Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Tham nhũng dự án ODA: Chúng ta đã có nhiều tai tiếng...

Cập nhật lúc 08:10               

(Tin tức thời sự) - Tham nhũng trong các dự án ODA là có thật nhưng việc xử lý rõ ràng là kém, có sự nương nhẹ đến mức người dân nghi ngờ ‘rút dây động rừng’.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã bày tỏ quan điểm với Đất Việt trước thông tin Ngân hàng thế giới vừa công bố về con số đơn khiếu nại liên quan đến tham nhũng trong các dự án ở Việt Nam. Trong khi đó các vụ việc được phát hiện chưa thể hiện rõ sự nghiêm minh và cơ quan chức năng bị động trong việc phát hiện.
Tình trạng quản lý kém
PV: - Thưa bà, liên quan tới việc sử dụng nguồn vốn ODA mới đây Ngân hàng thế giới cho biết, cơ quan này đã nhận tới 189 khiếu nại liên quan đến tham nhũng trong các dự án ở Việt Nam. Số khiếu nại này chỉ đứng sau Ấn Độ, với 306 khiếu nại. Bà bình luận như thế nào về con số này? Xét ở góc độ vĩ mô, điều này sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới nguồn ODA trong tương lai?
Bà Phạm Chi Lan: - Tôi nghĩ con số này đang nói lên một thực tế mà chúng ta đã bàn đến nhiều đó là nạn tham nhũng ngày càng tinh vi.
Việc các tổ chức đưa ra các thông tin về tham nhũng tại các dự án ODA có lẽ cũng không lạ lẫm gì với người Việt Nam bởi nạn tham nhũng đã được thừa nhận là tràn lan, là quốc nạn và diễn ra nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi. Những cụm từ này đã được chính các vị lãnh đạo cấp cao nói ra.
Thực trạng này thực sự đáng buồn bởi trước hết nó ảnh hưởng tới nguồn ODA hiện nay vì rõ ràng tham nhũng trong các dự án ODA là có. Những vụ tham nhũng phát hiện ra đã truy xét tới nơi như vụ ông Huỳnh Ngọc Sĩ sau phải xử tù. Rồi những vụ sau này cũng đều phát hiện từ các nước cấp tiền với những bằng chứng rõ ràng.
Dù phía Việt Nam có tìm cách bào chữa cũng khó bác bỏ được. Ví dụ như vụ PMU 18 hay vụ đường sắt mới đây.
Mặt thứ hai, khi vốn ODA thất thoát kém hiệu quả trong khi toàn bộ gánh nợ đó vẫn đổ lên đầu người dân cả trước mắt cũng như trong tương lai.
Ngoài ra điều này ảnh hưởng đến niềm tin của nhà cung cấp ODA khiến về sau họ ngần ngại hơn rất nhiều bởi chính các nước cấp ODA cũng chịu sự giám sát của Quốc hội và người dân nước họ. Bởi vì ODA chính là tiền thuế của người dân nước họ đóng góp cho chính phủ của họ. Do đó Chính phủ dùng tiền đó cung cấp cho nước khác thì bản thân họ cũng phải kiểm soát tham nhũng.
Nếu chúng ta tạo nên sự phản ứng để Quốc hội và người dân các nước không đồng tình trong việc cung cấp ODA cho Việt Nam thì sẽ làm tổn hại cho Việt Nam. Chúng ta vốn đã có quá nhiều tai tiếng ảnh hưởng đến uy tín rồi.
PV: - Có một nghịch lý là, dù những sai phạm về ODA đã hơn một lần được chỉ thẳng, những sai phạm đều rõ ràng, có địa chỉ... nhưng phía Việt Nam luôn bị động trong việc phát hiện các sai phạm này. Điều này có thể được lý giải như thế nào thưa bà? Từ những vụ việc đã xảy ra, bà thấy cách Việt Nam phản ứng với những cáo buộc tham nhũng các dự án ODA thế nào?
Bà Phạm Chi Lan: - Điều này đang phản ánh một phần tình trạng quản lý kém về các mặt trước hết là đối với các dự án.
Hai nữa là quản lý con người trong bộ máy có vấn đề. Ở đây có thể nhìn từ việc tuyển chọn không công bằng đến sử dụng thiếu giám sát.Bởi vì tham nhũng trước hết là ở bản thân con người. Ngoài các quy trình tạo ra những kẽ hở thì chính là những con người đã tạo ra những việc đó. Lòng tham cũng như khả năng đang tạo điều kiện để họ có thể lạm quyền được.
Ngoài ra thiết chế và các quy trình đặt ra cũng cần phải xem xét. Trong nhiều trường hợp những người có trách nhiệm vẫn nói là mọi việc diễn ra đúng quy trình nhưng sai phạm vẫn xảy ra, vậy thì tức là quy trình này đang sai.
Quy trình xem chừng như rất chặt chẽ nhưng cuối cùng vẫn có vấn đề nhưng lại không ai chịu trách nhiệm về việc tạo ra quy trình đó. Đây cũng là điều đánh trách.
Thứ hai là trong việc xử lý rõ ràng là kém, có sự nương nhẹ với nhau đến mức người dân nghi ngờ có hệ thống, đường dây cho nên sợ rút dây động rừng. Cho nên ngại không dám mạnh tay. Điều này dư luận đã nghi ngờ ở các vụ việc trong nước nhưng với vụ việc liên quan đến bên ngoài không xử nghiêm sẽ tạo nên nỗi xấu hổ đối với cộng đồng quốc tế.
Lẽ ra với những vụ đã được phía nước ngoài phát hiện như vậy thì mình nên xử một cách thẳng thắn, sòng phẳng nghiêm minh thì sẽ tạo được lòng tin tốt hơn và quan trọng hơn là ngăn chặn được bước đi tiếp theo. Tức là phần nào có tính chất răn đe và đỡ đi tình trạng tham nhũng trong các dự án ODA.
Còn việc cố tìm cách trì hoãn, bao che hay bào chữa cho phía Việt Nam với lý lẽ là bảo vệ danh dự nhưng thực tế những việc này là không thể bào chữa khi bên ngoài đã có chứng cớ quá rõ.
Như vậy khi đó họ sẽ chỉ nhìn thấy phía Việt Nam không chịu xử lý nghiêm minh và khi đó không thể nào chặn được tham nhũng.

Nghi án hối lộ tại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội là một điểm nóng trong quản lý, sử dụng vốn ODA năm qua.
Nghi án hối lộ tại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội có sử dụng vốn ODA đã được phía Nhật Bản nêu bằng chứng trong năm 2014 - dư luận vẫn đang chờ phán quyết cuối cùng
Cần truy trách nhiệm đến cùng 
PV: - Nhiều chuyên gia đã chỉ thẳng, Việt Nam có sự ngộ nhận về ODA, coi đó là một nguồn viện trợ không hoàn lại nên đầu tư chưa hiệu quả. Thưa bà, liệu có thể coi đây chính là một trong những nguyên nhân tạo ra những tham nhũng, tiêu cực trong các dự án ODA hay không và vì sao?
Bà Phạm Chi Lan: - Tôi cho rằng dù có quan niệm ngộ nhận về ODA cũng không được phép tham nhũng. Trong nguồn vốn ODA đúng là cũng có những khoản cho không nhưng đó là cho đất nước Việt Nam còn nghèo với những người dân còn đói khổ chứ không phải cho các ông quan.
Nhận thức như vậy mà lại ở trong tầng lớp cán bộ thì thực sự là trình độ quá kém. Ngay cả hệ thống giáo dục trong nội bộ công chức kém mới để cho cán bộ có nhận thức về ODA như vậy.
Cho nên nếu đổ lỗi cho nhận thức của cán bộ thì phải xem lại việc bổ nhiệm cán bộ này vào các vị trí ra quyết định để có thể tham nhũng nguồn vốn ODA.
PV: - Nhìn lại về nguồn ODA, chúng ta hiện nay đang phải đối mặt với những vấn đề như sau: sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng vốn, tham nhũng ODA. Trong khi đó, Việt Nam đã bắt đầu phải đi vay để trả lãi vay và trả nợ nước ngoài, nợ công đã tiệm cận mức trần. Ai sẽ là người phải gánh chịu hệ quả trực tiếp từ những vấn nạn trên? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm vì để người dân phải gánh chịu hệ quả như vậy?
Bà Phạm Chi Lan: - Rõ ràng là người dân các thế hệ phải gánh chịu vấn nạn này. Ngay từ bây giờ mỗi cá nhân chúng ta đang bắt đầu phải trả nợ. Từng người dân và cả những người về hưu như cá nhân tôi làm việc gì cũng phải đóng thuế 10% (thuế thu nhập cá nhân). Tức là gánh nặng này đang đánh lên đầu từng người dân Việt Nam từ người già cho đến trẻ con. Những đứa trẻ hiện nay chưa phải đóng thuế nhưng bố mẹ chúng đang phải đóng thuế nhưng rồi chúng sẽ phải lo lắng việc này khi trưởng thành.
Đây là điều rất tệ, đánh lên đầu từng người dân.
Trong khi đó những người chịu trách nhiệm không rõ ràng. Ngay cả những kẻ đã phát hiện tham nhũng xử lý cũng không đến nơi đến chốn và cũng vẫn tìm cách lẩn tránh được.
Ví dụ như vụ đường sắt gần đây nhất dường như cũng đang chìm xuồng. Tôi chưa thấy phía Việt Nam nêu rõ danh tính sai phạm của các cá nhân trong khi phía Nhật Bản đã nêu rất rõ bằng chứng. Không thể có chuyện khoản tiền đó ném vào không trung mà chắc chắn nó phải vào túi ai đó.
Dù khi đó các cơ quan có nói đình chỉ công tác để điều tra và với một Bộ trưởng quyết liệt như ông Đinh La Thăng nhưng đến nay vẫn chưa rõ kết quả. 
Tôi nghĩ trong những vụ việc này, ngoài trách nhiệm cá nhân thì vẫn phải quy xét trách nhiệm ở cấp cao hơn, là những người quản lý, giám sát họ. Bởi công trình nào thì cũng có cấp trên, có ban quản lý vậy thì họ chịu trách nhiệm tới đâu? Có dính gì đến tham nhũng này không, có được ‘bôi trơn’ phần nào hay trong quản lý đã buông lỏng…?.
Tất cả cần phải được xem xét nghiêm minh thì mới mong có thể lập lại dần trật tự được.
Ngoài ra trách nhiệm của những người lập ra các quy trình cũng phải chịu trách nhiệm. Ví dụ làm ra luật sai, văn bản sai tác động rất lớn đến biết bao nhiêu người vậy tại sao họ không chịu trách nhiệm gì? Họ ăn lương của dân đóng góp vào mà làm không hết trách nhiệm, để người dân khốn khổ thì phải chịu trách nhiệm chứ?
Nếu chúng ta quyết tâm làm thì tất cả đều có thể tìm ra địa chỉ trong quy trình đã được thiết lập. Vấn đề là có quyết tâm làm hay không mà chỉ sợ như đúng những gì người dân lo ngại đó là sai hệ thống, chỉ thích chịu trách nhiệm tập thể rồi đổ vấy cho nhau thôi.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
(Theo Đất Việt) Bích Ngọc thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét