh” cái gì đó mới một chút theo kiểu thay “bốn khờ” thành “tứ khờ” để mà có sáng kiến, kinh nghiệm thi đua với ngành gõ đầu trẻ. Tuy nhiên nghe tin Đà Nẵng vừa phạt 15 triệu gian hàng viết toàn chữ tàu, lại chỉ cho người Tàu, không cho người Việt vào mua hàng nên đành thôi. Về chuyện “bốn khờ”, mỗi khi bị, hoặc chuẩn bị bị “khắc kiểm, khắc rút” thì người ta liền niệm câu thần chú “khắc xuất, khắc xuất”, né bão một thời gian, khi nào trời quang mây tạnh thì ôkê “khắc nhập”. Chuyện “khắc xuất” có khối ví dụ rất chi là … giật mình, lại vẫn “cái báo” nld.com.vn ngày 30/8/2013 “đưa chuyện” một vị phó giám đốc sở dính nghi án thi hộ nên “bị kỷ luật khiển trách về mặt Đảng, khiển trách về mặt chính quyền”, sau đó vị này “khắc xuất” khỏi sở, sang một quận liền kề cách sở chừng 2-3 cây số, hai năm sau liền “khắc nhập” về cơ quan cũ với chức vụ “chánh” chứ không phải là phó nữa. Cũng có trường hợp “khắc xuất” tít tận xứ người như Chí Dũng, Kim Đạt, chuyện họ khắc nhập… “kho” chẳng qua là do công an quá giỏi, cũng có khi do hồng phúc kém? Khắc xuất như Chí Dũng, Kim Đạt là loại dốt nên “nhập kho” là chuyện chẳng sớm thì chiều.
Kẻ ma mãnh, sau
thời Hohonhiki “khắc xuất” tít lên tận tầng áp mái chung cư, thỉnh thoảng tìm
đến chỗ cỏ mọc lún phún, lại được chăm chút cẩn thận nên cứ mịn như nhung,
tìm mấy cái lỗ đã được khoét sẵn rồi alô chiến hữu “khắc nhập”, thế là
vui vẻ cả ngày không chán.
Gặp khi trời đông u ám, mưa bão tràn về không thể “alô khắc nhập” thì nằm khểnh xem mấy em “vòng khung” khoe hàng, mặc kệ ai muốn “khắc” gì thì “khắc”.
Một khi “khắc kiểm, khắc rút” gắn liền
với “khắc nhập, khắc xuất” thì tha hồ “thanh tía, thanh bầm”, tha hồ kiểm
trên, soát dưới cũng đừng mong tìm thấy đầu mút của sợi dây “khắc rút”.
Có lẽ các nhà lý luận, các nhà hoạch định tương lai và những đầy tớ có “bộ phận yếu nhất là đôi chân” (nên đi đâu cũng phải có xe bốn bánh) nên có một cuộc hội thảo với chủ đề: “Bốn khờ - truyền thống cổ tích và vai trò dẫn dắt tương lai”. Nếu một hội thảo với chủ đề như vậy được tổ chức, dù không phát giấy mời khách nước ngoài, Hàng không Việt Nam vẫn có thể sẽ cháy vé vì lượng học giả quốc tế đăng ký tham dự. Còn nếu “có cụ cao cấp” nào quyên góp được sự hảo tâm của mấy cụ “chân bốn bánh” thành lập được đại học Bốn Khờ thì số người chen nhau xin nhập học có thể sẽ gấp nghìn, gấp vạn lần so với xếp hàng tiêm vắc xin dịch vụ hiện nay. Đến lúc đó có lẽ ngành Gõ đầu trẻ phải ban hành mấy cái thông tư giống như Thông tư 32, hạn chế quy mô đào tạo của đại học “Bốn khờ” xuống mức 100.000 sinh viên. Theo quý bạn, có nên tổ chức hội thảo và lập đại học Bốn Khờ?
(Theo Giáo dục VN) Xuân Dương
|
Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét