Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

“Muốn nói gian, làm quan mà nói”

07:49

Có 10 loại thuế phí trên một đầu xe cũng đúng, nhưng không có phí chồng phí!

(Tin tức thời sự) - 'Nếu thống kê có tới 10 loại thuế phí trên một đầu xe cũng đúng, nhưng tôi khẳng định Bộ GTVT không thu phí nào chồng phí nào hết", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nói.

PV: - Thưa ông, theo thông tin mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ cần 13.000 tỷ đồng để bảo trì đường bộ. Liệu ông có thể cho biết rõ hơn, số tiền này sẽ sử dụng vào những mục đích gì và nguồn tiền cho việc bảo trì này sẽ lấy từ đâu? 

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Trong bảo trì đường bộ sẽ có sửa chữa định kỳ (còn gọi là sửa chữa thường xuyên), sửa chữa vừa và sửa chữa lớn. Theo rà soát của Bộ GTVT, năm 2014 Bộ cần khoảng 13.000 tỷ cho công tác sửa chữa đường bộ. Trong đó bao gồm cả sửa chữa thường xuyên, sửa chữa vừa và sửa chữa lớn. 

 Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Sửa chữa thường xuyên sẽ bao gồm các công việc nhằm đảm bảo cho hoạt động trên các tuyến quốc lộ được an toàn, thông suốt. Như vệ sinh cống rãnh thoát nước, phạt cây cối... Tổng số tiền chi cho sửa chữa thường xuyên chiếm khoảng 1/3-1/4 tổng số tiền dành cho sửa chữa đường bộ. 

Trong năm 2014, Bộ GTVT dành khoảng gần 7.000 tỷ cho sửa chữa đường bộ, con số sửa chữa thường xuyên chiếm khoảng 1.500 tỷ. Số tiền này sẽ được rải đều cho các địa phương và các tuyến đường phía dưới.

Thứ hai là khoản tiền sửa chữa tập trung. Gồm sửa chữa vừa và sửa chữa lớn chiếm tỉ phần còn lại.

Để có nguồn tiền này, từ năm 2013 Bộ GTVT đã tiến hành thu phí bảo trì đường bộ. Theo tính toán, cả năm thu được khoảng 5.500 tỷ (chiếm 40%) nhu cầu sửa chữa. Số tiền còn thiếu Bộ đề nghị xin cấp từ nguồn tiền ngân sách là 1.500 tỷ, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 2/3.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã huy động sự hỗ trợ  từ các doanh nghiệp ứng trước tiền vật liệu. Số tiền này sẽ được trích từ quỹ để hoàn trả sau. 

PV: - Nguồn quỹ bảo trì này có sử dụng vào việc bảo trì các đoạn đường BOT không, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Quỹ bảo trì không dùng để sửa chữa những đoạn đường BOT. Thu phí BOT là để trả  nợ tiền đầu tư xây dựng và tiền bảo dưỡng, bảo trì trong thời gian khai thác. 

Vì vậy, chủ đầu tư BOT phải có trách nhiệm thực hiện sửa chữa những hư hỏng phát sinh trong quá trình khai thác, tăng cường công tác bảo trì, đảm bảo giao thông êm thuận, thông suốt và an toàn theo quy định tại Hợp đồng dự án và các quy định hiện hành.

PV:-  Được biết, trong năm 2013, Quỹ bảo trì đường bộ đáp ứng được 40%  kinh phí để bảo trì đường bộ (4.100/11.000 tỷ). Vậy nguồn tiền còn thiếu đó được xử lý như thế nào? Khi chưa có Quỹ bảo trì đường bộ, nguồn tiền để bảo trì đường bộ được lấy từ nguồn tiền nào và tại sao, thưa ông? 

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Năm 2013, Bộ Tài chính đã cấp trước là 1.500 tỷ đồng, số tiền còn thiếu chủ yếu Bộ GTVT vẫn tự chi. 

Tuy nhiên, cơ bản do nguồn tiền có hạn nên năm 2013, Bộ GTVT một mặt xin ứng trước kế hoạch từ ngân sách, mặt khác đã cho rà soát, đánh giá từng hạng mục, từng giai đoạn để xử lý trước. 

PV: -Thế nhưng, cách đó không lâu Cục Đăng kiểm cho biết, từ ngày 1/1-18/12/2013, cả nước đã thu được hơn 5.200 tỷ đồng, ước tính cả năm đạt khoảng 5.400 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch ban đầu của Bộ GTVT, việc thu phí bảo trì đường bộ đã thực hiện vượt con số 1.400 tỷ đồng. Vậy con số 1.400 tỷ đồng này có được đưa vào Quỹ Bảo trì đường bộ không hay được sử dụng cho những mục tiêu xã hội như trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: -Tất cả số tiền vượt thu 1.400 tỷ đều được đưa vào phục vụ công tác bảo trì. Vì năm 2013, cần khoảng 13.000 tỷ để phục vụ công tác sửa chữa đường bộ, trong khi đó tổng thu phí bảo trì đạt 5.500 tỷ và tiền ứng trước của Bộ Tài chính mới chỉ đạt 7.000 tỷ. 

Số tiền dư này là vượt so với dự tính chứ chưa vượt số tiền cần chi, vì vậy nó vẫn được dùng quay trở lại để bù số thiếu ban đầu.

Tôi khẳng định, không có chuyện sử dụng quỹ bảo trì đường bộ để hỗ trợ thất nghiệp. Tiền quỹ được hạch toàn từng cây số đường, từng công việc cụ thể để báo cáo trước Quốc hội rất cụ thể, rõ ràng.

Bộ GTVT trích quỹ bảo trì đường bộ để hỗ trợ, chi trả cho 31 cựu nhân viên Công  ty quản lý khai thác cầu Cần Thơ bị thất nghiệp là hoàn toàn chính đáng. Những công nhân này trước đây họ đều làm việc tại các trạm thu phí, phục vụ công tác thu phí giờ trạm thu phí này dừng hoạt động thì Bộ phải giúp đỡ họ.

PV: - Cùng với phí bảo trì đường bộ, phương tiện giao thông khi ra đường còn phải đóng các loại phí: phí xăng dầu (theo Nghị định 186/CP/1995), phí lưu hành đường bộ, phí qua trạm BOT. Xin ông cho biết, nguồn tiền thu về đâu và sẽ được sẽ sử dụng với mục đích gì?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Tôi không hiểu lấy đâu ra phí lưu hành đường bộ, phí xăng dầu... Hiện chỉ có phí bảo trì đường bộ, phí bảo hiểm xe và phí môi trường. Tuy nhiên, Bộ GTVT chỉ thu phí bảo trì, toàn bộ phí còn lại phải hoàn vào ngân sách nhà nước không liên quan đến Bộ GTVT.

PV: - Dư luận đặt câu hỏi, phương tiện giao thông ra đường phải đóng đủ loại phí: đường bộ, xăng dầu, quỹ bảo trì, đó là chưa tính phí BOT khi qua các đoạn đường BOT. Theo ông, đó có phải là hiện tượng phí chồng phí hay không và vì sao?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường:- Nếu thống kê có tới 10 loại thuế phí trên một đầu xe cũng đúng, nhưng tôi khẳng định Bộ GTVT không thu phí nào chồng phí nào hết. 

Tất cả hiện chỉ có phí bảo trì và phí BOT là Bộ GTVT đang thu, trong đó BOT chỉ thu khi phương tiện vận tải lưu thông trên đoạn đường này mới mất phí. Còn phí bảo trì sẽ thu theo đầu phương tiện.

PV: -Theo dự tính của ông, năm 2014 Quỹ bảo trì sẽ thu được bao nhiêu tiền quỹ và số tiền này sẽ được sử dụng như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Theo dự kiến, năm 2014 bộ sẽ cần khoảng 13.000 tỷ nữa để sửa chữa đường bộ, trong đó khoản thu dự kiến sẽ thu được khoảng 5.500 tỷ, số tiền này vẫn là chi cho sửa chữa thường xuyên, sửa chữa vừa và lớn.

Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Tài chính cấp thêm 2.500 tỷ từ ngân sách (nhiều hơn 1.000 tỷ so với năm 2013), như vậy còn thiếu khoảng 5.500 tỷ. 

Tuy nhiên để có thể đáp ứng được công tác sửa chữa đường bộ hiệu quả Bộ GTVT đã yêu cầu Cục đường bộ phải rà soát, lựa chọn những hạng mục thiết yếu để sử dụng trong khuôn khổ con số 7.500 tỷ đó.

Số tiền thiếu chủ yếu vận là vận động từ các doanh nghiệp và xin ứng trước từ ngân sách.
Xin cảm ơn ông!
Phí sử dụng đường bộ

Từ 1/1/2013 mức phí sử dụng đường bộ đối với ôtô sẽ được thu từ 130.000đ - 1.040.000đ/tháng và giảm dần theo năm…

Đây là một trong những nội dung của Thông tư số 197/2012/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ theo đầu phương tiện vừa được Bộ Tài chính ban hành

Theo đó, mức thu thấp nhất đối với loại hình ôtô là xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (đăng ký tên cá nhân) là 130.000 đồng/tháng, thấp hơn 50.000 đồng/tháng so với mức dự kiến.

Mức phí cao nhất đối với loại hình ô tô, được áp dụng cho xe tải và xe chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27 tấn trở lên là 1,04 triệu đồng/tháng hoặc 12,48 triệu đồng/năm. Trước đó, mức thu dự kiến là 1,44 triệu đồng/tháng hoặc 16,76 triệu đồng/năm.

Mức thu của mỗi tháng năm thứ 3 (từ tháng thứ 25 đến tháng thứ 30 tính từ khi đăng kiểm và nộp phí) bằng 85% mức phí của mỗi tháng năm thứ nhất.

Đối với xe máy các mức thu sẽ được tính theo năm. Cụ thể, quy định khung đối với xe có dung tích xilanh từ 100cm3 trở xuống là 50.000 - 100.000đ/xe. Xe 100cm3 trở lên là hơn 100.000 - 150.000đ/xe. Mức thu này cũng thấp hơn dự kiến.

Phí xăng dầu

Theo Nghị định số 186-CP của Chính phủ ngày 7/12/1994, có hiệu lực từ ngày 1/1/1995 quy định rõ:

Điều 1

Tổ chức, cá nhân mua xăng dầu, dầu diêzen của các tổ chức được phép nhập khẩu, chế biến xăng dầu (trừ xăng máy bay, xăng công nghiệp, dầu mazút, dầu lửa) đều phải chịu lệ phí giao thông tính vào giá bán xăng dầu.

Trường hợp xăng máy bay, xăng công nghiệp, dầu mazút, dầu lửa, nếu đưa vào sử dụng dưới bất cứ hình thức nào để chạy phương tiện đường bộ thì phải chịu lệ phí giao thông theo Nghị định này.

Điều 2

Mức lệ phí giao thông tính vào giá bán mỗi lít xăng, dầu điêzen 300 đồng (300 đồng/lít).

Khi giá thị trường biến động từ 20% trở lên, Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định điều chỉnh mức thu cho phù hợp.

Điều 3

Tổ chức được phép nhận khẩu, chế biến xăng, dầu có nhiệm vụ thu và nộp lệ phí giao thông vào ngân sách Nhà nước khi bán xăng, dầu và được trích tỷ lệ phần trăm (%) tính trên tổng số tiền lệ phí giao thông thu được để chi phí cho việc thực hiện thu, nộp lệ phí giao thông.

Bộ Tài chính quy định việc trích và quản lý sử dụng khoản tiền được trích nêu tại Điều này.

Điều 4

Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, đôn dốc các tổ chức kinh doanh xăng dầu thực hiện kê khai thu, nộp vào ngân sách Nhà nước tiền lệ phí giao thông qua giá xăng dầu.

Điều 5

Nghị định này thay thế Quyết định số 211-HĐBT ngày 9-11-1987 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-1995, những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Các loại lệ phí giao thông khác dối với các phương tiện vận chuyển đường bộ ngoài lệ phí giao thông qua giá xăng dầu theo Nghị định này, chỉ sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định mới được phép thực hiện. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phải tổ chức thu theo đầu mối thống nhất, không gây phiền hà, ảnh hưởng đến việc vận chuyển bình thường của các phương tiện giao thông.

(Theo Đất Việt) Nguyễn Vũ
Phụ đề của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét