Xăng giảm, vận tải
không giảm:
Vô lý, đáng lên án nhưng... bất lực!
Cập
nhật lúc 07:50
Thứ trưởng Đỗ
Thắng Hải: Giá xăng giảm 10.000 đồng mà cước vận tải, taxi không giảm chứng
tỏ sự bất lực trong khâu quản lý
Giá xăng giảm
gần 10.000 đồng/lít nhưng cước taxi và vận tải khác vẫn đứng yên. Thứ trưởng
Đỗ Thắng Hải cho rằng để tình trạng "vô lý" và "cần lên
án" này diễn ra là thể hiện sự bất lực của cơ quan quản lý.
Ngày 21.1, tại buổi làm việc với UBND thành
phố Hà Nội, về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi năm
2015, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải dành phần lớn thời gian nói về
quản lý giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong thời gian tới.
Báo cáo hội nghị, đại diện Sở Tài chính Hà
Nội cho biết, bình ổn giá trên địa bàn thành phố, đặc biệt là dịp cuối năm
luôn được xác định là nhiệm vụ thường xuyên. Trong năm 2014, Hà Nội đã ứng
cho doanh nghiệp vay 276 tỷ đồng để chuẩn bị các mặt hàng bình ổn giá trong
dịp Tết Nguyên đán 2015 sắp tới. Tất cả doanh nghiệp tham gia bình ổn giá
phải kê khai giá với Sở Tài chính sau đó đăng công khai để nhân dân giám sát.
Ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công
thương) đánh giá, công tác bình ổn giá ở Hà Nội cũng như Thành phố Hồ Chí
Minh được làm tương đối sớm, ít bị “cháy” hàng. “Tết năm nay được nghỉ 9
ngày, tôi nghĩ sức tiêu thụ ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh rất lớn. Qua
báo cáo của Hà Nội chúng tôi thấy hàng hóa được chuẩn bị rất đa dạng và có
thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường những ngày Tết sắp đến”, ông Tín nói.
Trong thời gian giáp Tết, ông Tín cũng trực tiếp đi kiểm tra nhiều trung
tâm thương mại và nhận thấy dù được kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn không tránh
được các hành vi như không thông báo với đơn vị quản lý khi thực hiện các
chương trình khuyến mãi, ở khu vực chế biến thực phẩm rất bẩn… Qua kiểm tra,
ông Tín đã cho xử phạt 4 điểm với số tiền 200 triệu đồng.
Cho ý kiến tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải dành phần
lớn thời gian phân tích việc tác động của việc giảm giá xăng dầu ảnh hưởng
đến thị trường trong nước.
“Tại cuộc họp Chính phủ mới đây về vấn đề
giá, do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì, dù là Ủy viên Ủy ban điều hành giá
của quốc gia nhưng tôi cũng nói luôn rằng tình hình xăng dầu đã giảm gần
10.000 đồng một lít mà cước taxi và các phương tiện vận tải khác không giảm
giá thì thể hiện sự bất lực của cơ quan quản lý”, ông Hải nói.
Ông Hải cho biết, tỷ trọng chi phí nhiên
liệu chiếm khoảng 30 đến 40% vận tải. Do vậy, nếu tính từ đầu năm 2014 đến
nay, quá 15 lần giảm giá xăng dầu (khoảng 10.000 đồng), đồng nghĩa với việc
chi phí nhiên liệu vận tải cũng giảm gần 40%, thì không có lý do gì giá cước
không giảm.
“Chỉ cần xăng dầu tăng giá một chút, chưa cần ai nói gì thì cước vận tải
đã tăng. Khi xăng dầu giảm giá thì họ viện đủ lý do khó khăn để không chịu
giảm giá cước. Điều này tôi thấy rất vô lý, dư luận cần phải lên án”, ông Hải
chia sẻ.
Trước lo ngại giá dầu thô giảm liên tiếp như vậy sẽ ảnh hưởng đến nguồn
thu ngân sách, ông Hải nói rằng: “Nếu đánh giá toàn diện thì việc giảm giá
xăng dầu mang lại lợi ích nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam”.
(Theo Dân trí) Quang Phong
|
Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét