Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Khi 'tiếng nói tổ tiên' bị xâm hại

Cập nhật lúc 14:35

GS Trần Lâm Biền, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nói “Chùa Hương là tiếng nói của tổ tiên, bảo vệ di tích chính là bảo vệ giá trị văn hóa”, tại buổi làm việc của đoàn thanh tra liên ngành chiều 21/12, để đánh giá về công trình sai phạm tại chùa Hương.

Đoàn thanh tra liên ngành khảo sát công trình không phép tại chùa Hương. Ảnh: Toan Toan. 
Đoàn thanh tra liên ngành khảo sát công trình không phép tại chùa Hương. Ảnh: Toan Toan.

Nhà chùa nói gì?
Sau nhiều ngày đình trệ, đây là cuộc làm việc thẳng thắn do sở VHTT Hà Nội dẫn đầu đoàn thanh tra liên ngành. Sở VHTT phối hợp các Sở ban ngành Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa và các chuyên gia văn hóa về huyện Mỹ Đức khảo sát. Hương Nghiêm pháp đường, công trình sai phạm được phản ánh trên Tiền Phong số ngày 12 và 13/11 nằm trong khu vực Thiên Trù, khu vực bảo vệ 1 của di tích quốc gia chùa Hương.
Phó giám đốc Sở VHTT Hà Nội, ông Trương Minh Tiến đề nghị trụ trì Thích Minh Hiền giải thích về công trình Hương Nghiêm pháp đường. “Về xây dựng tòa nhà này, thứ nhất chúng tôi làm tờ trình lên UBND huyện, được UBND huyện đồng ý cho xây dựng để phục vụ di tích. Công trình này không thuộc hồ sơ di tích, gồm nhà ăn, nhà nghỉ, nhà vệ sinh. Chính một số lãnh đạo đã vào đây, được đón tiếp rồi”, thượng tọa Thích Minh Hiền nói.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng BQL khu di tích, danh thắng Hương Sơn lí luận: “Trước đây diện tích xây dựng Hương Nghiêm pháp đường vốn là khuôn viên của hai dãy nhà nghỉ, nhà trọ của Cty Du lịch thắng cảnh Hà Tây, gồm 8 nóc nhà cấp 4, xây dựng những năm 1970. Tỉnh Hà Tây bàn giao cho nhà chùa sử dụng vào năm 2000. Khi nhận bàn giao, nhà xuống cấp nghiêm trọng nhưng nhà chùa chưa có kinh phí tu bổ. Năm 2011, nhà chùa có xin phép, chúng tôi hướng dẫn cho nhà chùa các thủ tục. Việc xây dựng được tiến hành trong gần 3 năm, đưa vào sử dụng hai năm nay. Công trình do Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thiết kế”.
Ông Thanh nói thêm, BQL nói với nhà chùa phải xin phép, nhưng trong quá trình đó nhà xuống cấp nên nhà chùa xin xây dựng trước và hoàn thành thủ tục sau. Phải chờ tới khi Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội truy tới cùng, ông Thanh khẳng định đến bây giờ “công trình này chưa xin phép”. Thượng tọa Thích Minh Hiền cho rằng, tại sao “năm nào Bộ trưởng, lãnh đạo Sở cũng đi kiểm tra không phát hiện ra, không nói gì hoặc đình chỉ ngay”. Ông cũng thừa nhận tờ trình có chữ ký cho phép của UBND huyện Mỹ Đức, nhưng chưa trình cho Sở, Bộ. Trụ trì cũng nói thêm, do quan niệm đây là công trình phụ trợ nên không phải xin phép. “Từ xưa đến nay chưa có tiền lệ xây nhà vệ sinh phải xin phép. Những hạng mục chính như Tam Bảo, gác chuông chúng tôi làm đầy đủ quy trình”, Thượng tọa Thích Minh Hiền nói.
Khi 'tiếng nói tổ tiên' bị xâm hại - ảnh 1
Thượng tọa Thích Minh Hiền giải trình về công trình không phép Hương Nghiêm pháp đường.
Phải hợp đạo, hợp luật
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa không đồng tình với quan điểm của trụ trì chùa Hương. “Chính tôi là người duyệt, đồng ý xây dựng đường lên chùa Hương, khi ấy thầy còn đến tận nhà tôi lấy chữ ký. Thầy nói đây là khu vực phụ trợ, không cần xin phép là không đúng. Tôi cho rằng nhà tu hành có thể không hiểu hết pháp luật, nhưng cơ quan quản lý chức năng phải chịu trách nhiệm”, ông Bài nói. Ông nói thêm, đứng từ trên tầng 2 toà Hương Nghiêm pháp đường nhìn xuống vườn tháp thấy “chướng”, vì nó xây quá sát với khu tháp của cố hoà thượng Thích Viên Thành. GS. Trần Lâm Biền đồng quan điểm, cho rằng với tên gọi đẹp Hương Nghiêm pháp đường, không thể nào coi công trình này chỉ là khu phụ, nhà vệ sinh, bếp ăn.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội kết luận: “Di tích đã xếp hạng phải quản lý theo đúng Luật Di sản. Khu di tích chùa Hương thuộc sở hữu của nhà nước, được UBND thành phố giao cho UBND huyện Mỹ Đức quản lý toàn diện”. Ông yêu cầu địa phương gửi toàn bộ hồ sơ đầy đủ về công trình này, để làm căn cứ xem xét và nghiên cứu giải pháp.
Địa phương lấy lí do chưa có quy hoạch tổng thể, không có quy định cụ thể về vùng 1, 2 bằng văn bản và công trình này không cần xin phép. GS. Trần Lâm Biền nói ngay, từ năm 1962 ông tham gia vào quá trình xếp hạng di tích quốc gia cho chùa Hương với “mục đích xếp hạng để bảo vệ di tích, nên khi ấy chưa có hồ sơ đầy đủ”. “Chùa Hương là tiếng nói của tổ tiên, của những vị tu hành trước đó. Bảo vệ di tích không chỉ là bảo vệ cái xác nhà mà là cái hồn, những giá trị tinh thần. Điều chúng ta quan tâm chính là bản sắc văn hoá dân tộc”, GS Biền nhấn mạnh.  Ông cũng nói thêm, không phải ta không cho xây dựng, nhưng phải hợp với đạo Phật, với pháp luật.
Trước khi ngồi lại làm việc với UBND huyện Mỹ Đức, BQL di tích danh thắng Hương Sơn, đoàn thanh tra có dịp mục sở thị nội thất của toà nhà này. Sàn nhà lát gỗ, bên trong vẫn còn nguyên mùi sơn mới, nhà vệ sinh khép kín đạt đẳng cấp khách sạn loại sang. Một chuyên gia đùa “đây là năm sao đấy”. Điều đáng nói, để ngăn hai không gian trong toà nhà, người thiết kế sử dụng hai cánh cửa lửng-hình ảnh quen thuộc của những quán rượu trong nhiều phim Mỹ!? Một phần khu nhà dẫu vậy vẫn cửa đóng then cài, dù đoàn thanh tra đến làm việc.
“Nếu tôi còn làm Cục trưởng Cục Di sản, tôi vẫn ủng hộ nhà chùa xin phép cải tạo để thực hiện các công trình phục vụ cho nhà chùa. Nhưng các công trình này phải phù hợp, để nó không vênh với những công trình trước. Nói chung, ứng xử với ngôi chùa này phải xứng tầm với một Nam thiên đệ nhất động”, PGS.TS Đặng Văn Bài nói.
Khi 'tiếng nói tổ tiên' bị xâm hại - ảnh 2
Tận thấy nội thất công trình không phép ở chùa Hương. Ảnh: Toan Toan.

Vì sao trượt danh hiệu quốc gia đặc biệt?
Cuối tuần trước Hội đồng Di sản quốc gia bỏ phiếu, không đồng ý để chùa Hương được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt này. “Hội đồng chưa đồng ý vì vẫn còn vi phạm, chưa có sự thống nhất quản lý mặc dù đây là di tích có giá trị rất đặc biệt, xứng đáng với danh hiệu di tích quốc gia đặc biệt”, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử nói.
Ông Mai Hùng nhắc lại, mươi năm trước chúng ta phải cương quyết giải toả 42 ngôi chùa tự ý xây dựng trong khu vực chùa Hương. Công trình sai phạm không phải lần đầu tiên xuất hiện ở di tích quốc gia này. Ông Nguyễn Minh Khang, Phó Trưởng phòng Quản lý Di tích, Cục Di sản Văn hóa nhấn mạnh được đích thân Bộ trưởng cử đi. “Sau khi tham quan khu vực Thiên Trù, tôi còn phát hiện một số dấu hiệu sai phạm nữa. Đề nghị Sở VHTT Hà Nội vào cuộc kiểm tra toàn vẹn di tích, xem những công trình xây dựng hiện nay ra sao, sau đó tham vấn ý kiến của các nhà khoa học để bàn hướng giải quyết, khắc phục”, ông Khang nói.
PGS.TS Đặng Văn Bài nhắc lại, chúng ta nên hướng đến di sản sẽ là di tích quốc gia đặc biệt, thậm chí xa hơn là khả năng xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO xem xét đây là di sản văn hoá, thiên nhiên thế giới. “Tôi cho rằng nhà chùa và huyện cần xem lại đầy đủ ý kiến của Hội đồng di sản quốc gia về hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt của chùa Hương, có vậy mới thấy được những thiếu sót cần khắc phục”, PGS. TS Phạm Mai Hùng nói thêm. Đại diện Cục Di sản nhắc lại, chùa Hương cần có cam kết mạnh mẽ, tuân thủ chặt chẽ quy định của luật pháp trong thời gian tới.
Nhanh chóng có quy hoạch tổng thể chùa Hương
Các nhà quản lý, nhà khoa học đều đồng thuận chưa có di tích nào có diện tích trải dài, lớn như chùa Hương, nhưng lại chưa có được quy hoạch. Quy hoạch được khởi động từ hơn chục năm trước, nhưng bỏ ngỏ đến nay khiến công tác quản lý di tích chưa thống nhất. Bà Nguyễn Thị Hoà, Trưởng BQL Di tích Danh thắng Hà Nội cho biết sẽ tham mưu Sở báo cáo cơ quan có thẩm quyền, lấy bản đồ khoanh vùng di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương đã trình làm căn cứ. Sau khi có đầy đủ hồ sơ, tư liệu sẽ tiến hành rà soát các vị trí xây dựng và xin ý kiến chỉnh sửa cho phù hợp. 
(Theo Tiền phong) Toan Toan  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét