Hiện tượng “gia đình trị” và chuyện
“du lịch vé số”
Cập nhật lúc
08:44
Chắc chắn dư âm của hiện tượng “gia
đình trị”, “lợi ích nhóm,” và sự lãng phí đồng tiền thuế của nhân dân vẫn còn
nguyên vẹn trong sự hoài nghi của XH. Chừng nào sự công khai minh bạch, và
pháp luật thượng tôn vẫn vẫn còn là của… hiếm và quý.
Doanh nghiệp
nhà nước vốn được coi là một loại hình kinh tế có vai trò chủ đạo, nòng cốt
của kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, nếu như loại hình doanh nghiệp này phù hợp
với cơ chế quản lý kinh tế bao cấp xin- cho một thời, thì dường như trong
kinh tế thị trường, tính tương thích của nó đang ngày càng ít… tương thích.
Từ “gia đình trị” đến “lợi ích nhóm"
Hơn nữa, với kinh tế thị trường, nghiễm
nhiên, nó tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Mà cuộc đời
nói chung, kinh doanh nói riêng, chỉ có sự bình đẳng trong một môi trường đua
tài, phản chiếu các giá trị thật, mới khiến con người tâm phục khẩu phục.
Sự bất bình đẳng của DNNN còn thể hiện
trong chính cơ chế đặc thù riêng biệt của nó. Nếu kinh tế thị trường, là quy
luật cung- cầu, thì ở những DNNN này cứ đường đường bệ vệ quy luật… xin- cho.
Nhưng cũng chính sự ưu ái của số phận-
thực chất là từ tư duy và nhận thức hạn chế của con người- mà trước thách
thức phát triển và hội nhập, DNNN, bên cạnh những địa chỉ ăn nên làm ra, đóng
góp lớn cho XH, cũng đang bộc lộ những khuyết tật, những thứ “sư hinh- sinh
hư”, làm tổn hại không nhỏ tới sự phát triển của XH. Đó là lợi ích nhóm, mà
bản chất của nó có khả năng lũng đoạn tới các chính sách, chủ trương phát
triển, dẫn đến hệ lụy nhãn tiền là tham nhũng.
Dư luận XH cách đây ít lâu bàn loạn về
hiện tượng một người làm quan cả họ được nhờ, hiện tượng hậu
duệ, mới đây lại chú ý tới vụ việc 30 người được nhờ ông Tổng
Giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm an toàn hàng hải miền Nam (VMS – South). Kết
quả điều tra cho thấy 15 người có quan hệ gia đình, họ hàng với ông Phạm Đình
Vận, nguyên Tổng giám đốc VMS - South (ông Vận về hưu năm 2014). Hiện tại,
ông Phạm Quốc Súy (em trai ông Vận) là Tổng Giám đốc đương nhiệm.
Không chỉ có dân bàn, báo chí bàn, mà
ĐBQH cũng phải bàn, và người ta gọi đó là hiện tượng “gia đình trị”.
Thực ra ở các quốc gia văn minh, phát
triển, và kinh tế thị trường hàng trăm năm có lẻ, hiện tượng hậu duệ không
hiếm. Khác với hiện tượng “gia đình trị”, người ta gọi là hiện tượng “gia
đình chính trị”. Nhưng tại sao dư luận XH ở các quốc gia đó không ồn ào,
ngược lại còn kính nể, ngưỡng mộ các “gia đình chính trị”.
Bởi hai khái niệm “gia đình chính trị”
và “gia đình trị” không chỉ khác nhau ở hình thức- thiếu một chữ “chính”, mà
cơ bản khác nhau về bản chất nền tảng của nó. Đó là nhân sự hậu duệ được
tuyển chọn bởi một cơ chế sàng lọc minh bạch, rất thực chất, hoặc ngược lại,
dù cuối cùng cả hai bên đều ….công khai. Thế nên các giá trị tài- đức- nhân
cách vẫn có thể khác nhau. Sự toàn tâm toàn í cũng có thể… khác nhau nốt.
Thế nên, dù danh đã chính nhưng ở hiện
tượng “gia đình trị” ngôn vẫn khó thuận.
Như vậy nếu như “gia đình chính trị” là
hậu duệ + sự tuyển chọn nhân sự một cách minh bạch, công bằng, công
tâm và khách quan; thì “gia đình trị” là hậu duệ + sự tuyển chọn
nhân sự một cách thiếu minh bạch, công bằng, công tâm và khách quan.
Khác nhau đúng một chữ thiếu.
Chỉ một chữ thiếu, nhưng đủ
chi phối và làm…lệch tất cả, chất lượng bộ máy nhân sự, niềm tin của cộng
đồng.
Trả lời báo GDVN, ngày 28/11, ĐBQH Lê
Văn Cuông cho rằng, việc cả họ làm quan, Tổng công ty “gia đình trị” sẽ
làm hệ thống quản lý nhà nước thiếu lành mạnh, tổ chức bộ máy hành chính lâm
vào cảnh trì trệ, rất dễ nảy sinh “nhóm lợi ích”, tư tưởng bè phái, cấu kết
trục lợi, tham nhũng. Đừng nghĩ người khác không biết chuyện này, có điều nếu
nói ra họ có thể phải chịu thiệt thòi.
Còn trả lời báo VietNamNet, ngày 26/11,
ĐBQH Lê Như Tiến nhận định, nhiều nơi như thế, nhưng chúng ta cần phân
biệt nếu những người thân đó giỏi giang, xứng đáng, thi đầu vào đạt thì bình
thường. Còn đề bạt bổ nhiệm người thân không đúng quy định, cố tình “gia đình
trị” một cơ quan nhà nước thì đó là điều không bình thường. Nếu người lãnh
đạo có sự nhạy cảm và hiểu biết thì nên tránh chuyện đó.
Thực ra, sự hiểu biết thì không thiếu,
nhưng sự tránh thì… rất thiếu.
Đã từ lâu, ý kiến của nhiều chuyên gia
luật pháp am hiểu tính chất hệ lụy của hiện tượng này cho rằng việc các nhóm
“gia đình trị” ở các công ty, cơ quan công quyền nhà nước nếu không có pháp
luật điều chỉnh rất dễ dẫn đến nguy cơ thao túng và lũng đoạn quyền lực. Tiếc
thay cho đến nay, người cứ nói, hiện tượng “gia đình trị’ cứ tiến.
Có bao nhiêu trường hợp “gia đình trị”
ở các công ty, cơ quan công quyền nhà nước? Không thể biết được. Đơn giản, vì
cơ chế quản lý thiếu công khai, minh bạch.
Cũng chính vì thiếu công khai minh
bạch, thiếu sự điều chỉnh của pháp luật mà từ “gia đình trị” đến “lợi ích
nhóm” cách nhau chỉ gang tấc. Và trong cơ chế xin- cho còn khá phổ biến ở các
DNNN, đã có không ít những hiện tượng vi phạm nghiêm trọng những quy định của
nhà nước, nhưng các DNNN vẫn trơ gan cùng dư luận.
Tờ TBKTSG, ngày 27/11, dưới đầu đề một
câu hỏi to tướng “Vì sao 662 doanh nghiệp nhà nước không báo cáo tài chính?”
cho biết, tính đến thời điểm này cả nước có 781 doanh nghiệp do Nhà nước nắm
giữ 100% vốn điều lệ, mà báo cáo về công nợ do Bộ Tài chính công bố chỉ vỏn
vẹn có 119 doanh nghiệp trong số đó. Theo tác giả bài báo, văn bản báo cáo
cho Bộ TC được coi như một cơ sở giúp QH thực thi chức năng giám sát đối với
nguồn lực khổng lồ đang được các DNNN nắm giữ. Nếu biết rằng số nợ của 119
DNNN có báo cáo không hề nhỏ- tổng số nợ phải trả là 1.567.063 tỷ đồng, tổng nợ
phải thu là 293.617 tỷ đồng, tổng số hàng tồn kho là 216.255 tỷ đồng.
Vậy mà chỉ có 119 DNNN thực thi bổn
phận. Số còn lại, 662 DNNN cứ mũ ni che tai.
Vì sao vậy?
Bài báo bình luận,
hiện tượng đó cho thấy tình trạng đáng lo ngại: Những DNNN không nộp báo
cáo chẳng coi trọng cơ quan đại diện chủ sở hữu, và các cơ quan nhà nước
khác. Mặt khác, chính các cơ quan đại diện chủ sở hữu, và các cơ quan nhà
nước liên quan đang lơ là chức năngnhà nước của mình. Nhưng đáng quan
tâm hơn chính là câu hỏi của bài báo đặt ra: Vì sao các DNNN đó không báo
cáo? Họ đã làm ăn thua lỗ nên giấu nợ, không chịu trách nhiệm với số vốn được
giao quản lý? Còn các cơ quan nhà nước liên quan vì sao không có biện pháp
gì? Họ vô trách nhiệm, hay có thông đồng với doanh nghiệp?
Hiện tượng phớt lờ
báo cáo tài chính của 662 DNNN một lần nữa cho thấy không chỉ có “gia đình
trị” mới gây tác hại, mà “lợi ích nhóm” thật sự đang là một thứ “giặc nội
xâm” khác, đa dạng, rất tinh vi, là mối nguy hiểm tác hại khó lường nhãn tiền
và lâu dài. Rút cục, ai sẽ thiệt thòi, nếu không phải là sự phát triển của đất
nước?
Tiếc thay đất nước
lại… không biết nói để chỉ mặt đặt tên.
Nhưng cũng đã đến
lúc các doanh nghiệp nước ngoài lên tiếng.
Tại Diễn đàn Doanh
nghiệp VN thường niên 2015, với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN
để hội nhập quốc tế” được tổ chức đầu tháng 12 mới đây, các DN nước ngoài đã
thẳng thắn phản ánh nạn tham nhũng, đòi ăn hối lộ qua sông thì phải lụy
đò, trong quá trình làm việc, đầu tư vào VN.
Ông Shimon
Tokuyama - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại VN cho biết, một số cán bộ hải
quan địa phương yêu cầu DN phải trả “chi phí không chính thức”. Tháng 1/2015,
DN đã phải trao đổi với Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan về vấn đề này,
nhưng đến nay các DN thuộc nhóm vận tải Nhật Bản vẫn phải “có cách xử lý
riêng lẻ” để tồn tại.
Có nghĩa là mặc dù
thông báo lên tận Tổng cục trưởng TCHQ, nhưng rút cục hiệp hội vẫn cứ phải nhập
gia tùy tục, theo đúng “lệ” đi đêm của VN.
Cái “tục” đáng hổ
thẹn này của nước Việt đến bao giờ sẽ bị chấm dứt? Không còn cách nào khác,
cần quyết liệt xóa bỏ việc giao thương bằng tiền mặt trong các giao dịch, hạn
chế các giao dịch trực tiếp, tăng cường sử dụng thương mại điện tử, như bà
Sherrry Boger - Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại VN (AmCham) kiến nghị sau khi
nói thẳng, tham nhũng ở VN ngày càng lan rộng, gây ra tác động mang tính chất
phá hủy, gây hại đến cả nền kinh tế và xã hội.
Chả trách, khát
vọng công khai minh bạch trong XH này khó như mò kim đáy bể.
45 tỷ USD hiến
tặng và 1,5 tỷ “du lịch vé số”
Vào những ngày
này, có một sự kiện dễ thương, khiến cả nhân loại chú ý, ngưỡng mộ nhân cách
lớn của một cặp vợ chồng trẻ. Đó là vợ chồng ông chủ Facebook- Mark
Zuckerberg và Priscilla Chan vừa có một bé gái. Trong niềm hạnh phúc vô bờ,
trước sinh mệnh và tương lai con gái, vợ chồng ông chủ trẻ mới 31 tuổi này đã
có một quyết định bất ngờ: Sẽ hiến tặng 99% cổ phần của họ trong công ty
(khoảng 45 tỷ USD) để làm công việc thiện nguyện.
Trong bức thư gửi bé Max- đứa con gái
dấu yêu, cặp vợ chồng trẻ cho biết, mục tiêu của Sáng kiến Zuckerberg Chan là
“thúc đẩy tiềm năng con người và cải thiện sự bình đẳng cho tất cả các trẻ em
trong thế hệ tiếp theo”. Muốn con gái bé bỏng mình gặt hái được hạnh phúc,
điều đầu tiên họ muốn là… gieo trồng những điều thiện cho trẻ em, cho sức
khỏe, công việc con người ở cộng đồng.
Hẳn cái tâm và cái tầm họ đều lớn, thì
hạnh phúc được làm cha mẹ mới khiến họ biết cách cho ra sao.
Và vào những ngày này, ở tỉnh Bình
Phước, vô tình cũng có một vụ việc về cái sự nhận khiến dư luận XH
chú ý và ồn ào bàn luận. Đó là chuyện tỉnh này quyết định cử một đoàn cán bộ hơn
30 người sang
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, và
người viết bài không hề có ý so sánh câu chuyện 45 tỷ USD hiến tặng với câu
chuyện 1,5 tỷ của Công ty Xổ số Bình Phước chi cho đoàn du lịch. Nhưng vô
tình hai câu chuyện xảy ra trong tuần, nơi này lớn lao, nơi kia quá bé mọn-
thành một phép suy ngẫm buồn.
Chuyện thật ra chẳng có gì ầm ĩ thế.
Nếu không có những thông tin bất ngờ về đoàn cán bộ này. Đó là có không ít
quan chức sắp nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu. Nào là nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Phó CT
thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức tỉnh
ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc Sở Tư
pháp tỉnh…. v.v.. và v..v..
Không nói ra, ai cũng hiểu ngay, đó chỉ
là đoàn cán bộ đi chơi, du lịch nhân danh học hỏi làm xổ số, một công việc
của người nghèo từ trước đến nay chẳng liên quan gì tới các bác.
Điều đáng nói, Bình Phước chưa phải là tỉnh
dư dả gì. Cách đây hai năm, 2013, Bộ Tài chính đã phải tạm ứng từ ngân sách
TƯ cho tỉnh này 200 tỷ đồng nhằm tháo gỡ khó khăn, bảo đảm nguồn cân đối ngân
sách thực hiện các chính sách chế độ, nhiệm vụ của năm (ndh.vn, ngày
09/12/2013)
Và điều đáng nói nữa, trước đó, năm 2012,
Văn phòng CP đã từng có công văn truyền đạt chỉ đạo của TTCP cấm lợi dụng
chức vụ để đi nước ngoài bằng tiền doanh nghiệp (TN, ngày 29/12/2012). Công
văn này yêu cầu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu,
hạn chế tối đa việc đi công tác nước ngoài, dành thời gian tập trung chỉ đạo,
xử lý công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đó là chuyện công việc mà
còn phải cân nhắc, nữa là chuyện du lịch, đi chơi bằng tiền chùa.
Nhưng công văn CP thì mặc công văn, đường
ta ta cứ đi tiền chùa ta cứ xài. Đoàn cán bộ Bình Phước đi Canada học
làm xổ số chỉ là tiếp nối của sự …. quen đường cũ. Bởi trước đó, năm
2014, tỉnh này cũng đã cử hai đoàn đi “học tập kinh nghiệm” tại Singapore và
Malaysia, nguồn kinh phí phần lớn cũng của công ty xổ số tỉnh.
Đến nỗi, giờ đây, cứ nói tới đi nước
ngoài học làm xổ số là người ta lại nghĩ tới Bình Phước với các cán bộ sắp
hưu trí.
Cũng chả riêng Bình Phước. Học làm xổ
số dường như trở thành “mốt thời thượng” của các tỉnh muốn tổ chức cho cán bộ
xuất ngoại, du hí. Tháng 12/ 2014, tỉnh Tiền Giang cử hai đoàn cán bộ hưu trí
sang hẳn Mỹ để học làm xổ số (TT, ngày 1/12).
Hết học làm xổ số, đến học chống ngập lụt.
Tháng 11 vừa mới đây, tỉnh Tiền Giang còn quyết định cử đoàn cán bộ sang Hà
Lan và Nga học tập kinh nghiệp xây dựng các công trình chống nước biển dâng,
chống ngập, do tác động của biến đổi khí hậu. Điều đáng nói, cũng toàn các
cán bộ lãnh đạo sắp nghỉ hưu, và một số DN nhưng chuyên môn lại chả dính dáng
gì đến đê điều, ngập lụt.
Rồi không biết có phải là do những trận
lũ …. dư luận XH, trên báo chí; hay không “đánh bạc” nổi với bia miệng thế
gian, mà cuối cùng, đoàn công tác của các cán bộ sắp hưu trí ở Tiền Giang và
đoàn cán bộ sắp hưu trí học làm xổ số ở Bình Phước mới đây đều được tạm hoãn.
Rồi sẽ còn bao nhiêu đoàn cán bộ sắp
hưu trí của các tỉnh lên đường ra nước ngoài học làm xổ số, chống ngập lụt
đây?
Vụ việc tạm lắng xuống. Nhưng chắc chắn
dư âm của hiện tượng “gia đình trị”, “lợi ích nhóm,” và học làm xổ số, chống
ngập lụt- thực chất là lãng phí đồng tiền thuế của nhân dân còn nguyên vẹn
trong sự hoài nghi của XH.
Chừng nào sự công khai minh bạch, và
pháp luật thượng tôn vẫn còn là của hiếm quý.
(Theo TuanVietNam) Kỳ Duyên
|
Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét