Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

Chấp nhận thư nặc danh tố cáo tham nhũng: Cú hích quan trọng

Cập nhật lúc 08:51                  
(PetroTimes) - Với Thông tư mới về quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo vừa được Thanh tra Chính phủ ban hành thì các thư nặc danh tố tham nhũng có nội dung rõ ràng, kèm theo thông tin, tài liệu, bằng chứng vẫn được chấp nhận xử lý. Trao đổi với PV Báo Năng lượng Mới về vấn đề này, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, đây là bước tiến mới để người dân được tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng mà không lo bị trù dập, trả thù.  
Mạnh dạn tố giác
Mới đây, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông tư 07/2014/TT-TTCP về việc quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh thay thế Thông tư 04/2010/TT-TTCP. Đáng chú ý, thông tư sửa đổi nêu rõ, đơn tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng, kèm theo các thông tin, tài liệu, bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo hành vi tham nhũng, hành vi tội phạm thì được xử lý theo quy định pháp luật. Người xử lý đơn tố cáo phải giữ bí mật tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo; bảo vệ người tố cáo và người thân của người tố cáo khi có yêu cầu.
Ngoài ra, đơn kiến nghị, phản ánh cũng không phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người phản ánh kiến nghị như quy định hiện hành nữa mà chỉ cần ghi rõ nội dung phản ánh, kiến nghị là đủ điều kiện được xử lý. Về xử lý đơn tố cáo, khi xử lý đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại, đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, sức khỏe, tài sản nhân dân thì phải kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất thủ trưởng, đơn vị có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Thông tư trên ngay khi được ban hành đã gây sự quan tâm đặc biệt trong dư luận, chia sẻ với PV Báo Năng lượng Mới xoay quanh nội dung trên, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho hay: “Từ năm 1986 khi tôi về làm việc ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chúng tôi đều xem xét thư nặc danh. Bởi lẽ, nhiều người tố cáo tham nhũng, tiêu cực nhưng sợ bị trù dập, trả thù nên phải giấu tên, địa chỉ. Về sau, do những quy định hiện hành nên đơn thư tố cáo nặc danh không được chấp nhận”.
“Trên thực tế, nhiều người chân chính khi phát hiện việc sai trái vẫn tìm cách tố cáo. Tuy nhiên, do tâm lý người dân ngại đụng chạm với cơ quan pháp luật, vì nếu họ đứng đơn tố cáo tham nhũng thì họ phải hợp tác với cơ quan điều tra. Do vậy, có những vụ tham nhũng nhỏ, nhưng do sợ bị trù dập nên người dân không dám tố cáo, để vụ việc ngày càng nghiêm trọng, mức độ thiệt hại của Nhà nước tăng gấp nhiều lần. Với thông tư mới của Thanh tra Chính phủ, người dân có thêm niềm tin trong việc tố cáo tiêu cực, tham nhũng. Bởi lẽ họ biết rằng, với quy định trước đây, những lá đơn tố cáo, khiếu nại của mình đều không được xét xem nội dung, đấy là chưa kể đến việc đơn của họ bị vứt bỏ sang một bên”, ông Hùng thẳng thắn.
Do vậy, theo ông Hùng, việc Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư mới về việc quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh trong đó nêu rõ chấp nhận đơn tố cáo nặc danh nếu có đủ tài liệu, cơ sở là điều rất đáng mừng. Đây là cách người tố cáo cảm thấy an tâm và cơ quan thanh tra, kiểm tra cũng có thêm những kênh thông tin để xác minh, xử lý vụ việc từ đó nhiều tham nhũng, tiêu cực sẽ bị phát giác.
“Tôi nghĩ, cần có sự đồng bộ thành chủ trương chung của Đảng và Nhà nước về vấn đề này để nâng cao công tác phòng chống tham nhũng. Đáng lẽ những cán bộ trong cơ quan kiểm tra phải dựa vào dân để đi tìm hiểu thông tin và xử lý những sai phạm chứ không phải cứ khi nào có đơn thư tố cáo, khiếu nại mới tổ chức xác minh”, ông Hùng nói.
Quy trình thẩm tra phải chặt chẽ
Nói về việc khi chấp nhận thư nặc danh, khối lượng công việc của các nhà chức trách có nguy cơ bị quá tải, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, đã là cán bộ kiểm tra thì đây là công việc phải làm. “Chúng ta có hệ thống kiểm tra từ Trung ương đến địa phương thì không sợ quá tải. Chỉ sợ họ không làm hết trách nhiệm”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng cũng lưu ý rằng, cần phải xây dựng quy trình xử lý đơn thư tố cáo, khiếu nại một cách cụ thể. Từ đó, cơ quan xử lý phải xem xét những tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi tham nhũng một cách kỹ càng trước khi vào cuộc chứ không phải bất cứ thư nặc danh nào cũng xử lý ngay. Tuy nhiên, cần phải có thái độ tích cực với người dám đứng ra tố cáo để họ thấy được bảo vệ. Còn với những người bịa đặt, tố cáo không có căn cứ với mục đích vu khống, gây mâu thuẫn nội bộ nếu phát hiện ra cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng
Cũng bàn về vấn đề trên, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng cho rằng: “Trên thế giới dù nặc danh hay không thì các nước vẫn xem xét, xử lý. Nhưng nếu là thư nặc danh thì sẽ xem xét một cách thận trọng hơn. Họ xem xét nội dung thư là chính, khi xem xét nội dung rồi người ta lại phải cân nhắc làm thế nào để có được bằng chứng”.
“Tất nhiên khi chấp nhận thư nặc danh các nhà chức trách cũng không tránh khỏi việc sẽ đối mặt với một số thư nặc danh chỉ để nói cho sướng hoặc thỏa những mối thâm thù cá nhân hoặc phe này đánh phe kia. Lúc ấy cơ quan xử lý phải xem xét những tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi tham nhũng một cách kỹ càng trước khi vào cuộc chứ không phải bất cứ thư nặc danh nào cũng xử lý ngay.
Ở đây khả năng thẩm định thông tin của đơn vị xử lý đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Một khi điều đó bị xem nhẹ thì sẽ tốn rất nhiều công sức vì phải vận hành cả một hệ thống vào cuộc để xác minh, đối chất làm rõ và xử lý hệ quả”, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nói.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh cũng nhấn mạnh: “Đặt trong tình hình tham nhũng đang diễn ra phổ biến nhưng lại phức tạp và tinh vi, chúng ta buộc phải tạo ra những cơ chế để huy động người dân vào mặt trận này. Muốn thế ta phải tạo ra ít rủi ro nhất cho những người tố giác. Theo quy định hiện hành, ta có những cơ chế để bảo vệ người tố giác tham nhũng nhưng thực tế cho thấy là cơ chế ấy vận hành chưa hiệu quả. Đã có không ít trường hợp bị trù dập, nhẹ thì dằn mặt, tìm cách đẩy đi chỗ khác, nặng thì thuê người khác tấn công gây thương tích… Thậm chí là đe dọa đến cả tính mạng của người tố cáo và cả gia đình của họ. Do vậy nên nhìn nhận quy định này theo mặt tích cực, vì nó sẽ làm cho hoạt động phòng, chống tham nhũng tiến về phía trước”. 

Theo Thông tư mới của Thanh tra Chính phủ, đơn tố cáo nặc danh sẽ được xem xét, xử lý
Nhiều chuyên gia khác cũng nhấn mạnh với đơn tố cáo nặc danh, quy trình phải chặt chẽ và cần đáp ứng những yêu cầu như: Không xem người bị tố giác là người có tội và người bị tố giác vẫn được hưởng tất cả quyền lợi như khi chưa bị tố giác. Đồng thời phải tiến hành thanh tra ở nhiều mức độ, nếu ở mức nhẹ thì gọi người đó tới để trao đổi và có hướng sửa chữa khắc phục.
Còn nếu căn cứ chứng minh đã rõ mà người đó vẫn chối cãi có hai bước song song: Vừa tổ chức đoàn thanh tra tiến hành thanh tra và thẩm tra lại xem có đúng như đơn, thư tố cáo không, vừa hạn chế những cái lùm xùm tai tiếng xảy ra để không làm ảnh hưởng đến cơ quan và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của người bị tố cáo. Một khi đã chắc chắn mọi cái thì tiến hành xử theo luật định ở các bước tiếp theo.
(Theo Petrotimes) Quỳnh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét