Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Có nên bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân ?

Cập nhật lúc 09:00        

        

 Thông tin Hà Nội đề xuất bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân - cầu dây văng dài nhất VN - nhận được nhiều phản ứng trái chiều.


Cầu Nhật Tân ban đêm - Ảnh: Trần Nghĩa Hiệp
Hôm qua, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, cho biết hôm nay (22.1) Sở sẽ trình UBND TP.Hà Nội đề án bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân để xin ý kiến. Theo ông Động, TP đã cho phép người dân tham quan cầu Nhật Tân, cầu dây văng dài nhất VN, do đó Sở có ý tưởng biến cây cầu thành một địa chỉ du lịch, một điểm đến văn hóa cho du khách thăm thủ đô. Việc bắn pháo hoa cũng sẽ được làm thường xuyên chứ không phải chỉ vào ngày lễ lớn.
Về điểm bắn pháo hoa này, ông Lê Việt Hà, Phó tổng biên tập Tạp chí Quy hoạch đô thị, cho rằng đây là một điểm bắn pháo hoa phù hợp. Cầu Nhật Tân là nơi có không gian thoáng, có điểm nhìn. Nhờ đó người dân có thể xem, có thể chụp hình pháo hoa dễ dàng. “Xem pháo hoa ở đây có thể dễ dàng hơn vì không bị vướng xung quanh như ở hồ Gươm. Có thể đứng ở hồ Tây nhìn được. Mà vòng quanh đường ven hồ Tây thì dễ. Có thể Hà Nội muốn bắn pháo hoa để quảng bá hình ảnh cầu Nhật Tân, một công trình mới của TP”, ông Hà nói.
Trong khi đó, TS Đinh Hồng Hải, Viện Nghiên cứu văn hóa, cho rằng nếu định đưa việc bắn pháo hoa thành sự kiện quảng bá, xây dựng điểm du lịch thì cần phải chú ý các không gian công cộng xung quanh. “Mình chưa có những khu vực không gian công cộng quanh cầu thì có thể dẫn đến nguy hiểm. Nếu liên hệ cầu cảng Sydney (Úc) sẽ thấy rõ. Xung quanh cầu cảng có nhiều không gian để có thể ngắm được, và người ta chỉ bắn một điểm đó thôi. Vì thế ở cầu Nhật Tân, rất dễ nguy hiểm khi người xem giẫm đạp lên nhau. Còn ở Úc người ta cắm trại ngay chỗ đấy. Họ bắn pháo hoa tốn tiền song thu được bộn tiền từ du lịch. Họ thu lại số tiền lớn hơn nhiều số tiền chi cho bắn pháo hoa”, ông Hải nói.
Trả lời câu hỏi liệu bắn pháo hoa thường xuyên có gây lãng phí không, ông Hải cho rằng pháo hoa để ghi nhận lại sự kiện lớn như ngày độc lập, ngày tết năm mới, những dịp đặc biệt của quốc gia, chứ ít ai dám làm thường xuyên như thế vì tốn kém.
GS-KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng: “Theo tôi thì không nên vung tiền trong không khí để làm gì. Kể cả tiền đó là tiền xã hội hóa thì cũng là tiền của công dân. Chỉ nên bắn vào ngày lễ trọng thôi”.
Theo ông Kính, nên trang trí ánh sáng ban đêm cho cây cầu này. Việc bật đèn trang trí này cũng nên làm tùy giờ, tùy ngày. Như thế, cây cầu sẽ tham gia vào bộ mặt đô thị cả về ban đêm bằng vẻ hấp dẫn của mình. “Như cầu Tràng Tiền ở Huế được trang trí như một bản giao hưởng màu. Không phải giờ nào cũng bật lên, không phải ngày nào cũng bật lên. Ngôi nhà đẹp thì ban đêm cũng phải hiện ra bằng nghệ thuật chiếu sáng. Còn pháo hoa chỉ là vài phút, không nhất thiết tốn tiền tốn của vào đó để làm gì”, ông Kính nói.
Phải đảm bảo an toàn
Liên quan đến đề xuất tổ chức bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân, chiều qua Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết sau khi nhận được văn bản đề xuất, UBND TP sẽ có ý kiến chính thức. Cũng theo bà Ngọc, cầu Nhật Tân thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT nên nếu tổ chức bắn pháo hoa sẽ phải có ý kiến của bộ này.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về dư luận cho rằng việc tổ chức bắn pháo hoa thường xuyên, kể cả do nguồn xã hội hóa, là điều lãng phí, bà Ngọc cho rằng điều quan trọng là cách thức tổ chức đảm bảo an toàn để người dân thưởng thức, còn việc các doanh nghiệp bỏ tiền ra thực hiện nằm trong phạm vi các doanh nghiệp tự nguyện chứ không hề có sự bắt buộc.
T.Sơn
(Theo Thanh niên) Trinh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét