Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

Không có cơ sở để khởi tố ông Huỳnh Uy Dũng về tội… buôn lậu

Cập nhật lúc 20:00

PetroTimes) – Liên quan đến vụ Công an thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) đã khởi tố vụ án để tiến hành mở rộng điều tra, làm rõ hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép đối với Công ty cổ phần Đại Nam, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM khẳng định: “Trong trường hợp này, không có cơ sở để khởi tố ông Huỳnh Uy Dũng về tội buôn lậu”. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu
PV: Ông Huỳnh Uy Dũng có phạm tội buôn lậu không?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Theo quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì cấu thành tội phạm của tội buôn lậu là có hành vi “buôn bán trái phép qua biên giới”. Tuy nhiên, trong vụ việc này Công ty cổ phần Đại Nam chỉ xuất bán gỗ tồn kho của mình cho Công ty thương mại Đại Phú có trụ sở tại Bắc Ninh.
Như vậy, cả bên mua và bên bán đều có trụ sở tại Việt Nam nên trong vụ việc này không tồn tại hành vi mua bán qua biên giới. Chính vì vậy, trong trường hợp này, không có cơ sở để khởi tố ông Huỳnh Uy Dũng về tội buôn lậu.
PV: Công ty cổ phần Đại Nam có bị xử lý về hành vi “kinh doanh trái phép” do việc bán gỗ cho Công ty Đại Phú nhưng không có chức năng “kinh doanh lâm sản” không?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Kinh doanh trái phép là trường hợp thực hiện hoạt động kinh doanh nhưng không có đăng ký kinh doanh; hoặc có đăng ký kinh doanh nhưng kinh doanh không đúng với nội dung ngành nghề đã đăng ký; hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép.
Tuy nhiên, trong vụ việc này cần phải xác định việc Công ty Đại Nam bán 10m3 gỗ cho Công ty Đại Phú có phải là hoạt động kinh doanh hay không? Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp thì “kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”.
Như vậy, theo quy định này thì một hoạt động được xác định là hoạt động kinh doanh khi hoạt động đó được thực hiện thường xuyên, liên tục và nhằm mục đích sinh lợi. Đối chiếu với vụ việc Công ty Đại Nam thì chúng ta dễ dàng thấy rằng trong vụ việc này Công ty Đại Nam chỉ thanh lý số gỗ còn thừa trong kho Công ty Đại Phú mà không hề có yếu tố thường xuyên, liên tục và cũng không xem đó là nguồn thu nhập thường xuyên của Công ty Đại Nam.
Trong khoa học pháp lý cũng như thực tiễn thì hoạt động thanh lý số gỗ nêu trên được xác định là hành vi thương mại phụ thuộc, bên thanh lý tài sản không cần phải có ngành nghề kinh doanh liên quan đến tài sản thanh lý. Bên cạnh đó, theo thông tin nêu trên thì Công ty cổ phần Đại Nam cũng có chức năng kinh doanh lâm sản. Do đó, tôi cho rằng Công ty Đại Nam không có hành vi kinh doanh trái phép trong việc bán gỗ cho Công ty Đại Phú.
(Theo Petrotimes) Hưng Long tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét