Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Người tiêu dùng, luật pháp và lẽ phải

Cập nhật lúc 07:39

 Một người ăn bánh mì của một tiệm bán bánh mì chuyên nghiệp ở Bến Tre, sau đó bị ngộ độc. 
Kiện ra tòa án để đòi bồi thường thiệt hại, người này được yêu cầu chứng minh thiệt hại thực tế, đồng thời chứng minh luôn thiệt hại đó có nguyên nhân trực tiếp là do ăn bánh mì của tiệm đó.
Không xuất trình được minh chứng thuyết phục, người đi kiện bị tòa án bác đơn.
Đúng là người bị thiệt hại mới là người biết rõ nhất về việc mình đã mất những gì và do đâu. Bởi vậy, theo nguyên tắc được thiết lập trong luật chung về trách nhiệm dân sự muốn được bồi thường bao nhiêu thì người đòi bồi thường phải chứng minh thiệt hại bấy nhiêu; ngoài ra người bị thiệt hại còn phải chỉ ra được mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại đó với sự việc, hành vi được cho là nguyên nhân gây thiệt hại.
Đáng lý ra người bị thiệt hại phải yêu cầu cấp và giữ lại các chứng từ xác nhận việc trả các chi phí cần thiết cho việc khắc phục hậu quả thiệt hại như xét nghiệm, nằm viện, thuốc men, đi lại...
Tuy nhiên, luật pháp cũng có tính đến khả năng vì lý do gì đó mà người bị thiệt hại không thể có các chứng từ cần thiết để xuất trình, mặc dù có chi trả trên thực tế.
Nếu người bị thiệt hại không chứng minh được những tổn thất thực tế, có thật bằng những minh chứng thuyết phục mà luật pháp đòi hỏi thì tòa án có thể buộc bên bị đơn bồi thường theo mức sàn.
Tất nhiên để được bồi thường, ngoài một số trường hợp đặc biệt, người bị thiệt hại còn phải chứng minh được rằng chính người bị kiện là người đã gây ra thiệt hại cho mình, chứ không phải ai khác.
Nói rằng mình bị ngộ độc do ăn bánh mì của tiệm nào đó thì phải chứng minh được mình đã ăn bánh mì ở tiệm đó.
Nhưng việc chủ tiệm bánh mì trong vụ này yêu cầu người đòi bồi thường phải xuất trình hóa đơn mua bánh mì của tiệm mình là đòi hỏi vô lý, bởi ai cũng biết các tiệm bánh mì thường chẳng bao giờ có thói quen ra hóa đơn bán lẻ cho khách hàng.
Ngay cả trong trường hợp một cơ sở kinh doanh có thông lệ xuất hóa đơn cho tất cả trường hợp giao dịch thì hóa đơn cũng không phải là cách duy nhất để chứng minh giao dịch giữa cơ sở và khách hàng.
Khi cần dựng lại sự việc trong điều kiện chứng cứ chính thống không có hoặc không còn (do bị thất lạc, bị tiêu hủy...), bên đương sự trong một vụ tranh tụng có quyền sử dụng mọi phương tiện được thừa nhận trong luật chung về chứng cứ; chẳng hạn như hình ảnh, lời khai của những người có liên quan, các ứng xử, giao dịch lặp đi lặp lại thành thói quen (người đòi bồi thường vẫn thường mua bánh mì mỗi ngày, mỗi sáng thứ hai, thứ ba trong tuần...).
Việc người đòi bồi thường trong vụ ngộ độc do ăn bánh mì bị bác đơn diễn ra trong bối cảnh đã và đang có nhiều vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng; trong đại đa số trường hợp, kết cục tỏ ra bất lợi đối với người tiêu dùng.
Hiện tượng này khiến người ta quan ngại: liệu pháp luật có bị vô hiệu hóa bởi lý do nào đó, từ đó xa rời mục tiêu bảo vệ lẽ phải?
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét