Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

15:01

Sự kết thúc giấc mơ Mỹ?
 
Một khu “Fishtown” tồi tàn của Mỹ.
Tạp chí Newsweek vừa có bài viết đặt dấu hỏi lớn về sự kết thúc của Giấc mơ Mỹ, trong đó nêu bật yếu tố về tính bình đẳng và tình trạng đình trệ xã hội đang diễn ra theo hướng tồi tệ hơn trên đất nước này.
1. “Mỹ là nơi những điều vĩ đại có thể xảy ra”, đó là lời của Elon Musk, người sinh ra ở Nam Phi nhưng đã di cư tới Mỹ qua Canada vào những năm 1990. Sau khi lấy được bằng tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế học và vật lý học tại trường Đại học Pennsylvania, ông chuyển tới Thung lũng Silicon, dự định chuyên tâm vào ba trong số “các vấn đề quan trọng nhất mà sẽ gây ảnh hưởng lớn nhất tới tương lai của nhân loại”: Internet, năng lượng sạch và không gian. Sau khi sáng lập ra PayPal, Tesla Motors, và SpaceX, ông đã đạt được thành công đáng kinh ngạc ở cả 3 lĩnh vực. Ở tuổi 42, tài sản của ông ước tính trị giá 2,4 tỉ USD. Tuyệt vời!
Ngoại trừ những người như Musk, có bao nhiêu người trẻ tuổi có tài ở ngoài kia chẳng bao giờ có được những cơ may có tính quyết định đó? Mỹ đã trở nên bất bình đẳng hơn trong những thập kỷ gần đây. Chiến dịch tranh cử tổng thống mới đây nhất đã bị chi phối bởi điều hóa ra là một cuộc cạnh tranh không cân sức giữa “1%” (những người giàu sẽ bầu cho Mitt Romney) và “47%” (những người chắc chắn sẽ bầu cho Obama dù thế nào đi chăng nữa). Nhưng vấn đề thực sự có lẽ còn gây thất vọng hơn so với những gì mà các con số về phân chia thu nhập và của cải hàm ý. Đáng lo ngại hơn cả là bằng chứng ngày một nhiều rằng sự cơ động xã hội ở Mỹ đang suy yếu dần.
Điều gì sẽ diễn ra nếu giờ đây Mỹ tồn tại điều tồi tệ nhất ở cả hai khía cạnh: tính bất bình đẳng cao cùng với tính cơ động xã hội thấp?
Hãy bắt đầu với tính bất bình đẳng. Giờ đây khắp nơi đều biết rằng vào giữa những năm 2000, phần thu nhập đổ vào 1% dân số giàu có đã quay trở lại nơi mà chúng từng ở vào thời Gatsby Vĩ đại của F.Scott Fitzgerald. Thu nhập bình quân của 1% này cao hơn xấp xỉ 30 lần so với thu nhập bình quân của những người khác. Cuộc khủng hoảng tài chính đã thu hẹp bớt khoảng cách, nhưng không đáng kể - và tạm thời. 1% người giàu có nhất sở hữu khoảng 35% tổng giá trị thực của Mỹ - và 42% của cải tài chính (chỉ duy nhất một nền kinh tế phát triển khác có 1% sở hữu phần của cải lớn như vậy: Thụy Sĩ). Bằng cách đưa thị trường chứng khoán khôi phục tình trạng như trước cuộc khủng hoảng, Ngân hàng Dự trữ Liên bang đã không đạt được nhiều sự phục hồi kinh tế. Nhưng nó đã thành công rực rỡ trong việc khiến cho người giàu trở nên giàu hơn. Và cả con cái của họ nữa.
2. Theo Credit Suisse, chừng 1/3 trong số khoảng 1.000 tỉ phú trong năm 2012 là người Mỹ.Nhưng trong số này, chỉ dưới 30% không phải là do tự bản thân làm nên - một tỉ lệ cao hơn một cách đáng kể so với Australia và Anh. Nói cách khác, giờ đây một tỉ phú người Mỹ có khả năng nhận được tài sản thừa kế nhiều hơn so với một tỉ phú  người Anh.
 
Không phải ai đến Mỹ cũng có thể trở thành một người như Elon Musk.
Đây chỉ là một trong nhiều biểu hiện của sự suy giảm tính cơ động xã hội ở Mỹ. Theo một nghiên cứu do Viện nghiên cứu Lao động Đức công bố, 42% đàn ông Mỹ sinh ra và lớn lên thuộc mức phân chia thu nhập thấp thứ năm thì cuối cùng khi lớn lên cũng ở nguyên chỗ đó, so với chỉ 30% ở Anh và 28% ở Phần Lan. Cơ hội để một người Mỹ ở mức thu nhập thấp thứ năm đạt được mức thu nhập cao thứ năm là 1/13. Đối với một đứa bé trai người Anh hoặc người Phần Lan, tỉ lệ chênh lệch này khá hơn: có thể là 1/8. Đúng là sự phân chia thu nhập tương đối đồng đều của các quốc gia Scandinavi khiến cho việc vươn lên vị trí cao nhất từ vị trí thấp nhất trở nên dễ dàng hơn - có ít khoảng cách về tài chính phải vượt qua hơn. Anh - nước từng có cơ cấu giai cấp cứng nhắc nhất trong thế giới phát triển - giờ đây có nguy cơ đánh mất danh hiệu này cho Mỹ.
3. Giấc mơ Mỹ đã trở thành cơn ác mộng của sự ngừng trệ xã hội. Theo một nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu Pew, chưa đến 60% người Mỹ lớn lên ở mức thu nhập lớn thứ năm cuối cùng đứng ở vị trí thứ hai trên năm mức thu nhập cao nhất; một tỉ lệ cao hơn những người sinh ra ở mức thu nhập thấp thứ năm - 60,4% - cuối cùng đứng ở vị trí thứ hai trên năm mức thu nhập thấp nhất.
Đây chính là nước Mỹ được Charles Murray miêu tả rất sống động trong cuốn sách bán chạy nhất của ông, Coming Apart. Ở một đầu của cán cân xã hội, sống ở những nơi với các tên gọi như “Belmont”, là “giới tinh hoa nhận thức” khoảng 1,5 triệu người của Murray. Họ và con cái họ chi phối việc tuyển sinh vào các trường đại học hàng đầu của nước này. Họ kết hôn với nhau và tập hợp nhau lại trong chưa đến 1.000 vùng lân cận riêng biệt - những vùng đất giàu có mà Murray gọi là các SuperZip.
Ở đầu bên kia, có những nơi như “Fishtown” mà không một ai có bằng cấp gì hơn bằng tốt nghiệp trung học; số lượng trẻ em sống với bố hoặc mẹ đơn thân ngày càng tăng, thường là một “bà mẹ chưa từng kết hôn” trẻ và ít học. Những thị trấn như vậy không chỉ có tình trạng sinh con ngoài giá thú gia tăng, mà số lượng đàn ông nói rằng họ không có khả năng lao động do bệnh tật hay khuyết tật hoặc những người thất nghiệp hoặc những người làm việc ít hơn 40 giờ một tuần cũng vậy. Tội phạm lan tràn và tỉ lệ ngồi tù cũng vậy. Nói cách khác, những vấn đề từng gắn một cách không tương xứng với các cộng đồng người Mỹ gốc châu Phi giờ đây lại thường thấy trong các nhà lưu động và các khu ổ chuột thứ cấp mà những người da trắng nghèo khổ sống ở đó. Bạn sinh ra tại đó, bạn ở lại đó - trừ phi bạn bị tống giam.
Có lẽ người Mỹ thực sự không còn khỏe mạnh như 30 năm trước, mặc dù dữ liệu về tuổi thọ trung bình lại kể một câu chuyện khác. Có thể là công việc quả thực đòi hỏi khắt khe hơn về mặt thể chất, mặc dù việc dịch chuyển từ ngành sản xuất sang ngành dịch vụ lại cho thấy điều khác. Khả năng đáng tin hơn là những người có phần ốm yếu hoặc không đủ sức khỏe đã trở nên dễ dàng hơn được xếp vào nhóm bị tàn tật và nhằm chọn sự nghèo khó nhàn rỗi hơn là nghèo khó có việc làm.
Theo Viện nghiên cứu Đô thị, phần chi tiêu hiện tại của liên bang cho thanh niên là khoảng 10%, so với 41% cho các khoản không dành cho trẻ em của chương trình an sinh xã hội (Social Security), Chăm sóc sức khỏe cho người già (Medicare), và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và người tàn tật (Medicaid). Chi tiêu trên đầu người của chính phủ - gồm cả ngân sách nhà nước và địa phương - cho người già thì xấp xỉ gấp đôi cho trẻ em. Có lẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên, tỉ lệ nghèo ở trẻ em cao hơn hai lần so với tỉ lệ nghèo đối với người lớn tuổi. Hãy tự hỏi rằng: Làm thế nào mà sự cơ động xã hội có thể gia tăng ở một xã hội quan tâm tới người già nhiều hơn gấp hai lần so người trẻ?
Điều bí ẩn duy nhất vẫn còn là tại sao sự xung đột thế hệ này chưa trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong hoạt động chính trị của Mỹ?
4. Giáo dục trung học của Mỹ đang thất bại. Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, 3/4 công dân Mỹ ở độ tuổi từ 17 đến 24 không đủ điều kiện để tham gia quân đội vì họ không đạt tiêu chuẩn về thể lực, có tiền sử phạm tội, hoặc trình độ học vấn không đủ. Một phần ba những người tốt nghiệp trung học phổ thông trượt bài thi bắt buộc vào quân đội Mỹ có tên Armed Services Vocational Aptitude Battery. Hai phần năm sinh viên ở các trường đại học cần phải tham gia các khóa dành cho học sinh yếu kém để học lại những gì họ không nắm vững ở trung học.
So sánh với thế giới, nước Mỹ giờ đây nằm đâu đó ở giữa trong bảng xếp hạng về năng khiếu toán học ở độ tuổi 15. Nghiên cứu gần đây nhất của chương trình đánh giá sinh viên quốc tế thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế là rất bất lợi: trong môn toán, khoảng cách giữa thanh, thiếu niên ở Thượng Hải của Trung Quốc và Mỹ lớn như khoảng cách giữa thanh, thiếu niên Mỹ và Albania.
Nhưng điều gây sửng sốt thực sự là sự chênh lệch giữa trẻ em giàu và trẻ em nghèo. Ở độ tuổi từ 4-5, trẻ em của các gia đình nghèo thứ năm có khả năng về vốn từ tính bằng tháng chậm hơn những đứa trẻ đến từ các gia đình giàu có nhất là 21,6 tháng ở Mỹ, so với 10,6 tháng ở Canada. Tỉ lệ trẻ độ tuổi 15 bị mù chữ chức năng (dưới bậc 2 trong các bài kiểm tra PISA) là 10,3% tại Canada. Ở Mỹ, tỉ lệ này là 17,6%. Và sinh viên đến từ các nhóm giai cấp xã hội cao nhất có khả năng học đại học cao gấp hai lần so với những người đến từ các tầng lớp thấp hơn.
Kể từ giữa những năm 1990, người Châu Á liên tục chiếm khoảng 16% số sinh viên trúng tuyển vào Harvard. Theo Ron Unz, chủ bút của tờ American Conservative, tại trường Đại học Columbia, phần sinh viên Châu Á thực tế đã giảm từ 23% vào năm 1993 xuống dưới 16% vào năm 2011. Tuy nhiên, theo điều tra dân số của Mỹ, số lượng người Châu Á ở độ tuổi từ 18 đến 21 đã tăng hơn hai lần trong giai đoạn đó. Hơn nữa, người Châu Á giờ đây chiếm 28% những người lọt vào bán kết chương trình học bổng National Merit Scholarship và chiếm 39% số sinh viên ở CalTech, nơi mà việc tuyển sinh thuần túy dựa trên thành tích học tập.
Không giống như Elon Musk, nhiều người đã không tới nước Mỹ với ý định làm giàu. Của cải không hoàn toàn là “giấc mơ Mỹ”. Có người đã tới đây vì tin vào chế độ nhân tài của Mỹ, và giờ đây họ không còn chắc chắn như vậy nữa.
(Theo Lao động) Thu Hoài tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét