Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

Những giả thuyết khó tin về thảm họa QZ 8501

Cập nhật lúc 08:45
Lộ trình di chuyển và mất tích của QZ 8501.

Những thi thể được cho là hành khách của chuyến bay định mệnh QZ 8501 (hãng AirAsia) xuất phát từ Indonesia đi Singapore đã được tìm thấy. Nỗi đau, sự hoang mang tột độ về an toàn hàng không đang lớn dần lên trong suy nghĩ của nhiều người.

Cả thế giới đang dõi theo từng phút tìm kiếm 162 người xấu số trên chuyến bay và nhiều người đặt câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến tai nạn thảm khốc này.
Thời tiết xấu, tốc độ chậm và hệ thống radar cũ
Đây là giả thuyết mà nhiều chuyên gia đồng tình hơn cả. Các chuyên gia hàng không suy đoán rằng, chuyến bay có thể đã gặp phải “bão đen" gây ảnh hưởng đến hệ thống điều khiển của máy bay. Thiên tai cũng được cho là nguyên nhân tương tự khiến chuyến bay mang số hiệu AF447 của Air France rơi xuống Đại Tây Dương vào năm 2009, khi đang trên đường di chuyển từ Rio De Janeiro tới Paris.
Chuyên gia hàng không Geoffrey Thomas tin rằng, phi công của QZ 8501 gặp điều kiện thời tiết khó khăn nhưng đã bay quá chậm. “QZ 8501 đã bay quá chậm ở độ cao 32.000 feet là cực kỳ nguy hiểm. Phi công và phi hành đoàn cố gắng để tránh cơn giông nhưng tốc độ bay quá chậm nên không thể thực hiện điều này. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc”, ông Thomas nói. Bên cạnh đó, máy bay A320 không được trang bị hệ thống radar mới nhất. “Radar được sử dụng ở máy bay A320 đôi khi có vấn đề trong điều kiện giông bão và phi công có thể không nhận ra mức độ nghiêm trọng đang xảy ra”, ông Thomas nói. Được biết, radar công nghệ mới nhất được Qantas đưa vào sử dụng đầu tiên năm 2002 có thể cung cấp một cách hoàn chỉnh và chính xác hơn thông tin về cơn bão nhưng đáng tiếc là phải đến sang năm công nghệ này mới được trang bị cho máy bay A320.
Trong một diễn biến khác, Earth Network - một công ty chuyên theo dõi điều kiện thời tiết trên toàn thế giới - ghi lại được hiện tượng giống như sét đánh "gần con đường” di chuyển của máy bay QZ 8501 vào sáng 28.12.2014, tờ New York Times đưa tin. Mặc dù không có khả năng gây ra thiệt hại về cấu trúc máy bay A320 nhưng sét có thể ảnh hưởng đến hệ thống định vị và có thể tạm thời làm mất phương hướng của phi công. Thay đổi đột ngột theo hướng gió cũng có thể là nguy cơ dẫn đến tai nạn của QZ 8501. Tuy nhiên, các chuyên cho rằng, giả thuyết này rất khó xảy ra.
 Khủng bố
Liệu có yếu tố khủng bố trong vụ mất tích hay không cũng là câu hỏi được đặt ra. Đến nay, các chuyên gia chưa đề cập nhiều đến vấn đề này. Giới chức an ninh Mỹ thông báo rằng, họ đã phân tích danh sách hành khách để tìm những nghi can khủng bố hoặc tội phạm song không thấy bất kỳ trường hợp nào đáng nghi. Washington cho rằng, tai nạn máy bay QZ 8501 là một bí ẩn chưa thể giải thích.
Mới đây, Ruben Santamarta, 32 tuổi, một nhà tư vấn của công ty an ninh mạng IOActive, một hacker người Đức, nói rằng, anh đã tìm ra cách thâm nhập vào hệ thống thông tin liên lạc trên máy bay thông qua Wi-Fi và hệ thống các chương trình giải trí trên chuyến bay. Điều này có khả năng phá vỡ hoặc thay đổi hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh và ảnh hưởng đến hệ thống định vị an toàn của máy bay. Về mặt lý thuyết là vậy nhưng khủng bố có đứng đằng sau tai nạn máy bay QZ 8501 hay không vẫn là “ẩn số” chưa thể giải mã.
Giả thuyết “Bàn tay đen”
Tờ Daily Mail đưa tin, một blogger bí ẩn của Trung Quốc đã gây “cơn bão” trên mạng xã hội khi đưa ra dự đoán sự biến mất của một chiếc máy bay của AirAsia 13 ngày trước đây. Trong một bài viết ngày 15.12.2014, người đàn ông đã đưa ra cảnh báo, Air Asia có thể là mục tiêu của nhóm ẩn danh mà ông gọi là "Bàn tay đen". Blogger này cũng cho rằng, tai nạn máy bay xảy ra với MH17 và MH370 đầu năm nay cũng có sự tham gia của “Bàn tay đen”.
“Bàn tay đen” đã tấn công và bắn hạ MH370 và MH17 với mục tiêu tấn công vào các hãng hàng không Malaysia. Giờ đây, “Bàn tay đen” đang hướng đến AirAsia vì nó thuộc về Malaysia”, một đoạn trong bài viết được truyền với tốc độ “chóng mặt” trên mạng Internet. Đồng thời, blogger cũng đưa ra đề nghị, những người Trung Quốc nên tránh di chuyển bằng AirAisa để “không biến mất như MH370”. Lời cảnh báo tiếp tục được lặp đi lặp lại vào ngày 16 - 17.12.2014, “đây là vấn đề quan trọng cần phải đặc biệt chú ý”.
Lời dự đoán khi được đăng tải đã thu hút 650 nghìn người xem và gây ra những luồng dư luận trái chiều. Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao blogger này lại có thể dự đoán được những gì sẽ xảy ra với AirAsia. Trong khi đó, một số người hoài nghi rằng, bài viết đã được chỉnh sửa để tạo sự bí ẩn, “ăn theo” thảm họa QZ 850.
 Những mốc chính trong thảm họa mang tên QZ 8501 
Ngày 28.12.2014
05h35 (giờ địa phương): Khởi hành từ Surabaya, Indonesia đi Singapore.
06h12: Cơ trưởng yêu cầu thay đổi độ cao trong lộ trình của máy bay.
06h17: QZ8501 mất liên lạc với Jakarta Air Traffic Control.
06h18: Thông tin về chuyến bay “biến mất” khỏi radar.
07h55: Các nhà chức trách tuyên bố máy bay mất tích.
Ngày 30.12.2014: Những thi thể đầu tiên được cho là những hành khách xấu số của chuyến bay được tìm thấy.
Nhiều máy bay cùng thời điểm nhưng chỉ mình QZ 8501 gặp nạn
Nhiều trang báo đưa tin, vào thời điểm máy bay mang số hiệu QZ 8501 gặp nạn, có đến 6 máy bay khác cũng đang trong lộ trình di chuyển. Đó là máy bay của hãng Garuda Indonesia, Lion Air và Emirates, trong đó chuyến bay của hãng Emirates trong lộ trình từ Melbourne (Australia) tới Kuala Lumpur (Malaysia). Điều này đặt ra câu hỏi là tại sao bay trong cùng thời điểm, cùng điều kiện thời tiết mà chỉ có QZ 8501 gặp nạn? 
Hãng hàng không Air Asia có một “hồ sơ an toàn hoàn hảo”
Chuyến bay mang mã số QZ 8501 được điều hành bởi AirAsia Indonesia. Hãng hàng không giá rẻ AirAsia được thành lập vào năm 2001 tại Malaysia, có liên doanh với các công ty hàng không ở Thái Lan, Philippines. AirAsia được đánh giá là có “hồ sơ an toàn hoàn hảo” vì không có bất kỳ sự cố đáng kể nào từ khi thành lập. AirAsia có các đường bay giá rẻ đến 22 quốc gia, bao gồm cả Australia, Nhật Bản và Ấn Độ. Khi máy bay MH370 mất tích, trên một tạp chí của AirAsia từng đưa tin rằng, phi công của hãng được đào tạo rất tốt và sẽ không bao giờ rơi vào tình trạng mất tích như MH370. Bài báo đã gây nên làm sóng phản ứng mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông. Điều này khiến quan chức của AirAsia phải lên tiếng xin lỗi vì những “sai sót không đáng có” này. 
2014 - “Kỷ lục” về số người chết vì tai nạn máy bay trong thập kỷ
Năm 2014 khép lại với 1.212 người chết vì tai nạn máy bay, cao nhất trong thập kỷ qua (năm 2013 có 265 người thiệt mạng). Trong lịch sử hàng không dân dụng thì năm 1949 là năm có số lượng người chết vì tai nạn hàng không thấp nhất - 111 người; cao nhất là năm 1972 với 2.429 người.
(Theo Lao động) TƯỜNG PHẠM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét