08:05
“Miếu thờ quan” và các quan “lợi ích”
Từ ngàn xưa, đã có thành ngữ
một người làm quan cả họ được nhờ. Có điều, xưa thì còn nhờ, chứ thời nay
thì… bổ luôn. Thời hội nhập nên “hiện đại” hơn.
I- Năm cũ Quý Tỵ sắp qua, năm mới Giáp Ngọ
sắp đến, bỗng có câu chuyện về một ông quan khiến dân lập đền thờ, nổi bật
trên nhiều trang báo, giữa lúc xã hội ồn ào bàn luận không ngớt những vụ “đại
án” toàn các quan chức tham nhũng, lừa đảo, chiếm đoạt tiền của công. Ông
quan đó là Phan Thế Phương, nguyên Giám đốc Sở Thủy sản Thừa Thiên- Huế.
Nghe mà như chuyện cổ tích thời
hiện đại. Có tấm lòng thơm thảo thương dân, thương người nghèo. Có những gian
khó như thử thách phẩm cách một ông quan chính trực. Và có cả mất mát thương
đau. Nhưng những mất mát thương đau, lại làm bộc lộ cái tình, sự tri ân sâu
sắc của người dân với ông quan Phan Thế Phương, đến mức ông đã thành… “thần”
trong tâm linh họ. Khi người dân vùng phá Tam Giang lập miếu thờ ông là “ông
tổ” nghề nuôi tôm, tôn ông là Thành hoàng làng. Những ngày giỗ, ngày lễ tết,
họ đến thắp hương cầu nguyện cho ông.
Nhân dân và lịch sử, rút cục bao
giờ cũng rất công bằng, công tâm. Nếu nhìn rộng ra ở đời.
Phá
Tam Giang vốn nổi tiếng, cả khi bước chân vào văn chương, với hai câu ca dao: Thương emanh cũng muốn vô/ Sợ
truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang. Phá Tam Giang (vụng biển hiểm
trở, sóng gió, nhiều con nước xoáy) trong quá khứ xa xưa, người dân chài rất
hãi sợ bởi nơi đây đầy đầm lầy lau lách, nơi trú ngụ của đạo tặc. Nhưng những
năm 80, hơn 30000 người dân chài sống vất vưởng trên những vạn đò, còn hãi sợ
hơn một loại giặc khác-“giặc đói”.
Đã thế, con người luôn mong manh
trước thiên tai. Trận bão 1985 khiến hàng ngàn người dân bị chết, hơn 300
người bị cuốn trôi ra biển không tìm thấy xác, những người còn sống “trắng
tay”.
Cũng là lúc ông Phan Thế Phương
về với dân làng chài. Vận động dân lên bờ định cư. Thôn 14, xã Quảng Công
(huyện Quảng Điền) với vỏn vẹn 36 hộ dân, lần đầu tiên ra đời. Không ai nói
đến sự vất vả của ông những ngày vận động người dân định cư để định canh,
thay đổi tập quán sống từ dưới nước lên trên bờ, từ nay đây mai đó hoang sơ
đến có một nếp nhà trên đất liền.
Chỉ
biết, lần đầu tiên người dân vạn chài quen đánh bắt tôm cá tự nhiên, bản năng
kiểu “trôngtrời trông đất trông mây”, đến biết bắt tay
“nuôi trồng” thủy sản.
Lần đầu tiên họ làm quen với be
bờ, đắp ao, cho tôm ăn, theo dõi tôm bị bệnh. Lần đầu tiên họ biết đến khái
niệm “chuyển giao kỹ thuật” từ các kỹ sư nuôi trồng thủy sản do ông đưa về.
Lần đầu tiên, năm 1988, 02 hec
ta tôm nuôi đầu tiên ở thôn 14 thành công, lãi hàng chục triệu đồng.
Và lần đầu tiên, năm 1989, sau
thành công bước đầu, là “hội nghị đầu bờ” tại thôn 14, để rồi việc nuôi trồng
thủy sản triển khai toàn tỉnh Thừa thiên- Huế.
Tất
cả những lần đầu tiên ngỡ ngàng, gian nan, mầy mò vất vả
ấy để có một cái kết cuối cùng có hậu- năm 2013, diện tích nuôi trồng thủy
sản toàn tỉnh Thừa thiên- Huế lên tới 6200 hec ta, với sản lượng gần
10000 tấn hải sản, và hàng vạn hộ dân đầm phá Tam Giang đổi đời. Giặc đói
hoàn toàn đẩy lùi.
Thôn 14 giờ đã có những “vua
tôm”, đời sống dân chài vào loại sung túc nhất, diện mạo sầm uất như phố thị.
Chỉ có điều ông Phan Thế Phương
không còn nữa, để được nhìn những thành quả lao động của mình- mà đất nước
công nhận- Anh hùng Lao động thời đổi mới. Ông đã ra đi sau một tai nạn giao
thông bất ngờ trên đường công tác.
Nhưng đến lượt dân vạn chài phá
Tam Giang, giờ đây không rời xa ông. Hệt như khi còn sống, ông đã không bao
giờ rời xa họ.
Nhiều người dân ở phá Tam Giang
đã già đi, con cháu họ lại tiếp tục gắn bó với tinh thần, tấm lòng và phẩm
cách của một ông quan vì dân. Khi ngôi trường THCS xã Quảng Công mới đây được
mang tên ông- Trường THCS Phan Thế Phương. Ngôi miếu thờ ông dựng ngay bên bờ
những ruộng tôm, quay mặt ra phía trời, nước phá Tam Giang. Người dân như
muốn để ông chứng kiến một phá Tam Giang đã thay da đổi thịt, từ ông. Còn ông
thực ra, đã được “tạc” ngay trong tâm khảm họ.
Có công, dân dựng đền thờ. Câu nói của người xưa đã linh nghiệm
vào chính con người và cuộc đời của ông quan Phan Thế Phương. Một cuộc đời
công bộc đầy ý nghĩa và đáng kính trọng.
*********
II- Thế nhưng, trong xã hội này, có bao
nhiêu ông quan được như ông Phan Thế Phương. Sống dân trọng, chết dân thương,
thậm chí thờ như thần linh? Chắc chắn là rất hiếm, cực hiếm!
Bởi một điều, cái sự “vì dân thì
ít, vì tham thì nhiều” của không ít vị quan chức giờ đây, nó … điển hình quá.
Nhiều như hàng chục vụ đại án tham nhũng đã và sắp xử nay mai trong năm mới
2014, mà vụ nào cũng phải cả dây, đã là một câu trả lời sinh động và chát
chua.
Trả
lời báo laodong. com, ngày 20/01 mới đây về các vụ đại án, ông Lê Như Tiến,
Phó Chủ nhiệm UBVHGD Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH có một nhận
xét đáng chú ý: Các đại
án cho thấy đục khoét ngân khố lớn nhất là các nhóm lợi ích.
Nhóm lợi ích có
thể thấy, là “nhân vật ngầm”, không thấy diện mạo nhưng vòi bạch tuộc của nó
có thể thò vào bất cứ đâu, chi phối tất thảy các vấn đề lớn của kinh tế- xã
hội. Từ những hiện tượng tiêu cực, tệ nạn như tham nhũng, đến chủ trương tích
cực như tái cơ cấu kinh tế. Một câu hỏi từng được đặt ra: Vì sao tiến độ
triển khai tái cơ cấu kinh tế rất chậm chạp?
Và
chính các chuyên gia kinh tế trả lời, bằng sự nghi vấn: Hình như vẫn còn chần chừ, do
dự ở các bộ, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, muốn níu kéo lại những gì đã
có, nên chưa có những cải cách đáng kể thực sự theo cơ chế thị trường
và hội nhập. Trong
khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn: Chính nhóm lợi ích là vật cản
lớn nhất quá trình tái cơ cấukinh tế. Đương nhiên nhóm lợi ích ở
đây phải là có quyền, có lực, có thế- là các “quan… lợi ích”.
Còn
Ts Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN rất tinh tế khi cho rằng: Phải “cưỡng chế” tái cơ cấu! Phải tiếp cận tái cơ cấu từ trên
xuống chứ không phải từ dưới lên theo đề xuất tái cơ cấu, thì áp lực tái cơ
cấu mới mạnh. Nhu cầu khách quan từ dưới lên tức là từ cuộc sống nhưng áp lực
phải từ trên xuống, như thế mới gọi là cưỡng chế tái cơ cấu, buộc phải tái cơ
cấu nếu không sẽ rơi vào tình trạng dưới đi xin tái cơ cấu là rất khó.(Đất
Việt, ngày 20/01)
Bản chất của cơ chế quản lý các
tập đoàn, DNNN là nặng tính xin- cho. Tái cơ cấu càng chậm chạp, là càng kéo
dài cơ chế xin- cho, cũng càng là cơ hội để các nhóm lợi ích trục lợi, mà
thực chất, là mảnh đất mỡ màu cho tham nhũng nảy nở. Cái vòng luẩn quẩn có
“động lực riêng” của nó.
Dân
gian từ xa xưa có câu nói buôn có
bạn, bán có phường. Nhưng thực ra ngày nay, tham cóphường, tù có bạn,
chả ai dại gì tham một mình, tù một mình. Chả thế, các vụ đại án nào ra hầu tòa,
cũng một lô một lốc các vị quan chức, từ lớn đến bé, từ già đến trẻ, từ nam
đến nữ, đủ mặt ‘anh tài, chị tài”. Không tin, cứ hỏi các… đại án!
Thậm chí, có những đại án, giữa
chủ tịch và tổng giám đốc tổng công ty, trong đời sống họ rất ghét nhau, mâu
thuẫn nhau, nhưng trong tham nhũng, họ vẫn là “hai anh em chung… chi một
chiến hào”. Điều đó, nó phản ảnh tính chất hệ thống, phản ánh “lỗi hệ thống”
ăn sâu, bám chắc vào cơ thể tập đoàn, DNNN từ trên xuống dưới, tạo ra một vỏ
bọc tự vệ cực kỳ cốt thép, trước cái cơ chế quản lý kinh tế quan liêu, hình
thức và cực kỳ lỏng lẻo, nhưng lại nặng bệnh nói dối.
Chính vì thế, chỉ là một chức
quan tép riu- Phó Trưởng phòng quản lý rủi ro của Vietinbank (t/p HCM), và
thủ đoạn chỉ cần táo tợn, “siêu lừa” Huyền Như vẫn đủ sức chiếm đoạt gần 4000
tỷ đồng, qua mặt cả các ngân hàng “cáo già”.
Nhóm
lợi ích là “con đẻ” của bất cứ quốc gia nào, của xã hội nào. Như ở nước Nga,
năm 2013, Thống đốc Ngân hàng Trung
ương Nga Sergei Ignatiev cho biết có tới 49 tỉ USD đã bị tuồn khỏi nước này
một cách bất hợp pháp vào năm trước. Các vụ chuyển vốn này, bằng khoảng 2,5%
sản lượng kinh tế hàng năm của Nga, được điều khiển bởi "một nhóm cá
nhân có tổ chức chặt chẽ.(LĐO, ngày 22/02/2013)
Nhưng chắc chắn “nhóm lợi ích”
sẽ lớn nhanh, lớn mạnh, lớn vững chắc, chừng nào nền quản trị của bất cứ quốc
gia nào còn xơ cứng về tư duy, bảo thủ và duy ý chí về phương cách quản lý
kinh tế- xã hội. Đó là cái giá đắt phải trả.
Bằng cách sống vì dân, vô vụ
lợi, cuộc đời ông quan Phan Thế Phương hẳn sẽ truyền cảm hứng sống cho những
thế hệ trẻ, là những em học sinh ở ngôi trường mang tên ông- THCS Phan Thế
Phương, kế thừa tinh thần và nhân cách sống của ông. Còn các "quan lợi
ích", họ cũng có cách của họ.
Không
phải ngẫu nhiên, ngày 13/01, Tạp chí Cộng Sản có bài viết Hậu duệ và trí tuệ.
Ở bài viết này, tác giả phân tích hiện tượng tiêu cực trong công tác đề bạt,
bổ nhiệm cán bộ qua câu vè dân gian với nhiều dị bản khác nhau: "Nhất
hậu duệ/ Nhì quan hệ/ Ba tiền tệ/ Tư trí tuệ". Điều đáng chú
ý là ở tất cả các dị bản đó, trí tuệ đều bị xếp ở cuối bảng tổng sắp. Và từ
thực tế, thì cầu vè “xếp hàng” thứ tự: Nhất
hậu duệ…., là phản ánh sinh động và “yêu thương” nhất, cách bổ
nhiệm cán bộ kế cận. Nói như tác giả bài báo là,các cụ “bế” con, cháu mình
lên đặt vào những chiếc ghế đầy quyền lực.
Thật
ra, câu vè hiện đại này không mới. Vì từ ngàn xưa, đã có thành ngữmột
người làm quan cảhọ được nhờ. Có điều, xưa thì còn nhờ, chứ thời nay thì… bổ luôn. Thời hội nhập nên “hiện đại”
hơn.
Đương
nhiên, cũng vẫn có những “hậu duệ” tài năng. Nhưng về nguyên tắc, cái sự bổ
“hậu duệ” khi mà chưa trải qua thực tiễn đời sống, vượt qua tất cả những quy
định tổ chức, và “hậu duệ” còn được bế bồng lên ghế thì đương nhiên, nó chỉ báo
hiệu ba điều: Một, “hậu duệ” phải đứng kiễng chân, tự làm khổ mình, làm
khổ tập thể. Hai, là tạo ra những kẻ cơ hội, nịnh bợ lăm le xây dựng e kip.
Ba, là bản thân “hậu duệ” cũng phải xây dựng cho mình một nhóm lợi ích măng
non, kiểu cha mẹ truyền con nối. Cái câu vè - lý thuyết mầu xám đó mà càng
hoàn thiện, càng đi vào thực tiễn, thì “cây đời” kinh tế- xã hội chỉ có xám
xịt.
Nhưng dù sao Xuân sắp về, những
tín hiệu mới cũng phát lên, che lấp những bi kịch đại án chả lạc quan tý nào
nay mai sắp được xử.
Mới đây, ngày 22/01, làm việc
với nhóm chuyên gia tư vấn, người đứng đầu Chính phủ cho biết trong năm nay
2014, và năm 2015, phải cổ phần hóa 500 tập đoàn, tổng công ty, DNNN
(VietNamNet, ngày 23/01).
Đó cũng là công việc trọng tâm,
giải pháp căn bản bảo tài sản công, vốn liếng được đầu tư hiệu quả, đồng thời
theo đó, doanh nghiệp phải hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường. Sẽ công
khai danh sách các công ty phải cổ phần hóa. Ngoài giá xăng đã theo cơ chế
thị trường không còn bù lỗ, than theo giá xuất khẩu, giá điện sẽ phải được
“minh bạch” để xem các yếu tố hình thành giá, chi phí khấu hao, công khai rõ
để xã hội kiểm soát.
Sự công khai, minh bạch bao giờ
cũng là “khắc tinh” của đi đêm, tham nhũng.
Rõ ràng, những tín hiệu tích cực
bước đầu đã phát lên giữa thanh thiên bạch nhật. Chỉ còn chờ thái độ tiếp
nhận của 500 tập đoàn, tổng công ty, DNNN.
Hay là, các quan “lợi ích” trả
lời?
(Theo VietNamnet) Kỳ Duyên
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét