Không
có thông tin, dân mới suy đoán, đồn thổi
Cập nhật lúc 09:01
"Nếu
không chủ động cung cấp trước thì mặt trận thông tin chính thống sẽ bị bỏ
trống. Có khoảng trống thì dân chúng phải nghe ngóng, suy đoán, đồn thổi.
Thông tin vỉa hè, mạng xã hội có cơ hội lên ngôi. Các thế lực chống đối cũng
nhân đó mà ùa vào tuyên truyền, lũng đoạn thông tin", GS, Viện sĩ Trần
Ngọc Thêm, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương chia sẻ.
Không có thông tin, dân phải suy đoán
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có phát biểu
đáng chú ý về việc phải chủ động đưa thông tin chính xác, định hướng
cho tốt trước các luồng dư luận trên mạng xã hội. Là nhà khoa học xã hội, ủy
viên Hội đồng lý luận Trung ương, ông đón nhận thông điệp này thế nào?
Chỉ đạo của Thủ tướng về việc đổi mới
cách cung cấp thông tin là việc làm rất cần thiết, không thể muộn hơn.
Việc này đáng lẽ phải làm từ lâu lắm
rồi.
Có hai tiêu chí để xác định giá trị
thông tin. Thứ nhất là thông tin đúng, thứ hai là kịp thời.
Cách ứng xử của chúng ta với thông tin
từ trước vẫn chịu chi phối bởi hai yếu tố đó là ảnh hưởng của văn hóa
làng xã và tư duy xã hội thời bao cấp.
Văn hóa làng xã là văn hóa dựa trên
quan hệ tình cảm trong phạm vi một cộng đồng xã hội khép kín, luôn cố gắng
quan hệ tốt với nhau để hỗ trợ, nhờ vả nhau. Đó là thứ văn hóa âm tính, chủ
quan. Từ đó dẫn đến lối ứng xử “Tốt đẹp phô ra, xấu xa che lại”, với chủ
trương “Không vạch áo cho người xem lưng” cái gì sai thì “Đóng cửa bảo nhau”,
v.v.
Truyền thống văn hóa ấy tạo ra thói
quen thông tin thiếu trung thực. Nói khác đi, không phải là đúng sự thật hay
không mà là “thông tin tốt hay xấu”, “thông tin có lợi hay không”.
Thời bao cấp, chúng ta từng cấm dân
“nghe đài địch”, ấy vậy mà không cấm được hoàn toàn. Nhiều người vẫn thức đêm
chờ đến giờ để dò tìm sóng với âm lượng vừa đủ nghe.
Thời bao cấp đã qua, thế giới đã trở
nên phẳng từ lâu, do vậy cách quản lý xã hội kiểu cũ không còn phù hợp. Nhà
quản lý không thể tiếp tục muốn nắm độc quyền thông tin. Đó là cách vận hành
phụ thuộc vào ý chí chủ quan. Hệ quả là thiếu dân chủ và tác dụng ngược là
khiến cho xã hội vận hành không bình thường.
Trong khi đó, quyền được thông tin là
một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận trong Tuyên ngôn
thế giới về quyền con người năm 1948 và trong Điều 69 của Hiến pháp nước ta
năm 1992.
Vậy chúng ta đã từng bước có sự điều chỉnh ra sao thưa ông?
Trong thế giới phẳng, thông tin lan
tràn như hiện nay thì cách quản lý kiểu xin - cho không còn phù hợp. Nếu
không chủ động cung cấp trước thì mặt trận thông tin chính thống sẽ bị bỏ
trống. Có khoảng trống thì dân chúng phải nghe ngóng, suy đoán, đồn thổi.
Thông tin vỉa hè, mạng xã hội có cơ hội lên ngôi. Các thế lực chống đối cũng
nhân đó mà ùa vào tuyên truyền, lũng đoạn thông tin. Rất tai hại.
Không nên tái diễn tình trạng cứ đến
lúc mọi người đồn thổi ầm ĩ lên rồi, báo chí chính thống mới đưa tin. Kết quả
là nhiều khi chuyện không có gì đáng phải giấu giếm mà kết cục mọi thứ trở
nên rối loạn không đáng.
Lực lượng báo chí rất hùng hậu, rất
đông đảo chưa phát huy được vai trò và sức mạnh đặc thù.
Chỉ đạo của Thủ tướng có nói cái ý đó.
Tức là, đừng để rơi vào thế lúng túng, cái gì cũng đánh giá là “nhạy cảm”,
cũng gán cho chữ “mật” càng chỉ khiến cho chúng ta bất lực trước sự bùng phát
mạnh mẽ, khuynh đảo mặt trận thông tin của các mạng xã hội…
Hiện nay giới báo chí rất dè chừng khái niệm “nhạy cảm”, dù khái
niệm này không nằm trong bất cứ văn bản pháp quy nào. Là nhà khoa học xã hội,
xin GS cho biết khái niệm “nhạy cảm” từ đâu ra và vì sao nó có thể đi trên
pháp luật như vậy?
Khởi đầu, “nhạy cảm” chỉ là khái niệm
chỉ mức độ dễ phát sinh cảm xúc mạnh của các bộ phận trên cơ thể (vùng nhạy
cảm), từ này dần dần được chuyển sang chỉ những khái niệm mang tính tinh thần
nhiều hơn như “tâm hồn nhạy cảm”, và cuối cùng, như ta thấy, nó được dùng để
chỉ tất cả những gì mà người ta muốn… tránh né.
Phải chăng đây là dấu hiệu của sự tùy
tiện. Chúng ta đã biết một thực trạng rất phổ biến trong quản lý xã hội là
cái gì không quản được thì “cấm”. Cấm cho an toàn. Lý do dễ nhất là vin vào
từ “nhạy cảm”.
Thế nào là “nhạy cảm”? Chẳng có luật
lệ nào định nghĩa thế nào là “nhạy cảm” cả. Khái niệm “nhạy cảm” là một sản
phẩm rất điển hình của nền văn hóa nông nghiệp âm tính trọng tình của chúng
ta. Rất mơ hồ, rất chung chung, hiểu sao cũng được. Một khi đã mơ hồ, không
rõ ràng thì đó chính là mảnh đất tốt nhất cho những suy diễn, phán đoán. Không
có đủ thông tin nên không có gì làm chuẩn mực, đúng sai không phân định được
rạch ròi… Những khái niệm kiểu như thế này cần phải xóa bỏ vĩnh viễn.
Không còn chỗ cho tin vỉa hè
Thông điệp vừa rồi của Thủ tướng cũng đã
xác định rõ ràng yêu cầu chủ động thông tin, đặc biệt quan tâm đến hiệu ứng
của mạng xã hội. Theo GS, đi vào cụ thể, nên lưu ý những giải pháp nào?
Phải lấy nguyên tắc minh bạch, công
khai làm đầu. Thông tin phải đúng sự thật và kịp thời. Xem việc cung cấp
thông tin đúng sự thật và kịp thời cho dân là nhiệm vụ, trách nhiệm chứ không
phải là đặc quyền “ban phát”.
Tư
duy quản lý phải thay đổi tận gốc rễ. Cách quản lý kiểu “ban phát” là không
hiệu quả nếu không nói là phản tác dụng.
Đừng để như vừa qua, đó là chỉ cần xuất
hiện một thông tin giật gân mang tính “thâm cung bí sử” trên một vài mạng xã
hội là làm cho dư luận rúng động.
Họa hoằn lắm có cơ quan quản lý chính
thức lên tiếng thì cũng đã muộn, người đọc đâu còn tin nữa. Chính cái sai lầm
trong tư duy quản lý đã gây ra tai hại đó, chẳng khác gì ta tự trói chân trói
tay, mặc cho đối thủ tha hồ tung hoành.
Tôi tin khi chúng ta thay đổi, tôn
trọng nguyên tắc, quy luật của thông tin thì tình hình sẽ khác. Khi xảy ra sự
cố nào đó, cần cung cấp thông tin đúng sự thật và kịp thời ngay lập tức. Khi
đó sẽ không còn chỗ cho các thông tin “vỉa hè”, thông tin đơm đặt, thông tin
mờ mờ ảo ảo vừa có đúng có sai tha hồ hoành hành, chi phối.
Quan trọng hơn là sự minh bạch sẽ có
thúc đẩy xã hội đi lên. Thay đổi sẽ đến từ nhà quản lý các cấp. Không ai còn
có thể ỷ vào chủ trương chung là “Không vạch áo cho người xem lưng” vì mọi
chuyện đúng - sai đều phải công khai cho nhân dân biết.
Tôn trọng sự thật, thông tin khách quan
còn giúp cho quản lý Nhà nước tránh cách làm tùy tiện, chủ quan. Báo cáo lúc
nào cũng thổi phồng kết quả, che dấu cái sai, thất bại.
Người dân và xã hội được thông tin đầy
đủ, chính xác sẽ hiểu rõ những chủ trương, chính sách, việc làm của các cấp
chính quyền. Phải hiểu rõ thì họ mới tin tưởng, đồng hành, ủng hộ.
Tôn trọng sự thật, thông tin khách quan
và kịp thời còn giúp cho mọi thứ trở về đúng chức năng của nó. Một khi báo
chí chính thống luôn thông tin khách quan và kịp thời rồi thì các mạng xã
hội, facebook sẽ không còn làm nhiệm vụ thông tin xã hội nữa mà trở về đúng
chức năng của mình là thúc đẩy sự liên kết xã hội, tìm kiếm bạn bè, tạo lập
quan hệ phục vụ các sở thích cá nhân, những mối quan tâm của các nhóm xã hội.
Xin hỏi thêm ông, thông tin báo chí và tự do báo chí có quan hệ
hệ chặt chẽ với nhau song chúng ta phải có tiêu chí như thế nào để xác định
“lằn ranh” để không đi từ thái cực này qua thái cực khác? Ví dụ gần đây nhất
là câu chuyện tờ báo châm biếm của Pháp Charlie Hebdo?
Phải phân biệt thông tin phục vụ nhu
cầu cuộc sống với việc buôn dưa lê, xoi mói, can thiệp chuyện người khác.
Thông tin là để phục vụ những nhu cầu cần thiết, chính đáng của người dân. Đó
là quyền được biết về những gì đang diễn ra có liên quan đến đời sống vật
chất, tinh thần của mình.
Nói cách khác là người dân phải biết họ
đang sống trong môi trường như thế nào, xung quanh đang diễn ra những gì. Khi
có dịch sởi xảy ra họ cần được biết để chuẩn bị, để đề phòng chứ không phải
vì “nhạy cảm” mà giấu giếm như vừa qua.
Những thông tin về bí mật quốc gia thì
tất nhiên cần phải giữ. Nhưng bí mật quốc gia cũng cần phải có quy định và
danh mục cụ thể và phải tuân thủ đàng hoàng. Những thông tin liên quan đến
cuộc sống mà không nằm trong danh mục đó phải cung cấp công khai cho dân
chúng.
Quyền được thông tin là được biết những
gì cần cho cuộc sống của mình. Tự do báo chí là trình bày ý kiến của mình về
những vấn đề có liên quan đến mình với điều kiện phải tôn trọng người khác,
nền văn hóa khác, quốc gia khác chứ không phải là tự do muốn nói gì thì nói.
Không ai được phép tự cho mình quyền
nhân danh tự do để xúc phạm người khác, nền văn hóa khác, tôn giáo khác. Đó
chính là chỗ nhầm lẫn của những người chủ trương tạp chí Charlie Hebdo. Không
phải ngẫu nhiên mà sau khi bình tĩnh lại, đã có 42% người Pháp phản đối việc
Charlie Hebdo in tranh biếm họa nhà tiên tri Muhammad.
Còn phải phân biệt thông tin chính với
thông tin phụ. Thông tin đúng sự thật còn đòi hỏi phải đúng với thực tế cả về
mức độ chính/ phụ của nó nữa. Cách quản lý cũ về thông tin gây phản tác dụng
ở nhiều mặt. Một mặt, nó đôi khi che chắn, không cho công bố những thông tin
cần thiết. Mặt khác, nó lại để cho những thông tin lá cải, tầm thường lan
tràn. Thông tin về dịch sởi thì người dân không được biết, trong khi thông
tin bịa đặt về người mẫu nào giàu có thế nào, ca sĩ nào có bao nhiêu chiếc
áo, đôi giày, cặp bồ với ai… thì lại tràn lan. Đây là điều cần khắc phục và
chấm dứt.
(Theo
TuanVietNam) Duy Chiến
|
Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét