Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

 Chuyện ông Dũng “lò vôi” viết sách

Cập nhật lúc 09:42
Ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam được biết đến là một doanh nhân thành đạt, người đầu tiên ở Việt Nam xây dựng khu du lịch văn hiến hoành tráng và sớm nghĩ đến phương thức quy hoạch hạ tầng các khu công nghiệp để kêu gọi đầu tư từ nước ngoài. Ông được gán cho biệt danh Dũng “lò vôi” do khởi nghiệp từ những lò vôi trên đất Bình Dương. Nhưng ít ai biết, ông còn viết sách, mà là sách hay.
Giàu nhờ Trời - Phật phù hộ
Cuộc đời của ông Dũng “lò vôi” thăng trầm gắn với biệt danh của ngày nào. Vừa học hết lớp 12, ông Dũng chưa kịp thi tốt nghiệp đã phải đi bộ đội ở chiến trường Tây Nam vào năm 1979. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, nhiều bạn bè, đồng đội cùng nhập ngũ đã ra đi mãi không về. Ông Dũng may mắn trải qua cuộc chiến và trở về, sống đến ngày hôm nay. Bản thân ông xem như được sinh ra lần thứ 2 trong cuộc đời.
Hoàn thành nghĩa vụ của một người lính vào năm 1983, ông Huỳnh Uy Dũng được điều động về công tác tại Phòng Hậu cần, Công an tỉnh Bình Dương. Công tác được vài năm, ông Dũng lại nghĩ đến chuyện phải trở thành một ông chủ, làm kinh tế để có cuộc sống sung túc hơn. Năm 1986, ông Huỳnh Uy Dũng chính thức bắt tay vào làm lò vôi. Ông quyết định chọn cho mình nghề làm lò vôi để khởi đầu cho con đường trở thành một doanh nghiệp lẫy lừng sau này. Ông “đón đầu” được nhu cầu người dân cần trang trí nhà cửa bằng bột vôi sẽ tăng mạnh ở trong giai đoạn đất nước phát triển, cuộc sống người dân khá giả hơn. Nói là làm, ông đầu tư ngay vào và sản phẩm bột vôi nhanh chóng được sự đón nhận của người dân ở các tỉnh phía nam.
 
Trong giai đoạn đất nước phát triển, sự nghiệp công nghiệp hóa đang được đẩy mạnh. Đảng và Nhà nước kêu gọi các nhà đầu tư ở nước ngoài vào Việt Nam để mở nhà máy, xí nghiệp. Ông Dũng “lò vôi” lại phát kiến và trăn trở: “Vì sao không… dọn đường để cho các doanh nghiệp nước ngoài đến làm nhà xưởng”. Thế là ông xin chủ trương và được cho phép đầu tư làm hạ tầng các khu công nghiệp. Khu Công nghiệp Sóng Thần 1 đã ra đời từ đó. Từ thành công của Khu Công nghiệp Sóng Thần 1, lần lượt Khu Công nghiệp Sóng Thần 2 và 3 đã ra đời. Xuyên suốt quá trình được cấp đất, ông Dũng đã nghĩ ngay đến việc người dân bị mất đất sau khi bị thu hồi. Nếu như quy định của Nhà nước chỉ đền bù 12.000 đồng/m2 thì ông sẵn sàng đền bù theo giá thị trường và thậm chí có thể gấp 2,5 lần. Những người nào có nhà cũ bị giải tỏa thì được đền bù có nhà mới ở nơi khác. Những người bị mất đất, ông Huỳnh Uy Dũng đổi đất và tạo điều kiện cho người dân xây phòng trọ để có thêm thu nhập. Ông chia sẻ lợi nhuận của doanh nghiệp cho những người bị mất đất.
Những người bị mất đất, tuổi đời còn trẻ được ông khuyên đi học nghề để ổn định cuộc sống lâu dài. Nhiều gia đình bị thu hồi đất, cả dòng họ phải di dời mồ mả tổ tiên, nếu mộ đất sẽ được ông Dũng chi tiền để có mộ xây. Người bị di dời mất nhà lá cũng phải có được nhà xây. Ông Dũng sống theo tâm niệm: “Xởi lởi thì trời cho”. Ông luôn mở lòng cho tất cả mọi người và thực sự, ông rất tin người. Ông Huỳnh Uy Dũng hướng theo con đường Phật pháp và đúc kết trong cuộc sống: “Không có luật nào bằng luật nhân - quả”.
Từ năm 1999, ông Dũng “lò vôi” đã khởi động xây Khu Du lịch Đại Nam. Khởi động cho công trình quy mô hoành tráng, ông Dũng xây dựng khu đền thờ đặc biệt nhất Việt Nam. Ông chi 800 tỉ đồng cho ngôi đền từ khi vàng được định giá 5 triệu đồng/lượng. Hơn 10.000m3 được mua từ một số nước trên thế giới mang về để dựng đền. Khi khởi công, ông Dũng cầu mong ngôi đền sẽ “trấn giữ” để cho… quốc thái dân an.
Lúc đã ở một vị thế bất cứ người dân nào cũng đều khao khát, ông Dũng nhìn nhận: “Nhiều người siêng năng, cầu cù, tài hơn, bằng cấp cao hơn nhưng chưa vương giả và có thể mãi mãi sẽ không bằng bản thân tôi và trong cuộc sống phải có sự may mắn”. Ông Dũng “lò vôi” tự cho mình có được sự may mắn do Trời - Phật phù hộ và bản thân ông chỉ muốn xem mình sẽ là người giữ ngôi đền thờ Đại Nam.
Viết sách trong... vô thức
Năm 49 tuổi, ông Dũng xây xong ngôi đền. Cuộc đời ông như rẽ sang trang mới, ông đã nghĩ đến việc đổi tên Huỳnh Phi Dũng ngày xưa để trở thành Huỳnh Uy Dũng của ngày hôm nay. Những lúc “trà dư tửu hậu”, ông Dũng bộc bạch: “Khi đổi tên, tôi đã cáo với mẹ, thắp hương xin ba và làm lễ đổi tên. Đây là thời điểm đánh dấu sự kết thúc quá trình lăn lộn kiếm tiền và chỉ muốn lấy phước đức làm của để cống hiến cho đời”.
Ông đánh dấu sự kiện của cuộc đời mình bằng cách đổi cái tên. Mang thắc mắc của độc giả đưa ra về việc thay “Phi” bằng “Uy”, ông Dũng nói: “Chữ “Uy” là cảm nhận từ trong tâm, cảm nhận từ người khác bằng thần thái và nhân cách”. Đi theo con đường tâm linh, ông Huỳnh Uy Dũng buông bỏ tất cả và không bận tâm đến bất cứ điều gì. Ông Dũng “lò vôi” xem cuộc sống như đi trên… sóng và không muốn làm điều gì có lỗi với mọi người. Ngôi đền Đại Nam được xây xong, ông Dũng lại tự nhận mình chỉ là người giữ đền.
 
Khu du lịch Đại Nam
“Tư Tuệ” đã phát tiết từ khi trưởng thành và đi theo từng giai đoạn của đời người. Ông Dũng “lò vôi” làm Khu Công nghiệp Sóng Thần, xây xong Khu Du lịch Đại Nam và tự dưng “phát” ra câu chữ. Trong đền, ông Dũng đã thờ 1.086 dòng họ và mong muốn gìn giữ, tu bổ công trình của công chúng, của đất nước. Ông Dũng “lò vôi” coi việc xây đền xong giống như đã có “bàn, chén, bát, ghế” và việc viết sách chỉ là những món ăn được đưa lên bàn cho mọi người thưởng thức. Biệt tài của một doanh nhân chỉ với 8 câu thơ đã “chuyên chở” hết 108 Quốc hồn, Quốc túy của Hà Nội.
Việc viết sách thường được ông Huỳnh Uy Dũng thực hiện vào ban đêm. Ông không sử dụng bất kỳ máy móc hay phương tiện điện tử nào mà chỉ đơn giản viết tay. Ông viết như một cái máy và thậm chí câu từ trong đầu như được hình thành sẵn. Thời điểm viết sách bắt đầu vào giờ Tý trở đi. Mỗi ngày, ông dành 1-2 tiếng đồng hồ để viết sách và cam đoan không tham khảo, không đọc bất kỳ tài liệu nào mà chỉ thắp hương để “án”. Viết tất cả ra giấy, ông Dũng lại nhờ trợ lý ngồi đánh máy lại và mang đi đăng ký xuất bản để in. Ông viết gần như trong trạng thái vô thức, viết như thể có ai đó thúc giục “đọc cho mà viết”… Ông Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập Báo Năng lượng Mới nghe chuyện, rất không tin. Nhất là khi đọc cuốn ông Dũng viết luận về Kinh Dịch. Là người có chút hiểu về Kinh Dịch, ông Phong đã bỏ gần nửa ngày để đàm luận với ông Dũng “lò vôi” về Kinh Dịch và bói Dịch. Sau buổi nói chuyện ấy, ông Phong đã phải thốt lên rằng: “Đây là trường hợp kỳ lạ… Rất kỳ lạ. Có lẽ ông Dũng sống phần Âm nhiều hơn”.
Ông Huỳnh Uy Dũng xem chuyện viết sử để “ôn cố, tri tân” vừa chiều dọc và cả chiều ngang. Một kỷ lục khiến bản thân ông bất ngờ, ông viết 12.344 câu thơ song thất lục bát trong vòng 8 tháng. Ngày 30/7/2014, ông hoàn thành thêm cuốn sách “Chuyển kiếp luân hồi” và xuất bản vào cuối tháng 12/2014. Ông Dũng muốn gửi lời nhắn nhủ: “Qua cuốn sách này, mọi người đọc để học chết mà sống cho tốt hơn”. Ông đưa ra lập luận, thân xác mỗi người cũng chỉ giống như tấm áo và linh hồn là trường tồn. Một người chết ở nơi này nhưng tái sinh ở nơi khác hay một đất nước khác. Ông nhập bộ môn sử qua con đường “Tư Tuệ” và “Tu Tuệ”. Ông chỉ biết lịch sử qua suy nghĩ cũng như kinh nghiệm cuộc sống.
 
Ông Dũng “lò vôi” cùng vợ, con trai và gia đình
Chuyện một “đại gia” bỗng dưng thôi làm giàu và lao vào con đường chữ nghĩa để viết sách như ông Huỳnh Uy Dũng quả là xưa nay hiếm. Ông từng giải thích: “Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta; Lấy phúc đức làm của, của sẽ theo ta vạn đời”. Cuộc sống nhân sinh, ông xem vật chất nhẹ như lông hồng. Dù có làm giàu, dù có nhiều tiền nhưng sống với nỗi đau, sống thiếu thốn tinh thần cũng bằng không. Ông nhận xét: “Kinh tế quyết định mức sống con người nhưng đạo đức quyết định sự thịnh suy kinh tế”. Ông không thích con đường kinh doanh, thôi tính kế làm giàu và an nhàn bên người vợ hiền Nguyễn Phương Hằng cùng quý tử Huỳnh Hằng Hữu. Ông tự hào: “Tôi cầu xin trời phật cho một thằng con trai và mong muốn con thực hiện những điều bản thân mình chưa làm hết”.
Ông Huỳnh Uy Dũng đã hướng cháu bé vào con đường tâm linh, thánh thiện được vạch sẵn. Tài sản của một vị đại gia chục ngàn tỉ cho con không bằng “hiện kim” mà muốn cháu Hữu thấy được hằng năm có vài trăm cháu bé khác được cứu sống bằng chương trình “Trái tim Hằng Hữu”. Lợi nhuận của Công ty Cổ phần Đại Nam được ông mang đến cho người nghèo, những người không có cơ hội được chọn giữa một trái tim trẻ em với tài sản. Ông sẽ giúp tất cả những cháu bé dù dó là người thân hay kẻ thù của bản thân.
Ông Huỳnh Uy Dũng đã làm thừa kế cho hết khối tài sản của mình cho cháu Hằng Hữu và tự nhận chỉ là người quản lý “giúp” cho cháu đến năm 18 tuổi. Hành trang vào đời, cứu sống trẻ nhỏ là tài sản quý giá duy nhất ông Dũng “lò vôi” dành cho con.
SÁCH CỦA HUỲNH UY DŨNG
1. Huyền ca Hồ Chí Minh - Nxb Thanh Niên
2. Thiên tài Quân sự Võ Nguyên Giáp - Nxb Thanh niên
3. Con đường hạnh phúc - Nxb Thời đại
4. Long Hoa trẩy hội (toàn tập) - Nxb Tôn giáo
5. Ðại Nam văn hiến sử thi - Nxb Thời đại
6. Ðại Nam văn hiến- Nxb Thời đại
7. Quốc tổ Hùng Vương sử thi - Nxb Thanh niên
8. Thắng cảng Thăng Long - Nxb Thời đại
9. Thi vịnh Pháp hoa Kinh (bộ 3 quyển) - Nxb Tôn giáo
10. Ðại Nam tâm kinh: Tại…? – Nxb Tôn giáo
11. Những bước về Tâm - Nxb Thanh niên
12. Những bước về Linh - Nxb Thanh niên
13. 12 con giáp - Nxb Thời đại

(Theo Năng lượng mới) Hưng Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét