Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Pháp: Làn sóng ủng hộ Nga, đòi thực hiện hợp đồng Mistral

Cập nhật lúc 10:01

 (Quan hệ quốc tế) - Trừ vài quan chức chính phủ và Tổng thống Hollande, hầu hết các chính trị gia và dân Pháp đều ủng hộ giao tàu sân bay trực thăng Mistral cho Nga.

Làn sóng ủng hộ bàn giao tàu sân bay Mistral cho Nga
Từ khi Pháp trễ hẹn bàn giao tàu sân bay trực thăng Mistral cho Nga vào ngày 14 tháng 11 năm 2014 để ủng hộ lệnh trừng phạt của Washington và Brussels đối với Moscow vì vấn đề Ukraine, làn sóng ủng hộ Nga, kêu gọi bàn giao tàu sân bay Mistral cho Nga ngày càng dâng cao.
Mới đây nhất, vào ngày 23-11, cựu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Pháp, hiện là nghị sĩ và Thị trưởng thành phố Nice, ông Christian Estrosi tuyên bố, Pháp phải tôn trọng những cam kết mà mình đã ký vào, hợp đồng cung cấp "Mistral" cần được hoàn thành.
Trong một tuyên bố trước báo giới, ông Estrosi bày tỏ chính kiến: "Về phần mình, tôi muốn lưu ý rằng tôi ủng hộ Liên bang Nga, chính phủ của ông Medvedev và ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin. Cá nhân tôi không tán thành biện pháp trừng phạt chống lại Nga”.
Với cương vị là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp vào thời điểm đơn đặt hàng lớn của Nga được ký kết với Pháp, ông Estrosi thừa nhận, hợp đồng mua sắm 2 tàu sân bay lớp Mistral đã giúp nước này tạo thêm nhiều việc làm cho công nhân. Vì vậy, ông cho rằng giao kèo cung cấp các chiến hạm này cần được hoàn thành.
Trước ông Estrosi, giới chuyên gia Pháp, các nghị sĩ và đa số người dân Pháp cho rằng Paris nên "nói lời phải giữ lấy lời".
Theo kết quả một cuộc khảo sát ý kiến người dân Pháp được đăng tải trên báo French La Tribune ngày 21-1 vừa qua, 52% người dân Pháp tin rằng các lệnh trừng phạt chống Nga không hề có tác dụng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine mà còn ảnh hưởng xấu đến quan hệ với Nga.
Cơ quan thực hiện cuộc khảo sát ý kiến, Ifop đã tiến hành lấy thông tin từ 1001 người dân Pháp trong thời gian từ 9-1 đến 12-1-2015 và nhận thấy: 64% người cho rằng Paris nên bàn giao 2 tàu Mistral cho Moscow, 75% người dân cũng cho rằng việc đình chỉ bàn giao tàu sẽ chẳng mang lại kết quả gì tích cực trong vấn đề giải quyết khủng hoảng ở Ukraine.

Hầu hết dân Pháp đều ủng hộ bàn giao Mistral cho Nga
Hầu hết dân Pháp đều ủng hộ bàn giao Mistral cho Nga
Ngoài ra, khoảng 56% người tin rằng việc không giao tàu Mistral cho Nga sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Pháp và 77% người cho rằng quyết định này sẽ mang lại hệ quả tiêu cực với ngành công nghiệp đóng tàu của Pháp, 72% tin rằng việc không hoàn thành hợp đồng với Nga sẽ có ảnh hưởng xấu các hợp đồng quân sự khác.
Về phía các chính khách, Chủ tịch đảng DLF Nicolas Dupont-Aignan đánh giá, quyết định của Tổng thống Hollande cho thấy Pháp "đang trở thành một nước nằm dưới sự chỉ đạo của Mỹ và Đức". Ông cho rằng phải dừng ngay việc đẩy nước Nga vào một kịch bản Chiến tranh Lạnh thái quá, Pháp cần giữ vị thế trung lập đúng mực.
Nghị sĩ Jean-Francois Mancel (thuộc đảng UMP cầm quyền) cũng cho rằng Pháp phải giữ lời và chuyển giao các tàu sân bay lớp Mistral cho Nga, không nên làm phức tạp thêm quan hệ với Nga và duy trì đối thoại với Moscow. Nghị sĩ này nhấn mạnh "nước Pháp không có thói quen để người khác đưa ra các quyết định thay cho mình".
Ông Gilles Remy - Giám đốc của CIFAL - Công ty cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực giảng dạy cho các thủy thủ Nga cũng cho rằng, tàu đổ bộ trực thăng lớp "Mistral" được thực hiện theo tiêu chuẩn của Nga, nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến của họ ở các khu vực lạnh giá nên không phù hợp với Hải quân Pháp.
Theo ông, các tàu được làm theo tiêu chuẩn của Nga, một số các bộ phận tích hợp trên con tàu vẫn là tài sản của Nga. Điều này khiến Pháp không thể bán tàu đi và hải quân Pháp cũng không cần các tàu này. “Chúng tôi thậm chí không thể đủ khả năng để giữ cho chúng khỏi bị rỉ sét trên bến tàu!" - ông Remy nói.
Ngoài ra, ông Remy cho rằng, những mâu thuẫn liên quan đến 2 chiếc tàu sân bay trực thăng lớp "Mistral" sẽ hủy hoại mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa Pháp và Nga mà nước này đã dày công xây đắp trong nhiều năm qua. Vì NATO mà để mất mối quan hệ tốt với Nga, điều này thực sự không đáng.
"Nhìn chung, chúng ta còn đang nói về một thực tế rằng danh tiếng của Pháp xấu đi trên thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Chúng ta mời gọi phát triển các hợp đồng tương lai trên cơ sở tuân thủ các chính sách của các nước, nhưng qua vụ việc này, bạn hàng của chúng ta sẽ nghĩ gì”?

Nhiều chính trị gia Pháp cũng tán thành việc thực hiện đúng hợp đồng
Nhiều chính trị gia Pháp cũng tán thành việc thực hiện đúng hợp đồng
Vị giám đốc này cho rằng, lợi ích của quốc gia và nhân dân phải được ưu tiên hàng đầu. Ông nghĩ rằng chính phủ Pháp hiểu được điều này, đồng thời ông cũng bày tỏ sự tin tin tưởng là, cuối cùng hợp đồng sẽ được tôn trọng.
Trước đó, đại diện chính giới Nga đã không chỉ một lần nhấn mạnh rằng Moscow đồng ý với cả hai phương án giải quyết “vấn đề Mistral”, hoặc nhận tàu chở trực thăng hoặc nhận tiền bồi thường. và cả 2 cách Nga này Nga đều có lợi, thậm chí là cách thứ 2 còn lợi hơn.
Nhật báo thân chính phủ Izvestia của Nga dẫn một nguồn tin giấu tên của Nga tuyên bố: "Chúng tôi đã có các thiết kế chính của Mistral, nếu Pháp từ chối thực hiện hợp đồng, chúng tôi sẽ tự làm ra nó". Điều này cũng dễ hiểu là, dù Mistral được lắp ráp tại Saint-Nazaire, nhưng phần đuôi tàu được sản xuất trực tiếp tại Nga theo thiết kế do DCNS cung cấp.
Chính khách Pháp đòi bỏ NATO và lên án sự giả dối trong vụ Mistral
Ông Philippe Juvin, nghị sĩ của Pháp tại Nghị viện châu Âu (EP), nhận định cuộc khủng hoảng xung quanh hai chiếc Mistral đã gây ra một sự lộn xộn mà cả Pháp và châu Âu sẽ không thể thoát ra một cách an toàn. Theo ông Juvin, thương vụ Mistral đã tạo cơ hội cho một loạt các tuyên bố đạo đức giả.
Trước tiên, là sự đạo đức giả của người Pháp: Họ đào tạo các thủy thủ Nga trên chiếc Vladivostok nhưng lại ký vào lệnh cấm vận vũ khí của EU. Sự đạo đức giả của người Đức thể hiện ở chỗ họ đòi Pháp hủy hợp đồng, nhưng bản thân lại đang đắm mình trong sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Sự đạo đức giả của người Ba Lan, Phần Lan, Baltic còn nặng nề hơn: Từ xưa họ luôn e sợ người Nga, nhưng cũng như người Đức, họ lại mua rất nhiều khí đốt của Nga nhưng lại đòi Pháp chấm dứt hợp tác với Nga.
Đạo đức giả còn thể hiện ở chỗ chính Ba Lan và các nước vùng Baltic kêu gọi đoàn kết quốc phòng châu Âu, nhưng họ chẳng mua một chiếc máy bay chiến đấu nào ở châu Âu.
Tất cả các thành viên EU cũng đạo đức giả khi đòi Pháp không giao Mistral cho Nga với cái cớ là an ninh chung, nhưng lại dựa cả vào Pháp và Anh để bảo vệ lợi ích của mình trên thế giới khi bị đe dọa.

Tên lửa đẩy Antares của Orbital Sciences sử dụng động cơ RD-181 của Nga
Tên lửa đẩy Antares của Orbital Sciences sử dụng động cơ RD-181 của Nga
Sự đạo đức giải thể hiện lớn nhất ở Mỹ khi Washington đòi Paris chấm dứt hợp tác với Moscow trong khi nhà máy VSMPO - AVISMA của Nga ở Urals (Nga) hiện đang cung cấp hơn 40% nguyên liệu titan cho các máy bay Boeing 787 Dreamliner của Mỹ.
Còn gã khổng lò dầu khí Mỹ là ExxonMobil vẫn ung dung bắt tay với Rosneft của Nga khoan thăm dò dầu khí. Tháng 10-2014, ExxonMobil còn “làm giàu” thêm cho Nga khi phát hiện giúp họ một mỏ dầu khổng lồ ở Bắc Cực, với trữ lượng còn cao hơn mỏ dầu lớn của Mỹ ở vịnh Mexico.
Phía Mỹ đưa ra lí do là các hợp đồng được ký kết từ trước vậy hợp đồng của Nga và Pháp được bàn bạc từ năm 2009, ký kết từ năm 2011 tại sao vẫn bị ràng buộc?
Hay mới ngày 16-1-2015 vừa qua, Tập đoàn sản xuất tên lửa Energomash của Nga đã ký hợp đồng bán 60 động cơ RD-181, lắp đặt trên tên lửa đẩy Antares  cho Tập đoàn công nghệ không gian Orbital Sciences của Mỹ với giá 1 tỉ USD. Hai bên còn cam kết hợp tác với nhau đến 20 năm nữa!!!
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp quân sự của Pháp, trong khuôn khổ một hợp đồng chuẩn mực như giữa Nga và Pháp, lý do duy nhất Paris có thể hủy văn bản này một cách hợp pháp là một lệnh cấm vận vũ khí quốc tế, do Liên Hợp Quốc áp đặt đối với Nga. Nhưng điều này chưa xảy ra, vậy việc gì Pháp phải chịu khổ?
Thậm chí, bà Marine Le Pen, lãnh đạo Mặt trận quốc gia - đối thủ chính trị của tổng thống Francoise Hollande đã chỉ trích chính quyền của ông Hollande quá yếu đuối khi không thể giữ được chính sách ngoại giao độc lập và quá lệ thuộc vào người Mỹ. Bà tuyên bố thẳng thừng trên đài phát thanh Europe 1 rằng Pháp cần phải cân nhắc rời NATO sau vụ tàu Mistral.
Theo bà Marine Le Pen, vụ Pháp ký hợp đồng giao tàu Mistral cho Nga diễn ra trước khi có khủng hoảng UkraineParis cần tuân thủ hợp đồng. Bà thậm chí còn cho rằng, nếu vụ này có xảy ra trong hay sau khủng hoảng Ukraine thì Pháp vẫn nên hoàn thành hợp đồng vì quyền lợi quốc gia cần được đặt lên đầu tiên.

Dàn khoan West Alpha thuộc dự án hợp tác khoan thăm dò trên biển Kara giữa ExxonMobil - Mỹ và Rosneft - Nga
Dàn khoan West Alpha thuộc dự án hợp tác khoan thăm dò trên biển Kara giữa ExxonMobil - Mỹ và Rosneft - Nga
Bà Le Pen đã đặt câu hỏi rất khó cho Tổng thống Hollande là Pháp gia nhập OTAN (cách gọi NATO theo tiếng Pháp) là vì lợi ích quốc gia nhưng việc hủy giao tàu Mistral cho Nga là vì trách nhiệm và bổn phận với các nước trong khối đã gây tổn hại tới lợi ích quốc gia của Pháp thì nước này có cần phải ở lại trong NATO hay không?
Bà cũng chỉ trích việc NATO bỏ rơi Pháp tự xoay sở trong vụ bồi hoàn hợp đồng tàu Mistral và cho rằng người dân Pháp phải gánh chịu hậu quả. Để làm tròn trách nhiệm thành viên NATO, Pháp sẽ phải cắn răng dùng ngân sách để bồi thưởng Nga 3 tỉ USD, đồng thời hàng ngàn người lao động Pháp sẽ mất việc làm.
Ông Nicolas Sarkozy - cựu Tổng thống Pháp thời kỳ đó - người đặt nền móng cho thương vụ mua bán lịch sử này, hôm 26-11-2014 cũng đã lên tiếng nhắc nhở phía Pháp cần phải giữ lời hứa và bàn giao tàu sân bay chở trực thăng Mistral cho Nga theo đúng các điều khoản đã được quy định trong hợp đồng.
Ông Sarkozy bày tỏ sự ngạc nhiên rằng, giữa lúc đang cả thế giới đang đứng trước mối đe dọa khủng bố của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan thì cộng đồng quốc tế lại đang tạo nên những điều kiện về một cuộc chiến tranh lạnh mới với Nga. Cựu tổng thống Pháp cho rằng cần phải đàm phán với Nga và đi đến một thỏa hiệp.
Cách đây hơn 4 năm, hợp đồng bán cho Nga hai chiếc tàu đổ bộ tấn công mới thuộc lớp Mistral đã là niềm tự hào của nước Pháp, bởi họ là nước NATO đầu tiên xây dựng được mối quan hệ thân thiện với Nga và dấy lên hy vọng khởi động một cấu trúc an ninh châu Âu mới, mở màn bằng thương vụ Mistral.
Còn Moscow cũng muốn bày tỏ sự cảm ơn đối với Paris vì đã giúp đỡ mình vượt qua sự cô lập của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến tại Gruzia năm 2008 bằng bản hợp đồng mua vũ khí đầu tiên của phương Tây từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Giờ đây, 2 chiếc tàu Mistral có thể là dấu chấm hết cho quan hệ tốt đẹp mà 2 bên đã dày công xây dựng.
(Theo Đất Việt) Thiên Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét