Vĩnh biệt ông Bá Thanh- người cán bộ của nhân dân
Cập nhật lúc 08:00
Đúng 13h10 phút hôm qua (13/2), ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng Ban Nội
chính Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã trút hơi thở cuối cùng.
Hàng ngàn người dân ở khắp nơi đổ về nhà riêng của ông ở đường Cách mạng
tháng 8, những mong được nhìn ông lần cuối. Xin vĩnh biệt ông - người cán bộ
của nhân dân…
Ông Nguyễn Bá Thanh trong lần tiếp xúc cử tri
Đà Nẵng tháng 9/2013. Ảnh: Nam Cường
Nghẹn
ngào tiễn biệt
Đà Nẵng trưa hôm qua, vẫn là thứ thời tiết trêu
ngươi. Sáng tối lạnh, trưa nắng nung người. Trời trong veo, ngàn người dân từ
gần trưa đổ về bệnh viện, khi thông tin xe cấp cứu chở ông Thanh về nhà. Về
nhà, thâm tâm mỗi người đều hiểu, ông Thanh còn ở lại với người dân Đà Nẵng
chỉ còn được tính từng phút…
Qua trưa, điện
thoại cho phóng viên Tiền Phong, Phó Bí thư thường trực
Thành ủy Võ Công Trí nghẹn ngào: “Gia đình rút ống thở lúc 13h10 phút em ạ.
Vẫn biết ngày này sẽ đến nhưng sao thấy hụt hẫng ghê lắm”. Chỉ trước đó mấy
phút, cũng qua ông Trí: “Anh Thanh được đưa về nhà thôi, vẫn đang được thở
bằng máy”. Lúc đó, vẫn chưa có một nguồn tin nào xác tín. Dẫu mong manh,
nhưng Đà Nẵng vẫn thắc thỏm hy vọng.
“Từ nhà kiên cố, bị đập bỏ, cả gia đình đi thuê trọ gần 1 năm. Tui ức
nghẹn họng, tức ông Thanh lắm.
Nhưng về sau mới thấu hiểu được, ông ấy làm tất cả cũng vì lo cho
dân trước. Nếu không có ông ấy, với những tính cách quyết liệt, nói được làm
được như ông Thanh thì làm sao mà có Đà Nẵng như ngày hôm nay”.
Cựu chiến binh Nguyễn Sĩ Long
Trưa nắng. Trưa thứ Sáu ngày 13/2. Hay tin ông
Nguyễn Bá Thanh được chuyển về nhà để trút hơi thở cuối cùng, hàng trăm bệnh
nhân, người thân trong Bệnh viện Đà Nẵng ùa ra các lối đi để tiễn biệt ông
lần cuối. Cũng đông như ngày đón ông sau chuyến điều trị từ Mỹ trở về cách
đây tròn 1 tháng. Phía cổng đường Hải Phòng người dân đứng đông chật, nhưng
không có tiếng pháo tay giòn giã cùng tiếng hô: “Bác Thanh cố lên!”. Ai cũng
nghẹn ngào, mắt ứa lệ khi nhìn chiếc xe cấp cứu chở vị lãnh đạo đi qua. Xe về
tới nhà ông trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Cẩm Lệ), bà con hàng xóm đã
kín ken trước cổng, lực lượng cảnh sát giao thông, công an liên tục điều tiết
và dẹp trật tự để thông đường, đảm bảo an toàn. Các bãi hoa, cây cảnh bán tết
xung quanh nhà ông cũng được di dời đến nơi khác để trả lại mặt bằng cho
người dân có chỗ đứng.
Chị Trần Thị Út, hàng xóm thân quen của ông
Thanh, nghẹn ngào: “Tui chứng kiến giây phút bác Thanh qua đời mà không cầm
được nước mắt. Cả nhà đứng xung quanh bác ấy rồi từng người hôn, nắm tay tiễn
biệt, ai cũng đau lòng nhưng không dám khóc gào lên để bác ra đi cho thanh
thản”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Phú - người bán vé số - trú ở phường Hòa Thuận
Tây, quận Hải Châu (Đà Nẵng), ôm con trai đứng khóc trước cổng nhà ông Nguyễn
Bá Thanh chiều 13/2
Nhiều cụ già nghe tin ông Thanh về nhà trút hơi thở cuối cùng chống gậy
tới cổng, xin được vào trong. Không được vào, các cụ trở ra phía hàng rào kề
mắt vào nhìn, sụt sùi khóc. Chị Nguyễn Thị Hồng Phú
(33 tuổi, trú phường Hòa Thuận Tây, quận Hải
Châu) dắt theo cậu con trai đứng trước cổng nhà ông, tay liên tục quệt nước
mắt. Chị nghẹn ngào: “Đang đi bán vé số thì tôi nghe cánh xe thồ bảo bác
Thanh mất rồi, hai mẹ con vội chạy tới đây luôn, nhưng xin thế nào họ cũng
không cho vào trong. Bác Thanh thương những phận nghèo như chúng tôi, giờ bác
mất, tụi tui không nói ra nhưng ai cũng xót lòng”. Ni sư Thích Nữ Diệu Hiền
(chùa Thái Bình, Quảng Nam), người đi khắp 9 chùa cầu an và làm thơ tặng ông
Thanh khi ông còn sống, giờ hay tin ông mất cũng vội vàng bắt xe ra Đà Nẵng.
Với bà, ông là con người tốt, vị lãnh đạo liêm chính, vì dân.
Hơn nửa chiều, hàng trăm người dân từ khắp nơi
vẫn tiếp tục kéo về trước khu vực nhà ông Thanh. Họ vẫn hi vọng ông về nghỉ ngơi
tại nhà chứ chưa mất. Nhưng khi thấy từng đoàn xe chở bàn ghế, nước, và các
vật dụng phục vụ cho đám tang, họ nghẹn ngào với nhau: “Vậy là ổng mất thật
rồi !”. Lực lượng an ninh phải buộc bà con xếp hàng ngay ngắn, giữ gìn trật
tự, khi thích hợp sẽ cho vào bên trong tiễn biệt ông lần cuối. Mấy anh xe ôm,
bốc vác thấy bên trong tất bật liền xắn tay áo ra ngoài bưng nước, vác bàn
phụ giúp gia quyến.
Trời nhá nhem
tối, cổng đã dán thông tin chính thức về giờ viếng ông Thanh nhưng bà con vẫn
không ngừng kéo về. Phía bên kia đường Cách Mạng Tháng Tám, từng tốp người
tan ca đứng tụ lại mải mê kể về những câu chuyện đẹp của ông Thanh, từ những
cây cầu, chung cư thu nhập thấp cho tới phần quà tết cho chị lao công... Anh
Nguyễn Văn Dũng (57 tuổi, quận Cẩm Lệ) sau giờ bốc vác về lọc cọc chiếc xe
đạp tới, luôn miệng tiếc thương: “Bao giờ Đà Nẵng mới có được một người tài
như anh Thanh. Anh giản dị, chân phương nên chúng tôi quý như người nhà. Ngày
mai tới giờ viếng, thể nào tôi cũng xin nghỉ để dắt vợ con tới thắp cho anh
nén hương”. Mọi công tác lo hậu sự cho ông Thanh được chuẩn bị khẩn trương,
chu đáo. Trong sân nhà rạp đã được dựng lên, bên ngoài căng hàng chục chiếc ô
để người dân tránh mưa nắng. Đoạn đường trước nhà ông đã được ngăn lại để đảm
bảo an toàn giao thông khi người dân tới viếng ông Thanh…
Lo cho dân trước
Làm báo ở Đà Nẵng ngót nghét 13 năm, một trong
những niềm ưa thích của chúng tôi chính là đến nghe ông Thanh nói chuyện,
tiếp dân hay trò chuyện với cán bộ. Mỗi lần như thế, cả ngàn người Đà Nẵng,
dẫu đang làm gì, dẫu “yêu” hay “ghét” ông đều dừng cả việc lại để lắng nghe.
Ông nói nghe sướng tai, và nhất là nói chuyện gì đều trúng phóc chuyện đó,
như “điểm huyệt” vào vấn đề. Quan trọng nhất, sau mỗi câu chuyện ông nói, dân
không thất vọng vì hầu hết đều được giải quyết, thấu đáo trọn vẹn cả nghĩa
lẫn tình.
Người dân xếp hàng trước cổng nhà ông Nguyễn Bá Thanh chiều 13/2 mong
gặp mặt ông lần cuối
Bác Nguyễn Sĩ Long, một cựu chiến binh có nhà
giải tỏa ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), người một thời gian dài sống
cảnh nhà thuê, thường có thái độ “hậm hực” với ông Thanh, kể với tôi trong
ngày bác đi đón ông Thanh tại sân bay Đà Nẵng khi ông chữa bệnh từ Mỹ về: “Từ
nhà kiên cố, bị đập bỏ, cả gia đình đi thuê trọ gần 1 năm. Tui ức nghẹn họng,
tức ông Thanh lắm. Nhưng về sau mới thấu hiểu được, ông ấy làm tất cả cũng vì
lo cho dân trước. Nếu không có ông ấy, với những tính cách quyết liệt, nói
được làm được như ông Thanh thì làm sao mà có Đà Nẵng như ngày hôm nay”.
Cá nhân tôi, ấn tượng nhất với ông Nguyễn Bá
Thanh ở cách ông giải quyết với những hộ dân giải tỏa, khiếu kiện kéo dài,
đặc biệt giáo dân ở Cồn Dầu ở phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ). Tôi còn nhớ một lần
cách đây khoảng 6 năm, ngay tại hội trường UBND thành phố Đà Nẵng, ông Thanh
đối thoại với mấy chục hộ dân khiếu kiện kéo dài. Không khí căng thẳng được
đẩy lên ngay từ phút đầu. Ông Thanh vẫn bình tĩnh, chậm rãi gỡ từng nút thắt
một.
Cao trào xảy ra khi một cụ ông lớn tuổi, bất thình lình nhảy ra chỉ mặt
ông Nguyễn Bá Thanh xỉa xói, đại loại ông cụ nói ông Thanh không biết nghĩ
tới gia đình ông từng có công với cách mạng, nuôi dưỡng bậc cha chú của ông
Thanh. Hội trường lặng phắc, ai nấy mặt tái mét. Hàng chục ống kính phóng
viên bật tanh tách. Ông Nguyễn Bá Thanh chỉ cười nhẹ, nói “khi nào cụ về ngồi
lại chỗ ngồi, tui mới nói cho mà nghe”. Cụ ông bất ngờ với cách xử trí, tiu
nghỉu trở về chỗ. Những lời phân tích của ông Thanh sau đó khiến cụ ông lại
là người đầu tiên hoàn toàn nhất trí. Hội trường vỗ tay ầm ầm. Cụ ông sau đó
ra khỏi cuộc họp, nói với tôi: “Tính đi tính lại, quả thật ông Thanh có lý.
Tui không đôi co nữa, vì ổng nghĩ đến dân trước khi nghĩ cho ổng”.
Đà
Nẵng sẽ không bắn pháo hoa dịp Tết
Lễ viếng ông
Nguyễn Bá Thanh bắt đầu vào lúc 15g ngày 14/2/2015. Lễ truy điệu vào lúc 9g
ngày 16/2. Ông Thanh sẽ được an táng tại nghĩa trang gia tộc. Ông Huỳnh Đức
Thơ – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng hôm qua, cho biết: Đà Nẵng sẽ không bắn pháo
hoa dịp tết Nguyên đán Ất Mùi theo hoạch định. “Tang lễ của anh Thanh do
Trung ương chủ trì. Hiện nay Đà Nẵng chưa có lịch cụ thể của Ban lễ tang
Trung ương” – ông Thơ nói.
(Theo
Tiền phong)
|
Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét