Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Dưới suối vàng chắc mẹ Âu Cơ buồn lắm!

Cập nhật lúc 08:43

 

Chúng ta mất hai mươi năm để thống nhất đất nước và đã mất bốn mươi năm để hòa hợp nhưng vết thương vẫn chưa lành hẳn. Trong lòng những đứa con sinh ra từ một bọc nhiều lúc, nhiều nơi vẫn còn ly tán… Biết có điều này, dưới suối vàng chắc mẹ Âu Cơ buồn lắm!


(Minh họa: Ngọc Diệp) 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
40 năm đã qua kể từ ngày thống nhất, đất nước ta đã có những bước tiến dài trong nhiều lĩnh vực như phát triển kinh tế, nâng cao vị thế quốc tế và đặc biệt là mở rộng quan hệ bang giao với hầu hết các nước trên thế giới, kể cả các quốc gia từng là “cựu thù” như Pháp, Nhật, Mỹ…
Song, có một điều vô cùng quan trọng thì chúng ta lại chưa thành công như mong đợi. Đó là tinh thần hòa hợp của những người con cùng sinh ra từ một bọc “đồng bào”. Và năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, đề tài hòa hợp dân tộc lại được khơi lại như một “ẩn ức” chưa được giải tỏa.
Trong một bài trả lời phỏng vấn cách đây 2 năm (4/2013), nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên kể lại rằng năm 1972, khi thăm Vĩnh Linh, trong một bữa cơm, ông Lê Duẩn đã đặt câu hỏi sau khi thống nhất đất nước, việc gì là lớn nhất?
Người thì nói rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, người thì cho rằng phải phát triển nông thôn, người thì nói cần ưu tiên đẩy mạnh khai thác tài nguyên… Ông chăm chú lắng nghe mọi người rồi nói: “Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm, đó là hòa hợp dân tộc”.
Cũng trong bài báo trên, Bộ trưởng Niên còn kể năm 2008, gặp nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong Đại lễ Phật đản Vesak tại Hà Nội, ông Niên đã đề nghị “xây dựng một tượng đài hòa bình ở TP HCM, hay ở bất cứ nơi nào đó để tưởng nhớ những người đã nằm xuống trong chiến tranh, dù ở bất cứ bên nào.
Ở nơi đây, mọi người có thể đến thắp nhang, đặt hoa. Không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng hàn gắn, nó cũng nhắc nhở chúng ta bài học. Ông Kiệt đã rất thích thú với ý tưởng này nhưng rất tiếc điều đó đã không thực hiện được vì sau đó không bao lâu ông Kiệt, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, đã vĩnh biệt chúng ta”.
Mới đây trên báo Lao động, ĐB Dương Trung Quốc đã lý giải nguyên nhân vết thương tinh thần của dân tộc vẫn chưa lành hẳn: “Quy luật chiến tranh rất khắc nghiệt, có máu đổ xương rơi từ cả hai phía, có những chính sách khắc nghiệt để lại những vết hằn khó lành.
Đó là một sự thực chúng ta phải nhìn thẳng. Có những sự thực đôi khi rất đơn giản, đó là sự chết chóc, thương tật, mất mát, nhưng cũng có những yếu tố đời thường như của cải, tài sản, lại có những vấn đề về chế độ, chính sách đãi ngộ và không đãi ngộ, có cả những yếu tố mà chúng ta chưa đánh giá là đúng hay sai, nhưng rõ ràng để lại những hậu quả rất sâu sắc.
Tôi cho rằng, đương nhiên một cuộc chiến tranh có kẻ thắng người thua, nhưng quan trọng nhất là chúng ta đạt được mục tiêu. Mục tiêu không phải chúng ta chiến thắng đối phương, mà đó chỉ là phương thức để đạt tới mục tiêu thống nhất đất nước”.
Ông Nguyễn Phú Bình, ủy viên Đoàn Chủ tịch TW MTTQ VN, Chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm UB Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng bày tỏ mong muốn trong lúc chủ quyền và lãnh thổ quốc gia đang đứng trước thách thức mới, vấn đề đại đoàn kết dân tộc lại càng trở nên cấp thiết. “Với tinh thần đó, những người đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ, cả Trường Sa và Hoàng Sa đều xứng đáng để Nhà nước và xã hội tôn vinh”. Ông Bình nói.
Xây dựng tượng đài hòa bình như sáng kiến của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, tôn vinh những người đã ngã xuống ở Hoàng Sa như mong muốn của ông Nguyễn Phú Bình chính là “phương thức để đạt tới mục tiêu thống nhất đất nước” như lời ĐB Dương Trung Quốc.
Chúng ta mất hai mươi năm để thống nhất đất nước và đã mất 40 năm để hòa hợp nhưng vết thương vẫn chưa lành hẳn. Trong lòng những đứa con sinh ra từ một bọc nhiều lúc, nhiều nơi vẫn còn ly tán…
Biết có điều này, dưới suối vàng chắc mẹ Âu Cơ buồn lắm!
(Theo Dân trí) Bùi Hoàng Tám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét