“Quả bom Hy Lạp” vừa nổ
Cập nhật lúc 15:45
(PetroTimes) - Chiến thắng của đảng Syriza chống đường lối
thắt lưng buộc bụng của châu Âu tại Hy Lạp đang khiến lãnh đạo EU lo sợ. “Cậu
học trò nổi loạn” Hy Lạp sẽ gây ra hiệu ứng domino cho các thành viên khác và
từ đó khiến khu vực đồng tiền chung châu Âu sụp đổ?
Lãnh đạo đảng cực tả Syriza,
Alexis Tsipras, ăn mừng thắng lợi ngày 25/1 tại Athènes
Cuộc bầu cử quốc hội Hy Lạp hôm 25/1 đã đem lại chiến thắng
cho đảng Syriza với 149/300 ghế. Syriza đã liên minh với đảng cánh hữu, Hy
Lạp Độc lập, để thành lập chính phủ.
Điều khiến lãnh đạo khối EU mà Hy Lạp là một quốc gia thành
viên, lo ngại là cả hai đảng vừa giành chiến thắng đều muốn chấm dứt tình
trạng thắt lưng buộc bụng và tái đàm phán nợ Hy Lạp. Đây là điều hoàn toàn
không thể chấp nhận vì nó đi ngược lại chính sách tài chính kinh tế hiện nay
của EU nhằm kiểm soát và bình ổn nợ công ở các nước thành viên.
Các đảng phái ở Hy Lạp trước bầu cử đã mâu thuẫn về chính
sách kinh tế đang đẩy quốc gia này vào khủng hoảng: Hơn phân nửa thanh niên
thất nghiệp, người già thiếu trợ cấp, lương tối thiểu của công nhân chỉ bằng
phân nửa đồng nghiệp Pháp. Các đảng cực tả ở Hy Lạp, trong đó có Syriza, đổ
lỗi cho chính sách thắt chặt chi tiêu mà EU buộc chính phủ
Theo họ, chính sách hà khắc này đã khiến nền kinh tế Hy Lạp
không thể phát triển được. Đối với số đông cử tri Hy Lạp, chính sách tiết
kiệm do ba định chế tài chính quốc tế là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)
và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên minh châu Âu áp
đặt như một liều "thuốc đắng" vừa thiếu hiệu quả vừa là một sự sỉ
nhục cho Hy Lạp sau 9 đợt cải cách.
Trước bầu cử, đảng Syriza tuyên bố không muốn Hy Lạp rời
Eurozone, nhưng sẽ yêu cầu các chủ nợ tiến hành đàm phán lại các điều khoản
cứu trợ. Nay họ đã chiến thắng. Vậy đảng này sẽ xử trí thế nào với các khoản
nợ và xa hơn tương lai nào đang chờ đợi Hy Lạp ở phía trước?
Đảng Syriza sẽ phải đàm phán với “Bộ ba” (gồm Liên minh
châu Âu, ECB và IMF), chủ nợ của 70,5% tổng nợ của Hy Lạp, để nhận được khoản
trợ cấp 5,3 tỉ euro cuối cùng vào tháng 2 tới. Tiếp theo, là phải đạt được
thỏa thuận về độ an toàn cần thiết mà các chủ nợ muốn áp dụng với Hy Lạp để
thoát khỏi chương trình hỗ trợ. Nhận định về mối quan hệ giữa hai bên, các
chuyên gia kinh tế cho biết, trên thực tế, sự đối đầu giữa Syriza và “Bộ ba”
không đến mức nặng nề như người ta tưởng. Hiện nay, IMF cũng nhận thấy rằng
chính sách khắc khổ quá hà khắc đối với người Hy Lạp.
Sẽ có 3 kịch bản cho Hy Lạp. Về lý thuyết, giảm bớt nợ cho
Hy Lạp có thể diễn ra dưới hai hình thức. Khả năng thứ nhất, thuyết phục hơn
cả, là không chạm tới tổng nợ, nhưng sẽ kéo dài thời gian thanh khoản và giảm
bớt lãi suất. Việc này sẽ giúp thanh trả khoản nợ hàng năm. Khả năng thứ hai
là xóa bớt một phần nợ. Thế nhưng, điều này khó có thể xảy ra vì một số nước
nợ khác như Bồ Đào Nha và Ai Len, với khoản nợ lên tới hơn 120% GDP, cũng có
thể vin vào để yêu cầu xóa bớt nợ.
Trường hợp không đạt được thỏa thuận cũng được nghĩ tới.
Song, theo nhận định của giới chuyên gia, khả năng này khó có thể xảy ra
nhưng không có nghĩa là không thể. Trong trường hợp này, Hy Lạp có thể đưa ra
lựa chọn mất khả năng thanh toán, tức tuyên bố phá sản. Như vậy, khu vực
Eurozone sẽ mất tối đa 256,4 tỉ euro và các nước thành viên của khối lại phải
gánh chịu.
Khả năng Hy Lạp rút khỏi EU cũng được các chuyên gia nêu
lên, cho dù rất khó có thể xảy ra. Vì thứ nhất, 73% người Hy Lạp muốn nước
mình ở lại trong khu vực đồng euro. Tiếp theo, nếu rút khỏi khối, đồng tiền
Hy Lạp sẽ được tái định giá. Các khoản nợ của Hy Lạp hiện đang được tính theo
đồng euro, sẽ chiếm tới 200% GDP của nước này. Khi đó Hy Lạp chắc chắn sẽ phá
sản. Và khu vực đồng euro sẽ bất ổn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ít có khả năng tình hình
tại Hy Lạp lây lan sang các nước nam Âu khác, như Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha,
so với cách đây ba năm. Vì trước hết, do các ngân hàng của các quốc gia này
đã vững chắc hơn. Ngoài ra, nếu có vấn đề, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ
mua lại công nợ của các nước này.
Tuy nhiên, kết quả bầu cử tại Hy Lạp lại tác động chính trị
tới nhiều tổ chức cánh tả của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp, vốn xem chủ
trương tranh đấu của Syriza là luồng gió cách mạng trong bối cảnh ảm đạm của
kinh tế chung trong vùng euro.
Theo Tổng thư ký đảng Xã hội Bồ Đào Nha Antonio Costa,
chiến thắng của cảnh tả Hy Lạp là dấu hiệu đổi mới ở châu Âu. Đối đầu với khó
khăn, Hy lạp và Tây Ban Nha đã liên kết với nhau chống đường lối khắc khổ của
Bruxelles theo mô hình Đức. Đối với Italia thì biến cố lịch sử tại Hy Lạp sẽ
làm cho châu Âu bớt cứng rắn hơn.
Ở lại Eurozone có nghĩa Hy Lạp sẽ phải tiếp tục thực hiện
những biện pháp khắc khổ “đầy đau đớn” và điều này sẽ là một sự thất hứa của
đảng cầm quyền Syriza. Nhưng kịch bản ra khỏi Eurozone cũng chưa chắc sẽ mang
lại cho Hy Lạp một viễn cảnh tốt đẹp hơn, thậm chí có thể là mầm mống kích
động những mâu thuẫn xã hội vốn đang âm ỉ trong lòng Hy Lạp.
Kịch bản nào cho tương lai của Hy Lạp là điều khó ai có thể
trả lời, nhưng chắc chắn sắp tới sẽ là quãng thời gian đàm phán khó khăn giữa
Hy Lạp với “Bộ ba” chủ nợ.
Có lẽ phải cần một thời gian mới có thể thấy được những lời
hứa của đảng Syriza sẽ thành hiện thực hay chỉ là “ảo vọng”. Nhưng điều chắc
chắn là kết quả bầu cử Hy Lạp đã mang lại niềm hy vọng cho cánh tả châu Âu
muốn chinh phục quyền lực từ tay các đảng truyền thống để thực hiện một chính
sách kinh tế ngược với chủ trương tăng thu giảm chi.
(Theo Petrotimes) Nh.Thạch
tổng hợp
|
Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét