Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

Hà Nội khánh thành 3 công trình trọng điểm quốc gia, tạo trục đường thịnh vượng mới

Cập nhật lúc 14:57

(Baodautu.vn) Ba công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia là cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài và Nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được khánh thành vào dịp đầu năm 2015 sẽ giúp Thủ đô mở rộng cánh cửa ra với thế giới.
Những biểu tượng mới
Theo kế hoạch, phải tới gần trưa đoàn khách của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) mới tới, nhưng ngay từ sáng sớm, kỹ sư Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân (Ban quản lý Dự án 85) đã cùng với nhóm kỹ sư Nhật Bản của nhà thầu chính IHI lên mặt cầu để chuẩn bị những bình đồ và hình ảnh tiêu biểu cho những giai đoạn thi công chính của cầu dây văng hai mặt phẳng dây hiếm có trên thế giới này.


Cầu Nhật Tân đã cơ bản hoàn thành vào giữa tháng 11/2014
Kể từ khi công trình vượt sông Hồng thứ 6 ở khu vực Hà Nội được cơ bản hoàn thành vào giữa tháng 11/2014, Ban quản lý Dự án 85 đã đón hàng chục đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm, nhưng đây là đoàn khách rất đặc biệt: 60 học sinh lớp 7 đến từ Trường THCS Thực nghiệm Hà Nội và Trường quốc tế Nhật Bản.
Sau gần 6 năm xây dựng, cầu Nhật Tân giờ đã lừng lững với 5 trụ tháp cao vút giữa không khí tĩnh mịch của vùng đất bãi phù sa sông Hồng, hệt như những thân đào khổng lồ đang vươn lên mãnh liệt dưới cái nắng vàng hanh hao hiếm hoi của buổi sáng giữa đông Hà Nội.
Sau bài giới thiệu ngắn gọn về quy mô, ý nghĩa công trình của ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam và đại diện Bộ Giao thông - Vận tải, từng tốp học sinh tỏa đi theo các nhóm kỹ sư xây dựng để nghe giới thiệu về những hạng mục của cây cầu dây văng độc đáo này. Đến lúc này mới hiểu sự chuẩn bị kỹ càng của Ban quản lý Dự án 85 là không thừa, khi những câu hỏi của các học sinh, đặc biệt là các học sinh Nhật Bản sắc sảo không kém gì phóng viên của chương trình Discovery.
Wakui Yugo, đại điện học sinh Nhật Bản cho biết, 3 năm trước, khi em mới chuyển tới sống ở Hà Nội, cây cầu này còn chưa thành hình. Hôm nay, khi được chứng kiến cây cầu đã hoàn thành vô cùng đẹp đẽ, Wakui Yugo thực sự xúc động vì có một cây cầu Nhật Bản tại quê hương thứ hai Việt Nam của em.
Trên thực tế, không chỉ là điểm nhấn quan trọng nhất của tuyến đường Vành đai II với kiểu dáng hiện đại, giàu tính mỹ thuật, “sắc đào mới” - cầu Nhật Tân còn sẽ là biểu tượng kiến trúc mới của Thủ đô Hà Nội và là cây cầu hữu nghị Việt - Nhật.
Là cầu dây văng hai mặt phẳng dây lớn nhất Đông Nam Á, cầu Nhật Tân được giới kỹ sư cầu đường thế giới đánh giá là có kết cấu độc đáo và độ thẩm mỹ hiếm có. Những công nghệ nổi bật mà các kỹ sư cầu đường bậc thầy Nhật Bản chuyển giao cho đối tác Việt Nam tại dự án này chính là công nghệ tường vây cọc ống thép khổng lồ, trụ tháp và dầm cầu cho phần cầu chính.
Cần phải nói thêm rằng, với tổng chiều dài 1.500 m, phần cầu dây văng với 6 nhịp của Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân sẽ chỉ kém một chút so với cầu Millau - niềm tự hào của nước Pháp về chiều dài và độ phức tạp.
“Cùng với cầu Thăng Long, đây sẽ là cửa ngõ thứ hai từ Sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội, tạo những tiền đề hết sức cần thiết cho việc thực hiện thành công chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch Phát triển không gian Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020”, ông Mori Mutsuya đánh giá.
Cần phải nói thêm rằng, khác với cầu Thanh Trì thiên về công năng, các nhà thiết kế cầu Nhật Tân đặc biệt chú ý tới tính thẩm mỹ. Với chiều dày chưa tới 4 m tính từ bụng dầm tới bản mặt cầu, dầm cầu Nhật Tân như một đường kẻ rất mảnh, hợp với những bó tao cáp đa sắc màu.
“Chúng tôi mang đến cho các bạn những niềm tự hào của công nghệ cầu đường Nhật Bản với mong muốn góp thêm một sắc đào Sakura cho vùng đào Nhật Tân”, ông Yusuke Kajimura, Giám đốc Công ty Chodai (Nhật Bản), đại diện Liên danh tư vấn Chodai - NEC cho biết.
Đợi những dự án đột phá
Cầu Nhật Tân chỉ là điểm khởi đầu cho một trục giao thông mới được tổ hợp từ 3 dự án xây dựng lớn sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản là cầu dây văng vượt sông Hồng, đường nối cầu Nhật Tân - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tổng mức đầu tư của cụm công trình này lên tới hơn 40.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn vay ODA của Nhật Bản.
Có vai trò, ý nghĩa không kém cầu Nhật Tân, Nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được đánh giá có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay, với khả năng đáp ứng được hơn 10 triệu hành khách/năm, lắp đặt hệ thống kiểm tra hành lý sân bay và hệ thống cung cấp nhiên liệu hàng không (hydrant system) bằng các ống dẫn nhiên liệu ngầm hiện đại tương tự sân bay quốc tế của Nhật Bản.
Trong buổi họp báo giới thiệu về các dự án cửa ngõ quốc tế của TP. Hà Nội do JICA tổ chức vào cuối tháng 12/2014, ông Nagai Katsuro, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã tự hào khẳng định, Nhà ga T2 Nội Bài đã mang phong cách đón tiếp nồng hậu của Nhật Bản đến với Việt Nam.
Để kết nối hai công trình lớn nói trên, Nhật Bản cũng đã dành 27 tỷ yên ODA cho Dự án Xây dựng đường nối Sân bay quốc tế Nội Bài và cầu Nhật Tân đã xây dựng tuyến đường nối hiện đại dài 12,1 km, có thiết kế 6 làn xe chạy với chiều rộng 32 m và hai đường gom hai bên rộng 7,5 m. Tuyến đường sẽ có vinh dự mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao năng lực vận chuyển kết nối các khu công nghiệp phía Bắc.
Trong quá trình xây dựng những công trình quy mô lớn này, vào thời gian thi công cao điểm nhất, trên các công trường đã có hơn 1.000 công nhân và kỹ sư Việt Nam và Nhật Bản làm việc/ngày. “Các chuyên gia và kỹ sư Nhật Bản đã chuyển giao cho kỹ sư và công nhân Việt Nam những phương pháp quản lý doanh nghiệp của Nhật Bản cũng như các kỹ thuật và kinh nghiệm xây dựng an toàn trong thời gian ngắn nhất”, ông Mori cho biết. 
Đại diện JICA khẳng định, Nhật Bản đã và đang hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đáp ứng với từng quá trình phát triển kinh tế của TP. Hà Nội, như cải tạo một số nút giao vốn là điểm đen ùn tắc, xây dựng các tuyến đường vành đai giúp cải thiện đáng kể tình hình ùn tắc giao thông và nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa.
Hơn nữa, việc xây dựng và nâng cấp các tuyến đường chính nối TP. Hà Nội với các khu vực được kỳ vọng tăng cường mạng lưới vận chuyển hàng hóa, xây dựng các khu công nghiệp dọc các tuyến quốc lộ, kêu gọi đầu tư của tư nhân, qua đó đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế và giảm nghèo ở các khu vực này.
“Tôi tin rằng, sẽ có một làn sóng đầu tư lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản đổ vào trục giao thông này, trong đó có khá nhiều nhà đầu tư bất động sản nổi tiếng với tham vọng biến đây thành một trục đường thịnh vượng mới của Hà Nội”, ông Nagai Katsuro tiết lộ.
Tuy vậy, chưa thể nói rằng, hệ thống giao thông của Hà Nội đã được hoàn thiện. Thủ đô vẫn cần phải tiếp tục nỗ lực để hoàn thành những công trình lớn như: Dự án Xây dựng tuyến đường vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long), Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1 và tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) và một số công trình khác.
“Nhật Bản sẽ hỗ trợ và hợp tác vì sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thông qua những dự án hạ tầng mang tính đột phá trong thời gian tới”, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định.
(Theo Đầu tư) Anh Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét