Những toan tính chính trị khi đánh tụt giá dầu
Cập nhật lúc
09:07
TP
- Việc giá dầu mất gần một nửa trong 6 tháng qua không chỉ do yếu tố kinh tế,
mà còn thể hiện tính toán chính trị của các bên liên quan. Nước Nga và Tổng
thống Vladimir Putin vài lần sử dụng vũ khí dầu lửa, nhưng nay vũ khí đó đã
mất vào tay đối thủ nhằm làm nước Nga suy yếu. Tình hình hiện nay cũng ảnh
hưởng các dự án khai thác dầu của Việt Nam.
Súng giảm thanh (Giá dầu là bộ phận giảm thanh lắp vào súng bắn Nga).
Tranh: Luo Jie (China Daily)
TS Hoàng Anh
Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao,
trao đổi với Tiền Phong về bản chất của đợt sụt giảm giá dầu lần này và tác
động của nó đến các dự án khai thác dầu của Việt Nam với các đối tác trên
biển Đông.
Mũi
tên trúng nhiều đích
Chỉ
từ tháng 6 đến nay, giá dầu đã sụt giảm khoảng một nửa. Với tư cách một
chuyên gia phân tích chiến lược ngoại giao, ông đánh giá như thế nào về yếu
tố chính trị trong sự việc này?
TS Hoàng Anh Tuấn: Việc giá dầu mất gần 60
USD/thùng chỉ trong vòng nửa năm có lẽ chỉ lặp lại hai, ba lần trong lịch sử
kể từ khi OPEC ra đời năm 1960 đến nay. Đợt giảm giá lần này diễn ra trong
bối cảnh nhiều nền kinh tế thế giới gặp khó khăn, các công nghệ khai thác dầu
mới vừa được đưa vào sử dụng và đang trong quá trình hoàn thiện. Nếu công
nghệ fracking mới của Mỹ hoàn chỉnh thì sẽ khiến giá dầu sụt giảm mạnh nữa
trong tương lai.
Việc giá dầu giảm mang lại một số lợi ích. Một số nước phụ thuộc nhiều vào
nhập khẩu dầu hưởng lợi vì giá dầu giảm sẽ kích thích nền kinh tế. Nhưng bên
cạnh đó, việc sụt giảm giá dầu cũng gây hậu quả dài hạn về địa-chính trị,
địa-chiến lược.
TS Hoàng Anh Tuấn
Giá dầu sụt giảm trong bối cảnh Nga đang là nước
sản xuất dầu lớn nhất thế giới nhưng không nằm trong OPEC, đang bị các nước
phương Tây cấm vận, trong khi nền kinh tế của Nga lại lệ thuộc nặng nề vào
dầu mỏ và diễn biến của giá dầu. Vì thế, Nga bị ảnh hưởng nhiều nhất khi giá
dầu giảm mạnh. Những điều đó cho thấy tính toán của các bên liên quan, chủ
yếu là nước sản xuất dầu nhiều nhất thế giới là Ả-rập Xê-út và Mỹ. Trong giai
đoạn đầu, khi “đánh” cho giá dầu giảm, Mỹ và Ả-rập Xê-út có một số điểm đồng
về chiến lược với từng địch thủ.
Với nguồn thu phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu và
một dân số với phần đông theo dòng Hồi giáo Shiite, Iran đang là đối thủ
không đội trời chung của Ả-rập Xê-út thuộc dòng Sunni. Cả hai nước đều cạnh
tranh ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông, trong khi Iran lại sở hữu vũ khí hạt
nhân. Nếu giá dầu lên sẽ làm tăng thế và lực của Iran, giúp họ đẩy mạnh đầu
tư vào chương trình hạt nhân, gây ra nguy cơ đe dọa vị thế của Ả-rập Xê-út.
Giá dầu giảm tác động trực tiếp làm suy yếu Iran.
Trong khi đó, từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay Mỹ
luôn tìm cách làm suy yếu Nga vì Nga vẫn là cường quốc quân sự, là thách thức
an ninh lớn nhất đối với Mỹ. Sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea, giới chức Mỹ và
châu Âu lo ngại sự việc này có thể tạo thành tiền lệ, ảnh hưởng đến bản đồ đã
được vẽ lại sau Chiến tranh Thế giới 2 ở châu Âu. Họ muốn làm cho nước Nga
suy yếu thêm nữa để Nga không còn là mối đe dọa hữu hiệu đối với Mỹ.
Ngoài ra, một số nước trong OPEC như Venezuela,
nước từng công khai thách thức Mỹ tại Mỹ La tinh, cũng bị ảnh hưởng nghiêm
trọng. Khi giá dầu sụt giảm, một nước với 95% xuất khẩu phụ thuộc vào dầu lửa
như Venezuela sẽ đối diện với nguy cơ bất ổn xã hội, khiến Mỹ không phải lo
ngại nguy cơ an ninh mà Venezuela tạo ra. Rõ ràng, có những điểm đồng giữa Mỹ
và Ả-rập Xê-út trong việc làm sụt giá dầu, đặc biệt trong bối cảnh các nước
địch thủ của Mỹ đang khó khăn về kinh tế.
Bên cạnh đó
còn có yếu tố lợi ích riêng, việc đánh sụt giá dầu một cách có chủ ý và lâu
dài của Ả-rập Xê-út còn vì họ muốn duy trì địa vị của mình với tư cách một
nước có thể chi phối OPEC và thị trường dầu mỏ trong tương lai. Trong thời
gian qua, Mỹ đã đầu tư nhiều vào công nghệ khai thác dầu mới. Nếu Mỹ trở
thành nước độc lập về năng lượng, sau đó xuất khẩu dầu và khí đốt sẽ đe dọa
vị thế của Ả-rập Xê-út. Ả-rập Xê-út cũng muốn làm chậm lại tiến trình này
hoặc ít nhất làm chậm quá trình Mỹ có thể vượt mặt họ, hoặc làm cho ý đồ của
Mỹ không được như Mỹ muốn.
Nga
mất vũ khí
Từ
thực tế đó ông đánh giá như thế nào về hệ quả địa-chính trị, địa-chiến lược
của việc giá dầu sụt giảm?
OPEC sản xuất 1/3 lượng dầu của thế giới, nên về lý thuyết, có thể
tác động giá dầu toàn cầu. Ảnh: Arabian Business
Việc giá dầu giảm mang lại một số lợi ích. Một số
nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu hưởng lợi vì giá dầu giảm sẽ kích
thích nền kinh tế. Nhưng bên cạnh đó, việc sụt giảm giá dầu cũng gây hậu quả
dài hạn về địa-chính trị, địa-chiến lược. Nó sẽ gây ra những khó khăn kinh tế
mang tính dây chuyền ở hàng loạt nước, đặc biệt là các nước thành viên OPEC.
Ngoài Nga, Iran và Venezuela còn có những nước
khác như Nigeria, Libya, Iraq sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi kinh tế giảm,
các nước này có ít tiền hơn để giải quyết các vấn đề xã hội, an ninh nội địa…
Giá dầu giảm cũng tác động trực tiếp đến khu vực Trung Đông, gây ra mâu thuẫn
giữa các thành viên OPEC ở khu vực. Như chúng ta biết, giá thành khai thác
dầu của từng nước khác nhau.
Ví dụ, Ả-rập Xê-út gần như chỉ cần đặt mũi khoan
xuống là lấy được dầu lên và đem đi xuất khẩu, nên chi phí khai thác của họ
thấp, giá cạnh tranh. Đối với những nước phải chi phí cho vấn đề an ninh
nhiều hơn như Iraq, Libya thì chi phí khai thác dầu cao hơn, nên phần lãi thu
được cũng ít hơn.
Những nước này muốn cắt giảm sản lượng dầu, nhất
là sản lượng của Ả-rập Xê-út, nhưng Ả-rập Xê-út lại có nguồn dự trữ ngoại tệ
lớn, chi phí khai thác rẻ nên họ thậm chí còn muốn giảm giá dầu thêm nữa. Giá
dầu càng giảm càng giúp Ả-rập Xê-út mở rộng được thị phần.
Ngoài ra, giá dầu giảm còn tác động đến can dự
của Mỹ và các nước khác vào khu vực Trung Đông. Việc Mỹ can dự vào chiến
tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (năm 1991) là lần thứ hai (2003) ngoài những yếu
tố như Mỹ tuyên bố còn có nguyên nhân sâu xa là Washington muốn khống chế
nguồn dầu lửa ở khu vực.
Hiện nay, Mỹ đang tiến nhanh đến sự độc lập về
năng lượng, không còn phụ thuộc vào khu vực Trung Đông. Nhưng những nước
khác, đặc biệt là các nền kinh tế mới trỗi dậy như Ấn Độ và Trung Quốc, phụ
thuộc nhiều hơn vào khu vực này. Những bất ổn ở Trung Đông sẽ tác động trực
tiếp đến các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc, khiến họ phải can
dự nhiều hơn về chính trị và an ninh để đảm bảo khu vực này ổn định.
Đối với Nga, vũ khí dầu lửa sẽ không còn được
hiệu quả như trước đây. Sự trỗi dậy của Nga trong giai đoạn từ năm 2000 đến
2008 có vai trò rất lớn của việc giá dầu tăng vùn vụt, từ 17 USD lên 130
USD/thùng, tăng hơn 7 lần trong một thời gian rất ngắn, tạo ra vị thế mới cho
nước Nga và ông Putin. Ông Putin nhiều lần sử dụng vũ khí dầu lửa để gây sức
ép với châu Âu.
Nhưng lần này và chắc là từ nay trở đi, vũ khí
dầu lửa của Nga không còn hữu dụng, khiến nước Nga suy yếu sức mạnh. Vũ khí
dầu lửa không còn nằm trong tay Nga nữa mà chuyển sang tay các đối thủ khác
như Mỹ. Họ có thể sử dụng vũ khí dầu lửa để phục vụ những mục tiêu địa-kinh
tế, địa-chính trị, địa-chiến lược để tạo ra sức ép, tạo ra ảnh hưởng và làm
suy yếu nước Nga thêm nữa.
Việc Nga không còn vũ khí dầu lửa có thể tạo ra
những bất ổn về kinh tế, chính trị - xã hội trong bản thân nước Nga và tác
động đến khu vực ngoại vi của nước Nga hiện nay. Đó là bức tranh chung và rất
sơ lược ban đầu về những hậu quả địa-chính trị, địa chiến lược trong thời
gian sắp tới.
Ảnh
hưởng các dự án của Việt Nam
Việc
giá dầu giảm mạnh có thể khiến các nhà đầu tư không còn muốn rót tiền vào
những dự án dầu khí. Theo ông, hợp tác khai thác dầu khí của Việt Nam với các
đối tác như Nga và Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, đặc biệt là trên biển
Đông?
TS Hoàng Anh Tuấn nói
rằng, Việt Nam cần chuẩn bị đối phó mọi tình huống trong bối cảnh giá dầu
giảm mạnh. Ảnh: Trúc Quỳnh
Giá dầu sụt giảm có ảnh hưởng khá lâu dài đến các
quyết định đầu tư khai thác mỏ dầu mới trên thế giới. Giá dầu hiện nay là
dưới 60 USD/thùng, và xu hướng là tiếp tục giảm. Dự kiến trong năm 2015 giá
dầu sẽ duy trì ở mức 45-50 USD/thùng.
Với mức giá thấp như vậy, rất ít nước có đủ khả
năng cạnh tranh trên cơ sở trình độ khoa học công nghệ, nguồn dự trữ dầu mỏ
tập trung đủ lớn để đảm bảo giá thành khai thác thấp, đặc biệt đối với những
nước sản xuất có chi phí an ninh cao như Iraq, những nước khai thác ở các
vùng băng giá khó khăn và xa xôi như Nga.
Những nước đầu tư vào khai thác mỏ dầu mới sẽ
phải tính bài toán làm sao có thể cạnh tranh khi giá bán thấp như vậy, nếu
chi phí quá cao thì họ sẽ phải dừng các dự án mới lại. Dầu là mặt hàng chiến
lược, nhưng chưa ai biết trong tương lai nó sẽ đứng ở mức bao nhiêu. Bài toán
cung cầu này chưa có lời giải, ít nhất là vào thời điểm hiện nay.
Các dự án thăm dò và khai thác của Việt Nam cũng
nằm trong bối cảnh chung của thế giới hiện nay, với khoảng 500 tỷ USD đang
chờ các quyết định đầu tư. Rõ ràng với giá dầu thấp, các nhà đầu tư trên khắp
thế giới cũng ngần ngại, họ phải tính toán rất kỹ lưỡng, ít nhất là tại thời
điểm này, rằng sẽ đầu tư vào mỏ mới hay dừng lại. Thậm chí những mỏ đang khai
thác hoặc sắp đưa vào khai thác nhưng có giá thành cao cũng chỉ sản xuất cầm
chừng, phải tính toán giảm mức khai thác để giảm lỗ.
Trong
bối cảnh nền kinh tế Nga đang khốn khó vì chính sách bao vây cấm vận của Mỹ
và phương Tây và giá dầu sụt giảm, ông có cho rằng quan hệ hợp tác giữa Nga
và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng?
Nga đã gặp phải 3 trận bĩ cực về kinh tế từ khi
kết thúc Chiến tranh Lạnh, đó là khủng hoảng kinh tế 1991-1993, 1997-1998 và
2008-2009 đến nay lại gặp cuộc khủng hoảng lần thứ tư. Có thể thấy những khó
khăn, khủng hoảng không phải điều mới đối với Nga.
Nếu muốn biết khó khăn kinh tế của Nga ảnh hưởng
ra sao đến quan hệ hợp tác với Việt Nam, có thể dựa vào quan hệ kinh tế hai
nước qua các thời kỳ khủng hoảng trước. Trong các thời kỳ Nga gặp khó khăn
trước đây, quan hệ kinh tế Việt – Nga không bị gián đoạn, thậm chí còn có
điều kiện để phát triển.
Hai nước có mối quan hệ truyền thống, không thể
bỗng chốc gián đoạn. Ở Nga có một cộng đồng lớn người Việt đang làm ăn, sinh
sống từ lâu. Họ cũng đã quen với các giai đoạn thử thách, khủng hoảng nên có
thể thích ứng nhanh và tiếp tục làm cầu nối thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Nga
và Việt Nam.
Hơn nữa, khi gặp khó khăn, Nga sẽ cần những mặt
hàng tiêu dùng giá thành vừa phải. Đây là điểm mạnh của Việt Nam vì Việt Nam
có thể cung cấp những mặt hàng tiêu dùng người Nga cần trong lúc khó khăn.
Như vậy, có thể thấy quan hệ kinh tế Việt - Nga vẫn có thể trụ lại qua thời
kỳ khó khăn, tuy rằng khó khăn của nước Nga hiện nay khác trước.
Khi Nga đang bị bao vây cấm vận, các giao dịch
qua ngân hàng cũng gây ra một số trở ngại. Chưa biết bao giờ Nga mới thoát ra
khỏi đợt khủng hoảng lần này, nhưng chúng ta cần chuẩn bị đối phó với tất cả
các tình huống.
Cảm
ơn ông.
Các dự án khai thác dầu của Việt Nam có một số đặc điểm. Liên doanh khai thác dầu giữa Việt Nam và Nga đã hoàn vốn từ lâu, việc khai thác hiện nay chỉ có lãi. Những dự án này có thể vẫn tiếp tục được trong bối cảnh giá dầu xuống mức 45-50 USD, dù không lãi nhiều nhưng cũng không lỗ. Còn dự án khai thác dầu với Ấn Độ vẫn trong giai đoạn tiềm năng, đang thăm dò, các quyết định đầu tư lớn chưa được đưa ra. Tất cả các yếu tố sẽ phải được cân nhắc xem nên tiếp tục khai thác như thế nào, đầu tư ra sao. Hiện nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
(Theo Tiền phong) Trúc Quỳnh
|
Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét