Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

‘Bánh vẽ’ nhà đất: Bắt bà Thu Nga chẳng ai bất ngờ?

Cập nhật lúc 13:53      
            
Vụ việc bà Châu Thị Thu Nga bị bắt giữ đã thổi bùng dư luận về thực trạng của việc mua bán nhà chung cư trên giấy hay lừa đảo trăm tỷ từ những dự án bánh vẽ. Tuy nhiên, với dân trong nghề, hậu quả ngày hôm nay không phải là quá bất ngờ và không ít người biết trước hậu quả vẫn ham lợi trăm tỷ lao vào.

Cách kiếm tiền của đại gia "bánh vẽ"
Bà Châu Thị Thu Nga không phải là chủ doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực bất động sản phải "xộ khám" với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hình thức chung vẫn là thế: tại một mảnh đất, cắm biển, dựng rào, bằng thông tin rỉ tai hay ầm ĩ trên truyền thông rồi xong huy động vốn ào ào. Thời thịnh vượng, chỉ cần nghe đến có dự án chung cư mới, rất nhiều người đã đổ xô đi đặt cọc, giành giật, nhất là những suất ngoại giao, suất nhân viên...
Ở đây, nhắc đến sai phạm của bà Thu Nga, rất nhiều người đặt câu hỏi, khi mà tại sao dự án chưa có gì (chưa có quyết định giao đất, chưa có quy hoạch chi tiết, chưa có giấy phép xây dựng...) mà vẫn đóng tiền?
Điều này hoàn toàn không thể trách người dân được. Bởi thực tế đã có hàng loạt dự án tương tương tự rồi vẫn trót lọt. Hay có nhiều dự án bị thanh tra ra sai phạm rồi cũng xí xóa cho qua. Chủ đầu tư thậm chí còn ngang nhiên tuyên bố mọi thủ tục rồi sẽ được hoàn tất và muốn nhanh việc có nhà đất, mua được giá tốt thì bà con góp tiền để 'chạy".


Vụ việc bà Châu Thị Thu Nga bị bắt giữ đã thổi bùng dư luận về thực trạng của việc mua bán nhà chung cư trên giấy hay lừa đảo trăm tỷ từ những dự án bánh vẽ
Điều này dẫn đến ngầm hiểu của người dân về sự thiếu sót thủ tục của các dự án như một điều mặc định, sau đó, dần dần sẽ được hợp thức hóa. Đây là một lỗ hổng mặt pháp luật tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai phạm lớn nhưng lại được coi như một 'cửa' lách thể hiện tài năng và tầm cỡ nhà đầu tư.
Trong khi đó, hồ sơ của các dự án chung cư thường... quá dày, quá nhiều văn bản. Động vào một bảng hồ sơ pháp lý của một dự án thì... không biết bao nhiêu giấy tờ: quyết định giao đất, phê duyệt các tỷ lệ, quy hoạch, thiết kế, bản vẽ kỹ thuật.. và không ít giấy tờ mang tính chuyên môn rất cao.
Trước rừng giấy tờ của các chủ đầu tư đưa ra thì quả thực người mua cũng hoàn toàn biết tin tưởng, rất khó khăn để phân biệt độ chân thực của giấy tờ. Ngoài ra, một kênh tìm hiểu mà nhiều người vẫn hay dùng là qua mạng internet. Các hồ sơ này của các dự án thường khó được cập nhật đầy đủ toàn bộ hồ sơ.
Tiền ơi, trăm tỷ bốc hơi?
Tiền của người dân đóng vào các dự án bánh vẽ sẽ đi về đâu? Đây là câu hỏi lớn nhất trong các dự án.
Các dự án "lùm xùm" trong thời gian vừa qua đều đã huy động được con số rất lớn. Nhưng công tác thi công chưa triển khai, chủ đầu tư vẫn nợ tiền nghĩa vụ đóng góp với nhà nước thì tiền đi đâu?

Các dự án "lùm xùm" trong thời gian vừa qua đều đã huy động được số tiền rất lớn
Thực tế, người mua nhà hoàn toàn không biết. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào chủ đầu tư, và cũng chả có chủ đầu tư nào báo cáo chi tiết từng khoản, từng mục nên càng mù mờ. Chưa kể, không ít chủ đầu tư còn thế chấp dự án, vay vốn ngân hàng cũng sa lầy, không triển khai được, không có tiền trả nợ mà công trình cũng vẫn cứ đứng im, không rõ dòng tiền đi đâu.
Để cứu vãn tình trạng này, một giải pháp đã được ra là ngân hàng làm trung gian. Dòng tiền sẽ do ngân hàng kiểm soát, giải ngân theo tiến độ xây dựng, đảm bảo tiền chỉ phục vụ mục đích xây dựng.
Mô hình này đã được một số đứng ra làm trung gian, áp dụng để cố cứu vãn các dự án của đại gia lừng lẫy một thời nhưng đang bê bết là Công ty Sông Đà Thăng Long. Nhưng kết quả vẫn không khả quan, "không ăn thua" khi mà dự án vẫn trễ hẹn dài dài.
Một tình huống khá oái ăm hiện nay, nhiều người mua nhà ở thời điểm giá cao, đóng tiền theo tiến độ, nhưng hiện nay, giá nhà xuống thấp, số tiền ở các mức đóng trước bằng nguyên cả căn nhà hiện tại nên không tiếp tục hợp tác với chủ đầu tư, không đóng tiền để hoàn thiện. Việc này đâm ra thành mối tranh cãi kéo dài dai dẳng giữa hai bên. Và rõ ràng, câu chuyện niềm tin sẽ còn phải được tiếp tục bàn tới và nút thắt để gỡ.
Ngoài ra, những cái tên bị mang danh lừa đảo trong thời gian vừa qua đều là những cái tên "lạ hoắc" trong làng bất động sản. Thực sự, những công ty rất mới, mà vốn lên tới hàng trăm tỷ, chủ đầu tư các dự án "hoành tráng" thì cần phải xem lại. Câu chuyện minh bạch về năng lực, về nguồn gốc vốn cung cần phải xem xét. Đương nhiên, có những doanh nghiệp làm tốt thật, nhưng cũng có những doanh nghiệp để lại hậu quả thê thảm.
Thị trường bất động sản thời gian tới chắc còn nhiều sóng gió về mặt pháp lý khi các cơ quan bảo vệ sờ gáy tới các dự án, các đại gia lừng lẫy một thời. Đó như một bước để minh bạch hóa thị trường bất động sản trước, rồi mới giải cứu tiếp.
Đây cũng là những bài học với các doanh nghiệp, có lẽ, các ông chủ nên tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tìm tòi, phát triển công nghệ mới hơn là nghe theo những lời bàn tán, rủ rê "mắt trước, mắt sau", đá ngang tạt dọc sang lĩnh vực bất động sản để rồi lĩnh hậu quả cực kỳ thê thảm.
(Theo Vef.vn) Nguyễn Thanh Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét