Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

13:52

Chống tham nhũng:

Nhiều động thái quyết liệt

 (PetroTimes) - Ngay trong những ngày đầu năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Đây là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Đảng đã có chủ trương và Nhà nước đã thể chế hóa thành những quy định cụ thể để triển khai thực hiện. Bản Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian vừa qua, việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức; việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hạn chế.
Vì vậy, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường lãnh đạo để thống nhất nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng, Nhà nước. Qua đó, phát huy tính tự giác, trung thực và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc kê khai tài sản; phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. Bản chỉ thị nhấn mạnh, việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản là tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu.
 
Nét mới trong chỉ thị này là chi ủy tổ chức việc công khai bản kê khai tài sản của đảng viên thuộc diện phải kê khai trong sinh hoạt chi bộ. Cấp ủy tổ chức công khai bản kê khai tài sản của cấp ủy viên trong sinh hoạt cấp ủy. Hình thức, thời điểm, phạm vi công khai bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức khác thuộc diện phải kê khai thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu các cấp ủy đảng lãnh đạo việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản; quản lý bản kê khai tài sản; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn...
Thực ra, các quy định về việc cán bộ, đảng viên phải kê khai tài sản đã được đặt ra từ lâu nhưng đến khâu thực hiện cứ như “nước đổ đầu vịt”. Ngay trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đã thẳng thắn nhận xét, chúng ta có kê khai mà không công khai. Bảng kê khai tài sản thường được cất rất ngăn nắp, kín đáo, cẩn mật trong tủ hồ sơ của các cơ quan quản lý cán bộ mà không công khai niêm yết ở các cơ quan, nơi người công tác thường trú hoặc nơi công tác. Kể ra những dẫn chứng thật như đùa về việc một cậu bé mới lớn mà đã tích lũy được cả biệt thự sang trọng, ôtô đắt tiền và vài lô đất trong phố, đại biểu Lê Như Tiến muốn nói lên sự thiếu nghiêm túc trong quản lý việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản thu nhập của cán bộ. Cũng vẫn chuyện kê khai tài sản thu nhập, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho biết, từ khi ứng cử đại biểu Quốc hội thì ai cũng phải kê khai, minh bạch tài sản; nhưng khai rồi cũng để đấy chứ chẳng thấy ai kiểm tra, giám sát, cũng không thấy truy đến cùng tài sản ấy, mà cứ chờ đợi vào sự tự giác cá nhân.
Ý kiến của đại biểu Quốc hội đã gợi ra một bức tranh xác thực về thực trạng kiểm soát thu nhập từng được đề ra ở nước ta từ chục năm nay. Nhưng chính hệ thống chính trị của ta đã bỏ qua cơ hội để giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên mà theo cách ngăn chặn, răn đe, phòng ngừa thông qua việc minh bạch tài sản. Kết quả đáng buồn là, trong rất nhiều trường hợp, chúng ta vừa mất cán bộ vừa khiến dân mất niềm tin.
Năm 2013, Cơ quan Thanh tra phát hiện 73 vụ/80 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi 115 tỉ đồng; đã thu 59 tỉ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 4 tập thể/28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 11 vụ/34 đối tượng. Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ/584 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2% số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2%. Một số đại án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời.
Chuyên gia Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc Jairo Acuna-Alfaro dẫn nhận xét của Thanh tra Chính phủ là hàng chồng hộp đựng kê khai tài sản quan chức chưa được Việt Nam mở ra. Chuyên gia này cho rằng, Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị rất đúng đắn và đây có lẽ là thời điểm để Đảng Cộng sản Việt Nam tăng cường hơn nữa vai trò trong việc xử lý tham nhũng. Việt Nam đã có rất nhiều quy định, văn bản được ban hành về chống tham nhũng như Nghị quyết 21, Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định 78. Việt Nam có chính sách khá hoàn thiện, nhưng có lẽ đã đến lúc cần phải bắt đầu thực thi nghiêm túc. Những kinh nghiệm thành công của quốc tế cho thấy, quan chức kê khai minh bạch thì việc kiểm tra tính chính xác của bản kê khai càng dễ dàng. Điều quan trọng thứ hai là dư luận phải được tiếp cận với thông tin kê khai tài sản, đặc biệt là báo chí.
Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phòng chống tham nhũng là một yêu cầu, nội dung lớn của Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng. Sau gần 1 năm được thành lập trực thuộc Bộ Chính trị và đi vào hoạt động, ban đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và bước đầu làm được một số việc. Đã thúc đẩy việc xử lý, giải quyết một số vụ tham nhũng tồn đọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ban chỉ đạo đã quyết định đưa tám vụ án, hai vụ việc vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo trong năm 2013 và sẽ xem xét đưa thêm một số vụ án, vụ việc khác vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo trong năm 2014.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, đấu tranh phòng chống tham nhũng là một công việc lâu dài, rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách đồng bộ, toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp, trong đó phòng phải là cơ bản, chống phải làm quyết liệt. Tốt nhất là đừng để nó xảy ra; phải tìm cách ngăn chặn, răn đe trước, làm cho người ta không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng... Còn khi đã xảy ra rồi thì phải kiên quyết xử lý; xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp. Xử lý nghiêm cũng là biện pháp phòng ngừa tích cực…
Như vậy có thể thấy, năm mới trên mặt trận chống tham nhũng đã xuất hiện những động thái mới đem lại sinh khí cho cuộc chiến đấu quyết liệt chống quốc nạn tham nhũng.
(Theo Petrotimes) Bảo Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét