Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Tăng thuế nhập khẩu xăng dầu - lợi bất cập hại
 Cập nhật lúc 13:58                 
Tài chính đã ban hành Thông tư 03/2015/TT-BTC điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, thuế nhập khẩu xăng tăng từ 27% lên 35%; dầu hỏa tăng từ 26% lên 35%; dầu mazut tăng từ 24% lên 35%; dầu diesel tăng từ 23% lên 30%.
Giá xăng dầu nội địa giảm ít hơn giá thế giới vì thuế nhập khẩu xăng dầu tăng mạnh. Ảnh TL
TBKTSG đã trích dẫn Bộ Tài chính cho thấy, việc này nhằm giúp các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh. Một lý do nữa là các mức thuế này phù hợp với mức khung thuế suất mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua, phù hợp với cam kết của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là 0-40%.
Lời giải thích này của Bộ Tài chính xem ra không xác đáng, và chỉ như đưa ra cho có. Người trong cuộc, đại diện một đầu mối xăng dầu, nói với TBKTSG rằng việc tăng thuế hai lần liên tiếp trong vòng một tháng qua không giúp các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh như Bộ Tài chính giải thích. Theo vị này, thuế ổn định thì mới chủ động kinh doanh.
Như vậy, Bộ Tài chính chỉ còn lại lý do là các mức thuế này phù hợp với khung thuế suất đã thông qua, và với cam kết của Việt Nam với WTO để biện minh cho việc tăng thuế này. Nhưng thông thường, những mức thuế nhập khẩu cam kết này có mục đích chính là để bảo vệ tối đa trong phạm vi được phép (trong mức cam kết) thị trường nội địa trước sức ép của hàng nhập khẩu. Trong những trường hợp để bảo vệ thị trường và các doanh nghiệp sản xuất trong nước như vậy, việc tăng thuế nhập khẩu (lên mức tối đa được phép) đôi khi là điều phải làm, nên làm, khi xét đến sự phát triển còn non trẻ của doanh nghiệp trong nước, sự cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp nước ngoài, hay vì một nhu cầu nào đó đáp ứng quyền lợi của cả quốc gia.
Bộ Tài chính đã có một cái nhìn ngắn hạn và vị kỷ khi sẵn sàng hy sinh quyền lợi của cả nền kinh tế đến từ hưởng thụ giá dầu thấp, chỉ cốt sao cho thu ngân sách không bị hụt đi.
Tuy nhiên, xét trong ngành xăng dầu, Việt Nam là nước xuất khẩu ròng dầu thô, nhưng lại là nước nhập khẩu ròng xăng dầu thành phẩm. Nói cách khác, nâng thuế nhập khẩu xăng dầu trong trường hợp này hầu như chỉ có tác dụng (đúng hơn là tác hại) đáng kể là làm tăng giá xăng dầu trong nước, chứ không phải bảo vệ nhà sản xuất, lọc dầu trong nước (có sản phẩm tiêu thụ ở nội địa), ngoài tác dụng hiển nhiên là ngân sách sẽ được bù đắp một khoản lớn dự kiến sẽ mất đi do hụt thu thuế nhập khẩu xăng dầu (tính ở mức cũ) do giá xăng dầu tụt giảm mạnh.
Nếu xét đến thái độ lo lắng bấy lâu nay cho thâm hụt ngân sách từ giá xăng dầu giảm (từ nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô đến nguồn thu từ thuế nhập khẩu xăng dầu), có thể kết luận rằng thực chất việc nâng gần mức kịch trần thuế nhập khẩu xăng dầu của Bộ Tài chính nhằm mục đích chính là ngăn chặn giảm thu ngân sách từ sự sụt giảm giá dầu xăng.
Và nếu đúng như vậy, cũng có thể nói luôn mà không sợ quá lời rằng Bộ Tài chính đã có một cái nhìn ngắn hạn và vị kỷ khi sẵn sàng hy sinh quyền lợi của cả nền kinh tế đến từ hưởng thụ giá dầu thấp, chỉ cốt sao cho thu ngân sách không bị hụt đi. Bộ đã không tính toán thiệt hơn một cách khôn ngoan hơn rằng khi nền kinh tế được kích hoạt bởi giá dầu thấp, nguồn thu từ các loại thuế và giao nộp khác chảy vào ngân khố của Bộ Tài chính sẽ tăng lên, thậm chí còn lớn hơn so với khi giá dầu đứng ở mức cao như cũ. Hãy xem những dự báo của các tổ chức quốc tế về ảnh hưởng tích cực của giá dầu sụt giảm lên tăng trưởng GDP của các quốc gia và khu vực trên thế giới để hình dung mức độ cải thiện ngân sách sẽ đạt được.
Ngoài ra, có thể còn có một lý do khác đằng sau việc tăng thuế lần này. Đó là việc lạm phát đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm nay, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng giá, tăng phí, tăng thuế mà không sợ bị đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của dư luận bởi lo ngại lạm phát dâng cao.
Trên hết, dường như Bộ Tài chính vẫn chưa có, chưa đưa ra được một tính toán cụ thể nếu giá dầu biến động ở mức nào thì GDP và thu ngân sách sẽ biến động ở giới hạn nào đó ở mỗi một mức thuế nhập khẩu xăng dầu cụ thể, từ đó làm cơ sở cho việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu như hiện nay. Và tuy chưa có những tính toán cụ thể như thế, việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu được nhìn trước là sẽ gây sự chững lại về động lực tăng trưởng kinh tế tương tự như việc tăng thuế thu nhập lên doanh nghiệp và cá nhân hộ gia đình.
Trên hết, với tăng trưởng kinh tế có khả năng không đạt mức kỳ vọng cao như hiện tại từ hành động tăng thuế này, Bộ Tài chính có khả năng sẽ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách do phải tăng chi tiêu và đầu tư chính phủ để kích tăng trưởng. Bởi vậy, có thể nói tăng thuế nhập khẩu xăng dầu là lợi bất cập hại.
(Theo TBKTSG) Phan Minh Ngọc
Chính sách “neo cao giá xăng dầu” mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp xăng dầu nhưng thiệt hại lớn và lâu dài cho nền kinh tế. Do tăng thuế cho nên giá xăng không thể giảm xuống thêm nữa. Phần tiền thuế từ xăng dầu mà Nhà nước thu được chính là từ người tiêu dùng. Giá cao nên quỹ bình ổn xăng dầu (cũng là phần doanh nghiệp xăng dầu hưởng từ ngươi tiêu dùng) không bị giảm. Tuy nhiên, đầu vào quan trọng của hầu hết các ngành kinh tế bị chi phí lớn nên hạn chế năng suất, sức cạnh tranh. Nguồn đóng thuế của toàn thể doanh nghiệp với Nhà nước mới là to lớn, quan trọng chứ không phải riêng tiền thuế từ xăng dầu.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét