Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

Báo cáo của IISS: Ukraine không thể thắng quân ly khai

Cập nhật lúc 15:36            

(Tin tức 24h) - Ngày 11/02/2015, tại London, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) đã giới thiệu bản báo cáo “Cán cân quân sự năm 2015”.

Trong bản báo cáo dài 504 trang này, các chuyên gia của IISS đã trình bày các phân tích toàn diện và chi tiết về sức mạnh quân sự và công nghiệp quốc phòng của 171 nước trên thế giới. Trong bản báo cáo có đề cập đến 02 điểm nóng hiện nay – đó là phân tích khả năng quân sự của Ucraine và những mối đe dọa xuất phát từ “Quốc gia Hồi giáo” (IS).
Chúng ta hãy điểm qua một vài nét sơ lược về các vấn đề đang được quan tâm tâm hiện nay được trình bày trong bản báo cáo này (cũng xin lưu ý là ít có chuyên gia quân sự nào nghi ngờ tính khách quan của các bản báo cáo do IISS chuẩn bị) :
Những điểm chung
Trước phần mở đầu bản báo cáo, Tổng giám đốc IISS J. Chipman cho biết là chi tiêu cho quốc phòng (của tất cả các nước có tên trong báo cáo) trong năm 2014 đã tăng 1,4% so với năm 2013.
Đây là lần tăng ngân sách quốc phòng đầu tiên của cả hành tinh kể từ năm 2010. Có một chi tiết đáng chú ý là tỷ lệ ngân sách quân sự của Mỹ trong ngân sách quân sự toàn cầu đã giảm: từ 44% năm 2010 xuống còn 38% trong năm 2014.
Theo các tác giả “Cán cân quân sự 2015” thì các điểm nóng chiến lược trong năm 2015 sẽ là : 1/ cuộc xung đột ở Ucraine và hệ lụy của nó sẽ là tình trạng đối đầu căng thẳng giữa Phương Tây với Nga và 2/ Sự hình thành của các tổ chức Hồi giao cực đoan mà trước hết là IS tại Syria và Iraq.
Tại Châu Âu, trong năm 2014, những nhân tố giữ vai trò chính trong lĩnh vực an ninh (rất tiếc là vai trò tiêu cực) chính là các sự kiện ở Ucraine, cũng như sự biến mất gần như hoàn toàn lòng tin giữa các cường quốc Phương Tây và Nga đối với nhau. Các yếu tố tiêu cực như trên đã làm cho trật tự hình thành sau “Chiến tranh lạnh” trên châu lục này đứng trước những áp lực và thử thách nghiêm trọng.
Phương Tây, trong bối cảnh hiện nay, buộc phải xây dựng một chiến lược mới trong quan hệ với Nga. Theo quan điểm của các nhà phân tích (soạn báo cáo này) thì các điểm mấu chốt trong chiến lược mới này là: thuyết phục Nga từ bỏ các hành động phiêu lưu đối với lãnh thổ Liên minh Châu Âu hoặc NATO; tích cực ủng hộ chủ quyền của các quốc gia Châu Âu và sẵn sàng tôn trọng các lợi ích an ninh của Nga .
Về Ukraine
Về tình hình Ucraine: các tác giả bản báo cáo có cách nhìn bi quan trước triển vọng giải quyết hòa bình cuộc xung đột tại Ucraine.
Theo quan điểm của họ : khó khăn lớn nhất sẽ là việc xác định và thiết lập đường giới tuyến ngăn cách các bên xung đột.
Trong “Cán cân quân sự 2015”, các tác giả đã lần đầu tiên đưa ra các phân tích về thực trạng của Lực lượng vũ trang Ucraine. Các kết luận không mấy lạc quan đối với Kiev. Các tác giả cho rằng Quân đội Ucraine không sẵn sàng cho một cuộc xung đột với Lực lượng đòi lý khai và thiếu xe bọc thép, pháo binh và tên lửa .
Một nhiệm vụ khác cũng cực kỳ phức tạp đối với chính quyền Ucraine là luật hóa hoạt động cửa các tiểu đoàn tình nguyện – một lực lượng đang giữ vai trò chủ chốt trong các hoạt động tác chiến.
Để bù đắp cho các tổn thất trong các trận chiến, Ucraine đang sử dụng các phương tiện kỹ thuật và vũ khí đã lạc hậu.
Trong tương lai trung hạn, Ucraine cực kỳ cần các phương tiện chiến tranh hiện đại. Cũng theo các nhà phân tích thì nếu Mỹ trang bị cho Ucraine các loại vũ khí sát thương thì việc làm như vậy sẽ có những hậu quả cực kỳ nguy hiểm.
Mối nguy hiểm chủ yếu là nếu Mỹ làm như vậy, về phần mình Nga sẽ cung cấp vũ khí cho quân ly khai. Không những thế Nga có thế vũ trang cho Donhets và Lugansk nhanh hơn là Mỹ trang bị vũ khí cho Quân đội chính phủ Kiev .
Cụ thể hơn, nhà phân tích các chiến dịch trên bộ của IISS và nguyên là tướng của Quân Đội Anh B.Barry còn cho rằng: nếu Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev thì ngay lập tức Nga sẽ cung cấp ồ ạt các loại vũ khí tương tự cho các nước cộng hòa Donhets và Lugansk .
Còn theo Tổng thư ký Tổ chức an ninh và hợp tác Châu Âu (OSCE) Lamberto Zannier thì việc Mỹ trang bị vũ khí Mỹ cho Ucraine sẽ dẫn đến việc mở rộng và làm trầm trọng hơn cuộc xung đột tại nước này .
Cũng theo bản báo cáo, Bộ tư lệnh Ucraine vẫn tiếp tục sử dụng chiến thuật và học thuyết quân sự từ thời Xô Viết để lại – nói chung các chiến thuật và học thuyết này không thích hợp với các hoạt động tác chiến tại các khu đông dân cư và trong các khu phố. Chỉ có một phần nhỏ Lực lượng vũ trang và Không quân Ucraine là có thể sẵn sàng chiến đấu .
Các tác giả của “Cán cân quân sự 2015 ” cũng cảnh báo chính quyền Kiev về hậu quả quyết định tăng mạnh ngân sách quân sự.
Theo kế hoạch của chính phủ Ucraine thì đến năm 2020, ngân sách quốc phòng sẽ lên tới mức 5% GDP . Trong điều kiện nền kinh tế Ucraine đang khủng hoảng như hiện nay thì quyết định trên là “không hợp lý ”.
Về Trung Cận Đông và IS
 
Còn một mối đe dọa nghiêm trọng nữa đối với an ninh toàn cầu – đó là vùng Trung Cận Đông, tình hình tại khu vực này đang ngày càng phức tạp do tổ chức Hồi giáo cực đoan IS đang tăng cường hoạt động.
Hoạt động của các cơ quan tình báo Châu Âu hiện nay chủ yếu tập trung vào phát hiện các mối đe dọa xuất phát từ những kẻ thánh chiến quay trở về nước từ các khu vực chiến sự .
Các chiến tích của IS đã buộc các nước phải thành lập một liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo. Liên minh này đã và đang tiến hành các đòn tấn công bằng bom và tên lửa vào các vị trí của các phần tử Hồi giáo cực đoan, nhưng hiệu quả của các đòn tấn công này còn là cả một dấu hỏi.
Trong các cuộc điều trần tại Ủy ban an ninh Quốc hội Mỹ vào ngày thứ 4 (11/02) vừa qua, Ủy ban này đã đưa ra các số liệu về số lượng người nước ngoài đang tham chiến tại Syria.
Theo Giám đốc Trung tâm chống khủng bố N.Rasmussen thì hiện nay tại nước này có hơn 20.000 công dân của gần 90 nước trên thế giới tham chiến. Số lượng các chiến binh người nước ngoài ở Syria là lớn nhất từ trước đến nay nếu so sánh với các cuộc xung đột ở Afganistan, Pakistan, Iraq, Yemen, Xô Ma Li.
Không những thế, con số này ngày càng tăng thêm, bất chấp các đợt không kích của Liên minh (chống IS) đã bước sang tháng thứ tám.
Trong bản báo cáo của IISS cũng điểm nhấn mạnh rằng, nếu chỉ sử dụng các biện pháp quân sự thì không thể đối phó được với các hình thức và phương tiện tuyển mộ phức tạp mà IS đang sử dụng để “bổ sung hàng ngũ” và ngăn được các đợt tấn công của IS.
Cũng trong “Cán cân quân sự 2015” , các nhà phân tích cho rằng trong cuộc đối đầu giữa chính quyền B.Asad với quân nổi dậy ở Syria, tình hình đã trở nên rất phức tạp vì các nguyên nhân sau đây: mâu thuẫn (thậm chí tàn sát lẫn nhau) trong chính hàng ngũ quân nổi dậy, sự can thiệp trực tiếp của “Hezbola “, sự gia tăng số lượng các chiến binh dòng Sunny và các mâu thuẫn khu vực và toàn cầu .
Chính sách của Mỹ đối với Syria trong năm 2014 là một chính sách chứa nhiều mâu thuẫn. Tổ chức IS xuất hiện và đẩy mạnh hoạt động đã làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa Washington và quân nổi dậy Syria.
Người Mỹ cho rằng điều cần quan tâm nhất là cuộc đấu tranh chống các phần tử thánh chiến, trong khi đó quân nổi dậy ở Syria thì cho rằng kẻ thù chủ yếu – đấy là chế độ B.Asad .
Các tác giả bản báo cáo nhấn mạnh, tình hình an ninh phức tạp tại khu vực Trung Cận Động buộc các quốc gia trong khu vực phải tăng cho phí quốc phòng. Do tình hình ngày càng căng thẳng và các cuộc xung đột đang có chiều tăng nhiệt nên xu hướng này (tăng ngân sách quốc phòng) sẽ còn tiếp tục trong các năm tới.
Nói chung là một bản cáo không mấy lạc quan.
(Theo Đất Việt) Lê Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét