Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Cước vận tải sẽ giảm mạnh trong tuần này?



(GDVN) - Trước tình trạng giá xăng đã giảm mạnh mà cước vận tải vẫn án binh bất động, Thủ tướng vừa có chỉ đạo khẩn.

Tại phiên họp thảo luận về những tác động của giá dầu thế giới giảm đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2015 và đưa ra các kiến nghị, giải pháp với Chính phủ về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới diễn ra chiều qua (22/1) các thành viên của Tổ công tác liên bộ về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô đã đưa ra các kịch bản về giá dầu và tác động của việc giảm giá dầu thô đối với nền kinh tế. 
Các giải pháp đưa ra sẽ được báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào cuối tháng này.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp tại Bộ Công thương chiều 22/1 (Ảnh: VGP)
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngay trong tuần này, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các Bộ liên quan họp bàn và đưa ra giải pháp và chỉ đạo giảm giá cước vận tải. Thủ tướng yêu cầu phải giảm giá cước dịch vụ vận tải trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu điều hành hợp lý giá xăng dầu bán lẻ trong nước trên tinh thần so sánh với mặt bằng giá bán lẻ các nước trong khu vực nhằm chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới; đảm bảo lợi ích của đất nước, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
 
Dù giá xăng dầu đã giảm rất sâu nhưng giá nhiều hàng hóa, dịch vụ, nhất là cước vận tải chưa giảm (Ảnh: Internet)
Nhiều ngày qua theo ghi nhận của PV, dù giá xăng dầu đã giảm rất sâu nhưng giá nhiều hàng hóa, dịch vụ, nhất là cước vận tải chưa giảm. Nhiều chuyên gia kinh tế không thể nào lý giải nổi vì sao cước vận tải, taxi, giá hàng hóa lại được "thả nổi" như vậy. 
Cách đây không lâu, trước áp lực của dư luận về việc này, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các địa phương chỉ đạo doanh nghiệp vận tải tính toán giá thành, kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, đối với các doanh nghiệp trực thuộc Bộ quản lý, giá cước đã giảm rất mạnh như vận tải đường sắt, hàng không. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu Hiệp hội vận tải Việt Nam đàm phán giảm giá cước khi giá xăng giảm.Quyết liệt hơn, Bộ Tài chính lại vừa có công văn gửi Bộ GTVT và Ủy ban nhân dân các địa phương đề nghị tăng cường quản lý về giá, yêu cầu làm rõ việc giá xăng đã giảm liên tục, nhưng vì sao cước vận tải vẫn giữ nguyên.
Thế nhưng, có thể thấy đến nay, lời hứa giảm giá cước vận tải đường bộ của Hiệp hội vận tải ô tô vẫn chưa được thực hiện mặc dù giá xăng tiếp tục giảm. Trong khi chờ sự phối hợp của các cơ quan chức năng, khách hàng sử dụng các phương tiện vận tải vẫn phải chịu một mức giá bất hợp lý.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nói: “Hãy nghĩ đến hàng triệu người tiêu dùng đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trong việc “gồng mình” chia sẻ mỗi khi xăng, dầu tăng giá. Tôi tin rằng, doanh nghiệp nào đó tiên phong trong việc giảm giá sẽ nhanh chóng chiếm được thiện cảm và lòng tin của người tiêu dùng hơn những lời quảng cáo không đi đôi với việc làm”.
(Theo Giáo dục VN) PHONG NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét