Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

Ông Nguyễn Bá Thanh từ góc nhìn của một nhà báo

Cập nhật lúc 09:12     
            
Tôi biết ông Bá Thanh vào năm 1998, lúc mới chuyển về đài truyền hình. Khi ấy cơ quan tổ chức đá bóng minni giao hữu với văn phòng ủy ban thành phố tại nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương. Tôi chưa vợ con nên rảnh rỗi nhiệt tình đi cổ vũ đội nhà. Nghe mọi người chỉ trỏ “Bá Thanh, Bá Thanh”, tôi cũng không quan tâm lắm. Lúc đó ổng chưa có gì đặc biệt trong tôi. Hơn nữa, trước năm 1997, ổng mới là chủ tịch thành phố Đà Nẵng nhỏ thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Hồi ấy tôi làm phóng viên chuyên về mảng an ninh trật tự nên không có dịp tiếp xúc ổng. Sau này chia tỉnh, tôi lại về Quảng Nam. Nghe mọi người kêu tên ổng như siêu sao, tôi không khỏi mắc cười. Nhìn thằng cha tuổi cũng đã lớn, người vạm vỡ, dáng hùm tướng gấu lừ khừ chạy theo trái banh không chút gì gọi là biết đá bóng, tự nhiên tôi lại thấy ngồ ngộ. Sau này mới biết ổng đá không hay nhưng mê bóng đá vào loại số một. Không có trận banh nào ở sân Chi Lăng mà không có mặt ổng. Nhiều lúc máu quá, ổng nhảy xuống sân chỉ đạo làm cho huấn luyện viên mặt xanh như đít nhái. Cũng vì cái máu này mà ổng bị chỉ trích nhiều. Nhất là mỗi lần đội Đà Nẵng thua, người ta lại bảo do Bá Thanh chỉ đạo nên cầu thủ và huấn luyện viên “khớp” đá không được. Trên sân bóng, ổng chạy lăng quăng, cả trận đụng bóng đâu được vài ba lần. Có lẽ vì là sếp nên quân lính thường chuyền bóng cho ổng. Nhưng ổng không cầm được, lần nào cũng mất. Đã thế còn bị cầu thủ bên đội tôi chơi xấu. Ổng quê, mặt hằm hằm. Một lần bị mất bóng, ổng rượt theo đá vào chân đối phương, khiến khán giả trên sân cười vỡ bụng. Lúc ấy, mặt ổng giãn ra có vẻ thoải mái. Sau này, để ý mới thấy ổng sống chân thành, thẳng thắn theo cái cách bị chơi thì chơi lại, hồn nhiên vô tư như đá bóng. Có lẽ cũng chính vậy mà ổng chỉ loanh quanh Đà Nẵng chứ không lên cao được như mong muốn, kỳ vọng của nhiều người.
Sau này, làm phóng viên thời sự, tôi có dịp tiếp xúc với ổng nhiều hơn. Gặp ổng trong các cuộc họp, hội nghị, ổng chỉ đưa mắt chào nhưng không cười. Tôi cũng đáp lại như vậy chứ không xởi lởi, chào hỏi như với các quan chức khác. Giải lao, các phóng viên thường hay quây lại ổng hỏi han, chuyện trò. Ổng cũng có vẻ gần gũi, dễ chịu với cánh nhà báo. Mà thực tế là có rất nhiều nhà báo thân thiết và nhờ cậy ổng. Nói về Bá Thanh, người ta thường nói đến công lao thành tích của ổng đối với Đà Nẵng. Theo cá nhân tôi, không có Bá Thanh thì không có Đà Nẵng như bây giờ. Tất nhiên hệ lụy của nó cũng không phải là ít. Nhưng không có sự phát triển, thay đổi nào mà không phải trả giá. Thành phố Đà Nẵng mở rộng, khang trang trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển hạ tầng, về văn minh đô thị, về xanh sạch đẹp, vân vân thì đằng sau nó là hàng trăm, hàng ngàn người bị thiệt thòi do mất đất sản xuất, bị di dời, giải tỏa. Điều này cũng tất yếu phải chấp nhận, nếu không thì Đà Nẵng chẳng bao giờ có được niềm tự hào hiện tại. Muốn xây cái nhà mới to lớn, đàng hoàng mà không đủ tiền mua miếng đất mới thì cách tốt nhất là đập bỏ nhà cũ sập sệ hoặc bán đi xây chỗ khác. Tôi đã từng nhiều lần đến vùng Nại Hiên, Thọ Quang làm phóng sự nên hiểu cuộc sống của người dân khu nhà chồ, nhà tạm. Nó còn tệ hơn khu nhà ổ chuột trên những bờ kênh đen Sài Gòn. Nhờ có sự quan tâm và quyết liệt của Bá Thanh mà cả vùng Sơn Trà giờ đây trở thành khu đô thị du lịch đầy hứa hẹn. Một khu đô thị mới, một con đường mới đều có dấu ấn Bá Thanh. Ổng đi sâu đi sát đến từng hộ dân để đối thoại, thuyết phục… Người ta thường ca ngợi Bá Thanh là người cứng rắn, cương quyết nhưng tôi lại thấy ở ổng tính hảo hớn, đại hiệp của một kẻ dám làm, dám chịu. Cái cách ổng mở đường và giải tỏa hành lang để khai thác quỹ đất là cách làm sáng tạo, chấp nhận đương đầu. Không như nhiều nơi, chỉ thu hồi đất để mở mỗi con đường. Vì vậy nhà cửa hai bên cái lồi, cái lõm, cái xẹo bên này, cái ngã bên kia nhếch nhác luộm thuộm. Đó là chưa kể người bị giải tỏa thì mất đất, mất nhà phải đi nơi xa sinh sống, người được mở đường thì hơn trúng số, chỉ một đêm, miếng đất chó ỉa thành ra đất vàng, ôm trong tay cả tỷ bạc mà không phải bỏ ra một xu nào, nó tạo ra sự bất công giữa kẻ đi người ở… Bá Thanh làm khác nên đường phố Đà Nẵng không chỉ thẳng thớm mà nhà cửa hai bên đường cũng khang trang, nhà nước có thêm một khoản tiền để chăm lo chu đáo cho người bị giải tỏa, đa phần những người ra đi đều cảm thấy không bị thiệt thòi. Không ở đâu như Đà Nẵng, nhiều người dân mong được giải tỏa để ra mặt tiền, được xây nhà mới rộng rãi hơn, trong đó có tôi, he he…
Làm báo đi nhiều, nghe nhiều nên tôi cũng thấy quý ổng dù lần nào gặp cũng chỉ đưa mắt chào nhau chứ chưa bao giờ bắt chuyện. Nếu có công việc thì cứ đường công văn chuyển đến văn phòng, hẹn phỏng vấn thì câu hỏi gởi trước, đến giờ là hỏi, hỏi xong cám ơn rồi về chứ cũng không trà dư tửu hậu. Hình như thế, ổng lại quý mình. Một lần vào năm 1999, tôi đi theo đoàn của thủ tướng thăm bà con vùng B Đại Lộc, Quảng Nam bị thiệt hạ do lụt lớn. Lúc đi, tôi theo xe Quảng Nam. Đến địa phận Đà Nẵng thì xe Quảng Nam quay về. Hồi đó tôi một mình ôm cái Camera AG quay băng VHS nên chẳng được ai đón, nhờ xe Đà Nẵng về, ai cũng bảo xe đủ người. Bí quá, tôi đến gặp Bá Thanh, “anh nói giúp em một tiếng để em quá giảng về với”. Ổng không nói gì, vẫy chú văn phòng tới. Thế là tôi được mời lên xe. Theo phép lịch sự, tôi cám ơn, ổng cũng chỉ nhướn mắt mà không thèm mở miệng ừ. Tiếp xúc với người khác ổng kiệm lời. Nhưng nói chuyện trước hội đồng nhân dân, ổng là nhà hùng biện. Hầu như đến kỳ họp hội đồng nhân dân, người dân Đà Nẵng thường ngồi trước ti vi để nghe ổng nói. Lúc làm chủ tịch ủy ban thì ổng giải trình, khi làm bí thư, chủ tịch hội đồng nhân dân thì ổng chất vấn. Vai nào cũng tròn trịa và giỏi giang. Trên mạng còn lưu clips ổng nói chuyện trước hàng ngàn cán bộ, công chức thành phố tại cung thể thao Tiên Sơn. Ổng nói nguyên một buổi, không cần nhìn giấy. Nhưng nói cái gì ra cái nấy, từ chuyện nhỏ đến chuyện to. Nói đến đâu người ta há hốc mồm ra nghe và nhớ tới đó. Tôi là đứa khó tính cũng phải nể . Ổng nói những chuyện quốc gia đại sự mà như lão nông đang kể chuyện mùa vụ nên dễ đi vào lòng người. Ổng cũng biết pha trò cho câu chuyện đỡ nhàm chán, khô khan. Ổng ví công chức như con cá heo trong rạp xiếc, cho ăn mới chịu làm, không cho thì cứ ì ra đó. Người ngồi dưới nghe vậy cười ồ nhưng ngẫm lại thấy bóng dáng mình trong đó lại đau. Nói về tệ nạn nước mình không quy trách nhiệm cá nhân mà toàn đổ lỗi tập thể, sai phạm không xử lý cụ thể mà chỉ rút kinh nghiệm, ông chốt “không biết sợi dây kinh nghiệm nó dài bao nhiêu mà rút hoài không thấy hết”. Người nghe cười nhưng thấm thía… Kể về Bá Thanh có thể kể cả ngày không hết chuyện. Người dân Đà Nẵng tự hào vì có một vị chủ tịch, bí thư như ổng. Ổng có nhiều giai thoại. Khen cũng cũng có mà chê cũng nhiều. Làm người sống ở giữa đời phải có khen có chê, chứ nếu chỉ chê là bỏ, còn chỉ khen cũng cần xem lại. Thường thì loại tròn như hòn bi lăn đâu cũng không làm mích lòng ai mới được tất tần tật đều khen. Ánh trăng rằm vằng vặc vô tư là cảm hứng của thi nhân, là niềm vui của trẻ em trần thế nhưng lại là nỗi muộn phiền của dân đạo chích. Nên Bá Thanh được khen và bị chê cũng là chuyện thường tình. Khen thì báo chí đã nhiều. Chê chỉ là giai thoại mồm người nọ qua miệng người kia. Mà nghĩ dân cũng gian, chế chuyện như thật. Rằng giờ giải lao họp quốc hội, ổng ra hành lang ngó nghiêng khoảng sân rộng trước tẩm lăng, có người đến hỏi, có chi mà ngắm kỹ rứa, ổng không trả lời mà hỏi lại theo đúng chất Quảng Nam. “Chừng ni phân ra cũng được mấy trăm lô, hỉ?”. Rồi người ta còn chế bài hát “Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi” của Phan Huỳnh Điểu thành “Trời của Thanh, đất của Thanh, con chim trên cành là của Tuấn Anh”. Tuấn Anh là chủ tịch thành phố lúc ấy, bây giờ là bộ trưởng văn thể du. Hình như chưa ép phê, người ta sửa lại: “Trời của Thanh, đất của Thanh, con chim trên cành cũng của Bá Thanh, con chim trong quần là của Tuấn Anh”. Ý chê trách là ổng ôm hết, không chừa ai cái gì và lão kia chỉ là bù nhìn. Với tầm đó, trước Bá Thanh không bù nhìn mới lạ. Tôi không biết sự tình, nghe sao kể vậy, chứ thực lòng cũng không tin. Ngay như cái việc mỗi lần điện qua văn phòng ủy ban đề nghị bổ sung giấy mời xem pháo hoa là y như rằng được nghe “Vụ ni anh Thanh ảnh duyệt từng cái một rồi, tụi tui không giải quyết được mô”. Bố khỉ, làm gì ba cái giấy mời mà đến mức bí thư phải duyệt từng cái một. Nói thế chẳng phải là xúc phạm cả một bộ máy tham mưu giúp việc của thành phố sao…
Nói đến độ sâu sát quần chúng, nhân dân, Bá Thanh là số một. Họp hội đồng nhân dân, có những vụ việc giám đốc sở không nắm nhưng ổng rõ từng nơi. Cơ quan tôi có cái cây trên vỉa hè chìa vô hàng rào, che mất cửa sổ nhìn ra cái “viu” rất đẹp của phòng làm việc sếp. Tôi được giao xử vụ này. Làm công văn qua sở xây dựng. Mấy ngày sau, công ty cây xanh xuống cắt, nhưng chỉ có một đoạn ngắn. Tôi muốn cắt dài thêm tý nữa cho thoáng, nên năn nỉ, em làm vô khúc nữa, nếu phát sinh chi phí anh bồi dưỡng riêng, nhưng chú công nhân thẳng thừng “ Không thêm được nữa anh ơi. Đường ni Bá Thanh hay đi làm, nhìn cái cây cụt ngủn không giống ai, ổng đuổi việc chứ không chơi đâu anh”. Nhìn vẻ mặt nghiêm trang của chú công nhân, tôi tin là chú ta sợ thật chứ không phải chê tiền. Kể chuyện này để thấy, ổng sâu sát đến mức nào, chứ không qua loa, đại khái, cưỡi ngựa xem hoa như các quan chức khác.
Bá Thanh là mẫu người dám nghĩ, dám làm dám đương đầu với dư luận. Ổng chính là người nghĩ ra lập đội thanh niên xung kích để giữ gìn trật tự đô thị. Lúc đầu người ta bảo như vậy là sai luật, sai nghị định này, quyết định kia… Ổng vẫn làm. Và hiệu quả thấy rõ. Đà Nẵng được văn minh, trật tự như bây giờ cũng một phần là nhờ đội thanh niên xung kích ngày đêm nhắc nhở mọi người dựng xe theo lằn, theo vạch, buôn bán vệ sinh, ngăn nắp. Giờ không còn đội thanh niên xung kích nữa nhưng thói quen dựng xe máy đúng vạch đã ăn vào nếp sinh hoạt đô thị của cư dân Đà Nẵng. Vừa rồi, đọc báo thấy Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mở trung tâm xã hội để bảo trợ người lang thang xin ăn. Chuyện này Đà Nẵng đã làm cả chục năm trước. Lúc ấy người ta cũng ì xèo rằng như vậy là vi phạm nhân quyền, là vi phạm quyền tự do lao động vân vân. Ổng vẫn quyết làm. Và kết quả là Đà Nẵng không còn người lang thang xin ăn làm mất vẻ mỹ quan, văn minh của một thành phố du lịch mà mới rồi được xếp vào hàng thu hút du khách bậc nhất châu Á. Ổng giải thích đơn giản, xin ăn là vì không có nhà ở, cơm ăn, áo mặc. Tui đưa vô đó cơm bưng tận miệng, nước rót tận mồm ngày đủ ba bữa. Áo quần tử tế, ốm đau có người chữa trị, rồi suốt ngày nằm coi ti vi. Sướng rứa hà cớ chi không chịu mà đòi đi lang thang xin ăn. Nói vậy là ổng biết chắc, ăn xin cũng có năm ba loại, loại ăn xin thiệt được vô trung tâm bảo trợ là mừng. Còn ăn xin dỏm, nghe nói trung tâm là chạy mất dép vì “ngỗng” này thu nhập vào loại khá, cả triệu bạc mỗi ngày. Có người ngày lê la xin tiền lẻ, tối tắm rửa thơm tho vô vũ trường em út. Ổng nắm thóp nên dám làm. Thấy hay, các địa phương khác giờ mới bắt chước. Rứa đó, hay chưa chắc được ủng hộ ngay.
Nhìn ổng lành lạnh, im im vậy chứ đối xử với cánh nhà báo cũng dễ chịu. Ai gặp khó khăn, kêu với ổng là ổng giúp. Thiếu chỗ ở, xin đất cũng không đến nỗi khó khăn. Nói là xin nhưng thực chất là mua giá nhà nước, chênh lệch thị trường có thời điểm cả tỷ đồng. Khai ra mang tiếng nói xấu đồng nghiệp nhưng nhiều người nhờ ổng mà khá, có nhà mặt tiền. Tôi thì không nhờ cậy được miếng đất nào nhưng nhờ ổng mà nhập được cái hộ khẩu. Từ Quảng Nam ra lại Đà Nẵng cả chục năm tôi vẫn chưa nhập hộ khẩu. Lúc lấy vợ sinh con thì đều địa phương khác chuyển đến. Khi con vào lớp một mới giật mình nhớ cái hộ khẩu. Nhờ ông bạn quen làm cảnh sát một chuyên về hộ khẩu thì mới biết mình thuộc diện khó nhập. Lão ta bày hết cách nọ đến cách kia vẫn không được. Nghĩ lão vòi nhậu, mời đi nhậu nhưng cũng không xong. Lẽ nào nhà báo lại phải chung tiền mới nhập được hộ khẩu nên huỵch toẹt, nếu Bá Thanh ký được không. Lão kia ồ lên “rứa thì còn chi bằng”. Thế là tôi tìm gặp ổng. Chờ cuộc họp báo thành phố kết thúc, tôi chìa đơn nói “anh ký em phát cho em nhập khẩu với”. Ổng đọc lướt, lấy bút phê “đồng ý nhập khẩu” rồi ký cái xoẹt. Tôi thở phào sung sướng. Mấy “nhà báo nhớn” chạy lại hỏi dồn “xin đất hả”. Tôi cười ra vẻ bí hiểm cho mấy lão tức chơi, rồi đi nhanh ra cửa, vẫn nghe tiếng xuýt xoa tiếc rẻ đằng sau. Đưa tờ đơn có chữ ký của ổng cho lão bạn, lão cầm lên trưởng phòng ký chuyển về quận. Thế là tôi thành công dân Đà Nẵng. Nếu không nhờ ổng không biết bao giờ mới được đi …bầu cử.
Một dạo người ta đồn ầm là ổng chuẩn bị ra làm bộ trưởng bộ đất đai, rồi sẽ làm phó thủ tướng. Kết thúc một cuộc tiếp xúc cử tri ở phường, được mời ở lại ăn cháo gà đêm với cán bộ phường, ổng được ông chủ tịch phường là lính cũ thời hợp tác xã xun xoe “mừng anh sắp ra làm phó thủ tướng”. Ổng không nói không rằng. Tôi buộc miệng phang luôn “anh ra làm thủ tướng thì ra, phó làm gì”. Cả bàn im re bà rè. Ổng nhìn tôi cười hự lên một tiếng khẽ. Đó là tôi nói thực lòng chứ chả nịnh bợ gì vì với tính cách quyết đoán, cách nghĩ, cách làm ấy, nếu trưởng thì giúp dân, giúp đời được nhiều. Chứ phó chỉ là kẻ giúp việc, ăn theo nói leo chứ có quyết được đâu. Biến sở trường là quyết đoán thành sở đoản là phụng mệnh thì cũng chỉ là hư danh, vinh thân phì gia chứ hay ho gì. Sau đận ấy, cũng ít nghe đồn thổi chuyện đi ở của ổng nữa …
Ngày xưa Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Thoại được dân địa phương lập miếu ghi thờ công trạng. Tôi đồ rằng Bá Thanh sau này cũng vậy. Dân vốn sòng phẳng, nghĩa tình. Bốn mươi năm giải phóng, Đà Nẵng qua nhiều đời chủ tịch, bí thư. Nhưng thử hỏi mấy ai làm được cho địa phương, cho người dân nhiều như ổng. Bá Thanh có câu nói thường được nhắc nhiều “có thi đâu mà biết nhất hay nhì”. Vì vậy tôi không dám chắc là ổng nhất nhưng hỏi dân xem họ nhớ ai. Nhớ ông bí thư lúc nào cũng cười lấy lòng đến nỗi cái miệng nhu ra thành tật không khép được môi chuyên đi đọc thơ hay ông trán hói béo phị nói không ra hơi. Dù hai ông kia được cất nhắc ngồi trên đầu thiên hạ và cả đầu ổng nữa.
Nhưng mà ổng cũng không phải tất cả đều hay. Nhân vốn vô thập toàn. Như vậy mới là người. Trong cuộc chơi với đồng chí tướng. Người ta chê ổng tàn nhẫn, người ta bất tỉnh còn cho khiêng ra tòa. Tôi không cho vậy là dở, khiêng ra tòa chỉ là bề ngoài phản cảm dễ nhận thấy. Cái dở nằm ở chỗ khác. Trong võ có đòn gọi là “đòn hy sinh”. Khi ra đòn này, đối thủ chết mà mình cũng không hy vọng sống. Người ta chỉ dùng nó khi ở thế cùng đường để bảo vệ danh dự. Ổng đường còn dài mà đã sớm dùng đòn hy sinh, kéo một ông tướng chễm chệ trên cao ra vành móng ngựa. Tướng kia thân bại danh liệt thì làm sao mà ổng có thể ngồi yên trong khi ông tướng kia đâu phải là không có dây mơ rễ má… Ổng làm được nhiều cho Đà Nẵng nhưng vô tình cũng tạo ra một đám kiêu binh ăn theo danh tiếng, uy quyền. Những lọ những kiểng và cái đám vác tráp theo hầu đôi khi làm cho nhiễu sự. Ngay cả giám đốc sở cũng chả dám trái lời đám ấy. Đành rằng một họ làm quan nhưng đừng thái quá cũng đừng bất cập, nếu được như vậy sẽ tốt biết bao. Nhiều khi một ổ mối cũng phá hỏng một con đê. Nhiều lần ổng cũng nhắc nhở, cảnh cáo đám kiêu binh song không có giải pháp rốt ráo nên nó như con rầy nâu nhỏ xíu cũng hại được mùa màng. Nhưng tôi tin rằng, trước sau thì đám ấy cũng sẽ thê thảm vì đã là loài ký sinh, một khi vật chủ không còn thì làm sao mà tác oai tác quái …
Tôi viết những dòng này về Bá Thanh bằng tất cả sự tôn trọng và ngưỡng mộ ổng. Sẽ có người thắc mắc vì sao dám gọi cụt ngủn Bá Thanh mà không kèm danh xưng ông, ngài. Xin thưa, với người dân Đà Nẵng, Bá Thanh là người nhà, là anh, là bạn nên gọi vậy cho chân tình, thân mật nhưng cũng không kém phần tôn trọng, kính nể. Không như với nhiều quan chức khác, trước mặt họ gọi bằng ông, chưa kịp quay lưng đã gọi bằng thằng: “thằng bí thư, thằng chủ tịch”.
Nguồn: Nhà báo Nguyễn Khánh Hiền (VTV Đà Nẵng)
FB Lê Nguyễn Hương Trà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét