Ma
lực của bút phê
Cập nhật lúc 08:01
TT - Xã hội “tôn thờ” bút phê tới mức không chạy được bút phê
thật thì cũng tìm cách làm bút phê giả?
Liên quan tới vụ một thứ trưởng nhắn tin chuyện “tiền nong”
với nữ doanh nhân đang có đơn xin tham gia thực hiện gói thầu, Bộ Giao thông
vận tải đã có thông cáo lên tiếng cho rằng bút phê của lãnh đạo “tuyệt đối
không phải là căn cứ ưu tiên trong việc chỉ định thầu, xét thầu, lựa chọn nhà
thầu, lựa chọn nhà đầu tư...”.
Không ai bác bỏ
nguyên tắc này, nhưng sự đời lại lắm lắt léo, không thẳng băng như Bộ Giao
thông vận tải khẳng định.
Thực tế cho thấy ít
nhất có hai loại bút phê. Loại thứ nhất là loại bút phê trên các công văn
hành chính, văn bản đề nghị xin ý kiến hoặc báo cáo của thuộc quyền... Với
các loại giấy tờ như vậy, lãnh đạo phải ghi chú cụ thể, nêu rõ chính kiến,
quan điểm chỉ đạo. Loại bút phê này phải có, cần thiết có. Miễn bàn.
Loại thứ hai, đây là
loại bút phê trên đủ thứ giấy tờ được coi là “nhạy cảm”. To thì như đơn xin
được dự thầu công trình, bé là đơn xin cho con được vào học trường điểm...
Đây là loại bút phê không có giá trị pháp lý nhưng ma lực của nó rất lớn.
Thường thì trên những
giấy tờ “nhạy cảm”, người có quyền chỉ bút phê chung chung, mơ hồ. Đại loại
như “chuyển cậu A. xem xét” hoặc “chuyển cô B. giải quyết”, quá lắm thì cũng
chỉ là “cậu A. kiểm tra, báo cáo” hoặc “cô B. cố gắng giúp đỡ trường hợp
này”... Chẳng có gì sai trong những bút phê ấy, nhưng đằng sau nó nói lên
nhiều vấn đề rất đáng suy nghĩ.
Hầu như tất cả cấp
dưới khi nhìn thấy bút phê của cấp trên đều không thể bỏ qua, dù là chuyện
quan trọng hay nhỏ nhoi. Trong thâm tâm cán bộ thừa hành luôn tự hiểu người
đang cầm mảnh giấy có bút phê của sếp chắc chắn không phải là “phó thường
dân”, hẳn họ có quan hệ gì đó với lãnh đạo.
Cho nên, dẫu có công
tâm đến mấy thì cũng không thoát khỏi cái sự chi phối của bút phê. Đó là chưa
kể thuộc cấp còn phải tinh thông trong phán đoán, nắm bắt đúng những điều ẩn
sau bút phê, lơ mơ mà làm trái ý sếp thì có ngày “vỡ nồi cơm”.
Hiểu rõ bản chất của
bút phê, nên mỗi khi có việc, nhiều người lo chạy bút phê đến bở hơi tai. Lớn
chạy theo lớn, nhỏ chạy theo nhỏ, ngay cả việc chính đáng thì người ta vẫn cứ
phải chạy bút phê để mong “đầu xuôi, đuôi lọt”. Họ gõ khắp các cửa quyền lực,
gắng gỏi luồn lách cho có được một cái bút phê đủ uy lực.
Tất nhiên là họ không
đi tìm bút phê bằng hai bàn tay trắng, rồi đề đạt nguyện vọng của mình bằng
nước bọt. Vậy là nảy sinh phong bì, quà cáp, thậm chí hối lộ tình, tiền.
Để kết thúc câu
chuyện bút phê, xin kể chuyện có thực, báo chí đăng hẳn hoi. Ở TP nọ, xuất
hiện một số hộ dân xin đất tái định cư có bút phê của bí thư thành ủy, trong
đó có cả những trường hợp đúng như đơn trình bày.
Xem kỹ bút phê, thấy
có dấu hiệu bất bình thường, cơ quan chức năng đưa đi xác minh và phát hiện
chữ ký giả mạo.
Vụ việc này là một
minh chứng nói lên sức mạnh của bút phê, nó khiến xã hội “tôn thờ” bút phê
tới mức không chạy được bút phê thật thì cũng tìm cách làm bút phê giả.
(Theo Tuổi trẻ) LÊ THANH TÂM
Có thể gọi hình thức bút phê của quan chức là “bút nhuận” và
đọc ngược là “nhuận bút”. Mỗi văn bản, công văn khi trình cấp thẩm quyền xem
xét đều đã trình bày đủ nội dung, lý do và đề nghị giải quyết. Cớ sao quan
chức cứ phải thêm phần “nhuận bút” vào lề nữa? Hay là nó cũng có giá trị như
một tác phẩm và được trả nhuận bút? Nếu trả nhuận bút thì mấy dòng này được
bao nhiêu: "Yêu cầu Tổng cục Đường bộ - Ban 3
để xử lý”. (Và bút phê của người thừa hành: “Ban 3 đồng ý theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ”).
Thương Giang
|
Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét