Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Chém heo, lễ hội đẫm máu cần loại bỏ

Cập nhật lúc 18:45

Người cầm đao chém mạnh xuống khiến lồng ngực con vật khốn nạn vỡ ra. Máu heo ộc ra xối xả trong tiếng hò hét đầy kích động của người xem lẫn tiếng thét thảm thiết của con vật chưa chết ngay. Đó là cảm nhận khủng khiếp mà tôi đã chứng kiến tại lễ hội Chém heo ở Bắc Ninh.

Chém heo, lễ hội đẫm máu cần loại bỏ - ảnh 1 
Ông Ỉn trước màn hành quyết - Ảnh chụp màn hình
Theo tục lệ, cứ vào ngày mồng 6 tết hằng năm, làng Ném Thượng (xã Khắc Niệm huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) lại tổ chức lễ hội chém heo (lợn). Tục truyền, một vị tướng cuối đời Lý tên Lý Đoàn Thượng, khi đánh trận chạy đến vùng này đồn trú đã chém heo rừng nuôi quân. Từ đó, người dân mở hội chém heo hằng năm để tưởng nhớ đến người có công khai khẩn vùng đất hoang vu này. Theo tín ngưỡng dân gian của vùng quê này, máu heo trong lễ tế thánh tượng trưng cho sự sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu...
Người dân làng Ném Thượng vẫn coi đây là một tục lệ và hướng về nó một cách thành kính. Vì thế, những người tham gia rước lễ và chém heo phải có gia đình nền nếp, con cái ngoan ngoãn, trưởng thành. Người nắm vai trò cầm trịch trong lễ hội thường phải là người thành đạt. Hai con heo tế thánh được nuôi dưỡng đặc biệt trong suốt năm đó mỗi con phải đạt trọng lượng khoảng 1,5 tạ.
Lễ hội chém heo tế Thánh thường thu hút hàng ngàn người từ khắp các vùng lân cận đổ về xem và màn chém heo là “tiết mục đinh” của lễ hội. Hai con heo lớn trước đó còn được tôn vinh, cưng nựng bị vật nằm ngửa ra buộc dây vào 4 chân để 4 người khỏe mạnh kéo căng ra 4 phía như cảnh phanh thây thời trung cổ. Người cầm đao chém mạnh xuống ngang ngực heo khiến lồng ngực con vật khốn nạn vỡ ra. Máu heo ộc ra xối xả và bắn tóe ra xung quanh trong tiếng reo hò vang dội của người xem lẫn tiếng hộc thảm thiết của con vật chưa chết ngay. Thủ đao tiếp tục chém khoảng 3-4 nhát nữa thì con heo đứt lìa thành hai mảnh trông rất ghê rợn. Ngay sau đó, đám người xem ùa vào lấy tiền lẻ quệt vào thân heo đang chảy máu hoặc vũng máu dưới tấm trải dưới đất. Nhiều người quá phấn khích vồ cả bàn tay vào vũng máu tạo ra cảnh tượng kinh hoàng. Những đồng tiền thấm đẫm máu heo đó được người ta đem về thờ để cầu mong sức khỏe và làm ăn phát đạt. Còn thịt heo cũng được xẻ ra để chia cho mọi người trong làng ăn lấy may.
Tôi luôn tự hào là một người con (dù nay đã xa quê) của vùng Kinh Bắc, nơi cùng với xứ Đoài là hai vùng văn hóa cổ nhất so với xứ Sơn Nam và xứ Đông, những vùng văn hóa lâu đời tại Việt Nam. Văn hóa xứ Kinh Bắc vốn nổi tiếng với những lễ hội đặc sắc: Hội Lim (huyện Từ Sơn), hội Pháo Đồng Kỵ (Tiên Sơn), hội Kết nghĩa du xuân (Yên Phong), hội chùa Dâu (Thuận Thành)…, rồi gốm Phù Lãng, tranh Đông Hồ, các thắng cảnh Đền Đô (thờ các vị vua thời Lý), chùa Phật tích…
Trong biết bao hồn xưa, dấu cũ ấy, tôi không hề muốn nhắc tới cái lễ hội có thể nói là đẫm máu nhất này. Năm 13 tuổi, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất chứng kiến cảnh người ta phanh thây con vật hiền lành, tôi đã bị sốc nặng. Nhiều ngày sau đó, tôi vẫn còn bị ám ảnh trầm trọng về hình ảnh, âm thanh trong vụ hành quyết heo ấy. Thế mà, nhiều em nhỏ như tôi ngày đó, thậm chí còn nhỏ hơn vẫn được cha mẹ dẫn tới xem chém heo. Những gì có thể gọi là man rợ trong cái lễ hội đó chắc chắn sẽ gieo vào đầu các em những hiệu ứng khủng khiếp về sự sát sinh, có thể ở nhiều thái cực khác nhau.
Mới đây, tổ chức Động vật Châu Á đã phát động chiến dịch ký tên kêu gọi tỉnh Bắc Ninh và Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành luật chấm dứt lễ hội Chém lợn tại làng Ném Thượng. Tôi rất ủng hộ chiến dịch này và mong thật nhiều người cùng đồng lòng kiến nghị loại bỏ hủ tục dã man này. Mặc dù năm 2014, theo như ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc sỡ Văn hóa-Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh, sau chỉ đạo của ngành Văn hóa cũng như chính quyền địa phương, đã có sự điều chỉnh hạn chế tiết mục chém heo truyền thống như chỉ chém cổ không đứt hẳn đầu và năm 2015 này sẽ không tổ chức chém heo hiến tế ở chỗ đông người nữa, nhưng theo tôi nên bỏ hẳn màn chém heo tế Thánh này.
Người Việt Nam có truyền thống nhân ái, hiền lành. Các làng quê không thiếu lễ hội trang trọng và hấp dẫn thường gắn liền với những tích xưa hay gắn với nền văn minh lúa nước... Dù một số lễ hội đã trở thành nét văn hóa riêng của một vùng đất nhưng thực chất lại là những hủ tục lạc hậu, vô minh, thậm chí dã man không còn phù hợp với lối sống văn minh thì nên loại bỏ khỏi cộng đồng. Không riêng gì nước ta, nhiều nước trên thế giới cũng đã bỏ nhiều lễ hội mang tính dã man, không phù hợp thời đại.
Nếu bạn đã một lần chứng kiến cảnh người Tây Nguyên đâm tới chết con đã trâu bị cột chặt trong lễ mừng lúa mới; xem người ta vừa chạy vừa cầm dao chém heo thành nhiều mảnh trong lễ hội Chạy Lợn ở vùng Phú Xuyên Hà Nội; hay cảnh giết trâu chọi ở Đồ Sơn cũng như màn chém heo ở làng Ném Thượng mới cảm nhận hết được mức độ hãi hùng của những hủ tục còn rớt lại. Ở đó, những con người bị kích động bản năng đến tột cùng trong mùi máu và tiếng kêu thét của con vật hiến tế…
Tôi không thể quên lời phát biểu của một người bạn sau khi chứng kiến những cảnh tượng này: “Như thế là tội ác!”
Lẽ nào chúng ta vẫn muốn bảo tồn những lễ hội đẫm máu như thế?
(Theo Thanh niên) Lê Uyên*
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân đang sống và làm việc tại TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét